Giáo Phận Hải Phòng

http://gphaiphong.org


Điểm sách - Tính hiệp hành trong đời sống và sứ vụ của Hội thánh

Chiều kích hiệp hành của Hội thánh đòi hỏi lắng nghe một cách cẩn thận Chúa Thánh Thần, trung thành với giáo huấn của Hội thánh, đồng thời, biết sáng tạo, để khám phá và thiết lập những công cụ thích hợp nhất cho sự tham gia có trật tự của tất cả mọi người, để trao đổi qua lại các ân huệ, để đọc một cách chính xác các dấu chỉ thời đại, để lập kế hoạch hiệu quả cho sứ vụ của Giáo hội.

Hướng tới một Hội thánh hiệp hành: Hiệp thông ‐ Tham gia ‐ Sứ vụ chính là chủ đề của Thượng hội đồng Giám mục sẽ được nhóm họp vào năm 2023. Tuy nhiên, vào ngày 09/10/2021, ĐTC đã khai mạc Thượng hội đồng, và từ cuối năm 2021, tại các giáo xứ, Giáo phận ở Việt Nam đã bắt đầu tiến trình chuẩn bị cho Thượng hội đồng. Trong thời gian qua, chúng ta cũng được nghe chia sẻ nhiều về “tính hiệp hành” trong Hội thánh từ các vị Giám mục và linh mục.

Để hiểu hơn nữa về “tính hiệp hành” trong tiến trình Thượng hội đồng “Vì một Giáo hội hiệp hành – hiệp thông – tham gia và sứ vụ”, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị cuốn sách với tựa đề: “Tính hiệp hành trong đời sống và sứ vụ của Hội thánh”. Sách được thực hiện bởi Ủy ban Thần học Quốc tế, trình bày những nền tảng Kinh thánh, thần học, lịch sử của khái niệm “hiệp hành”; đồng thời đưa ra những nguyên tắc thần học theo Giáo Hội học Công giáo, làm nền tảng cho những định hướng mục vụ cụ thể. Sau đó, cuốn sách này đã được phê duyệt bởi Đức Hồng y Luis F. Ladaria S.J., Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, người đã cho phép xuất bản vào ngày 02 tháng 3 năm 2018, sau khi nhận được trả lời đồng ý từ Đức Giáo hoàng Phanxicô.

Sách được Việt ngữ bởi Lm. Nguyễn Văn Hương và được Đức giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm viết lời giới thiệu. Đức giám mục viết: Hiệp hành là khái niệm xem ra còn mới mẻ và xa lạ với phần đông tín hữu Công giáo tại Việt Nam, vì thế hiểu đúng về Hội thánh hiệp hành là điều cần thiết khi toàn thể Dân Chúa được mời gọi tham gia tiến trình của Thượng hội Đồng Giám mục với chủ đề: Hướng tới một Hội thánh hiệp hành: Hiệp thông ‐ Tham gia ‐ Sứ vụ.

Mở đầu cuốn sách nói về thuật ngữ ‘hiệp hành’ trong tiếng Anh là Synodality, tiếng Ý là sinodalità, và tiếng Pháp là synodalité. Thuật ngữ này có thể dịch sang tiếng Việt là “tính hiệp hành”, “tính đồng nghị”, “tính công nghị” hay “tính liên hiệp’’. Tuy nhiên, để có tính đồng nhất ngôn ngữ, thuật ngữ  “tính hiệp hành” được chọn để dịch cho toàn văn bản này. Ngoài ra, thuật ngữ hiệp hành cũng được HĐGM Việt Nam chọn khi nói về Thượng hội đồng Giám mục sắp tới và được sử dụng lần đầu trong thư chung gửi cộng đồng Dân Chúa, vào tháng 10 năm 2019. Khái niệm tính hiệp hành (synodality) ám chỉ sự tham gia và tham dự của toàn thể Dân Chúa vào đời sống và sứ vụ của Hội thánh.

Trước hết về hạn từ “Synod ‐ hội nghị” là một từ cổ xưa và đáng kính trong Truyền thống Hội thánh, ý nghĩa của nó dựa trên những nội dung sâu xa nhất của mặc khải. Được cấu tạo bởi giới từ συν (với) và danh từ όδός (con đường), hạn từ này chỉ ra con đường phía trước mà Dân Chúa cùng nhau tiến bước. Trong tiếng Hy Lạp được Hội thánh dùng để diễn tả các môn đệ của Chúa Giêsu được triệu tập cùng nhau như một cộng đoàn. Chẳng hạn, thánh Gioan Kim Khẩu viết rằng Hội thánh là từ đồng nghĩa với việc ‘cùng nhau tiến bước’ (σύνοδος).

Từ những thế kỷ đầu tiên, từ “synod - hội nghị” đã được áp dụng, với một ý nghĩa cụ thể, cho các cộng đoàn Hội thánh được quy tụ trên nhiều cấp độ khác nhau (giáo phận, giáo tỉnh, giáo miền, thuộc tòa thượng phụ hoặc phổ quát) để phân định, nhờ ánh sáng Lời Chúa và lắng nghe Chúa Thánh Thần, những vấn đề về giáo lý, phụng vụ, giáo luật và mục vụ xuất hiện theo dòng thời gian.

Tiếp đó, tác giả đi từ Kinh thánh, trong đó sách Cựu ước cho thấy Thiên Chúa đã sáng tạo con người, đàn ông và đàn bà, theo hình ảnh Người và như một hữu thể có xã hội tính, họ được kêu gọi để cộng tác với Người bằng cách tiến bước về phía trước theo dấu chỉ của sự hiệp thông, bằng cách quan tâm đến vũ trụ và hướng nó tới mục đích của nó (St 1,26-28).

Sau đó, tại Công đồng Giêrusalem, tất cả mọi người đều lắng nghe Chúa Thánh Thần qua việc chứng kiến hành động của Thiên Chúa và mỗi người đưa ra phán quyết của mình, các ý kiến khác nhau ban đầu nay hướng tới sự đồng thuận và nhất trí (Cv 15,25), đó là kết quả của sự phân định cộng đoàn phục vụ cho sứ vụ loan báo Tin mừng của Hội thánh. Cách xử lý của Công đồng Giêrusalem là một minh chứng sống động về sự kiện rằng con đường Dân Chúa tiến về phía trước là một điều gì đó có trật tự và được suy tính kỹ càng, ở đó mỗi người có một vị trí và vai trò cụ thể. Ngoài ra, khi thực thi các vai trò khác nhau của mình, các môn đệ có trách nhiệm lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần và phân định con đường phải đi (x. Cv 5,19-21; 8,26.29.39; 12,6-17; 13,1-3; 16,6-7.9-10; 20,22).

Vào đầu thế kỷ II, Ignatiô thành Antiokia mô tả sự hiểu biết hiệp hành về các Hội thánh địa phương khác nhau, những Hội thánh tự coi mình là cùng nhau biểu lộ một Hội thánh duy nhất. Trong lá thư gửi cộng đoàn ở Êphêsô, ngài nói rằng tất cả các thành viên của nó đều là σύνοδοι, “những người đồng hành trên cuộc hành trình,” nhờ phẩm giá của phép Rửa tội và tình bạn của họ với Chúa Kitô.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, nhân dịp Năm Thánh 2000, đã đưa ra một đánh giá về con đường đã đi để nhập thể - theo sự phù hợp với giáo huấn của Công đồng Vaticanô II - là chính yếu tính của mầu nhiệm Hội thánh qua các cấu trúc của sự hiệp thông. Ngài nhấn mạnh rằng chúng ta đã làm được nhiều việc - “nhưng chắc chắn còn nhiều việc phải làm, để nhận ra tất cả tiềm năng của những công cụ hiệp thông này... (và) để trả lời kịp thời và hữu hiệu cho những vấn đề mà Hội thánh phải đối mặt trong những thời đại thay đổi chóng mặt này.”

Nhờ tính hiệp hành, Hội thánh biểu lộ và định hình mình như là Dân Thiên Chúa lữ hành và như một cộng đoàn do Chúa Phục Sinh triệu tập. Tính hiệp hành không chỉ đơn giản là một thủ tục làm việc, mà là một hình thức đặc biệt trong đó Hội thánh sống và hoạt động.

Sách gồm dẫn nhập và bốn chương:

Dẫn nhập: Thời đại (kairós) của tính hiệp hành (hội nghị, Công đồng, tính hiệp hành - Hiệp thông, tính hiệp hành, tính hiệp đoàn - Một ngưỡng cửa mới sau Công đồng Vaticanô II)

Chương 1: Tính hiệp hành trong Kinh thánh, truyền thống và lịch sử như: Kinh thánh - Chứng tá của các Giáo phụ và Truyền thống trong thiên niên kỷ thứ nhất - Sự phát triển của thủ tục hiệp hành trong thiên niên kỷ thứ hai)

Chương 2: Hướng tới một nền thần học về tính hiệp hành như: Nền tảng thần học của tính hiệp hành - Con đường hiệp hành của Dân Chúa lữ hành và truyền giáo - Tính hiệp hành như một diễn tả Giáo Hội học hiệp thông - Sự tham gia và thẩm quyền trong đời sống hiệp hành của Hội thánh.

Chương 3: Thực hiện tính hiệp hành: đối tượng, cơ cấu, quá trình và sự kiện hiệp hành như: Ơn gọi hiệp hành của Dân Chúa - Tính hiệp hành trong Hội thánh địa phương - Tính hiệp hành trong Hội thánh hoàn vũ.

Chương 4: Hoán cải để canh tân tính hiệp hành như: Để canh tân đời sống và sứ vụ của Hội thánh mang tính hiệp hành - Lắng nghe và đối thoại để phân định cộng đoàn.

Kết luận: Cùng nhau hành trình trong sức mạnh của Thánh Thần

Tóm lại, chiều kích hiệp hành của Hội thánh phải được thực hiện bằng việc ban hành và hướng dẫn các tiến trình phân định làm chứng cho tính năng động của sự hiệp thông, vốn là nguồn cảm hứng cho mọi quyết định của Hội thánh… Chiều kích này đòi hỏi lắng nghe một cách cẩn thận Chúa Thánh Thần, trung thành với giáo huấn của Hội thánh, đồng thời, biết sáng tạo, để khám phá và thiết lập những công cụ thích hợp nhất cho sự tham gia có trật tự của tất cả mọi người, để trao đổi qua lại các ân huệ, để đọc một cách chính xác các dấu chỉ thời đại, để lập kế hoạch hiệu quả cho sứ vụ của Giáo hội. Để đạt được mục đích này, việc áp dụng chiều kích hiệp hành của Hội thánh phải hội nhập và cập nhật di sản của trật tự cổ xưa của Hội thánh bằng các cơ cấu hiệp hành được gợi hứng bởi Công đồng Vaticanô II, và phải mở cửa cho việc tạo dựng các cơ cấu mới.

Như lời Đức thánh cha Phanxicô phát biểu nhân lễ kỷ niệm 50 năm thành lập định chế Thượng Hội đồng Giám mục: “Con đường của tính hiệp hành chính là con đường mà Thiên Chúa mong đợi nơi Hội thánh trong thiên niên kỷ thứ ba”, ngài nhấn mạnh rằng, quả thật, tính hiệp hành “là một chiều kích cốt yếu của Giáo hội”, theo nghĩa là “điều Chúa đang đòi hỏi chúng ta đã chứa đựng trong chính hạn từ này.”

Tác phẩm Tính hiệp hành trong đời sống và sứ vụ của Hội thánh dày 111 trang trên khổ giấy 14.5 x 20.5 cm. Có lẽ, cuốn sách phù hợp hơn với những ai muốn tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa của ‘tính hiệp hành’ qua Kinh thánh và truyền thống Giáo hội để từ đó hiểu hơn hoặc hướng dẫn trong tiến trình chuẩn bị Thượng hội đồng tại các giáo xứ, giáo phận.

Kính thưa quý thính giả, không phải cuốn sách nào cũng phù hợp với tất cả mọi người, hay cũng không có người nào phù hợp với mọi cuốn sách.

Nếu sau khi đã nghe mục ‘điểm sách’ tuần này, và bạn phân vân không biết liệu tác phẩm “Tính hiệp hành trong đời sống và sứ vụ của Hội thánh” có phù hợp với mình hay không, bạn có thể tìm đọc tại các nhà sách công giáo hay tra cứu trên internet để tìm hiểu thêm về tác phẩm trước khi có quyết định cuối cùng. Hoặc có thể chờ một tác phẩm tiếp theo sẽ được giới thiệu vào tuần tới.

Tác giả bài viết: Văn Cương, SJ

Nguồn tin: www.vaticannews.va