Giáo Phận Hải Phòng

http://gphaiphong.org


Caritas châu Âu hưởng ứng lời kêu gọi của ĐTC về mức lương tối thiểu

Caritas châu Âu hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha về mức lương tối thiểu, để “không ai bị bỏ lại đàng sau”.
screenshot 1645881100

Trong một báo cáo gần đây, Caritas châu Âu chỉ ra tình trạng nghèo đói ở châu Âu hiện nay tập trung vào những thách đố mà nhiều người phải đối mặt, đó là việc tiếp cận thị trường lao động, hậu quả của đại dịch.

Với tiêu đề “Chăm sóc! Báo cáo nghèo đói châu Âu 2021”, Caritas nhấn mạnh sự cần thiết của các thị trường lao động để đảm bảo không ai bị bỏ lại đàng sau.

Một trong những vấn đề được đề cập trong báo cáo và trong cuộc đối thoại sau đó với bà Helena Dalli, Cao ủy Liên minh châu Âu về Bình đẳng, là sự cần thiết của các chỉ thị châu Âu về thu nhập tối thiểu, lời kêu gọi do Caritas châu Âu và các tổ chức đối tác đưa ra vào tháng 11/2020.

Đó cũng là vấn đề được Đức Thánh Cha nhấn mạnh trong thư gửi đến Các Phong trào Nhân dân. Đức Thánh Cha đã kêu gọi xem xét Mức lương Cơ bản Chung cho các Kitô hữu và tất cả người lao động.

Bà Shannon Pfohman, Giám đốc khu vực về Chính sách của Caritas châu Âu cho biết, đại dịch đã đặt ra các rào cản cơ cấu lớn tác động đến các nhóm người trên thị trường lao động với tỷ lệ thất nghiệp cao hơn nhiều so với các nhóm dân khác. Các nhóm mà Caritas xác định bao gồm người di cư, người lao động lớn tuổi, người khuyết tật, đặc biệt những người có hoàn cảnh khó khăn và phụ nữ.

Bà Pfohman nói, chưa bao giờ nhiều người ở châu Âu cần đến các dịch vụ của Caritas như trong lúc này. Họ không phải là những người từng mất việc làm và nghèo đói trong thời gian dài, nhưng là những người bị đột ngột mất kế sinh nhai và nơi trú ngụ.

Trong thời gian này, Nghị viện châu Âu và Hội đồng các quốc gia thành viên đang thảo luận về Mức lương tối thiểu. Bà Pfohman hy vọng châu Âu sẽ đồng ý về một số sáng kiến để đảm bảo quyền và phẩm giá của nhiều người lao động nhằm duy trì hoạt động của xã hội.

Với lời kêu gọi của Đức Thánh Cha, đại diện Caritas châu Âu tin rằng tiếng nói của người đứng đầu Giáo hội Công giáo rất quan trọng để việc bảo vệ những người đang bị bỏ lại đàng sau được các quốc gia châu Âu thực sự chú ý đến, và hiểu rằng đây là vấn đề liên kết với các vấn đề khác nữa.

Cuối cùng, đề cập đến một vấn đề khác được Đức Thánh Cha thường chú ý, bà Pfohman nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường ý chí chính trị và đầu tư công sức vào hoạt động thanh tra lao động và các cơ quan tư pháp nhằm thực thi các quy tắc và quy định hiện hành về lao động không chính thức.

Tác giả bài viết: Ngọc Yến

Nguồn tin: www.vaticannews.va