Giáo Phận Hải Phòng

http://gphaiphong.org


Chay tịnh giúp phục hồi tương quan với Thiên Chúa

MỤC SUY TƯ

Chay tịnh giúp phục hồi tương quan với Thiên Chúa

 

Việc ăn chay của chúng ta có nghĩa là nhớ lại tội của Ađam và Evà, họ đã không thể giữ chay trong Vườn Địa Đàng, làm thương tổn đến tương quan với Thiên Chúa.

Bạn có biết rằng một trong những hướng dẫn đầu tiên của Thiên Chúa dành cho con người liên quan đến việc chay tịnh? Nếu chúng ta mở sách Sáng Thế, chúng ta thấy rằng Thiên Chúa giải thích cho Ađam và Evà về tất cả những lương thực họ có thể ăn, ngoại trừ một cây duy nhất họ phải tránh.

“Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết.” (St 2,16-17)

Chẳng có gì thú vị khi lần “thử nghiệm” đầu tiên của Thiên Chúa liên quan đến việc kiêng khem một trái cây?

Văn sĩ Kitô giáo tiên khởi Tertulianô đã đưa ra một vài lời khó nghe dành cho Ađam và sự thiếu khả năng chay tịnh của ông!

Ađam đã đón nhận từ Thiên Chúa luật không nếm thử trái cây biết điều thiện điều ác …[thay vào đó Ađam] đã sẵn lòng cho cái bụng của mình hơn là Thiên Chúa, chú ý đến miếng ăn hơn là lệnh truyền, và đã bán ơn cứu độ cho cuống họng của mình!

Ađam và Evà đã tạo ra một sự tách biệt dị thường giữa con người và Thiên Chúa mà sau đó Chúa Giêsu đã phục hồi. Tuy nhiên, ăn chay gợi lại hướng dẫn ban đầu của Thiên Chúa, và là một cam kết hữu hình của khát vọng chúng ta nhằm tái hợp với Thiên Chúa.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã suy gẫm về đề tài này trong sứ điệp Mùa Chay năm 2009. “Khi bình giải lệnh truyền của Chúa, thánh Basiliô nhận xét rằng “việc chay tịnh đã được đòi hỏi  trong Vườn Địa Đàng”, và “giới luật đầu tiên này đã được ban cho Ađam”. Bởi thế, ngài kết luận: “lệnh cấm này – “ngươi không được ăn” – là một luật chay tịnh và kiêng khem” (x. Bài giảng về chay tịnh: PG 31, 163, 98). Bởi vì tất cả chúng ta bị đè nặng bởi tội lỗi và các hậu quả của nó, nên việc chay tịnh được đề ra cho chúng ta như là một phương thế để nối kết lại tình bạn của chúng ta với Chúa… Bởi thế, nếu Ađam bất tuân lệnh Chúa “không được ăn trái cây biết lành biết dữ”, thì người tín hữu, qua việc chay tịnh, cũng muốn phục tùng Thiên Chúa cách khiêm hạ, bằng việc phó mình cho lòng nhân từ và thương xót của Ngài.”

Nhìn dưới ánh sáng này thì việc chay tịnh không phải là một gánh nặng cho bằng một lời mời gọi đến gần Thiên Chúa và cam kết sự tín thác của chúng ta vào Ngài. Theo một nghĩa nào đó, chúng ta được đưa trở lại Vườn Địa Đàng và Thiên Chúa ban cho chúng ta lệnh truyền tương tự “không được ăn” chỉ một thứ.

Liệu chúng ta có thể đón nhận việc chay tịnh và xem đó như là một cách thế trong cuộc sống chúng ta, hầu sửa chữa lỗi lầm của Ađam và Evà không?

Việc chay tịnh thì cổ xưa như sách Sáng Thế và Thiên Chúa mời gọi chúng ta xem việc chay tịnh như là cách thế để tín thác vào Người, thay vì xem nó như một gánh nặng mà chúng ta phải thực hiện.

Tác giả Philip Kosloski, Hướng Dương chuyển ngữ từ aleteia.org
Nguồn: Truyền thông HĐGMVN