Giáo Phận Hải Phòng

http://gphaiphong.org


Đấng được xức dầu đang hiện diện giữa chúng ta (Bài giảng Chúa nhật III thường niên C)

Đức Kitô, Đấng xức dầu của Thiên Chúa vẫn đang hiện diện giữa chúng ta hôm nay. Người hiện diện qua Giáo Hội và qua mỗi người tín hữu, để liên kết chúng ta thành một thân thể.

Vẫn trong khuôn khổ những tuần đầu của mùa Thường niên, Phụng vụ tiếp tục giới thiệu với chúng ta thời điểm Chúa Giêsu khởi đầu cuộc đời công khai. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu được trình bày như Đấng được xức dầu được Thánh Kinh tiên báo và muôn dân mong đợi. Lời giảng dạy của Chúa làm cho tiếng tăm của Người đòn ra khắp vùng, và được người ta tôn vinh. Thánh Luca đã thuật lại một lần về thăm quê hương Nagiarét của Chúa. Hôm đó là ngày sa-bát, Người vào hội đường để đọc Sách Thánh. Sau khi đọc lời Ngôn sứ Isaia, Chúa tuyên bố, trước sự ngỡ của bà con đồng hương: "Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe". Khi khẳng định những lời Kinh Thánh đã được ứng nghiệm, Đức Giêsu cũng khẳng định với những người đồng hương Người là Đấng Thiên Sai, là Đấng được xức dầu muôn dân mong đợi. Người được Chúa Cha sai đến trần gian để đem cho con người ơn cứu độ. Những người đồng hương rất ngỡ ngàng kinh ngạc, bởi lẽ, đối với họ, Đức Giêsu chỉ là con bác thợ mộc. Nguồn gốc và xuất xứ của Người, họ đã biết rõ và không có chi đặc biệt. Nếu chúng ta đọc tiếp những gì Thánh Luca kể, chúng ta sẽ thấy cuộc về thăm quê của Chúa Giêsu có một kết thúc buồn: họ tranh luận với Chúa và định tìm cách xô người xuống vực.
 
Phản ứng của những người đồng hương Nagiarét cũng là phản ứng của một số người Do Thái, nhất là những người biệt phái và luật sĩ. Họ mong đợi Đấng Thiên Sai, nhưng khi Người đến thì họ không muốn tin và đón nhận Người. Sau này, chúng ta còn thấy phản ứng của dân chúng trong những tranh luận với Chúa Giêsu về xuất xứ của Người. Họ cũng muốn có một Đấng Thiên Sai tuân giữ những tập tục của họ và chiều theo ý họ, chứ không phải một vị ngôn sứ dám lên án thói giả hình và nặng về hình thức bên ngoài. Chính vì vậy, nhưng lời giảng dạy của Chúa Giêsu đã gặp phải phản ứng gay gắt. Chính sự ghen tương của các kỳ mục Do Thái đã dẫn đến cái chết của Chúa chết trên thập giá.
 
Bài đọc I tường thuật việc thày tư tế Ét-ra đọc sách Luật. Sau sắc chỉ của Ky-rô, vua Ba Tư vào năm 538 trước Công nguyên, Ét-ra thuộc nhóm người đầu tiên trở về từ đất lưu đày Babilon để khôi phục Đền thờ Giêrusalem và quê hương xứ sở. Đoạn sách được đọc hôm nay kể lại việc ông đọc sách Luật trước công chúng, nhắc cho người dân nhớ lại điều Chúa đã dạy. Dân chúng ăn năn khóc lóc vì tội lỗi đã phạm, đồng thời nhận ra cuộc lưu đày khốn khổ chính là hậu quả của tội bất trung. Khi lồng ghép bài Tin Mừng với bài đọc I, Phụng vụ muốn giới thiệu với chúng ta, Đức Giêsu chính là vị ngôn sứ đến để công bố thời của ân sủng, thời của ơn cứu độ, giống như tư tế Ét-ra công bố thời lưu đày đã mãn, dân trở về cố hương, Đền thờ Giêrusalem cùng với truyền thống tế tự đã được khôi phục.
 
"Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe". Đức Kitô, Đấng xức dầu của Thiên Chúa vẫn đang hiện diện giữa chúng ta hôm nay. Người hiện diện qua Giáo Hội và qua mỗi người tín hữu, để liên kết chúng ta thành một thân thể. Thánh Phaolô (Bài đọc II) đã dùng hình ảnh một thân thể có nhiều chi thể liên kết với nhau để so sánh với cộng đoàn tín hữu. Chúa Giêsu là Đầu, Chúa Thánh Thần là Đấng nối kết và làm cho thân thể Giáo Hội luôn sinh động hài hoà. Vì là thân thể của Đức Kitô, nên Giáo Hội cũng có sứ mạng của Người. Đó là sứ mạng được sai đi để đến với người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương, đem ánh sáng cho người mù, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa, như nội dung lời Sách Thánh Chúa Giêsu đã đọc trong hội đường. Hai ngàn năm qua, Giáo Hội ý thức được sứ mạng cao cả này, nên đã chọn người nghèo khổ bất hạnh làm cơ nghiệp. Chúng ta đang được mời gọi tiếp nối sứ mạng của Đấng Cứu thế, để phục vụ con người và đem cho họ niềm vui của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô, vị Chủ chăn tối cao của Giáo Hội đã chọn phục vụ người nghèo như định hướng mục vụ căn bản cho Giáo Hội. Năm Thánh Lòng Thương Xót là một điểm nhấn quan trọng để Giáo Hội thực thi giáo huấn của Chúa Giêsu và trở nên hiện thân của Người giữa trần gian.
 
Mỗi tín hữu cần ý thức mình đều được xức dầu và được sai vào lòng thế giới. Trong truyền thống Cựu ước, dầu tượng trưng cho niềm vui, hạnh phúc, lòng bao dung thân thiện. Dầu cũng là dấu chỉ cho phúc lành dồi dào của Thiên Chúa. Nghi thức xức dầu được cử hành cho các ngôn sứ, tư tế và vua. Nhờ được xức dầu, người Kitô hữu trở nên những hình ảnh sống động của Đức Kitô giữa trần gian. Qua các tín hữu, Người vẫn hiện diện để rao giảng, đem niềm vui và quy tụ mọi người làm thành một thân thể duy nhất và một gia đình của Thiên Chúa.
 
+Gm Giuse Vũ Văn Thiên