Tháng mân côi: Mẹ con cùng nhau chia sẻ ​

Chủ nhật - 04/10/2020 14:01      Số lượt xem: 1988

Quả thế, giữa vô vàn phần tử Hội Thánh, Mẹ vẫn luôn “được chào kính như một chi thể tối cao và độc nhất vô nhị”. Mẹ xứng đáng được tôn kính “như mẫu mực và gương sáng phi thường của Giáo Hội trên phương diện đức tin và đức ái” (LG, #53).

 

Tháng Mân Côi: MẸ CON CÙNG NHAU CHIA SẺ

Giuse Phan Quang Trí, O.Carm.
Rôma, 02/10/2020

WHĐ (3.10.2020) – Khi đề cập đến vai trò của Đức Trinh Nữ Maria trong nhiệm cục cứu độ và trong tương quan với mầu nhiệm Hội Thánh, Công Đồng Vaticanô II đã dạy rằng: “Nhờ hồng ân Thiên Chúa, Ðức Maria được tôn vinh, sau Chúa Con, vượt trên hết thảy các thiên thần và loài người, vì Ngài là Mẹ rất thánh của Thiên Chúa và đã tham dự vào các mầu nhiệm của Chúa Kitô; do đó Ngài đáng được Giáo Hội tôn vinh và đặc biệt sùng kính” (Lumen Gentium, #66). Quả thế, giữa vô vàn phần tử Hội Thánh, Mẹ vẫn luôn “được chào kính như một chi thể tối cao và độc nhất vô nhị”. Mẹ xứng đáng được tôn kính “như mẫu mực và gương sáng phi thường của Giáo Hội trên phương diện đức tin và đức ái” (LG, #53).

Lạ lùng thay, tuy đứng ở vị trí “độc nhất vô nhị” nhưng Đức Maria chẳng có chút gì là xa cách đối với nhân loại chúng ta cả. Ngược lại, hầu như tất cả những ai đã từng nghe, từng biết, từng chạy đến với Mẹ thì đều nhận thấy nơi Mẹ một tình thương bao la diệu vợi và sự gần gũi ấm áp thân tình. Chẳng vì thế mà trong Giáo Hội, Ðức Trinh Nữ vẫn hay được kêu cầu bằng các tước hiệu như “Trạng Sư, Vị Bảo Trợ, Ðấng Phù Hộ và Ðấng Trung Gian” (x. LG #62). Như chúng ta, Đức Maria là phần tử của Hội Thánh nhưng vì chúng ta, Thiên Chúa đã ưu ái tuyển chọn Mẹ như gương sáng các nhân đức để hướng dẫn bảo ban chúng ta. Vai trò độc đáo và sự hiện diện thắm thiết tình mẫu tử của Mẹ Maria được bộc lộ cách tỏ tường và sống động nơi các sự kiện lịch sử gắn liền với gốc tích và ý nghĩa của ngày lễ kính Đức Mẹ Mân Côi mà chúng ta cử hành vào đầu tháng 10 hằng năm.

Cùng Mẹ trải qua từng biến cố cuộc đời

Cuối thế kỷ XVI, đế quốc Hồi Giáo Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ đạt đến giai đoạn cực thịnh và ngông cuồng mộng bá chủ toàn cầu. Với khí thế dũng mãnh nhờ đoàn tinh binh, đế quốc này từng bước khuất phục các nước lân cận và cứ thế tiến sâu vào lục địa Âu Châu. Mục tiêu cuối cùng của họ là Kinh Thành Rôma, đầu não Giáo Hội Công Giáo La Mã. Đứng trước tình thế vô cùng cấp bách, Đức Giáo Hoàng Piô V buộc phải ứng phó. Ngài đã quy tụ chiến thuyền từ một số quốc gia Âu Châu và tập hợp tất cả lại dưới cùng một hiệu cờ Thánh Giá. Ngài giao cho binh đoàn nhiệm vụ xuất chinh chặn bước quân thù đang trong thế tấn công vũ bão. Bên cạnh đó, Đức Thánh Cha đã kêu gọi các tín hữu khắp nơi hiệp lòng hiệp ý cầu nguyện. Hàng triệu lời kinh Mân Côi được cất lên. Hàng chục cuộc rước tôn vinh Đức Mẹ được giáo dân hưởng ứng tích cực. Chủ chăn và đoàn chiên muôn lòng như một cùng hy sinh hãm mình thực hiện nhiều hành vi đạo đức kêu khấn Đức Mẹ, xin Mẹ cứu nguy cho Giáo Hội và thế giới. 

Ngày 07 tháng 10 năm 1571, một trận chiến khốc liệt đã diễn ra tại vịnh Lepanto (thuộc Hy Lạp ngày nay) và chiến thắng chung cục đã thuộc về phía liên minh Kitô Giáo. Hơn 220 chiến thuyền cùng 30.000 chiến binh Hồi Giáo Ottoman bại trận trước lực lượng liên minh Kitô Giáo nhỏ bé và yếu thế hơn nhiều.[1] Nhờ chiến thắng này mà Giáo Hội tại Âu Châu nói chung, tại Rôma nói riêng mới được bình an vô sự.

Trước tin vui đại thắng Vịnh Lepanto, Đức Giáo Hoàng Piô V đã truyền lệnh thêm tước hiệu “Auxilium Christianorum” (Đức Bà phù hộ các giáo hữu) vào Kinh Cầu Đức Bà như một cách long trọng tuyên xưng sự can thiệp thần thế của Đức Maria Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi trong sự kiện đó. Một năm sau, tức là năm 1572, cũng chính Đức Piô V đã công bố Tự sắc Salvatoris Domini thiết lập lễ nhớ Đức Bà Chiến Thắng được cử hành ngày mùng 07 tháng 10 hằng năm.

Tiếp nối tinh thần vị tiền nhiệm, nhiều vị Giáo Hoàng trong thời tiếp theo đã thực hiện một số điểm cải tiến nhằm làm sáng tỏ hơn ý nghĩa của biến cố Vịnh Lepanto. Cụ thể phải nhắc đến đến 2 lần đổi tên sau đây: Năm 1573, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XIII ký tự sắc Monet Apostolus đổi tên Lễ Đức Bà Chiến Thắng thành Lễ Mân Côi (Feast of the Holy Rosary). Năm 1960, thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII đổi tên thành lễ Đức Bà Mân Côi (Feast of Our Lady of the Rosary) nhằm nhấn mạnh đến sự bầu cử lạ lùng của Mẹ Maria dành cho những ai trung thành cầu nguyện bằng lời kinh Mân Côi.[2]

Chính việc điều chỉnh tên ngày lễ không chỉ cho thấy giá trị của việc cầu nguyện bằng tràng chuỗi Mân Côi trong đời sống của Hội Thánh và của từng tín hữu nói riêng mà còn nhấn mạnh đến vị trí của Mẹ Maria trong đời sống đức tin của dân thánh Chúa. Chúng ta cầu nguyện vì chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cầu nguyện (x. Mt 6, 7-13). Cùng Đức Maria chúng ta liên lỉ cầu nguyện vì chính Mẹ là mẫu gương cầu nguyện (x. Cv 1, 14). 

Cùng Mẹ Maria cầu nguyện

Chúng ta còn nhớ, sau khi Chúa Giêsu lên trời, các Tông Đồ quay trở về nhà. Sách Công Vụ Tông Đồ thuật lại rằng: “Các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Chúa” (x. Cv 1, 13-14). Ngay từ những giây phút đầu tiên, khi Hội Thánh sơ khai bắt đầu sứ mạng loan báo Tin Mừng Phục sinh của Đấng Cứu Thế, khi mà Giáo Hội non trẻ bị bắt bớ và đối diện với thử thách trăm bề, Đức Maria đã hiện diện giữa các Tông Đồ như một mẫu gương chuyên cần cầu nguyện. 

Chắc hẳn vì lý do này nên trong tự sắc Consueverunt Romani Pontifices công bố ngày 17 tháng 9 năm 1569 (trước cả khi chiến thắng Vịnh Lepanto xảy ra), Đức Giáo Hoàng Piô V đã mạnh dạn liên kết Kinh Mân Côi với đời sống cầu nguyện của Đức Mẹ. Đức Thánh Cha ví Chuỗi Mân Côi như “Sách Thánh Vịnh của Đức Trinh Nữ Maria” và xem việc lần chuỗi Mân Côi chính là một cách cầu nguyện rất đạo đức và là lời cầu dâng lên Thiên Chúa, một hình thức cầu nguyện bình dân dễ thực hiện, nằm trong tầm tay của tất cả mọi người. Lời kinh bao gồm việc ca ngợi chính Đức Trinh Nữ: “Kính mừng Maria, Đấng Đầy Ơn Phước, Đức Chúa Trời ở cùng bà, bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ.” Trong tràng Mân Côi, lời chào của sứ thần được lập lại 50 lần, giống như 50 thánh vịnh của Thánh Vương Đavít. Trước mỗi chục có lời kinh Lạy Cha của Chúa cùng với các suy niệm ngắn liên quan tới cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô.[3] Nếu Vua  Đavit dùng 50 Thánh Vịnh để cầu nguyện và tán dương Thiên Chúa, thì Mẹ Maria cũng dạy chúng ta dùng 50 kinh Mân Côi mà thổn thức tâm sự cùng Cha trên trời.

Còn gì ý nghĩa hơn khi chúng ta cùng với Mẹ Maria dùng lời “Thánh Vịnh” của chính Mẹ để ca ngợi Thiên Chúa và nhắc lại công trình cứu chuộc mà Con Thiên Chúa đã kiện toàn bằng cái chết và sự phục sinh vinh hiển của Người. Theo ý nghĩa đó, Kinh Mân Côi là lời nguyện chung giữa Hội Thánh và Nữ Vương Thiên Đàng dâng lên trước tòa Thiên Chúa Ba Ngôi cao cả.  

Cùng Mẹ Maria chiến thắng

Tên “Lễ Đức Bà Chiến Thắng” tuy không còn xuất hiện trong lịch phụng vụ chung của Giáo Hội nữa nhưng ý nghĩa của ngày lễ thì vẫn tồn tại. Lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria trước tòa Chúa không chỉ giúp cho liên binh Kitô Giáo chiến thắng sự tấn công của các lực lượng Ottoman năm xưa mà còn giúp cho toàn thể nhân loại mọi thời chiến thắng ác thần, chiến thắng sự dữ. Sách Khải Huyền ghi lại thị kiến của Thánh Gioan Tông Đồ về cuộc giao tranh giữa người Phụ Nữ và con mãng xà. Trong cuộc chiến này, người Phụ Nữ được hiểu như hình ảnh Đức Trinh Nữ Maria - Đấng sinh hạ Chúa Giêsu, đồng thời cũng là hình ảnh của Hội Thánh - cộng đồng nhân loại biết cộng tác vào kế hoạch của Thiên Chúa.[4] Như vậy, chiến thắng sau cùng sẽ thuộc về những ai biết tuân giữ huấn lệnh Chúa truyền ban và hết mình cộng tác vào kế hoạch của Chúa. Nơi cộng đoàn những người chiến thắng vinh hiển, chúng ta nhận ra gương mặt thánh thiện của Đức Nữ Trinh Maria và khuôn mặt khả ái của Hội Thánh Chúa Kitô. Nói cách khác, như Mẹ, chúng ta cũng sẽ chiến thắng nếu cả chúng ta và Mẹ đều thuộc về cùng một phía, cùng thuộc về Thiên Chúa chúng ta.

Thánh Irênê và rất nhiều Giáo Phụ thời xưa đã mạnh dạn rao giảng về chiến thắng của Mẹ Maria bằng cách sánh ví Mẹ như một Evà Mới. Các Ngài nói: “Nút dây đã bị thắt lại do sự bất tuân của Evà, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Ðức Maria; điều mà người nữ Evà đã buộc lại bởi cứng lòng tin thì nay Ðức Trinh Nữ Maria đã tháo ra nhờ lòng tin” (được trích dẫn trong LG, #56).  Các thánh Giáo Phụ không ngần ngại gọi Ðức Maria là “Mẹ kẻ sống” để khắc họa sự tương phản giữa Evà Mới so với Evà cũ (x. LG, #56). Quả thực, nếu Kinh thánh mở đầu với một bức tranh mang màu ảm đảm trong đó in hằn vết nhơ là sự thất bại thảm hại của ông bà nguyên tổ và mầm mống sự chết từ đó xâm nhập vào trần gian (x. St 3, 1-24) thì Kinh Thánh đã có một kết thúc tuyệt vời với sự xuất hiện của Evà Mới là người đã đánh bại con mãng xà bằng hai tiếng “Xin Vâng” mở đường cho Đấng đánh bại thần chết sinh hạ vào trần gian (x. Kh 12. 1-17). Mẹ Maria, Người Nữ Evà Mới luôn cộng tác với và đã cùng vinh thắng khải hoàn bên cạnh Ađam Mới là Đức Kitô Phục Sinh.

Mẹ ở đây với chúng con

Tháng Mân Côi chính là thời cơ thích hợp để chúng ta sống điều chúng ta tin. Nếu chúng ta tuyên xưng Mẹ là “Đấng phù hộ các giáo hữu” thì chúng ta hãy để cho Mẹ hướng dẫn chỉ bảo chúng ta. Nếu chúng ta tôn kính Mẹ như “Mẹ của Hội Thánh” thì chúng ta hãy lấy tình con thảo mà chạy đến với Mẹ. Nếu chúng ta muốn chiến thắng như Mẹ thì nhất định chúng ta cũng hãy học cho biết cách cầu nguyện như Mẹ. “Cầu nguyện như Mẹ” là cầu nguyện cho người khác, cầu nguyện với người khác. “Cầu nguyện như Mẹ” là cầu nguyện trong âm thầm khiêm tốn, trong hy sinh quên mình, cầu nguyện trong tin tưởng cậy trông, trong kiên trì nhẫn nại.

Trong nhiệm cục cứu độ, sứ mạng làm Mẹ của Ðức Maria luôn tiếp diễn không  ngừng, “từ khi Ngài tin tưởng ưng thuận trong ngày Truyền Tin - sự ưng thuận mà Mẹ đã giữ vững khi đứng bên thập giá - cho tới lúc vĩnh viễn hoàn tất việc cứu rỗi mọi người được tuyển chọn. Thật vậy, sau khi về trời, vai trò của Mẹ trong việc cứu độ không chấm dứt, vì Mẹ vẫn tiếp tục liên lỉ cầu bầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được phần rỗi đời đời. Với tình từ mẫu, Mẹ chăm sóc anh chị em của Người Con Chí Ái Mẹ đang còn lữ hành trên dương thế và đang gặp thử thách truân chuyên, cho đến khi họ cũng đạt tới hạnh phúc quê trời” như Mẹ (x. LG, #62). Vai trò và vị thế của Mẹ trong tương quan với Đức Kitô và với Hội Thánh là độc nhất vô nhị, nhưng đối với con cái Mẹ, Mẹ lúc nào cũng gần gũi ân cần chăm sóc. Vậy, một lần nữa, cùng với việc lần chuỗi Mân Côi, chúng ta tuyên xưng sự quan phòng của Thiên Chúa qua bàn tay đỡ nâng của Mẹ Maria. Chúng ta an lòng vì có Mẹ luôn ở đây che chở gia đình chúng ta: 

Lạy Nữ Vương gia đình, Mẹ ở đây với chúng con, vui buồn sướng khổ, Mẹ con cùng nhau chia sẻ. Xa Mẹ chúng con biết cậy trông ai? Đời chúng con gian nan khổ sở lắm, gia đình chúng con long đong tối ngày, nhưng có Mẹ ở bên chúng con, chúng con thấy quên hết ưu phiền, vui sống qua kiếp lưu đày, mong ngày sau sung sướng cùng Mẹ muôn đời trên thiên đàng. Amen.[5]

 

 

[1] Xem Sr. Mary Peter, M.I.C.M, “The History of the Rosary” trên Catholicsm.org, 26/06/2008.

[2] Tham khảo Michael Novak, “October 7: The Feast of Our lady of Victory” trên Nationalreview.com, 07/10//2014.

[3] Xem Linh Tiến Khải, “Bài 345-347” trong Thánh Mẫu Học, trên https://hddmvn.net/lich-su-kinh-man-coi-va-le-duc-me-man-coi/ , ngày 05/10/2019.

[4] Xem Nhóm CGKPV, “Chú giải Kh 12, 1” trong Lời Chúa Cho Mọi Người, NXBTG 2006, tr. 2179.

[5] Trích Kinh Tôn Nữ Vương Gia Đình


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 142
  •   Máy chủ tìm kiếm 17
  •   Khách viếng thăm 125
 
  •   Hôm nay 2,661
  •   Tháng hiện tại 1,034,669
  •   Tổng lượt truy cập 79,783,353