Sống tinh thần tử đạo trong việc thực thi bác ái

Thứ sáu - 24/04/2020 06:03      Số lượt xem: 2054

SỐNG TINH THẦN TỬ ĐẠO
TRONG VIỆC THỰC THI BÁC ÁI

 

  •  
  •  

 

Nữ tu Maria Đinh Thị Diễm Trang, FMSR
Caritas Việt Nam

WHĐ - “...Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” ( Mt 5,16)

Dịp kỷ niệm 30 năm ngày 117 anh hùng tử đạo Việt Nam được tôn phong hiển thánh là cơ hội để các thế hệ con cháu ôn lại đời sống chứng nhân của các ngài đối với Thiên Chúa. Cha ông chúng ta đã kiên cường chấp nhận mọi gian lao, vất vả, nhục hình, và kiên trì hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ Giáo hội và giữ vững đức tin. Là con cháu, chúng ta luôn tự hào về cha ông và trân quý gia sản đức tin cao quý mà các ngài để lại. Đồng thời, noi gương các ngài, chúng ta tiếp tục can đảm sống chứng nhân Tin Mừng trong đời sống thường ngày, đặc biệt trong tương quan với Chúa và với tha nhân khi tận tụy dấn thân trong những hoạt động bác ái.

Danh từ “Martyr” (gốc Hy Lạp: papTug; sau này là: papTup), có nghĩa là chứng nhân, người làm chứng. [1] Từ này được dùng để chỉ những người chịu đau khổ cùng cực hoặc bị giết hại vì đức tin hay vì luân lý Kitô Giáo. Cha ông ta vừa cam chịu biết bao gian khổ, vừa bị giết vì Chúa và vì bảo vệ đức tin, và các ngài là những “chứng nhân” Nước Trời.

Giáo lý Hội Thánh Công Giáo định nghĩa “Đức mến”(đức ái) là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự vì chính Ngài, và vì yêu mến Thiên Chúa, chúng ta yêu mến người lân cận như chính mình”. [2] “Đức mến” theo tiếng Latinh là “Caritas” có nghĩa là “tình yêu Kitô giáo”, còn theo tiếng Anh là “charity” nghĩa là “lòng nhân ái”.

Như vậy, bác ái Kitô Giáo đúng nghĩa là yêu thương tha nhân như chính mình. Bên cạnh những hoạt động bác ái từ thiện mang tính khẩn cấp và tạm thời xuất phát từ sự hiệp thông và tình liên đới, chúng ta cần tạo cơ hội để người nghèo, người dễ bị tổn thương, người bị bỏ rơi,... được phát triển toàn diện cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Làm sao để họ có khả năng hòa nhập cộng đồng, trở nên mạnh mẽ, tự lập, và tự tin để có thể bảo vệ những quyền lợi chính đáng của mình, đồng thời có khả năng bênh vực chính mình và người khác trước những bất công, yêu thích lao động chân chính, được tự do, sống xứng với nhân phẩm, được tôn trọng và được yêu thương. Qua những hoạt động giúp đỡ người nghèo và phát triển cộng động như thế, chúng ta lan toả tình yêu Thiên Chúa cho muôn người, mang lại cho họ niềm tin, hạnh phúc, và niềm hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn.

Trong khuôn khổ bài viết “Sống tinh thần tử đạo trong việc thực thi bác ái”, mời độc giả cùng tìm hiểu về đời sống cầu nguyện, chứng nhân tình yêu, lòng trắc ẩn, tinh thần nghèo khó, và tinh thần hy sinh, từ bỏ của những tín hữu Kitô đã và đang ngày đêm hết mình yêu thương và phục vụ những chi thể trong Thân Mình Mầu Nhiệm Chúa Kitô bị tổn thương để làm chứng cho niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương.

Tinh thần cầu nguyện

Chúa Giêsu là mẫu gương tuyệt vời về đời sống cầu nguyện. Ngài cầu nguyện với Chúa Cha trước khi bắt đầu sứ vụ mới, trước những quyết định quan trọng, trước khi giảng dạy, chữa lành cho dân chúng... Các Thánh Tử Đạo Việt Nam cũng liên lỉ cầu nguyện để thêm lòng tin và lòng yêu mến Chúa. Qua cầu nguyện, các ngài kín múc nguồn sức mạnh từ Chúa giúp các ngài can trường tuyên xưng đức tin của mình cả trong đau khổ và thử thách.

Sự kết hiệp mật thiết với Chúa trong cầu nguyện giúp chúng ta tạm xa lánh sự bận rộn, ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống cũng như của công việc để lui vào nơi thanh vắng. Cầu nguyện còn giúp ta buông bỏ những bận tâm, lo toan, hoặc áp lực của công việc, kể cả những ý tưởng, dự định, kế hoạch đang còn ngổn ngang trong tâm trí. Cầu nguyện, do đó, là sự nghỉ ngơi của thân xác với con tim và trí não hoàn toàn trống rỗng để có thể yêu mến Thiên Chúa hết tâm hồn, sức lực, và hết trí khôn của ta.

Cầu nguyện là kết hợp mật thiết với Thiên Chúa để xác tín Chúa là điểm tựa duy nhất của ta, và để Chúa lớn lên trong ta và để Ngài hướng dẫn những tư tưởng, hành động của ta. Trong cầu nguyện, chúng ta kín múc nguồn sinh lực thần linh và tìm biết ý muốn của Chúa trong từng biến cố cuộc đời. Tương quan mật thiết với Thiên Chúa giúp chúng ta biết đón nhận những khó khăn, đau khổ, thử thách. như ân huệ Chúa ban. Đồng thời, cầu nguyện giúp ta tìm ra hướng giải quyết tốt nhất cho những vấn đề mà ta đang phải đương đầu, giúp ta can đảm bênh vực công lý và làm chứng cho sự thật.

Sự kết hợp mật thiết với Chúa trong cầu nguyện giúp ta hồi tâm và kiểm điểm lại các mối tương quan giữa ta với Chúa, với chính mình và với tha nhân, đặc biệt là với những người chúng ta đang phục vụ. Cầu nguyện cũng giúp ta nhìn lại thái độ và cung cách của mình trong các hoạt động bái ái. Chính Thiên Chúa sẽ soi sáng để chúng ta nhận ra những thiếu sót của mình, đồng thời biết mình phải làm gì và làm thế nào để đời sống và việc làm của chúng ta luôn làm vinh danh Chúa và mang lại lợi ích cho anh chị em.

Chứng nhân tình yêu

“Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13,35)

Có lẽ ai trong chúng ta cũng quen với câu nói “Con người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy”. Thật vậy, con người ngày nay quan tâm đến các hoạt động thực tế và thích thú với các bài học kinh nghiệm của cuộc sống hơn là cả một kho lý thuyết cao siêu, khó hiểu.

Chứng tá tình yêu mà con người mọi thời nay dễ cảm nhận nhất là chứng tá về sự quan tâm, yêu thương hết mọi người với một tình yêu vô vị lợi, không phân biệt chủng tộc, màu da, ngôn ngữ, tôn giáo; chứng tá về sự nhạy bén trước những nhu cầu của tha nhân, và về lòng trắc ẩn đối với những nghèo khổ, bệnh tật, những người bị bỏ rơi, bị gạt ra bên lề xã hội. Chứng nhân tình yêu trong thế giới hôm nay còn là sự can đảm đứng về phía người nghèo, người dễ bị tổn thương để tiếng nói của họ được lắng nghe, để bênh vực họ, và để bảo vệ quyền lợi chính đáng và phẩm giá của họ.

Chứng nhân tình yêu còn thể hiện qua sự dấn thân hoạt động bảo vệ sự sống của con người, đặc biệt là sự sống các thai nhi. Sự sống con người bắt nguồn từ Thiên Chúa, và chỉ mình Ngài mới có quyền trên sự sống của con người. Hơn nữa, sự sống con người là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa, và con người cần trân quý, giữ gìn mạng sống của mình và của người khác. Mọi hành động đe doạ đến sự sống con người đều là tội ác, vì quyền sống của mỗi người là quyền bất khả xâm phạm. Vì thế, hành động tử hình không qua xét xử, làm cho chết êm dịu, đoạt mạng sống của người khác hay của chính mình, phá thai, lấy cắp nội tạng... đều là tội ác chống lại con người và chống lại Thiên Chúa. Chúng ta phải lên tiếng chống lại các hành động tội ác này, dù cho tính mạng của chúng ta có thể bị đe doạ. Hơn nữa, khi dấn thân phục vụ công lý, hòa bình, hoạt động bảo vệ nhân quyền, thăng tiến con người, phục hồi phẩm giá con người,... chúng ta đang sống chứng tá tình yêu.

Chứng nhân tình yêu còn thể hiện qua thái độ của chúng ta đối với thiên nhiên và môi trường, “Ngôi Nhà Chung” của toàn thể nhân loại. Thiên nhiên là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa dành cho con người; nó phục vụ cho sự sống con người. Vì thế, chăm sóc và bảo vệ thiên nhiên là trách nhiệm của mỗi Kitô hữu. Chúng ta phải yêu thiên nhiên và sử dụng các nguồn tài nguyên với tinh thần trách nhiệm và trong tình liên đới với người khác. Thế nhưng, thiên nhiên và môi trường hiện nay đã và đang bị con người khai thác một cách tàn bạo, vô trách nhiệm. Thiên nhiên và môi trường đang bị đối xử bất công và bị hủy hoại từng ngày. Đã đến lúc con người phải tự vấn lương tâm về thái độ của mình đối với thiên nhiên. Chúng ta cần phải ra sức bảo vệ nguồn nước, bảo vệ rừng, đất, không khí, biển,...

Lòng trắc ẩn

“Lòng trắc ẩn” (pity, compassion), theo từ điển Cambridge, có nghĩa là cảm giác đau buồn và lòng thương cảm sâu sắc trước sự đau khổ và bất hạnh của người khác và mong muốn giúp đỡ họ; còn theo từ điển Hán - Việt, nó có nghĩa là niềm thương xót không dằn được trong lòng khi đứng trước cảnh buồn khổ của người khác. Như vậy, lòng trắc ẩn khiến chúng ta không thể ở yên trước sự đau khổ của người khác. Lòng trắc ẩn không phải là sự cảm thông thụ động mà là sự chuyển động tích cực của lòng thương xót trong tâm hồn chúng ta. Nó thôi thúc chúng ta ước muốn làm điều gì đó để an ủi hoặc chia sẻ phần nào nỗi đau khổ, bất hạnh của những người mà chúng ta gặp gỡ trên đường đời. Nói cách khác, lòng trắc ẩn là sự động lòng thương xót hay sự chạnh lòng thương trước nỗi khổ đau của người khác.

Trong Tin Mừng, rất nhiều lần Chúa Giêsu chạnh lòng thương dân chúng, Ngài dạy dỗ họ, làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để cho họ ăn; Ngài chữa họ khỏi những bệnh hoạn tật nguyền; đặc biệt, Ngài đã trở nên giống con người mọi đàng (trừ tội lỗi) để cảm thông và yêu thương nhân loại chúng ta. Thánh Maccô kể:

“Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: ‘Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.' Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: ‘Tôi muốn, anh sạch đi!' Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch.” (Mc 1,40-41)

“Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.” (Mc 6,34)

Mẹ Maria cũng biểu lộ lòng trắc ẩn của Mẹ tại tiệc cưới Cana. Khi nhận thấy sự lo lắng của đôi tân hôn vì thiếu rượu khi tiệc cưới chưa tàn, Mẹ mau chóng thông báo cho Chúa Giêsu biết với một câu nói rất ngắn gọn: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3). Mẹ Maria hoàn toàn tin tưởng Chúa Giêsu sẽ chạnh lòng thương và ra tay giúp họ, nên Mẹ đã mau chóng đi nói với các gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” (Ga 2,5). Và quả thật, qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria, Chúa Giêsu cũng chạnh lòng thương đôi tân hôn; Ngài biến nước lã thành rượu ngon làm mê say thực khách và mang lại niềm vui tràn đầy cho đôi tân hôn trong ngày trọng đại của cuộc đời.

Vì chạnh lòng thương những cụ bà neo đơn, bị bỏ rơi, sống vất vưởng trên đường phố, và vất vả mưu sinh, năm 1994, các Nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Trinh Vương đã thành lập Viện Dưỡng lão - Mái ấm Thiên Ân để đón những người phụ nữ bất hạnh ấy về chăm sóc và yêu thương như người thân của mình. Hằng ngày, các nữ tu chăm lo cho các cụ về sức khỏe thể xác và tinh thần, giúp các cụ có cơ hội làm việc vừa sức, chăm sóc nhau, trò chuyện với nhau, và vui cười với nhau. Sau hơn 20 năm hoạt động, các Nữ tu mang lại hạnh phúc và hy vọng cho rất nhiều mảnh đời cô đơn, côi cút.

Lòng trắc ẩn của Thầy Nguyễn Quốc Phong, người sáng lập Mái ấm (khiếm thị) Thiên Ân. Khi bị mất đi ánh sáng của đôi mắt sau một tai nạn kinh hoàng, Thầy mới thực sự cảm nhận được những khó khăn, mất mát của những người chưa một lần được nhìn thấy ánh sáng hoặc bị mất đi ánh sáng do tai nạn. Mỗi khi nhớ lại những khó khăn của bản thân trong những năm đầu sau khi bị tai nạn, thầy như được tiếp thêm nghị lực và quyết tâm thành lập một mái ấm cho trẻ em khiếm thị, đặc biệt là các em ở vùng quê, để các em có cơ hội được học tập. Theo Thầy Phong, chỉ có học tập mới có thể giúp các em vượt qua số phận, vươn lên, vui sống, và hòa nhập với cộng đồng, xã hội. Năm 1999, Mái ấm Thiên Ân đã chính thức được thành lập.

Tinh thần nghèo khó

Sống nghèo khó làm cho chúng ta trở nên thanh thoát và tự do để không còn bận tâm đến điều gì khác ngoài mối bận tâm yêu thương - phục vụ người nghèo. Sống tinh thần nghèo khó làm cho con người sử dụng của cải vật chất như phương tiện để thi hành bác ái và trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu.


Sống nghèo là phó thác hoàn toàn trong tình yêu thương quan phòng của Thiên Chúa, bởi vì Ngài chính là nguồn hạnh phúc, nguồn vui, niềm hy vọng, và là gia nghiệp đời ta. Sống tinh thần nghèo khó làm cho con người luôn trong tâm thế sẵn sàng để thi hành ý Chúa. Tinh thần khó nghèo làm cho con người dễ dàng ra khỏi chính mình, rời bỏ khu vực an toàn để đến với anh chị em, những người cần được yêu thương và nâng đỡ.

Hãy thực sự là người nghèo của Chúa. Bởi vì khi có tinh thần nghèo khó đúng mức, chúng ta mới có thể hy sinh, tận tụy, dấn thân trọn vẹn cho người nghèo, và sống bình an dù phải đương đầu với những khó khăn, nghịch cảnh. Sống trong một xã hội tục hoá, hưởng thụ, ích kỷ, chúng ta được mời gọi sống tinh thần nghèo khó trong sự liên đới, trách nhiệm với anh chị em đồng loại. Là người nghèo của Thiên Chúa, chúng ta dễ dàng hài lòng với những gì mình đang có, sử dụng vật chất khi thực sự cần thiết, tôn trọng của chung và tiết kiệm để chia sẻ với người nghèo.

Đức cha Cassaigne được mệnh danh là vị “Giám mục đơn nghèo”. Từ khi chịu chức linh mục cho đến lúc qua đời, ngài sống rất đơn nghèo. Ngài thường nói: “Nghèo khó là ngọn gió thiêng thổi đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa.” Linh đạo của Ngài là sống nghèo. Vì thế Ngài thương người nghèo. Ngài luôn khước từ những cái dư thừa, chỉ dùng những cái cần thiết. Ngài cũng được mệnh danh là “Giám mục của người cùi”. Tại trại phong Di Linh, Ngài sống trong căn phòng rộng 14m2, là 1 trong 38 căn phòng của trại. Đồ đạc trong phòng của ngài gồm: 1 giường gỗ loại bệnh viện, 1 tủ gỗ nhỏ, 1 bàn với hai ghế thô sơ, 1 rương sắt đem từ Pháp qua. Cả khi đã về già, ngài vẫn tự nấu bữa ăn sáng và tối. Trưa thì nhận phần cơm của trại như các bệnh nhân khác. Có bất cứ thứ gì, ngài cũng chỉ nghĩ đến người cùi và chia sẻ hết cho họ. Có thể nói, Đức cha hạnh phúc và an lòng khi thấy người phong cùi được no đủ, được chăm sóc, được yêu thương, và tôn trọng; và tài sản quý giá của ngài trên trần gian là những bệnh nhân phong.

Tinh thần hy sinh, từ bỏ

“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13)

Bất kỳ chọn lựa nào trong cuộc sống đều có hy sinh, từ bỏ. Khi chọn lựa dấn thân yêu thương và phục vụ những anh chị em nghèo khổ, bị bỏ rơi, bị gạt ra bên lề,... trước hết, chúng ta phải từ bỏ cái tôi, ý riêng, từ bỏ cuộc sống an nhàn, đầy đủ, đôi khi phải rời bỏ quê hương xứ sở, người thân, để rồi hy sinh thời gian, sức lực, tiền của, và cả tuổi thanh xuân vì yêu thương tha nhân. Thứ đến, người hoạt động bác ái thường phải chấp nhận sống trong hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề, mất an ninh, nguy hiểm để đồng cảm và giúp đỡ những người hoạn nạn. Bên cạnh đó, vì yêu thương tha nhân, chúng ta sẵn sàng đối mặt với những khó khăn thử thách về sự bất đồng ngôn ngữ, văn hoá, tôn giáo. Ngoài ra, trong nhiều hoàn cảnh, tính mạng của chúng ta bị đe doạ khi dám lên tiếng chống lại những bất công trong xã hội để bảo vệ người nghèo, người cùng khổ cùng những quyền lợi và phẩm giá của họ. Tất cả những hy sinh từ bỏ ấy là những mắt xích hoàn hảo của sự tự hiến vì tình yêu tha nhân.

Thánh Gioan Tẩy Giả là một bằng chứng cụ thể về sự hy sinh từ bỏ. Ngài đã phải hy sinh mạng sống khi dám lên án chống lại sự bất công của Vua Hêrôđê khi ông ngang nhiên cướp vợ của anh trai mình. Từ một người bạn thân tín, đáng nể, Gioan Tẩy Giả trở nên chướng tai gai mắt khi ông khiến cho nhà vua và bà Hêrôđia bất an vì những việc làm sai quấy của mình. Kết cục, Gioan Tẩy Giả bị tống ngục và bị chém đầu vì sự nhu nhược và bất chính của nhà vua.

Lịch sử Giáo Hội minh chứng biết bao vị thánh noi gương Chúa Giêsu đã cúi xuống phục vụ anh chị em và hiến trọn cuộc đời vì yêu thương những người bất hạnh, điển hình như Đức Cha Jean Cassaigne, Mẹ Têrêsa Calcutta, Cha Augustinô Nguyễn Viết Chung, và biết bao giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ, và giáo dân đã và đang âm thầm hiến trọn cuộc đời để yêu thương phục vụ người nghèo, tù nhân, người khuyết tật, người phong cùi, người nhiễm HIV/AIDS. 

Mariam Vattalil sinh năm 1954 tại Ấn Độ, chị là Nữ tu Rani Maria thuộc Dòng Phanxicô Clarist. Chị ước ao trở thành nhà truyền giáo và phục vụ những người cùng đinh tại quê hương. Năm 1992, chị được cử đến Indore làm việc với người nghèo, những người bị áp bức và bị bỏ rơi trong vùng. Chị tham gia các chương trình phát triển dành cho người bộ tộc nghèo; đặc biệt, chị đã tích cực hoạt động chống lại hình thức “làm công trừ nợ”, một hình thức nô lệ hiện đại để bênh vực người nghèo. Những người cho vay nặng lãi, các lãnh chúa phong kiến, những kẻ bóc lột trở nên tức tối và bất an vì lợi ích của họ bị đe doạ bởi các chương trình hoạt động của chị Nữ tu này. Lòng căm ghét và hận thù của họ lên đến đỉnh điểm và năm 1995 họ đã quyết định thuê người sát hại chị.

Còn rất nhiều người khác bị sát hại như Nữ tu Rani Maria vì dấn thân cho công lý và nhân quyền. Năm 2016, Cha Vincent Machozi, Dòng Đức Mẹ lên trời, bị binh lính giết tại Congo vì đã lên án các nhóm vũ trang tham gia buôn bán trái phép khoáng sản coltan.

Ngoài tinh thần kiên trung bất khuất để bảo vệ đức tin, có lẽ điểm nổi bật nhất nơi các thánh Tử đạo Việt Nam là tình bác ái.Các ngài luôn yêu thương hết thảy mọi người, bất luận họ là ai, làm gì. Điển hình như:

Thánh Antôn Nguyễn Đích, tử đạo (Bổn mạng Caritas Việt Nam) [3]


Antôn Nguyễn Đích, sinh năm 1769 tại Chi Long, huyện Nam Sang, tỉnh Nam Định. Cha mẹ ngài là những tín hữu ngoan đạo, thấy họ Chi Long ở xa nhà thờ nên đã đưa con về làng Kẻ Vĩnh, thuộc giáo xứ Vĩnh Trị (tỉnh Nam Định) sinh sống. Thời ấy Vĩnh Trị là thủ phủ của địa phận Tây Đàng Ngoài, có đức cha, các cha, chủng viện và một số cơ sở của Nhà Chung như: trại phong, nhà nuôi trẻ mồ côi v.v. Antôn Nguyễn Đích sinh sống ở làng này, lập gia đình và sinh được 10 người con. Ngài là mẫu gương sáng ngời cho các gia trưởng trong việc giáo dục hướng dẫn đức tin cho con cái.

Ngài rất yêu quý các giáo sĩ và chủng sinh, quảng đại tiếp đón và giúp đỡ họ về vật chất. Trong thời gian chủng viện bị nạn dịch tả phải phân tán, ngài tình nguyện nhận một số thầy, vừa nuôi dưỡng, vừa săn sóc chữa bệnh cho đến khi hoàn toàn bình phục, không sá kể lao nhọc tốn phí. Đức bác ái của ngài còn tỏ ra qua lòng thương người nghèo, không phân biệt lương, giáo, và việc ngài thường xuyên thăm viếng an ủi những người mắc bệnh phong cùi. Chính thế giá và nhân đức của ngài mà người ta gọi ngài là “Trùm”, mặc dù ngài không giữ nhiệm vụ ấy. Khi bị bắt, bị tra tấn, đánh đòn, mang gông xiềng, ngài vẫn kiên trung tới ngày tử đạo. Trong tù ngài vẫn lo việc bác ái và đạo đức. Thực phẩm, tiền bạc do gia đình tiếp tế, ngài chia sẻ cho các bạn tù ngoại giáo. Ngài chuyên chú đọc kinh cầu nguyện, xưng tội rước lễ sốt sắng ngay trong nhà giam.

Ngày 12-08-1838, ông trùm Antôn Nguyễn Đích cùng với linh mục Giacôbê Đỗ Mai Năm và người con rể Micae Nguyễn Huy Mỹ bị điệu ra pháp trường Bảy Mẫu, Nam Định và bị xử trảm.

Ngài được Đức giáo hoàng Lêô XIII phong Chân chước vào ngày 27-05-1900, và ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II tôn phong ngài lên bậc Hiển thánh.

Lời kết

Ngày xưa, cha ông chúng ta đã sẵn sàng đổ máu đào để tuyên xưng đức tin; ngày nay, chúng ta ít có cơ hội can đảm chịu hành hình để làm chứng Chúa. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể sống tinh thần tử vì đạo của cha ông ta để làm chứng Thiên Chúa tình yêu qua việc dấn thân hoạt động vì hạnh phúc và phẩm giá người nghèo. Có thể nói, những hy sinh chúng ta có trong khi phục vụ và chăm lo cho anh chị em sẽ là những giọt máu đào chúng ta đổ ra từng giây, từng phút để làm chứng cho tình yêu và sự hiện diện sống động của Chúa nơi trần gian này. [4] Ước gì tinh thần chứng nhân và gia sản đức tin mà cha ông để lại được các thế hệ con cháu gìn giữ và phát huy, hầu cho niềm vui, tình yêu, và sự bình an của Chúa hiển trị khắp mọi nơi.

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGMVN số 107 (Tháng 7 & 8, năm 2018)

__________

1. wikipedia.org/wiki/Martyr

2. Vatican, 2009. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (UB. Giáo lý Đức tin dịch). Nhà xuất bản Tôn giáo Hà Nội, 2009, số 1822

3. Linh đạo Caritas Việt Nam trang 26-28.

4. kinhmungmaria.com 


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 205
  •   Máy chủ tìm kiếm 16
  •   Khách viếng thăm 189
 
  •   Hôm nay 41,097
  •   Tháng hiện tại 1,028,014
  •   Tổng lượt truy cập 79,776,698