Hồng y Yves Congar, O.P. – Nhà thần học làm hồi sinh phong trào đại kết ​

Thứ sáu - 22/01/2021 10:58      Số lượt xem: 2384

Đối thoại và giải thích là những điều cần thiết, nhưng chúng phải quy hướng về nguồn bằng một sức sống mạnh mẽ trong cầu nguyện và yêu thương.” (Yves Congar, O.P., Diversity and Communion)


HỒNG Y YVES CONGAR, O.P. – NHÀ THẦN HỌC LÀM HỒI SINH PHONG TRÀO ĐẠI KẾT

Cao Viết Tuấn lược dịch và tổng hợp[1]

WHĐ (21.1.2021) – “Bản chất và sự xác thực của tính duy nhất của Giáo hội được xây dựng trong Đức Giêsu Kitô và nhờ Đức Giêsu Kitô. Tất cả mọi hình ảnh mà Tân Ước sử dụng để diễn tả tính duy nhất của Giáo hội đều nói lên điều đó. Tân Ước nói về Giáo hội như là một tòa nhà, một vườn nho, một đàn chiên, một tân nương, một thân thể, luôn luôn ở trong mối tương quan với Đức Giêsu Kitô. Đức Kitô là viên đá góc tường của một kết cấu duy nhất, Ngài là thân của một cây nho duy nhất, là mục tử của một đàn chiên duy nhất, là phu quân của một thê tử duy nhất, là đầu của một thân thể duy nhất.” (Yves Congar, O.P., Diversity and Communion)

“Người ta không thể không nhận thấy sự phong phú và sung mãn của Giáo hội. Tính duy nhất mà Chúa Giêsu cầu xin cho Giáo hội trong “lời nguyện Thượng Tế” của Ngài đó là duy nhất của sự sung mãn, theo hình ảnh sự hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con. Đó không phải là sự duy nhất được đan dệt bởi sự nghèo nàn, bởi việc rút giảm để trở thành một yếu tố duy nhất. Tính đa dạng sẽ tìm được chỗ đứng trong tính duy nhất của Giáo hội.” (Yves Congar, O.P., Diversity and Communion)

“Đối với Giáo hội Công giáo, hạn từ metanoia, thay đổi tâm thức, tái nhận thức, nói lên một điều gì đó hơn cả một chương trình – nghĩa là những gì sẵn có. Người ta cần những cái gì đó linh động để làm nên tinh thần chủ đạo. Đối thoại và giải thích là những điều cần thiết, nhưng chúng phải quy hướng về nguồn bằng một sức sống mạnh mẽ trong cầu nguyện và yêu thương.” (Yves Congar, O.P., Diversity and Communion)

“K. Rahner nghĩ rằng trong số các hạn từ của tín lý, thì hạn từ “duy nhất” có thể là chướng ngại vật nằm giữa các Giáo hội Cải Cách và Giáo hội Rôma. Tôi không đồng ý điều đó.” (Yves Congar, O.P., Diversity and Communion)

DẪN NHẬP

Những dấu chỉ của điều mà Yves Congar gọi là “niềm đam mê đại kết” (ecumenical passion) rất khó nhận thấy trong thời gian gần đây. Nhiều người trong chúng ta có lẽ sẽ hồi tưởng lại niềm phấn khởi hào hứng khi lần đầu tiên tham gia phong trào đại kết. Những cuộc đối thoại sinh động, những công trình được thực hiện chung, những mối tương quan được kí kết, những cuộc thăm viếng của hàng giáo sĩ, và những hội nghị đại kết đã tạo những cơ hội thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau của các Kitô hữu thuộc các truyền thống khác nhau, và để khám phá ra những lãnh vực rộng lớn mà chúng ta đồng thuận với nhau. Ngày nay, sự hào hứng ấy đã không còn nữa trong phong trào đại kết. Chúng ta đã cộng tác với nhau vừa đủ để nhận ra những điểm mạnh và điểm yếu của nhau, và đã học biết đủ để không còn mấy ngạc nhiên về những điểm tương đồng và những điểm dị biệt.

Thay cho một bước tiến mạnh mẽ mà các thần học gia đưa ra nhằm giải quyết các vấn đề gây tranh cãi, thì các nhà lãnh đạo Giáo hội vẫn luôn canh phòng một cách cẩn trọng, làm trì trệ tiến trình hướng tới sự hiệp nhất về mặt cơ cấu. Không ngạc nhiên gì khi mà những người dấn thân trong phong trào đại kết thường cảm thấy thất vọng khi gặp phải những rào cản trong việc diễn tả đầy đủ sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu. Mặt khác, có nhiều Kitô hữu chưa bao giờ cảm nhận được sự thúc bách về mối quan tâm đối với phong trào đại kết. Một số người chỉ biết sống trong khung cảnh hạn hẹp mang tính chất giáo phái của riêng mình, mà không quan tâm đến việc đối thoại với các truyền thống Kitô giáo khác. Có những người, đặc biệt là người trẻ, chấp nhận một cách quá dễ dàng các giáo phái khác. Họ hiểu biết rất ít về lịch sử các cuộc ly khai của Kitô giáo và cho rằng các Giáo hội ly khai nên hiệp nhất với nhau mà không cần phải quan tâm đến những khác biệt về mặt thần học hay những tranh luận trong lịch sử. Do đó, từ nhiều khía cạnh khác nhau, phong trào đại kết có vẻ như gặp phải bế tắc, thiếu cả sức lực lẫn động lực cho một khởi đầu mới mẻ.

Trong bối cảnh đó, chúng ta cần phải xem lại đời sống và tư tưởng của một thần học gia vĩ đại người Pháp, thuộc dòng Đaminh, là Yves Congar, ngài được xem như là thần học gia đại kết tiên phong của thế kỉ hai mươi.

GIỚI THIỆU VỀ CUỘC ĐỜI VÀ TẦM ẢNH HƯỞNG

Yves Congar chào đời ngày 13 tháng 5 năm 1904, tại Sedan, Pháp quốc[2]. Gia đình của ngài thuộc về tầng lớp tiểu tư sản. Một điều kì lạ đối với thời buổi bấy giờ đó là ngài có những người bạn thời thơ ấu là những người Do Thái và Cải Cách, điều đó đã ươm mầm những hạt giống ơn gọi đại kết. Mặc dù đam mê ban đầu của ngài là y khoa, nhưng vào năm 1921, Congar quyết định gia nhập Chủng viện Paris, nơi đó, ngài được cha linh hướng khuyến khích theo học trường phái thánh Thomas. Tâm trí ngài được đánh thức, ngài tham gia các khóa học về trường phái thánh Thomas với một ngôi sao triết học đang nổi tiếng là Jacques Maritain, và thường xuyên tham dự các buổi tĩnh tâm với vị giáo sư thần học của Maritain là Dominican Réginald Garrigou-Lagrange. Trong dòng Đaminh lúc bấy giờ, trường phái Tân Thomas (Neo-Thomism) tỏ ra xem thường những trình bày của Maritain và Garrigou về thánh Thomas, Maritain và Garrigou đi theo khuynh hướng lịch sử nhiều hơn, được đặt tên là “Plaeo-Thomism”. Trường phái Tân Thomas tố cáo những trình bày ấy là hoài cổ, điều đó báo trước về những cuộc xung đột trong sự nghiệp thần học sau này của Congar. Trong lúc đó, Congar thường xuyên lui tới đan viện Conques của dòng Biển Đức, bởi vì trong suốt cuộc đời, ngài luôn tỏ ra yêu thích nền Phụng vụ Công giáo. Ngài gần như đã gia nhập dòng Biển Đức, tuy nhiên, ngài đã quyết định vào tập viện dòng Đaminh tỉnh dòng Pháp ở Amiens, vào năm 1925; ngài khấn dòng vào ngày 8 tháng 12 năm 1926, và thụ phong linh mục ngày 25 tháng 7 năm 1930.

Những nghiên cứu quan trọng của Congar được thực hiện tại học viện dòng Đaminh ở Le Saulchoir, sau đó là ở Kain-la-Tombe nước Bỉ, nơi mà các giáo sư và sinh viên tìm cách trốn tránh nền pháp chế bài giáo sĩ của chính quyền Đệ Tam Cộng Hòa Pháp. Thần học lịch sử là một thế mạnh đặc biệt của học viện này. Các tu sĩ trẻ nghiên cứu chuyên sâu những bản văn bao gồm cổ điển, Thánh Kinh, giáo phụ hay Trung Cổ. Mối quan tâm của ngài là đặt thánh Thomas trong bối cảnh thế kỉ mười chín, điều đó dẫn ngài đến những mối tương quan với lịch sử gia về triết học trung cổ là Etienne Gilson, nhưng điều đó lại làm nguội đi tình bạn thân thiết giữa ngài với những người theo trường phái Tân Thomas.

Một vị thầy của Congar, Marie-Dominique Chenu, đã thông truyền một lòng hăng say đối với Phong Trào Đại Kết còn non trẻ, không chỉ hướng đến những người Cải Cách và Chính Thống, tác phẩm đáng chú ý là Lausanna Faith và Order Conference xuất bản vào năm 1927. Chenu cho rằng mẫu thức phù hợp về những đóng góp đầy cảm thông của Giáo hội Công giáo đối với phong trào đại kết là nhà Giáo hội học thế kỉ mười chín người Đức, tên là Johann Adam Mohler. Theo gợi ý đó, Congar đã chọn chủ đề cho bài tham luận của mình vào năm 1928 theo chủ đề mà Mohler thích nhất: tính duy nhất của Giáo hội. Vào đêm trước ngày thụ phong linh mục, Congar đã tự chuẩn bị cho mình bằng việc suy niệm về lời nguyện thượng tế của Đức Giêsu cầu xin cho sự hiệp nhất giữa các môn đệ, trong Tin Mừng Gioan chương 17, với sự hỗ trợ của các bài chú giải của thánh Thomas và một học giả Thánh Kinh lúc bấy giờ là Marie-Joseph Lagrange. Sau này, khi hồi tưởng lại, ngài nhận ra rằng, vào thời điểm ấy, ngài đã thực sự khởi đầu ơn gọi đại kết của mình.

Trong hai chuyến viếng thăm Đức, ngài đã khám phá ra phng trào “High-Church” trong hệ phái Luther ở Đức, và trong một chuyến đi vòng qua những nơi chốn có liên hệ đến sự nghiệp của Luther, ngài đã trực cảm về “những chiều sâu đòi hỏi nghiên cứu và tìm hiểu thêm”. Trở lại Paris, ngài đã được cho phép tham dự các buổi giảng khóa của các thần học gia Cải Cách người Pháp, cùng lúc đó, những vị ấy cũng tái khám phá học thuyết cải cách về mặt tín lý kinh điển của Calvin, và nhờ đó chuẩn bị con đường cho việc tiếp nhận học thuyết “tân chính thống chống tự do” (anti-liberal neo-orthodoxy) của Karl Barth. Lúc đó, Congar chịu ảnh hưởng rất mạnh từ điểm nhấn của Luther về tính ưu việt của ân sủng và của Thánh Kinh, tuy nhiên ngài cũng tránh được những phủ nhận đi kèm của Luther về vai trò của bác ái và của truyền thống. Ngài cũng chịu ảnh hưởng bởi nhiều điểm nhấn khác của K. Barth về tính tối thượng của Ngôi Lời Thiên Chúa – Đấng mặc khải, cứu chuộc và giao hòa – trong khi đó, ngài nhận thấy việc Barth phủ nhận Thiên Chúa ban một đồng nguyên nhân cứu độ (saving co-causality) cho các loài thụ tạo là một sự sai lầm[3]. Mặc dù lúc đầu phái Cải Cách có ý nghĩa quan trọng với Congar hơn so với Chính Thống (nhưng sau này, điều ấy bị đảo ngược lại), nhưng ngài cũng tham dự các cuộc gặp gỡ Công giáo – Chính Thống của nhóm hữu nghị Pháp – Nga, nhờ đó ngài đã được tiếp xúc với các tư tưởng của Mohler và một thần học gia khác là Alexis Stefanovic Khomiakov.

Do sự vắng mặt của Chenu (phải sang Canada để thành lập Viện nghiên cứu về Trung Cổ tại Toronto), Congar phải đảm nhận công việc giảng dạy một khóa trong chương trình dự bị thần học. Trong khi chuẩn bị cho việc giảng dạy này, Congar đã nghiên cứu công trình của các nhà chú giải và các nhà tư tưởng theo chủ nghĩa hiện đại đương thời. Ngài nhận thấy cần phải cứu Giáo hội bằng các phương pháp của chủ nghĩa hiện đại này, mà cụ thể bao gồm hai điều. Thứ nhất là áp dụng phương pháp lịch sử vào các dữ liệu Kitô giáo, nhưng không phải là phương pháp phê bình lịch sử triệt để cứng ngắc, nghĩa là trong đó, chiều kích đức tin bị gạt ra ngoài hoàn toàn. Thứ hai là quan tâm chú ý nhiều hơn quan điểm của những người có kinh nghiệm, những nhu cầu và mối quan tâm của họ thay đổi theo bối cảnh lịch sử. Trong khi thực hiện công việc này, Congar khám phá ra những đóng góp của triết gia Công giáo Maurice Blondel, chính quan niệm về truyền thống của Blondel đã có những tác động rất lớn trên Congar.[4]

Các bài giảng thần học nhập môn của Congar, là nguồn gốc của niềm đam mê thần học căn bản của ngài, đã mau chóng được bổ sung các bộ môn thần học về Giáo hội. Cùng với phong trào đại kết, Giáo hội học cũng là niềm đam mê rất lớn trong suốt cả cuộc đời của Congar. Nhờ đó, ngài có lý do để mở rộng các mối quan hệ với các cá nhân và Giáo hội Kitô giáo khác. Ngài đã tiếp xúc với đan viện Amay, nơi đó cử hành theo hai nghi lễ Byzantine và Latin, cũng như vị sáng lập của nó là Dom Lambert Beauduin. Ngài đến Anh quốc và kết bạn với những người theo Anh giáo và có được một hiểu biết xuyên suốt về lịch sử thần học đầy sóng gió của truyền thống Anh giáo. Tuy nhiên, những chuyến viếng thăm như vậy, cũng như những lần đi đến các thành phố của Pháp để quảng bá cho The Christian Unity Octave, chỉ là lúc tạm ngưng sau những ngày tháng nghiên cứu và giảng dạy diễn ra trong một đan viện khổ hạnh và khung cảnh phụng vụ.

Những công việc ấy buộc phải dừng lại khi Thế Chiến II diễn ra. Khi ấy, ngài đảm đương công việc của một vị tuyên úy quân đội, sau đó, ngài bị bắt làm tù binh chiến tranh và bị giam ở Colditz. Ở đây, ngài rất kinh ngạc và cảm thấy suy sụp tinh thần khi hay tin Rôma đã kết án công trình nghiên cứu của Chenu có tựa đề “A School of Theology, Le Sauchoir”, bao gồm cả quan điểm và phương pháp của Chenu.[5] Sau này, vào cuối năm 1964, ngài thú nhận rằng chính ngài cũng không thể nào hiểu được hành động như vậy, và ngài nghĩ rằng điều đó xảy ra có thể là do dựa trên những thông tin sai lạc. Thật vậy, những điều tra sau này đã cho thấy, việc chống lại Le Saulchoir là do “những người theo chủ nghĩa hiện đại nửa vời” thực hiện. Khi đó, một bậc thầy thuộc dòng Đaminh, là Mariano Cordovani, đứng lên phản đối những ai cho rằng Le Saulchoir nhấn mạnh con người về khía cạnh bối cảnh lịch sử cuối cùng sẽ đẩy thần học trở thành nhân học văn hóa, xóa bỏ mọi khía cạnh chủ thể thần linh, mặc khải.

Tuy nhiên, sự nghi ngại của các nhà lãnh đạo Giáo hội về các công trình của ngài ngày càng gia tăng. Đầu năm 1947, ngài bị từ chối đăng một bài viết về quan điểm của Giáo hội Công giáo đối với phong trào đại kết. Các bậc Thầy thuộc dòng Đaminh còn cảnh báo ngài về “một cuộc hòa giải sai lầm”, nó có thể bị hiểu khác đi so với giáo lý của Giáo hội Công giáo. Năm 1952, theo lệnh của bộ Thánh Vụ (Saint Office), các ấn bản, cũng như các bản dịch, của tác phẩm Vraie et fausse Réforme dans l’Église bị cấm tái xuất bản. Ngoài ra, các tác phẩm khác của ngài bị bắt buộc nộp về cho bề trên tổng quyền dòng Đaminh để kiểm duyệt. Vì cú sốc ấy, ngài rơi vào khủng hoảng, tuyệt vọng đến nỗi Étienne Fouilloux, khi giới thiệu cuốn Journal d’un théologien, nói rằng, có lúc cha Congar nghĩ đến việc kết thúc cuộc đời sớm[6].

Tuy vậy, cha Congar vẫn tiếp tục nỗ lực xây dựng các mối liên hệ đại kết, đặc biệt là với Chính Thống, đó là kết quả của chuyến giảng thuyết lưu động ở vùng Cận Đông trong suốt mùa đông 1953-1954. Đầu tháng hai năm 1954, ngài trở về Pháp và hay tin rằng, sau một bài viết bênh vực cho phong trào Linh mục thợ, ngài đã bị cấm giảng dạy. Ngài bị cưỡng chế rời khỏi Paris, bị cấm giảng dạy và các tác phẩm của ngài bị đặt dưới tầm kiểm soát của Bề trên Tổng quyền. Ngài đã chọn đi đến École Biblique ở Giêrusalem, ở đó, ngài đã nỗ lực viết một khảo luận duy nhất về thần học Thánh Kinh.

Sau đó, vào tháng 11 năm 1954, ngài trở về Blackfriars, Cambridge, tuy nhiên, ngài vẫn còn bị “quản thúc” chặt chẽ. Mãi cho đến cuối năm sau, tháng 12 năm 1955, nhờ Đức Cha Jean Weber, Giám mục Strasbourg, Congar trở lại Pháp và được phục hồi sứ vụ mục tử và sứ vụ thần học. Khi hồi tưởng lại, Congar tin rằng những năm khó khăn ấy đã giúp ngài nỗ lực trau dồi “lòng kiên nhẫn tích cực”, đặc biệt phù hợp với công cuộc đại kết – một tiến trình lâu dài được gắn kết với việc canh tân từ bên trong mọi quan hệ Kitô giáo.[7]

Với việc Giuseppe Roncalli trở thành Giáo hoàng Gioan XXIII, mọi thứ đã thay đổi. Ngay sau khi Giáo hoàng mới thông báo triệu tập Công Đồng Chung, Congar được đặt làm cố vấn thần học cho ủy ban trù bị. Ngay tại Công Đồng Vatican II, Congar đã góp phần soạn thảo “Thông điệp gởi thế giới” được công bố khi khai mạc Công Đồng. Ngài cũng đóng góp công sức trong các văn kiện Công Đồng quan trọng khác như là Dei verbum (Hiến chế tín lý về Mặc khải của Thiên Chúa), Lumen gentium (Hiến chế tín lý về Giáo hội), Gaudium et spes (Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay), Ad gentes divinitus (Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo hội), Unitatis redintegratio (Sắc lệnh về đại kết), Presbyterorum ordinis (Sắc lệnh về đời sống và sứ vụ của các linh mục) và Dignitatis humanae (Tuyên ngôn về tự do tôn giáo). Vị Giáo hoàng thứ hai của Công Đồng, Đức Phaolô VI, và các vị kế nhiệm ngài cũng dành cho Congar không ít vinh dự. Vào năm 1965, Congar trở thành thành viên chính thức của ủy ban đối thoại Công giáo-Luther. Sau đó, ngài được Đức Phaolô VI bổ nhiệm vào Ủy ban Thần học Quốc tế mới được thành lập. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã mời ngài tham dự Thượng hội đồng Giám mục bất thường vào năm 1985, để duyệt xét lại những thành quả của Công Đồng Vatican II, một Công đồng có sự đóng góp rất lớn của Congar, nhưng vì lý do sức khỏe không cho phép, nên ngài không thể tham dự. Những năm hậu Công đồng là khoảng thời gian thanh bình đối với Congar, mặc dù ngài không ngần ngại lên tiếng phê bình những vấn đề ngài xem là sai lầm, nơi mà “việc mở ra với cái mới đã thường xuyên bị hiểu lầm thành một lời đề nghị tuyệt giao”.[8] Ngài luôn sống trong bầu khí tu viện tại Tu viện Saint-Jacques ở Paris. Ở đó, ngài tiếp đón từng dòng người đến thăm, các sinh viên, những người đến học hỏi, cũng như những người hâm mộ. Năm 1984, khi mắc chứng bệnh liệt hai chân, ngài phải di chuyển đến Hôtel des Invalides để được chăm sóc. Năm 1994, ngài được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II trao mũ Hồng y trên giường bệnh. Chưa đầy một năm sau, ngày 22 tháng 6 năm 1995, ngài qua đời tại Invalides, Paris.[9]

TỔNG QUAN CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU

Ở đây, việc khảo sát một cách vắn tắt các công trình nghiên cứu của Yves Congar được đặt trong bối cảnh lịch sử và những ảnh hưởng như được trình bày ở trên. Nó nhấn mạnh đến những gì là quan trọng nhất, và được trình bày theo thứ tự niên đại.

Lần đầu tiên Congar gây được sự chú ý rộng rãi nhờ một bài tiểu luận mang tính tranh biện bàn về sứ mạng mục tử của Giáo hội trong xã hội đương đại. Ngài quy trách nhiệm việc cắt đứt ra khỏi Giáo hội của nền văn hóa Pháp cho “khuôn mặt biến dạng” của Giáo hội, bộ mặt ấy làm cho cộng đoàn Công giáo có vẻ như mang nặng tính pháp lý và phòng thủ, do đó diễn tả một cách nghèo nàn “việc nhập thể của ân sủng” và “việc Thiên Chúa làm người” được thể hiện nơi con người và công trình của Đức Giêsu Kitô.[10]

Vào năm 1936, ngài trình bày một loạt vấn đề về Giáo hội học dưới nhan đề chung là Unam Sanctam, trích từ Kinh Tin Kính: “[Giáo hội] thánh thiện duy nhất”. Nguồn cảm hứng đại kết của chúng được báo trước thông qua quyết định thực hiện cuốn đầu tiên có tựa đề Divived Chistendom, thông qua việc suy tư về bản chất cốt yếu của Giáo hội và tính duy nhất của Giáo hội, tác phẩm này trình bày “các nguyên tắc đối với phong trào đại kết Công giáo” dưới ánh sáng của những quan niệm khác nhau về tính duy nhất, về đại kết, giữa những người Cải Cách, Anh giáo và Chính Thống.

Trong thời chiến, vào năm 1940, qua tác phẩm The Mystery of the Church, ngài đã trình bày cho thấy tính liên tục giữa học thuyết của thánh Thomas với các giáo phụ, và những gì thánh Thomas trình bày là chất liệu cho việc xây dựng một nền thần học đương đại (đi thẳng vào những nhu cầu của “Mission de France”). Tác phẩm này đã đóng góp nhiều cho công cuộc canh tân Giáo hội mà đỉnh cao là Công đồng Vatican II. Trong bài “Theology” mà ngài đóng góp vào “Dictionary of Catholic Theology” (sau này được xuất bản thành một cuốn sách riêng có tựa đề A History of Theology), ngài đã cho thấy một sự am hiểu tuyệt vời về lịch sử thần học, ở độ tuổi bốn mươi.

Sau chiến tranh, ngài can đảm lên tiếng kêu gọi, một cách cẩn trọng, cải cách Giáo hội, trong tác phẩm nổi tiếng “True and False Reform in the Church”. Sau khi phân biệt ý nghĩa bản chất thánh thiện của Giáo hội bởi vì là một tổ chức thiêng liêng, nhưng Giáo hội vẫn là tội lỗi do mang trong mình những yếu tố con người, ngài đã kêu gọi một cuộc cải cách không phải về các sai lầm (điều đó hầu như không thể làm được) nhưng là cải cách cơ cấu của Giáo hội, cần phải thích nghi một cách cụ thể và thường xuyên hơn với thế giới mà Giáo hội đang rao giảng cho. Ngài lập luận rằng công cuộc cải cách như vậy sẽ dẫn đến việc “trở về nguồn”, một cụm từ được ngài trích lại từ nhà phê bình thơ và xã hội Charles Péguy, cũng như những canh tân phụng vụ do Đức Giáo hoàng Piô X khai mở. Congar trình bày những điều kiện của một cuộc cải cách đúng đắn, đó là không làm gián đoạn tính liên tục của lịch sử Giáo hội, không gây rối loạn sự bình yên và làm ảnh hưởng đến tình bác ái của các thành viên Giáo hội.

Ngài cũng trình bày những mối quan tâm đặc biệt đến việc nghiên cứu thần học của người giáo dân, trong tác phẩm Lay People in the Church. Trong đó ngài nhấn mạnh rằng người giáo dân không phải là những đối tượng thuần túy để hàng phẩm trật chăm sóc, nhưng dựa vào nền tảng của bí tích rửa tội và thêm sức, họ là những chủ thể tích cực tham gia vào sứ mạng của Chúa Kitô trong nhiệm vụ Tư tế, Ngôn sứ và Vương đế. Họ thực thi những nhiệm vụ này trong chính môi trường riêng của họ, đó là nơi giao thoa của Giáo hội và thế giới. Người giáo dân có trách nhiệm trao đổi giữa hai lịch sử vĩ đại: thánh thiêng và trần tục. Với mối tương quan giữa thế giới và Giáo hội, người giáo dân làm nên Vương quốc Thiên Chúa với những chất liệu trần thế. Khi làm như vậy, họ đóng góp vào plèròma – sự tròn đầy – mà Chúa Kitô được nhắm tới như là cùng đích của toàn bộ thực tại, bao gồm Giáo hội – thân thể của người.

Những dịp kỉ niệm quan trọng của Giáo hội đã tạo cơ hội để Congar có thêm những đóng góp quan trọng. Vào năm 1952, nhân kỉ niệm mười lăm thế kỉ của Công đồng Chalcedon được tổ chức vào năm trước đó, ngài cho ra đời Christ, our Lady and the Church, một bản liệt kê những nguyên tắc thần học làm nền tảng và nối kết với Kitô học, Giáo hội học và Thánh Mẫu học chính thống. Năm 1954, nhân kỉ niệm chín trăm năm cuộc ly khai của Michael Kerullarios, ngài xuất bản một nghiên cứu quan trọng về những mối liên hệ giữa Công giáo và Chính thống, với tựa đề After Nice Hundred Years. Trong thời gian “lưu đày” ở Giêrusalem, ngài quay sang viết những đề tài rộng lớn hơn về mối tương quan giữa Thiên Chúa và thế giới được thể hiện trong lịch sử. The Mystery of the Temple phác họa một thần học về sự phát triển mối tương quan giữa Thiên Chúa và nhân loại, mà các giai đoạn của nó được đánh dấu bởi sự hiện diện bên trong của Thiên Chúa ngày một gia tăng, với đỉnh điểm là Đức Giêsu Kitô, Đấng là Thiên Chúa-người, và mục tiêu cuối cùng của nó là “đền thờ” cánh chung – là nơi Thiên Chúa hiện diện như được mô tả trong sách Khải huyền của thánh Gioan.

Trong Tradition and Traditions, được viết khi Công đồng Vatican II đang diễn ra, mối quan tâm của Congar bắt đầu thay đổi từ một hình ảnh Giáo hội theo định hướng Kitô học quay sang một hình ảnh Giáo hội chú trọng nhiều hơn đến sứ mạng của Chúa Thánh Thần, điều đó không có nghĩa là gạt bỏ định hướng chủ yếu của đời sống Giáo hội được thực hiện bởi Ngôi Lời Nhập Thể và Phục Sinh, nhưng nhờ đó, ân sủng của Chúa Kitô ban cho Giáo hội được nhận thức một cách cụ thể hơn trong đời sống người tín hữu.

Giờ đây, người ta bắt đầu phổ biến các tác phẩm của Le Saulchoir đã được viết ra “trong thời khó khăn”, trong đó đi theo hai dòng niên đại chủ yếu: “Giáo hội học của thời hậu Trung Cổ” và “Giáo hội học từ thánh Augustine đến thời hiện đại”. Qua tác phẩm The Mystery of Salvation, ngài cũng đề ra một tổng hợp riêng dựa trên những chất liệu truyền thống trong “Giáo hội: Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo, Tông truyền”, đây là một đóng góp vào cẩm nang Franco-German về thần học lịch sử cứu độ. Trong quá trình nghiên cứu, ngài đã nhận thấy được hai quan niệm quan trọng khác nhau: một quan niệm cho rằng Giáo hội học có thể được nghiên cứu bằng cách khởi đi từ Giáo hội địa phương (Giáo hội học hiệp thông) hoặc khởi đi từ Giáo hội hoàn cầu (Giáo hội học hoàn vũ).

Ngoài những tổng hợp khổng lồ các khảo luận về những đề tài ngài quan tâm, từ Luther và phong trào đại kết cho đến Giáo hội, thừa tác vụ, Công đồng Vatican II …, trong những năm 1979-1980, Congar còn cho ra đời một bộ Thánh Linh học (Pneumatology) đầy đủ gồm ba cuốn có tựa đề: I believe in the Holy Spirit. Khởi đầu từ những chứng từ về Chúa Thánh Thần trong Cựu ước và Tân ước, qua những giai đoạn khác nhau của lịch sử Giáo hội, Congar đã suy nghĩ về vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống cộng đoàn của Giáo hội, cũng như trong đời sống cá nhân của các Kitô hữu, với một phần lớn nói về “Canh tân Đặc sủng” (Charismatic Renewal). Trong cuốn cuối của bộ ba cuốn này, ngài đã tìm kiếm thần học về Chúa Thánh Thần trong lịch sử Đông cũng như Tây; nỗ lực giải quyết vấn đề nan giải sự nhiệm xuất (procession) của Chúa Thánh Thần (chỉ từ Chúa Cha, hay từ Chúa Cha và Chúa Con), chính điều này gây chia rẽ Giáo hội Công giáo và Chính thống; và sau khi đã khảo sát tỉ mỉ về hoạt động của Chúa Thánh Thần trong bí tích Thêm sức và Thánh thể, ngài kết luận bằng cách phác họa đời sống Giáo hội như là một lời kinh cầu xin Chúa Thánh Thần (epiclesis) nối dài, hay là lời kinh xin Chúa Thánh Thần ngự xuống.

Trong cuốn sách cuối cùng của ngài, Autumn Conversation, ngài đã cho thấy cảm thức và những suy tư của ngài được chuyển động hòa quyện với hoạt động nội tại của Ba Ngôi Chí Thánh: từ Chúa Cha, qua Chúa Con và đến với Chúa Thánh Thần.

NỘI DUNG

Trong phần này, chúng ta cần tập trung chú ý đến trọng tâm thần học của Congar, học thuyết về Giáo hội. Tuy nhiên để làm được điều đó, chúng ta cần trình bày về thần học căn bản của ngài, được nhìn qua cách hiểu của ngài về mặc khải trong truyền thống.

Trình bày của Congar về mặc khải khởi đầu bằng khái niệm Lời của Thiên Chúa, một trong những tư tưởng chịu ảnh hưởng của K. Barth.[11] Lời của Thiên Chúa là yếu tố đặc biệt trong lịch sử cứu độ, qua đó Ngài làm cho nhân loại biết được mầu nhiệm và ý muốn riêng của Ngài đó là đưa nhân loại về với Ngài. Đồng thời, Lời của Thiên Chúa khơi gợi lên những lời nói và hành động với dấu chỉ-giá trị mang tính mặc khải. Thông qua ngôn ngữ và dấu chỉ như vậy, con người có thể hiểu và khẳng định ý nghĩa thần linh nhờ các phương tiện của con người. Phù hợp với chủ nghĩa duy thực Công giáo và trường phái thánh Thomas truyền thống, Congar cho rằng “việc suy nghĩ với sự tán thành” như vậy đúng với sự thật của chính Chân Lý Nguyên Thủy.

Vở kịch của việc tự thông truyền chính mình của Thiên Chúa được thực hiện thông qua lịch sử cứu độ kéo dài liên tục, nhưng đỉnh điểm của nó là Đức Giêsu Kitô. Ngài là Đấng đã mặc khải toàn bộ dấu chỉ của mối tương quan giao ước giữa Thiên Chúa và con người, cũng như hiện thực hóa mối tương quan ấy một cách vô điều kiện. Khi kế hoạch của Thiên Chúa diễn ra, những điều kiện về mặt nhận thức để con người có thể chấp nhận được tạo ra cách tiệm tiến. Người Con hành động như là “vị thầy nội tâm” của chúng ta – một cụm từ mượn từ thánh Augustine; trong khi đó, Thần Khí, theo Thư thứ nhất của thánh Gioan, đóng vai trò như là “người hiệp nhất” của chúng ta. Lời của Thiên Chúa đòi hỏi, và do đó có thể đón nhận, lời hưởng ứng (co-responding) từ chúng ta. Chúa Cha vô hình được thể hiện và thông truyền trong sứ mạng của Chúa Con, nhập thể trong Đức Giêsu Kitô, và nhờ Thần Khí, là Đấng được đổ tràn đầy vào thế giới trong Mầu Nhiệm Vượt Qua vào ngày lễ Ngũ Tuần. Về những sứ mạng, những bổ túc của tâm trí và cảm giác chúng ta là những tiếng vang vọng bên trong. Trong thời gian giữa Phục Sinh và Tái Lâm, Thiên Chúa tiếp tục đưa con người về với Ngài, và nhờ đó, tiết lộ sự hiện hữu của Ngài như là Ba Ngôi, và điều này được thực hiện bằng các phương tiện cộng đoàn, Giáo hội, sống trong sự hiệp thông với sự trao đổi đồng bản thể vô tận (ceaseless consubstantial exchange) của các ngôi vị thần thiêng.[12]

Mặc khải được trao ban một lần cho tất cả, bảo tồn và chứa đựng dành cho toàn thể nhân loại bởi Giáo hội do Đức Kitô thành lập. Qua trung gian mặc khải của Giáo hội, các vấn đề quyết định mang tính khách quan về nội dung, cụ thể là các tín điều, Congar nhấn mạnh rằng giáo lý dành cho mọi người phải được đặt trong một toàn thể rộng lớn hơn. Giáo hội không chỉ là Thầy, mà còn là Mẹ, và toàn bộ các thành viên của Giáo hội không chỉ được cung cấp những gì mang tính giáo thuyết riêng biệt do sứ mạng tông đồ với nhiệm vụ giáo huấn của Giáo hội, nhưng các thành viên còn được cung cấp dưỡng chất và môi trường giáo dục về đức tin. Mặc dù nguồn gốc của Truyền Thống hệ tại ở việc Chúa Cha trao phó Chúa Con cho trần gian, và sau đó chấp nhận bị trao nộp (cũng vậy, trong tiếng Latin, traditio có nghĩa là trao ban) trong tay của những kẻ tội lỗi, hành vi kép đầy hiệu quả này, được liên kết với một biểu tượng mang tính chất nam tính, được đón nhận và trao lại trong truyền thống Giáo hội mà chủ thể tối hậu của nó là Chúa Thánh Thần và đó cũng là điều mà Congar quan niệm trong những hạn từ căn bản mang tính chất nữ tính. Toàn thể Giáo hội, hàng giáo sĩ và giáo dân, là chủ thể trung gian của Truyền Thống mà Giáo hội truyền lại không chỉ như là một giáo huấn (teaching) nhưng còn là một thực tại (reality), thực tại của chính Kitô giáo. Và trong hạn từ được rút ra từ History and Dogma của Blondel, Congar nhấn mạnh rằng truyền thống xây dựng “tính trường tồn của một quá khứ trong hiện tại, trong hiện tại đó, tương lai đang được chuẩn bị” – do đó việc trổi vượt những giới hạn của một sự bảo thủ cố hữu hay việc hoàn toàn xem nhẹ tính liên tục.[13]  Trong mỗi thời đại, Giáo hội của Truyền Thống đưa ra những công trình nổi bật nhất, từ một bản văn phụng vụ cho đến một công trình nghệ thuật, từ một nhà thần học kinh điển cho đến một vị thánh.[14]

Mặc dù nội dung của mặc khải, mầu nhiệm về sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại, chứa đựng trong nó những lý lẽ biện hộ riêng, tuy nhiên nó cũng cung cấp cho tâm trí con người những khả thể vô tận của mặc khải. Nhiệm vụ của thần học đó là phải tự ràng buộc chính mình trong việc tìm kiếm (mà vẫn không bao giờ hiểu hết hoàn toàn) toàn bộ mặc khải trong sự chặt chẽ nội tại của nó. Trong nỗ lực thống nhất những điểm nhấn đặc trưng của hai bậc thầy dòng hành khất thời Trung Cổ là thánh Bonaventure và thánh Thomas, Congar khẳng định rằng thần học phải cho thấy một sự quy chiếu liên tục đến hai trung tâm mặc khải, Đức Giêsu Kitô (nghĩa là “quy Kitô” (christocentrism) của trường phái Bonaventure) và kỳ hạn của mặc khải, là chính Thiên Chúa (nghĩa là “theofinality”) của trường phái Thomas.[15]

Giờ đây, chúng ta trở lại với cách nhìn của Congar về Giáo hội. Như chúng ta đã thấy, mối quan tâm của Congar đến Giáo hội học không thể tách rời khỏi mối quan tâm với việc canh tân Giáo hội bằng cách “trở về nguồn”. Ngài phân định một nhu cầu bức thiết - trong lãnh vực truyền giáo và trong nỗ lực đại kết - về “một quan niệm về Giáo hội rộng lớn, phong phú, sống động, và đầy sức sống thánh kinh và truyền thống”. Theo khái niệm đó, thần học về Giáo hội phải sống bằng “một sự liên hệ mật thiết và hữu cơ với chính dữ liệu của mình, là những gì được trao ban”.[16] Với mong muốn đem lại cho cộng đoàn hiện tại di sản lịch sử giải thích tài liệu tham khảo dồi dào, các khảo luận Giáo hội học của Congar có vẻ như là niềm phấn khởi thực sự. Việc ghi chép về Giáo hội học liên tục trong các công trình lịch sử chặt chẽ cung cấp một kho tàng các khái niệm thần học, dựa vào đó ngài đã nỗ lực rút tỉa để có được một mẫu thức về thực tại đa diện này. 

Đó không phải là một Giáo hội học theo trường phái Congar (Congarian ecclesiology). Tuy nhiên, trong Divided Christendom, ngài cho thấy mối quan tâm đặc biệt trong việc làm sáng tỏ lý do căn bản của tính thống nhất của Giáo hội bằng cách trình bày những nguyên tắc nền tảng của đời sống Giáo hội. Trước hết và quan trọng nhất, đó là “Giáo hội của Thiên Chúa Ba Ngôi”, là sự mở rộng của sự sống thần thiêng, đó chính là một sự thống nhất trong đa dạng. Congar nhấn mạnh vai trò của Thần Khí như là tác nhân liên kết chúng ta cũng như liên kết Ba Ngôi. Thần Khí là nguồn phong phú của tất cả ân sủng và nhân đức siêu nhiên, chúng hướng chúng ta về sự thống nhất nội tại của chính Thiên Chúa Ba Ngôi. Kế đó, Giáo hội cũng là “Giáo hội của Đức Kitô”, Thân Thể Đấng Trung Gian của việc tự thông truyền của Thiên Chúa. Chúng ta đi vào Thân Thể này, và thông dự vào sự sống mà nó trao ban, nhờ các bí tích trong đó đức tin được tỏ lộ và được làm cho sống động. Cuối cùng, Giáo hội là “Giáo hội của những con người”, bởi vì những mối tương quan của Thiên Chúa với nhân loại phải mặc lấy hình thức và diện mạo của xã hội, phù hợp với một con vật sống thành xã hội. Quy tắc nhập thể - được Thiên Chúa thực hiện trong công trình của cứu chuộc chúng ta nhờ Đức Kitô, qua việc mặc lấy thân xác trong suốt cuộc Vượt Qua cho đến Phục Sinh – chi phối công việc thờ phượng của chúng ta, từ Lễ Ngũ Tuần cho đến khi Tái Lâm. Hệ quả là, đời sống của Giáo hội-Thân Thể phải đóng vai trò như là một thể chế, vì Giáo hội trần thế phải mặc lấy hình thức nhân loại và xã hội trong mọi mối dây ràng buộc cộng đoàn, để cùng nhau theo đuổi những mục đích chung. Rút ra từ những nguyên tắc của Kitô học Chalcedonian, được nhìn nhận như là chìa khóa cho việc đánh giá mang tính thần học trong toàn bộ lãnh vực của một Kitô giáo “tái tập trung” vào Đức Kitô, Congar cho rằng, giống như bản tính kép của Đức Kitô, mầu nhiệm của Giáo hội và sự hiện hữu như là một thể chế được thống nhất với nhau một cách bất khả phân ly, nhưng không lẫn lộn. Hoặc là, dựa trên phép loại suy của học thuyết Aristotle về con người, ngài đề nghị rằng, như thân thể là công cụ và sự diễn tả của linh hồn, thì Giáo hội hữu hình là công cụ và là sự diễn tả của sự sống vô hình của Đức Kitô.[17]

Về đường lối quyết định cho việc cải cách cũng như đại kết, Congar diễn tả tính công giáo của Giáo hội như là “tính phổ quát năng động của sự hiệp nhất của Giáo hội”. Điều đó làm nên các nguyên lý hiệp nhất để liên kết toàn thể nhân loại với Thiên Chúa. Với nền tảng Ba Ngôi và Kitô học, tính công giáo ấy diễn tả mối tương quan giữa sự duy nhất của Thiên Chúa và sự đa dạng của thụ tạo. Đồng thời nó được định nghĩa trong các hạn từ duy nhất (unity) và đa dạng (diversity). Mặc dù nó đòi hỏi sự duy nhất (unity) và độc nhất (unicity) ở bình diện hữu hình, một sự độc nhất, trong đó sự duy nhất nội tại phải được diễn tả một cách hữu cơ và mang tính chất cơ cấu (và ở đây, những bộ phận của cái duy nhất đó là đức tin, ân sủng, và đời sống cộng đoàn được trao ban cùng với thừa tác vụ tông truyền, trong bộ ba nhiệm vụ là giảng dạy, thánh hóa và cai quản), nó cũng đòi hỏi sự thích nghi phù hợp với sự đa dạng của nhân loại ở những nơi tính duy nhất của Giáo hội được thể hiện ra, điều đó nhằm giúp tăng trưởng tính duy nhất của Giáo hội. Sự đa dạng về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục thể hiện ra trong sự đa dạng về cách suy tư thần học và tôn giáo, là một giá trị nhân bản, một sự phản ảnh của hình ảnh thần thiêng trong con người. Mặc dù những giá trị khác nhau ấy phải được hòa nhập vào trong sự duy nhất tối thượng của Thần Khí, tính duy nhất của Công giáo vẫn có khả năng hội nhập vào mình tất cả những gì là chân lý và thiện hảo. Ở đây, thông qua khái niệm về giá trị có thể hội nhập (integrable value), Congar trình bày quan niệm của ngài về một Công giáo đa sắc đa diện về văn hóa, và được làm cho phong phú thêm bởi những khác biệt đã được hòa giải của các Giáo hội Kitô giáo ly khai, nhờ đó sự sung mãn về linh đạo, phụng vụ và tri thức của các Giáo hội ấy làm chứng cho những giá trị Tin mừng mà chúng đã mang theo trong cuộc ly khai.[18]

Trong những tác phẩm được viết vào thời hậu chiến, với nỗ lực đem lại ánh sáng cho những suy tư về Giáo hội, Congar đã trình bày sự khác biệt giữa “cơ cấu” và “đời sống”. Các yếu tố mang tính cơ cấu  của Giáo hội được chính Chúa Giêsu trao ban và tham dự vào sự thánh thiện bất biến của Ngài, làm nên cơ cấu của Giáo hội: kho tàng đức tin, các bí tích, bộ ba nhiệm vụ tông truyền. Mặt khác, các thành viên của Giáo hội khẳng định đời sống cộng đoàn của mình, với tính chất mở rộng cơ cấu của Thiên Chúa. Điều thứ nhất được liên kết với hoạt động căn bản của Chúa Con, và hoạt động được tiếp tục trong các dấu chỉ và nhiệm vụ, điều thứ hai phụ thuộc nhiều hơn vào Chúa Thánh Thần, như là việc phân phát đặc sủng của Lễ Ngũ Tuần cho đời sống mà công trình của Chúa Con đã thiết lập. Congar nhấn mạnh rằng các đặc sủng của cộng đoàn chỉ có thể được hòa hợp với Giáo hội của mầu nhiệm Nhập Thể cách đầy đủ bởi hoạt động của hàng phẩm trật Giáo hội. Do đó, ngài thích kiểu nói rằng: với Nhóm Mười Hai nguyên thủy, hàng phẩm trật và Giáo hội cùng được thành lập trở nên một cộng đoàn các ngôn sứ, tư tế và vương đế, trong đó, hàng phẩm trật hoạt động nhằm phục vụ tất cả những gì Giáo hội được kêu gọi để trở nên và hoạt động.[19]

Quan niệm về sự đa dạng của Giáo hội theo Congar đã có ảnh hưởng lớn đến những trình bày về hình thức và hình ảnh của Giáo hội, điều đó cũng được thể hiện trong Hiến chế Tín lý về Giáo hội của Công đồng Vatican II. Đối với Congar, Giáo hội là dân Thiên Chúa, là Thân Thể Đức Kitô, là đền thờ Chúa Thánh Thần, là sự hiệp thông, là một xã hội và là bí tích theo nghĩa rộng. Sự phong phú về mặt ngôn ngữ này không phải phát xuất từ sự mập mờ về thần học, nhưng từ ước muốn duy trì sự quân bình ở khía cạnh thể chế của Giáo hội, được liên kết chủ yếu với sứ mạng của Chúa Con, và khía cạnh đặc sủng, được nối kết nhờ Thần Khí. Không còn sự bất hòa hợp giữa hai chiều kích. Nhân tính của Ngôi Lời Nhập Thể đầy tràn Thần Khí, chính Thần Khí là Thần Khí của Chúa Con. Nói như thánh Irene mà Congar rất thích, cả hai như là hai bàn tay của Chúa Cha. Không thể có Kitô học mà không có Thánh Linh học, không có Thánh Linh học mà không có Kitô học.[20]

Giáo hội học hậu công đồng của Congar đã nhận thấy sự phân biệt trước đây giữa cơ cấu và đời sống là quá nghiêm ngặt. Vai trò của Chúa Thánh Thần được nhận ra không chỉ trong những cá nhân hay nhóm ngôn sứ, từ Catherine thành Siena cho đến Alexander Sozhenitsyn, từ các phong trào nhân quyền cho đến phong trào Canh Tân Đặc Sủng. Thần Khí đi vào trong chính bối cảnh của một xã hội có phẩm trật do Chúa Con thiết lập, và đi theo con đường gồm ba phần: hòa giải, tập đoàn và tiếp thu, qua đó thẩm quyền tối thượng của Giáo hoàng Rôma (đối với Giáo hội hoàn vũ) và của mỗi Giám mục (đối với Giáo hội địa phương) được điều kiện hóa bởi vai trò của tâm trí và tâm hồn Kitô hữu giữa hàng Giám mục và giáo dân rộng lớn hơn. Tác động của Chúa Thánh Thần mở rộng ra trong toàn thể hàng Giám mục, tập thể tính (sobornost) của Giáo hội, được thể hiện trong các Công đồng; hàng Giám mục hoạt động như một tập thể xung quanh Giáo hoàng, do đó, Giáo hoàng - cho dù khi làm việc một mình – vẫn làm việc như là thủ lãnh của một tập thể; và các quyết định của Giám mục không thể sinh hoa trái trong Thần Khí nếu chỉ được chấp nhận bởi toàn thể dân chúng.[21] Do đó, Giáo hội học của Congar - hoàn toàn trái ngược với Mohler, người đã gợi hứng cho ngài về Giáo hội học – ngày càng trở nên ít tính chất Kitô học và gia tăng tính chất Thánh Linh học hơn. Tin chắc rằng những người Công giáo Tây phương, trong những thế kỉ gần đây, đã không đề cập nhiều đến Chúa Thánh Thần – những cuộc đối thoại đầu tiên với những người lưu đày của cộng đồng người Do Thái Chính Thống Nga đã để lại những ấn tượng sâu đậm – có thể dễ dàng hiểu được rằng Congar sẽ kết thúc sự nghiệp thần học của mình bằng cách chuyển hướng yêu thích từ Giáo hội học sang một nền tảng sâu sắc hơn của nó là giáo lý về Chúa Thánh Thần.

THÀNH TỰU

Congar đặc biệt nổi bật trong vai trò một mục tử và giáo sư thần học đi theo chiều hướng lịch sử đầy tài năng hơn là một thần học gia hệ thống hay suy lý. Leo Zander, một học giả Chính Thống Nga, đã ví ngài như là “hình ảnh của thánh Đaminh”, “một nhà rao giảng Tin Mừng” mà những mối bận tâm của ngài đều có liên hệ đến đời sống Giáo hội.[22] Khi đánh giá Congar trong những hạn từ của thánh Đaminh Calaruega hơn là thánh Thomas Aquinas, Zander đã có lý. Vì trong khi thần học của thánh Thomas trong Summa contra Gentiles mang tính truyền giáo và mục vụ trong mối liên hệ đến các phạm trù khác của con người tôn giáo ở những điểm của chúng, Summa theologiae đánh dấu một sự thay đổi sang một thần học hệ thống và mang tính khoa học đề cập đến tính lý lẽ của đức tin trong sự nối kết lẫn nhau với các khía cạnh khác. Như Jean-Marie Le Guillou đã lưu ý một cách thẳng thắn, trang bị triết học của Congar như là một nhà thần học là không thỏa đáng để đưa ngài đi xa trên con đường tái cơ cấu một cách chặt chẽ truyền thống Kitô giáo.[23] Congar tập trung vào việc gợi lại công trình của Thiên Chúa trong sự phong phú của nó hơn là một trình thuật về nền tảng của nó trong các giáo phụ Hy Lạp và các học giả đầu tiên được gọi là thần học gia. Đồng thời, ngài cũng nhận thức đầy đủ rằng một ai đó phải triển khai một bản thể học thần học mới mẻ (renewed theological ontology) phù hợp với Kitô giáo Công giáo, vì một diễn tả theo hiện tượng học, rút ra từ chính nó, sẽ không cung cấp đầy đủ.

Ảnh hưởng tôn giáo của Congar như là một nhà cải cách đã đáp ứng được những điều kiện do chính ngài đặt ra đối với một cuộc cải cách đích thực: ngôn sứ và truyền thống. Công trình nổi bật của ngài được nhận thấy trong những thay đổi về cảm thức mà ngài đã đem lại trong và ngoài Giáo hội Công giáo Rôma: trong việc trở về nguồn thánh kinh, phụng vụ và tín lý thể hiện trong sự rộng lớn đại kết và một cảm thức đúng đắn hơn về sự hiệp thông của Giáo hội như là một phức hợp các thừa tác vụ giáo dân lẫn giáo sĩ.[24] Nhưng tất cả thành tựu mà ngài đã đạt được đều ở trong lãnh vực thần học. Có lẽ Jean-Pierre Jossua đã đúng khi nhìn nhận Congar như là đã tái tạo một mẫu thức cổ hơn về những gì làm nên một thần học gia hơn là những gì ngài đã khám phá ra, kể từ thế kỉ XIII, trong giới đại học ở Tây Phương.[25] Cũng giống như các giáo phụ, thần học của ngài hệ tại ở việc phục vụ sự bình an và sự phát triển của Giáo hội, cũng như phục vụ đời sống và sứ vụ thiêng liêng của tất cả thành viên Giáo hội.

KẾT LUẬN

Có thể nói được rằng, Congar là một học giả trung thành, vâng phục, cẩn trọng đã đau đớn vác lấy thập giá trong khi dấn thân vào ơn gọi đại kết của mình. Sự kiên nhẫn đầy tích cực được đổ đầy hy vọng bằng cách duy trì và triển khai những phát triển khả quan trong phong trào đại kết. Ngài có thể hân hoan vui mừng vì những suy tư của ngài được củng cố và phát triển tại Công đồng Vatican II, mà đặc biệt là Sắc lệnh về Đại kết và những công sức của ngài đã giúp chúng ta có được vị trí như ngày hôm nay, như Karl Rahner nhận định, tất cả sự khác biệt về mặt thần học giữa các Giáo hội Kitô giáo lớn giờ đây có thể giải quyết về mặt nguyên tắc. Mặc dù có những phát triển đầy hứa hẹn, ngài vẫn nhận thấy còn có những cản trở trên con đường đi đến hiệp nhất, do đó đòi hỏi chúng ta tiếp tục nỗ lực để đi đến mục tiêu ấy. Tóm lại, Congar, qua đời sống và giáo huấn của ngài, nhắc nhở chúng ta rằng cầu nguyện, cởi mở, và kiên nhẫn luôn luôn là những điều cần thiết trong khi làm việc cho sự hiệp nhất Kitô giáo.

Yves Congar đã từng nói rằng “tôi đã sống trong vở kịch chia rẽ và lời hứa hiệp nhất một cách mãnh liệt trong tâm hồn và lời cầu nguyện của tôi”.[26] Ngài đã sống, và trong suốt cuộc đời, ngài đã trao ban cho chúng ta món quà quý giá về những suy tư, cũng như gợi hứng cho chúng ta tham gia chiến đấu vì sự hiệp nhất Kitô giáo. Nếu chúng ta có được một chút đam mê và nhân đức của ngài, chúng ta sẽ tích cực hơn nữa để góp phần bé nhỏ của mình, nhưng đó sẽ là phần quan trọng, cho việc đẩy mạnh phong trào đại kết trong thời đại hôm nay.

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 80 (Tháng 1 & 2 năm 2014)

 

 

[1] Bài này chủ yếu được lược dịch và tổng hợp từ: Yves Congar của Aidan Nichols, O.P. được đăng trong The Modern Theologians (Tập I) do David F. Ford biên tập, Blackwell xuất bản năm 1989, trang 219-236; và Yves Congar, Revitalising the Ecumenical Movement của James J. Bacik, được đăng trong Contemporary Theologians, The Mercier xuất bản năm 1989, trang 35-44.

[2] Về cuộc đời của Yves Congar, các thông tin chủ yếu dựa theo J. P. Jossua op, Le Père Congar. La théologie au service de peuple de Dieu (Paris, 1967).

[3] Yves Congar, Chrétiens en Dialogue. Contributions catholiques à l’Oecuménisme (Paris, 1964), trang ix-lxiv.

[4] Giáo trình giảng dạy thần học dự bị của Yves Congar phần lớn được trình bày trong La Foi et la théology (Tournai, 1968).

[5] M.-D. Chenu, OP, Une École de théologie. Le Saulchoir (Tournai, 1937; Paris, 1985).

[6] Sđd, trang 181.

[7] Congar, Chrétiens en Dialogue, trang xxi.

[8] Y. Congar, La Tradition et la vie de l’Église (Paris, 1963, tái bản 1984), trang 5.

[9] Cuộc đời của Y. Congar được trình bày một cách khá chi tiết trong bài viết “Yves Congar, ‘Thiên thần chiến đấu’ hay một ngôn sứ” của Lm Thiện Cẩm, OP., đăng trong Yves Congar, con người và tư tưởng, (Trung tâm Học vấn Đa Minh, 2005), trang 15-52.

[10] “Une conclusion théologique à l’enquête sur les raisons actuelles de l’incroyance”, đăng trong La Vie Intellectuelle, 37 (1935), trang 214-249.

[11] Tư tưởng này được Karl Barth trình bày trong: un homme qui aimait Jésus Christ”, Signes du temps, tháng Giêng năm 1969, trang 13-14.

[12] Congar, La Foi et la Théologie, trang 7-17.

[13] Congar, La Tradition et de la Vie de l’Église, tái bản lần thứ II, trang 16-26, 86.

[14] Y. Congar, La Tradition et les traditions (Paris, 1960-1963), cuốn II, trang 181-213.

[15] Y. Congar, La Foi et la Théologie, trang 25-26; xem “Le moment écônmique et le moment ontologique de la sacra doctrina”, Mélanges offerts à M-D. Chenu, maitre en théologie (Paris, 1967), trang 135-187.

[16] Trích dẫn từ Unam Sanctam, là một đoạn trong Chrétiens désunis. Principes d’un oecuménisme catholique (Paris, 1937).

[17] Ibid., trang 59-110.

[18] Ibid., trang 115-148.

[19] Y. Congar, Ministères et communion ecclésiales (Paris, 1971), trang 9-30.

[20] Y. Congar, La Parole et le souffle (Paris, 1984), trang 1.

[21] Về hòa giải, xem “Structure ou régime conciliare de l’Église” được đăng trong La Concile de Vatican II (Paris, 1984), trang 33-43. Về tập đoàn tính, xem “Synode épiscopal, primauté et collégialité épiscopal” trong Ministéres et communion ecclésiales, trang 187-227; về việc tiếp thu, xem “La réception comme réalité ecclésiologique, trong Revue des Sciences Philosophiques et Théologiques, 56 (1972), trang 369-483.

[22] Jossua, Le Pére Congar, trang 102.

[23] M.-J. Le Guillou OP, “Yves Congar”, trong R. van der Gucht và H. Vorgrimler, Bilan de la théologie du Xxe siècle (Tournai, 1970), cuốn II, trang 85. Congar cũng trình bày về bản thân mình trong “Reflection on Being a Theologian”, New Blackfriars, LXII. 736 (1981), trang 409.

[24] Xem trong các tác phẩm của ngài: La Crise dans L’Église et Mgr. Lefebvre (Paris, 1976), trang 59ff; Église catholique et France moderne (Paris, 1978), trang 43-71; Le Concile de Vatican II, TRANG 49-72.

[25] Jossua, Le Pére Congar, trang 53.

[26] Dialogue Between Christians, trang 20


 
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 201
  •   Máy chủ tìm kiếm 62
  •   Khách viếng thăm 139
 
  •   Hôm nay 12,950
  •   Tháng hiện tại 687,181
  •   Tổng lượt truy cập 79,435,865