“Hiếu” và “Tâm”: Điểm hội ngộ giữa người Công giáo và tín đồ các tôn giáo

Thứ hai - 26/10/2020 22:23      Số lượt xem: 1829

Trong khuôn khổ giới hạn và nhằm khơi mở cho việc trao đổi cũng như nghiên cứu sâu xa hơn trong tương lai, chúng tôi chỉ mong phác thảo đôi nét suy tư về chữ “Hiếu” và chữ “Tâm”, như những nhịp cầu tương giao về đạo lý và điểm nhấn trong việc thực hành đạo.

 

  •  

“HIẾU” VÀ “TÂM”: ĐIỂM HỘI NGỘ GIỮA NGƯỜI CÔNG GIÁO VÀ TÍN ĐỒ CÁC TÔN GIÁ

Lm. PX. Bảo Lộc

WHĐ (26.10.2020) – Giáo hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, dù có nhiều điểm khác với chủ trương và đề nghị của Giáo hội, nhưng vẫn thường mang lại một tia sáng của Chân Lý, Chân Lý chiếu soi tất cả mọi người (NA 2).

“Tia sáng của Chân Lý” mà Tuyên ngôn về Liên lạc của Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo nói đến có thể được xem như những tiền đề cho cuộc gặp gỡ giữa người Công giáo với tín đồ thuộc các tôn giáo khác cũng như với tâm hồn tôn giáo của người Việt. Đó là quan niệm về nguyên lý siêu việt “Ông Trời”, niềm tin vào cuộc sống sau cái chết, lòng thương người[1], tình sư đệ, việc thờ kính Ông Bà tổ tiên, v.v… Trong khuôn khổ giới hạn và nhằm khơi mở cho việc trao đổi cũng như nghiên cứu sâu xa hơn trong tương lai, chúng tôi chỉ mong phác thảo đôi nét suy tư về chữ “Hiếu” và chữ “Tâm”, như những nhịp cầu tương giao về đạo lý và điểm nhấn trong việc thực hành đạo.

I. Chữ Hiếu ()

1. Đạo hiếu trong văn hóa Việt

Nơi các dân tộc Á châu nói chung và nơi người Việt nói riêng, lòng Hiếu thảo đối với tổ tiên, ông bà và cha mẹ luôn được trân trọng và tuân giữ như đòi hỏi căn bản của luật tự nhiên, bất kể họ theo truyền thống tôn giáo Phật, Đạo (Lão), Nho (Khổng) hay Công giáo. Nhiều người còn tự nhận mình theo “đạo Ông Bà” hay Đạo Hiếu, khi họ không thuộc về một đạo nào khác. Đạo làm con có thể được xem như linh đạo của người Việt.

Tu đâu cho bằng tu nhà,

Thờ cha kính mẹ ấy là chân tu.

Chữ Hiếu đã thấm nhập vào văn hóa Việt và đọng lại trong ca dao tục ngữ cũng như những văn phẩm nổi tiếng. Nguyễn Du (1765-1820), qua hình tượng nàng đạo Kiều trong “Truyện Kiều”, đã làm nổi bật sự hy sinh hạnh phúc cá nhân để làm tròn Hiếu và đặt chữ Hiếu trên cả chữ Tình lẫn chữ Trinh.

Bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn ?
Để lời thệ hải minh sơn,
Làm con trước phải đền ơn sinh thành.
Quyết tình nàng mới hạ tình:
Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha !

Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), đã đề cao tinh thần hiếu hạnh vượt trên danh lợi, trong tác phẩm “Lục Vân Tiên”. Lục Vân Tiên trên đường đi thi trạng nguyên, nghe tin mẹ mất, đã quay về chịu tang cho mẹ và ông đã khóc lóc đến mù mắt. Con người đặt đạo Hiếu của người con trên sự nghiệp bản thân.

Lòng hiếu kính được thể hiện trong thái độ sống hàng ngày đối với ông bà cha mẹ, khi các ngài còn tại thế, cũng như vào dịp Tân niên, những ngày giỗ kỵ, mùa Vu Lan báo hiếu, nơi nhà Tổ, bàn thờ gia tiên, khi các ngài đã từ trần.

Người Việt tin vong hồn gia tiên luôn ở gần con cháu, thường ngự nơi bài vị trên bàn thờ, nên người sống có thể tiếp xúc với người khuất, với thế giới vô hình, qua việc cầu cúng lễ bái. Mỗi khi có các biến cố quan trọng trong  gia đình, gia chủ đều khấn vái gia tiên để trình báo sự kiện, xin chứng giám và cầu mong sự phù hộ.

Ngoài tổ tiên theo huyết thống, người Việt còn bày tỏ lòng biết ơn đối với các tổ tiên chung như tổ nghiệp, Thành hoàng, người có công đối với đất nước. Điển hình như các tướng Lý Thường Kiệt, Phạm Ngũ Lão được vị “Thượng đẳng phúc thần”, Trần Quốc Tuấn tôn gọi Hưng Đạo Đại Vương, Mạc Đỉnh Chi lãnh tước Huệ Việt Linh Thánh Đại Vương phúc thần[2].

2. Đạo hiếu trong truyền thống Nho giáo

Đối với truyền thống Nho gia, Hiếu đứng đầu sáu đức tính của người quân tử: Hiếu, Đễ, cẩn, tín, thương mọi người, mến bậc nhân.

Trong Hiếu kinh, Khổng Tử xem Hiếu là nguồn cội của nhân đức và giáo dục: “Hiếu là gốc của đức, là nguồn của giáo… thân thể tóc da, nhận từ cha mẹ, không dám tổn thương, đó là khởi đầu của hiếu. Lập thân hành đạo, dương danh với hậu thế, để làm rạng rỡ cha mẹ, đó là kết cục của hiếu”. Một cách cụ thể, đức hiếu thảo đòi hỏi:

“Người con hiếu phụng dưỡng cha mẹ, ăn ở phải hết sức cung kính, cung dưỡng cha mẹ phải hết mực vui vẻ, khi cha mẹ đau ốm phải lo lắng hết lòng, khi lo việc tang lễ phải cực kỳ thương xót, khi cúng tế cha mẹ phải vô cùng trang nghiêm”[3].

Chữ Hiếu này được biểu lộ lúc thân phụ còn sống lẫn khi người đã qua đời:

“Trong  khi cha mình còn sanh tiền, mình nên xem xét chí hướng, ý tứ của cha mình: như tốt lành, chính đáng thì mình bắt chước theo. Khi cha mình khoản đi rồi, mình nên quan sát những việc làm cùng người ; như phải thì mình làm theo. Cha mình mất trong  ba năm mà mình chẳng đổi đạo nghệ của cha, đó mới gọi là con có hiếu”[4].

Tăng Tử hay Tăng Sâm (505-435 TCN), đệ tử của đức Khổng, đã khai triển thêm nội dung của Hiếu: “Hiếu có ba điều: đại hiếu phải tôn thân, sau nữa không làm điếm nhục, sau nữa mới nuôi dưỡng”[5].

Theo Mạnh tử (372–289), Bất hiếu hữu tam, nghĩa là bất hiếu có ba điều: không con trai nối dòng; không can ngăn cha mẹ khi cần; không làm quan lấy lộc phụng dưỡng.

3. Đạo hiếu trong truyền thống Phật giáo

Trong đạo Phật, Hiếu hạnh là con đường giải thoát của chánh pháp, thực hành hiếu thảo là con đường mà người Phật tử phải theo mới được gọi là tử chân chính. Đó là thiện pháp mà kinh "Nhẫn nhục" đã xác định: "Điều thiện tối cao là chí hiếu, điều ác cực ác là bất hiếu".

Đức Phật từng đề cao đức hiếu thảo, đồng thời kể ra năm bổn phận, trong đó có việc gìn giữ truyền thống của gia đình:

“Người con có năm bổn phận đối với cha mẹ: nuôi dưỡng cha mẹ khi cha mẹ già yếu, làm đủ bổn phận người con đối với cha mẹ, giữ gìn truyền thống gia đình, bảo vệ tài sản thừa tự và làm tang lễ khi cha mẹ qua đời” (Giáo thọ Thi ca la việt, Trường bộ kinh IV)[6].

Ý nghĩa của mùa Hiếu hạnh và đại lễ Vu Lan của đạo Phật, được tìm thấy trong Kinh Vu-Lan-Bổn, đề cập đến một cách báo hiếu cho thân sinh đã qua đời. Nội dung kinh gồm 3 phần[7]:

 Nói về một đệ tử của Đức Phật, Mục Kiền Liên, sau khi đắc đạo, thấy mẹ của mình sống trong cảnh giới quỷ đói, thân hình tiều tuỵ khổ sở. Ngài sử dụng năng lực thần thông của mình, đưa bát cơm đến dâng cho mẹ. Mẹ Ngài được cơm, lòng tham khởi lên, tay trái che bát, tay phải bốc ăn, nhưng cơm chưa tới miệng đã hóa ra lửa, nên không ăn được.

‚ Mục Kiền Liên xin Phật chỉ dạy phương pháp cứu mẹ ra khỏi cảnh khổ Ngạ quỷ. Đức Phật dạy rằng, phải nhờ đến uy lực của tập thể chúng tăng mới cứu được mẹ ông. Vào ngày rằm tháng bảy là ngày chư tăng tập trung tự tứ sau 3 tháng an cư kiết hạ thanh tịnh, hãy sắm sửa vật dụng cúng dường chư tăng, nhờ chư tăng chú nguyện, mẹ ông mới thoát được khổ. Mục Kiền liền vâng lời Phật dạy, thực hành phương pháp báo hiếu ấy, nên đã cứu được mẹ.

ƒ Mục Kiền Liên xin Phật cho phép các phật tử sau này được thực hành phương pháp báo hiếu cha mẹ bằng cách cúng dường Vu-Lan-Bồn để báo đáp ân cha mẹ. Đức Phật khen ngợi và chấp thuận. Từ đó, ngày rằm tháng bảy là ngày báo hiếu truyền thống của Phật Giáo.

Trong Kinh Báo ân Cha Mẹ, Đức Phật nêu lý do của việc báo hiếu khi liệt kê 10 ân đức của cha mẹ :

 ân giữ gìn mang thai trong 9 tháng.

‚ ân sinh sản khổ sở

ƒ ân sinh rồi quên lo

„ ân nuốt đắng nhổ ngọt

… ân nhường khô nằm ướt

† ân bú mớm nuôi nấng

‡ ân tắm rửa chăm sóc

ˆ ân xa cách thương nhớ

‰ ân vì con làm ác

Š ân thương mến trọn đời.

Qua việc tìm hiểu Lục độ tập kinh của Khương Tăng Hội, Quảng Kiến nhận định điểm khác so với Nho giáo về quan niệm người con chí hiếu theo lý tưởng đạo Phật, là ở chỗ « quy y Tam bảo, giữ gìn cấm giới, biết hướng cha mẹ quay về nẻo chánh, bố thí làm lành, nương theo pháp Phật tu hành để có được trí tuệ chơn chánh ».

Do đó, đạo Phật không cho “vô hậu vi đại” (không con nối dõi) là bất hiếu. Trái lại, « những người xuất gia lại là những người chí hiếu, vì họ biết đem niềm tin chơn chánh đến cho cha mẹ ».

Chính Đức Phật đã dạy: “Dựa trên thiện nam tử có lòng tin, các người trong gia đình được lớn lên về năm phương diện. Thế nào là năm ? Lớn lên về lòng tin, lớn lên về giới, lớn lên về học hỏi, lớn lên về bố thí, lớn lên về trí tuệ. Dựa trên thiện nam tử có lòng tin, các người trong gia đình được lớn lên vì năm sự lớn lên này” (Tăng Chi II)[8].

4. Đạo hiếu trong truyền thống Công giáo

Trong quá khứ, do trân trọng truyền thống đạo Hiếu nơi người Việt Nam và cố gắng hội nhập văn hóa trong  việc trình bày sứ điệp Kitô giáo, linh mục Đắc Lộ đã cố gắng trình bày Kitô giáo qua học thuyết Tam Phụ, nghĩa là Hiếu kính đối với Thượng Phụ (Cha trên trời), với Trung Phụ (vua) và với Hạ Phụ (cha mẹ dưới đất).

“Có ba đấng bề trên, gọi là ba cha, ta phải thờ, ở đấng nào, cho nên đấng ấy. Đấng dưới là cha mẹ sinh thân xác cho ta : đấng giữa là vua Chúa trị nước : đấng trên là đức Chúa trời đất, làm Chúa thật trên hết mọi sự : có ba đấng này ta mới được sống, được ở. Vì chưng ta có cha mẹ thì mới được thân xác thịt này sinh ra mà chớ : song le linh hồn ta chẳng phải bởi cha mẹ mà ra đâu. Ta chịu ơn mẹ vì có chịu thai, mà ta ở trong lòng mẹ chín tháng mười ngày, chịu khốn khó mà đẻ ta, đoạn ba năm bú mớm : có khi thì mẹ cắt của mình ăn mà cho con ăn : cũng có khi mẹ ăn miếng đắng, mà miếng ngon để dành cho con ăn : lại có khi mẹ nằm chốn ướt, mà chốn ráo để cho con nằm. Cha đẻ con đoạn thì lo việc nuôi nấng, vì vậy có khi thì cha thức sớm chẳng ngủ, mà làm nghề nọ nghề kia, chạy xuôi chạy ngược, kiếm của mà nuôi con. Thật con thảo kính cha mẹ thì thậm phải, ví bằng có ai chẳng thảo kính, chẳng khứng vâng phép cha mẹ, thật thì có tội trọng.

Vua Chúa cùng gọi là cha cả và nước, cùng các dân : chẳng có vua Chúa, thì nước ở an lành chẳng được : vì chưng vua Chúa trị nước cho dân ở được an lành. Vì vậy vua Chúa thì giữ nước, và cho kẻo giặc bề ngoài phá nước làm khốn dân sau thì sửa trong nước, làm cho đại thần hòa thuận cùng nhau và tiểu dân yêu đang (đương) thông việc cùng nhau nữa (inferiores vero amicitiam invicem et communicationem sectentur). Ví bằng chẳng có vua Chúa sửa nước một ngày, thật là có ra những sư long đong, hỗn hào trong dân mà chớ. Đại thần trong nước quân tử thì giúp vua Chúa trị nhậm sứa nước. Tiểu nhân thì ra tiền năm tiền quí giúp việc vua Chúa nữa. Vì vậy hễ là kẻ ở trong nước thì phải kính dái vua Chúa ? Ví bằng có ai trong nước mà theo ngụy thì chịu phạt đã đáng.

Hãy còn cha cả là Chúa trên hết mọi sự : đã hóa nên và giữ gìn trời đất muôn vật cùng hết mọi sự. Nào có ai hồ nghi mà chẳng chịu thờ phượng đấy trên hết mọi sự, mà chẳng dại ru ? Thủa xưa khi chưa có trời, chưa có đất, chưa có đí gì, mà đã có một đức Chúa trời thanh nhàn vui vẻ vậy chẳng có thiếu gì sốt, mới sinh ra trời, sinh ra đất, lại hóa ra mọi sự ở trong trời này nữa. Trên trời thì hóa ra mặt trời mặt trăng, cùng ngôi sao cho ta được sáng. Ví bằng chẳng có sáng, ta ở làm sao được ? Dưới hạ giới này thì sinh ra muông chim cầm thú, hoa quả, cây cối, rau cỏ cho ta ăn. Cùng có làm nên gỗ, nước, lửa, gió cùng các kỳ sự cho ta dùng. Ví bằng thiên hạ chẳng có mưa chẳng có nắng ta sống làm chi được ? Thật trời đất cùng mọi sự ở trong thế giới này bởi một đức Chúa trời rộng rãi vô cùng mà có. Vì vậy ta cám ơn đức Chúa trời là cha cả chúng tôi, và thờ phượng đấy trên hết mọi sự thì thậm phải”[9].

Các Giám mục Việt Nam cũng đã nhận định về chữ Hiếu như điểm hội ngộ giữa Tin Mừng và nền tảng đạo đức xã hội: “Yêu thương và hiệp nhất là đặc điểm của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô và cũng là điểm gặp gỡ sâu xa nhất giữa Tin Mừng và văn hóa Việt Nam, một nền văn hóa vốn lấy nghĩa đồng bào và đạo hiếu trung làm nền tảng cho đạo đức xã hội” (Thư chung năm 1998, số 5).

Thế nhưng, trong thực tế, người Kitô hữu Việt Nam thường đối diện với một sự  ngộ nhận đã ăn sâu vào tâm thức nhiều người: « Theo Đạo (Công giáo), bỏ Ông Bà ». Khi người muốn theo đạo Công giáo là trưởng nam trong gia đình, thì họ hay gặp phải sự ngần ngại của cha mẹ bởi mối lo không có người lo thờ cúng ông bà tổ tiên, vốn là bổn phận của người con trai trưởng.

Để giải tỏa những ngộ nhận về đạo Công giáo liên quan đến lòng hiếu kính đối với tổ tiên, đồng thời làm sáng tỏ tinh thần hiếu thảo của con cái Thiên Chúa, thiết nghĩ cần làm nổi bật chữ Hiếu trong huấn giáo, lối diễn tả đức tin cũng như cách sống của người Công giáo. Thực vậy, Hiếu đạo vốn là thái độ và đòi hỏi nền tảng của tinh thần Kitô giáo.

Xét về phương diện thực hành luân lý, hiếu thảo đứng đầu 7 yêu cầu liên quan đến tương quan giữa người với người, trong 10 điều răn: “Thứ Bốn, thảo kính cha mẹ” (Kinh Mười điều răn).

Còn hướng về nguồn cội đức tin của mình, người Công giáo tin nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Anh Cả của nhân loại, “Trưởng Tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8, 29). Người yêu thương và liên đới trách nhiệm với cả loài người, nhất là với những người bé mọn, nghèo khổ. Gương sống của Đức Giêsu là nền tảng của chữ Hiếu theo niềm tin của người Công giáo.

 Con chí hiếu của Thiên Chúa

Đạo hiếu được đề cao nơi truyền thống thờ kính tổ tiên của Việt Nam có thể tìm gặp nơi Đức Giêsu Kitô một chứng từ sinh động, cụ thể của một người con đầy lòng hiếu thảo. Hơn ai hết Đức Giêsu không những hằng tuân phục cha mẹ trần thế khi nhập thể làm người (xem Lc 2, 51), mà còn là Hiếu tử của Cha trên trời, người con chí hiếu, chí ái của Thiên Chúa Cha. Lương thực của Người là thánh ý Chúa Cha (Ga 4, 34).

Đức Giêsu đã sống trọn đạo làm con, để "Danh Cha cả sáng" và "Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời". Chúa Giêsu có một tương quan cá vị với Chúa Cha, mà Người gọi là "Abba". Quan hệ này mật thiết đến độ Chúa Giêsu khẳng định : "Ai thấy Tôi là thấy Cha" (Ga 14, 9), "Tôi với Cha là một" (Ga 10, 30), "Tôi ở trong Cha và Cha ở trong Tôi" (Ga 14, 11).

Cha của Đức Giêsu cũng là Cha của các môn đệ : "Cha các con" (Mt 5,16.45.48). Vì thế, nhờ, với và trong Chúa Giêsu, Kitô hữu thưa : "Lạy Cha chúng con…". Lòng hiếu thảo của Đức Giêsu đã được chính Chúa Cha xác nhận một cách long trọng qua hai biến cố chịu Thanh tẩy bởi Gioan Tiền hô và khi Biến hình: "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về con" (Mc 1, 11; Mt 3, 17; Lc 3, 22).

‚ Huynh trưởng của nhân loại

Theo ý muốn của Chúa Cha, Đức Giêsu là Trưởng tử giữa mọi loài thọ sinh : Thiên Chúa "đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc" (Rm 8, 29).

“Thật vậy, Đấng thánh hóa là Đức Giêsu, và những ai được thánh hóa đều do chung một nguồn gốc. Vì thế, Ngài đã không hổ thẹn gọi họ là anh em…” (Dt 2, 11).

Tại Việt Nam, người trưởng nam đóng một vai trò quan trọng trong tương quan gia đình và xã hội (từ nghi lễ tang, cưới, kính nhớ tổ tiên, mừng tuổi, phụng dưỡng cha mẹ, v.v…). Người Anh Cả đại diện các em trước mặt cha mẹ và thay quyền mẹ cha chăm sóc đoàn em, theo nguyên tắc "quyền huynh thế phụ". Chúa Giêsu là Anh của mọi người và thay mặt đoàn em phụng sự Cha, đồng thời nhân Danh Cha dưỡng dục nhân loại theo ý Cha.

Chúa Giêsu đã "nên giống anh em mình về mọi phương diện" (Dt 2, 17), ngoại trừ tội lỗi (Dt 4, 15). Trong cuộc đời trần thế, ngay từ tấm bé, Người đã kinh nghiệm di dân (Mt 2, 13-15), lớn lên Người đã lao động tay chân như một người thợ cùng cha nuôi Giuse. Trên hành trình thực thi sứ mạng, Đức Giêsu đã trải nghiệm cơn đói (Mc 2,23-36; Mt 21, 18), nổi khát (Ga 4,6-7; 19, 28), không nơi định cư nhất định (Lc 9, 58), chịu cám dỗ (Mt 4, 1-11; Mc 1, 12-13), v.v…

Như thế, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, Con Thiên Chúa sinh làm người bởi Trinh nữ Maria (mầu nhiệm nhập thể). Và Ngôi Hai Thiên Chúa đã thật sự trở nên một người giữa chúng ta, Người chia sẻ cuộc sống, niềm vui, hy vọng, đau khổ và cả cái chết của nhân loại chúng ta. Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa thật, vừa là con người thật. Nhờ đó, Người đã biểu hiện dung nhan con người của Thiên Chúa và đồng thời mạc khải chân dung thần linh của con người .

ƒ Cửa vào Đại gia đình Thiên Chúa

Bằng ngôn ngữ biểu tượng, Chúa Giêsu đã tự giới thiệu mình như cửa ngõ của ơn cứu độ, để bất cứ ai qua ngài, sẽ được cứu thoát (x. Ga 10, 9). Người xác quyết vai trò trung gian và sứ mạng cứu độ của Người đối với nhân loại.

Nhờ Chúa Giêsu, mọi người có thể trở thành con Thiên Chúa, trở nên thành viên của đại gia đình con cái Thiên Chúa. Thực thế, "những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa Cha" (Ga 1, 12).

Theo Đạo là đi vào tương quan cá nhân với Thiên Chúa như với người Cha, trở nên con cái của Ngài và có thể thân thưa : "Lạy Cha chúng con", đó là tính chất mới mẻ và độc đáo mà Đức Giêsu Kitô đã mang đến cho toàn thể nhân loại. Xác tín về tính chất đặc thù này của Kitô giáo, các Giáo phụ thường xuyên nhắc lại : "Con Thiên Chúa do bản chất đã làm người để con người có thể trở nên con Thiên Chúa nhờ ân sủng "[10].

Bước theo Chúa Giêsu, người Anh Cả mẫu mực, trong suy nghĩ, thái độ và hành động, người Kitô hữu biểu lộ lòng hiếu thảo đối với Thiên Chúa là Cha (Thượng Phụ). Truyền thống Nho giáo vốn quen thuộc với cách nhìn mọi người là anh em: "Tứ hải giai huynh đệ", nhưng điều mới mẻ mà Kitô giáo mang lại cho tương quan giữa người với người, chính là sự qui chiếu về Chúa Kitô, Con Người-Thiên Chúa. Người đổi mới mọi quan hệ con người bằng một Tình Yêu toàn hiến, bất vụ lợi và đưa đoàn em nhân loại đi vào hiệp thông với Hạnh Phúc vĩnh hằng của Đại Gia Đình Thiên Chúa Ba Ngôi.

II. Chữ Tâm ()

Hoạt động của con người tuy đa dạng và đa diện, nhưng giá trị đích thực của chúng đều qui về chữ Tâm. Thực vậy, cả truyền thống văn hóa tôn giáo Á Đông lẫn Kinh thánh đều trọng cái Tâm.

Vua Trần Nhân Tông (1258-1308) sau khi nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, lên núi Yên Tử phát triển dòng thiền Trúc Lâm, đã từng trước tác bài kệ “Cư trần lạc đạo”, trong đó xác định đường tu chủ tâm chứ không tuy thuộc cảnh giới bên ngoài:

Ở đời vui đạo cứ tùy duyên
Hễ đói thí ăn mệt ngủ liền,
Báu sẵn trong nhà đâu kiếm nữa,
Vô tâm đối cảnh hỏi chi Thiền[11].

Tu tâm là phương thế hữu hiệu đạt thân và là một phương cách biến đổi con người và thế giới. Thấm nhuần ít nhiều âm hưởng của quan niệm "Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ" (Đại Học, chương I), của thuyết thiện tâm theo Mạnh Tử, Nguyễn Du đã diễn tả cốt lõi của sự thiện ở nơi tâm, trong đoạn kết thúc Truyện Kiều : 

Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

1. Tâm trong Nho giáo

Chữ tâm trong Nho giáo được hiểu theo nghĩa rộng là cái thần minh làm chủ cả tư tưởng lẫn hành vi của người ta. Hễ ta giữ được cái tâm tĩnh, không để cho vật dục che khuất cái sáng suốt tự nhiên, thì khi có vật gì cảm đến là ứng ngay được, và biết rõ ngay cái lẽ. Tâm ta càng tĩnh, thì trực giác càng nhạy bén. Do đó, Vô tư giã, vô vi giã, tịch niên bất động, cảm nhi loại thông thiên hạ chi cố, nghĩa là không nghĩ, không làm, im lặng không động, đến lúc cảm thì suốt được mọi cớ trong thiên hạ[12].

Chuẩn mực đạo đức cơ bản nhất của con người là nhân nghĩa lễ trí. Mà “Nhân nghĩa lễ trí bắt nguồn từ tâm” (Tân tâm thượng). Con người sở dĩ là người, là do nội tâm của con người đang tồn tại cái tâm trắc ẩn, tu ố (xấu hổ và căm ghét), từ nhượng (khiêm tốn từ chối) và thị phi (phải trái).

“Tâm trắc ẩn là đầu mối của nhân; Tâm tu ố là đầu mối của nghĩa; Tâm từ nhượng là đầu mối của lễ, Tâm thị phi là đầu nối của trí vậy” (Công Tôn sửu thượng) Bốn loại tâm đạo đức này là sự mở đầu của quan niệm nhân nghĩa lễ trí. Đạo đức nhân nghĩa lễ trí của con người đều do sự phát triển của bốn loại đạo đức này[13].

Nếu Kinh dịch giải thích Tâm bằng tâm lý, Thượng thư dùng thiện ác giải thích Tâm, thì Kinh thi[14], một trong Ngũ Kinh, nền tảng của truyền thống Nho học, giải thích Tâm bằng nhân đức.

Chữ tâm được sử dụng 162 lần trong Kinh thi, diễn đạt các loại tình cảm tư tưởng nội tâm của con người. Khổng tử chỉ ra rằng : “Thi”, tam bách, nhất ngôn dĩ tế chi viết : “Tư vô tà”, nghĩa là trong Kinh thi có 300 bài thơ thì chỉ có một câu có thể bao trùm được là: “không nghĩ bậy”. (Luận ngữ, Vi chính). Như thế, Kinh thi nhấn mạnh đặc biệt đến khái niệm về “Tâm đức”.

Vua chúa cần lấy tâm đức để trị quốc, chứ không thể dùng biện pháp hà khắc bạo ngược. Tâm đức là nguyên tắc quan trọng để trị quốc, dù phải dùng mệnh lệnh hành chính và luật pháp cũng phải thể hiện được tinh thần nhân đức.

Kinh thi nêu gương Lỗ Hi Công xuất quân đi dẹp loạn, mà không làm cho trăm họ bị tai họa. Dẹp được loạn mà không làm tổn thương dân chúng, đó là người có “tâm đức”.

Vì thế, bậc quân vương phải luôn tu thân mới đủ tư cách dẫn đạo dân chúng. Nhờ tu thân mà tâm hồn trong sạch, tác phong hợp lễ, đạo đức tràn đầy. Cả người cai trị lẫn dân chúng đều phải lấy việc tu thân làm gốc. Kinh thi đã liên kết chặt chẽ tâm với đức, đề cao tinh thần đạo đức, nhấn mạnh nhân đức, sự tự giác của ý thức đạo đức trong tương quan vua-tôi[15].

Theo Nho giáo, bốn cái tâm rộng lớn không thể đo lường được là Tứ vô lượng tâm (四無量心), gồm có: Hảo tâm, Hiếu tâm, Thiện tâm, Đạo tâm.

Hoàng Thiên bất phụ Hảo tâm nhơn,
Hoàng Thiên bất phụ Hiếu tâm nhơn,
Hoàng Thiên bất phụ Thiện tâm nhơn,
Hoàng Thiên bất phụ Đạo tâm nhơn[16].

Việc tế lễ hệ tại chủ yếu ở cái Tâm: “Phù tế giả, phi vật tự ngoại chí giả giả, tự trung xuất, sinh ư tâm giã”, nghĩa là Tế không phải vật ở ngoài đến, mà tự trong ra, tự tâm hồn phát ra” (Lễ Ký, XXV : Tế Thống)[17].

Về tương quan giữa Tâm và tri thiên mệnh, Mạnh Tử chủ trương rằng khi rèn luyện hoàn hảo cái tâm của mình, thì sẽ biết bản tính của mình và khi biết bản tính của mình, thì cũng biết Trời:

Tận kỳ tâm giả, tri kỳ tánh giã; tri kỳ tánh tắc tri Thiên hỹ [18].

Cũng thế, khi ta bảo tồn lòng dạ, lương tâm, nuôi dưỡng bản tính là để thờ Trời. Dù chết yểu hay trường thọ, vẫn xem như nhau, cứ bền chí tu tập, bình tĩnh đối với giờ sau hết, đó là cách xác lập vững chắc Mạng do Trời ban cho:

Tồn kỳ tâm, dưỡng kỳ tánh, sở dĩ sự Thiên giã.
Yểu thọ bất nhị, tu hân dĩ sĩ chi, sở dĩ lập Mạng giã [19].

Làm thế nào để dưỡng tâm ? Để dưỡng tâm cần thực hiện ba điều: giảm trừ ham muốn, dùng nhân lễ nghĩa để  giữ cái Tâm và bồi đắp tinh thần ngay thẳng.

Thứ nhất, Dưỡng tâm mạc thiện vu quả dục, kỉ vi nhân diệc quả dục ; tuy hữu bất tồn yên giả, qua hĩ ; kĩ vi nhân diệc đa dục, tuy hữu tồn yên giả, quả hĩ. (“Tận tâm hạ”). Nó vì mọi người mà cũng ít ham muốn, tuy rằng có những người có hay không có chí tâm như vậy, nhưng cũng là ít ham muốn rồi. Ít ham muốn mới có thể bảo tồn được cái tâm thiện, nhiều ham muốn thì tất nhiên sẽ mất cái tâm thiện. Do đó, cần tận tâm tri tính một cách tự giác, là xem xét lại mình.

Thứ hai, lấy cái nhân ái để giữ lấy cái tâm, lấy cái lễ để giữ lấy cái tâm: “Dĩ nhân tồn tâm, dĩ lễ tồn tâm” (Li lầu hạ). Lấy đạo đức nhân nghĩa lễ trí để hạn chế dục vọng cầu lợi của nội tâm, đó là điểm khác biệt giữa người quân tử với kẻ tiểu nhân.

Thứ ba là bồi dưỡng tinh thần ngay thẳng cương trực: “Hạo nhiên chi khí”, hình thành cái ý chí kiên định từ nhân đến nghĩa. Tinh thần thẳng thắn cương trực của lòng người do tập trung nghĩa mà thành, do sự phối hợp ý chí tinh thần với nghĩa và đạo[20].

2. Tâm trong đạo Phật

Có nhiều giáo pháp và kinh tạng trong lịch sử phát triển của đạo Phật, nhưng có thể nói chữ Tâm là điểm quy kết con đường mà Đức Phật đề nghị với chúng sinh.

Tâm là đầu mối sinh tử
Tâm là căn bản giải thoát
Tâm dẫn đầu các pháp
Tâm là họa sỹ khéo
Tâm tạo ra ba cõi
Tâm chấp ngã là chúng sinh
Tâm vô ngã là Bồ tát
Tâm ích kỷ là phàm phu
Tâm vô lượng là pháp thân
Tâm ô nhiễm là khổ đau
Tâm thanh tịnh là Niết bàn
Tâm mê là chúng sinh
Tâm giác là Phật[21].

Có bốn cái Tâm vô lượng là Tứ vô lượng tâm, còn gọi là Tứ đẳng, Tứ Phạm hạnh hay Tứ Thiền trong  Thập nhị Thiền, đó là:

Từ vô lượng tâm : Tâm có thể đem lại niềm vui cho chúng sinh.

Bi vô lượng tâm: Tâm có thể trừ khổ cho chúng sinh

Hỉ vô lượng tâm: Tâm vui mừng khi thấy người khác khỏi khổ được sướng.

Xả vô lượng tâm: như ba Tâm trước, xả bỏ mà Tâm chẳng còn chấp trước. Hơn nữa oán thân bình đẳng, xả oán xả thân.

Bốn tâm này phổ duyên vô lượng chúng sinh, dẫn đến vô lượng phúc, nên được gọi là vô lượng tâm[22].

Từ Bi Hỷ Xả là bốn đức tính cao thượng theo nhãn giới Phật giáo, càng có nhiều người thực hành các nhân đức này, thì xã hội sẽ được biến đổi, khởi đi từ thân tâm con người. Tứ vô lương tâm giúp cho con người trở nên chí thiện, có khả năng biến đổi con người tầm thường thành hiền nhân.

Thiện ác là tại tâm, tác động của tâm trong việc hướng tà hay hướng thiện còn mạnh hơn ảnh hưởng của kẻ thù hay của thân nhân. Hai bài kệ 42 và 43 trong thuộc kinh Pháp Cú, thuộc Phật giáo Nam tông diễn tả tầm quan trọng của Tâm:

42.  Kẻ thù hại kẻ thù
Oan gia hại oan gia
Không bằng tâm hướng tà
Gây ác cho tự thân.

43.  Ðiều mẹ cha bà con
Không có thể làm được
Tâm hướng thiện làm được
Làm được tốt đẹp hơn[23].

Người theo Thiền tông không xa lạ với thiền ngữ của Tổ Bồ Đề Đạt Ma: “Trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật”[24], nghĩa là chỉ thẳng thân tâm người thấy tánh thành Phật.

Đạo Phật có rất nhiều pháp môn, nhưng dù tu tập theo pháp môn nào, thì cũng nhằm mục đích duy nhất là thanh tịnh tâm: “Tự thanh tịnh tâm ý/ Là lời chư Phật dạy”. Tu thiền là để thanh tịnh tâm, mà niệm Phật cũng để thanh tịnh tâm. Muốn cho tâm thanh tịnh thì phải diệt trừ tam độc tham, sân, si. Nếu ngồi thiền mà tâm không chuyển hóa, các phiền não không diệt trừ, tam độc không hóa giải, thì “mài đá chẳng thành gương, ngồi thiền đâu thành Phật”. Cũng vậy, miệng xưng niệm danh hiệu Phật mà tâm thì chẳng tương ứng với tâm niệm của Phật chút nào, vẫn dẫy đầy thị phi nhân ngã, thì cũng như “máy niệm Phật” mà thôi. Do đó, tu là phải tu tự cái tâm, chuyển đổi cái tâm niệm chúng sanh thành tâm niệm Phật, Thiền cũng vậy mà Tịnh cũng vậy[25].

3. Kitô giáo: Đạo Tâm

 Tâm giới[26]: nơi cư ngụ của Thiên Chúa

Nếu chỉ nhìn Kitô giáo từ bên ngoài hoặc qua thủ tục hành chánh, một số người thường có cảm tưởng rằng tôn giáo này là đạo của lề luật, vì ngoài 10 điều răn của Thiên Chúa và 6 điều răn Hội thánh, bộ giáo luật của Công giáo năm 1983 còn chứa đựng 1.752 khoản luật. Mỗi một dòng tu lại có hiến pháp riêng của dòng mình bao gồm nhiều khoản luật dành cho các tu sĩ nam nữ. Ví dụ như Hiến pháp của dòng Ngôi Lời có 735 điều qui định ; Hiến chương chung của 7 Hội dòng Mến Thánh giá ở Sàigòn cũng gồm 174 điều khoản v.v… Nhưng thật ra, Kitô giáo không phải là đạo của lề luật, mà là đạo của con tim, tâm đạo. Vì giới luật căn bản nhất của Kitô giáo là luật của trái tim : Luật yêu thương. « Mười điều răn ấy tóm về hai này mà nhớ : Trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy » (Kinh mười điều răn). Thật vậy, trong Tân Ước, nếu từ ‘lề luật’ được dùng 165 lần thì từ ngữ ‘tâm lòng’ hay ‘con tim’ được sử dụng đến 128 lần. Và cụ thể nhất, chính cách sống của Chúa Giêsu trong 3 năm công bố Tin Mừng yêu thương đã biểu hiện trái tim của Thiên Chúa cho nhân loại đang khao khát thương yêu.

Thật vậy, nhìn vào cuộc đời Thầy Giêsu, chúng ta nhận ra thái độ ứng xử của Người chứng tỏ Người không dừng lại ở diện mạo bên ngoài, mà luôn muốn đi sâu vào cõi lòng con người. Đối diện với một Giakêu thấp bé, một người thường bị dư luận xếp vào loại gian tham và thuộc hàng tội lỗi, Thầy Giêsu không chỉ dừng lại ở một cuộc gặp gỡ xã giao hay một cuộc tiếp xúc qua đường, mà muốn đến nhà anh ta, nghĩa là đi vào tâm lòng của người thu thuế này.

Nhìn thấy một góa phụ dâng vài đồng xu vào hòm tiền của đền thờ, Đức Giêsu không dựa vào số lượng của cải đóng góp để đánh giá người phụ nữ nghèo này, nhưng Người thấu suốt hoàn cảnh sống của thiếu phụ kia, nên đã nhìn ra lòng quảng đại của chị.

Lòng từ tâm của Đức Giêsu con biểu lộ cách đặc biệt đối với các tâm hồn yếu đuối lỡ lầm. Khi bao bậc vị vọng trong xã hội Do Thái thời bấy giờ đòi ném đá người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, Chúa Giêsu đã phản ứng như thế nào ? Người giữ lặng thinh một lúc, rồi đưa ra lời chất vấn đầy thách thức, biến những nguyên cáo thành bị cáo: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi" (Ga 8, 7). Người đọc được tà tâm của những người tố cáo và ban niềm hy vọng đổi đời cho nữ tội nhân.

‚ Thánh Tâm: lẽ sống của người môn đệ

Không giống với các tín đồ của mọi tôn giáo khác, người Kitô hữu chúng ta không chỉ là người mang danh của đấng sáng lập đạo mà còn “mặc lấy” chính Đức Kitô và mang con tim của Người. « Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô (Gl 3, 27). Lời thánh Phaolô khuyên các tín hữu thành Rôma vẫn có giá trị đối với chúng ta ngày nay : « anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng » (Rm 13, 14).

Lòng tôn sùng Thánh Tâm và tôn kính Lòng thương xót Chúa là một thực hành đang phổ biến khắp nơi trong thế giới Công giáo, thực ra đã đâm rẽ sâu trong tâm lòng nhiều thế hệ Kitô hữu và qui chiếu về Tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu cho đến cùng, biểu lộ qua trái tim bị đâm thâu của chính Chúa Giêsu trên thập giá. Thật ý nghĩa khi thánh giá, biểu tượng của Kitô giáo, giống hình chữ “t”, mẫu tự khởi đầu của các chữ “tâm”, “tim”, “tình thương” trong tiếng Việt.

Môn đệ của Đức Giêsu là người mang con tim của Thầy, nghĩa là để cho Đức Kitô sống trong mình, để cho Thầy yêu thương anh chị em bằng trái tim của mình. Kitô hữu đích thực là người thực hành “tuyên ngôn” của vị tông đồ cho dân ngoại : “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20).

Đi đạo, sống đạo là bước đi trên những nẻo đường của trái tim, sống theo tiếng gọi của con tim Thiên Chúa, hành xử theo cái Tâm của Đức Giêsu, chứ không chiều theo trái tim ngục tù, hạn hẹp của chúng ta. Vì tình yêu của chúng ta còn khiêm tốn, nghèo nàn và mang nặng cảm tính, nên sống theo tiếng gọi của trái tim Chúa Giêsu chúng ta sẽ mang lấy tâm huyết của người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến.

*  *  *

Giữa nhiều điểm gặp gỡ, thiết nghĩ người Công giáo và tín đồ các tôn giáo khác tại Việt Nam có thể dễ dàng hội ngộ với nhau nơi lòng Hiếu kính và cái Tâm. Khi đồng tâm hiệp lực giáo dục chữ Hiếu và Tâm cho nhân sinh, đồng thời nỗ lực thực hành Hiếu và Tâm, cộng đồng những người tin có thể góp phần đặc thù của mình trong việc biến đổi, xây dựng và canh tân nhân tâm của con người cũng như của cộng đồng dân tộc.

 Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 67 (Tháng 9 & 10 năm 2011)

Tài liệu tham khảo

1. Thái Lam HỒNG, "Đối thoại trong viễn tượng đa nguyên tôn giáo", Thời sự thần học,  số 21 (tháng 9/2000), tr. 7-16.

2. Trần Trọng KIM, Nho Giáo, Quyển thượng, Bộ Giáo dục-TT. Học Liệu Xuất bản, Sàigòn, 1971.

3. Hoành Sơn Hoàng Sỹ QUÝ, Vấn đề đối thoại liên tôn, Ra Khơi, Sàigòn, 1972.

4. Xem Trương Lập VĂN (Chủ biên), TÂM, Triết học Đông phương, Nxb KHXH, Hà Nội, 1999.

5. Nguyễn Đăng DUY, Các hình thái tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam, Hà Nội, 2001.

6. GHPGVN-Phân viện Nghiên cứu Phật học, Từ điển Phật học Hán Việt, NXB KHXH, Hà Nội, 2004.

7. HĐGMVN-Ủy Ban Giáo Dân, Sống đạo theo cung cách Việt Nam - Tài liệu hội thảo mùa Phục Sinh 2004, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2004.

8. Mai Đức VINH (Chủ biên), Văn hóa và Đức Tin, Giáo xứ Việt Nam, Paris, 2004.

9. Đoàn Trung CÒN (Dịch giả), Tứ Thư, NXB Thuận Hóa, Huế, 2006

10. Lm. Phêrô Đinh Ngọc LÂM,  Đối thoại liên tôn, LHNB, Tp. HCM, 2009.

 


[1] Tứ hải giai huynh đệ”, “Lá lành đùm lá rách”

[2] Tạ Thanh Minh-Khánh, “Niềm tin trong văn hóa Việt Nam”, trong Mai Đức Vinh (Chủ biên), Văn hóa và Đức Tin, Paris, Giáo xứ Việt Nam, 2004, tr. 24-26.

[3] Nguyệt san Giác Ngộ, số 161 (8.2009), tr. 46.

[4] Luận ngữ (Đoàn Trung Còn dịch), Học nhi đệ nhứt, tiết 11, NXB Thuận Hóa, 2006, tr. 9.

[5] Xem Nguyệt san Giác Ngộ, số 161 (8.2009), tr. 43.

[6] Ibid., tr. 44.

[7] Thích Viên Giác, Chữ Hiếu trong Đạo Phật qua Kinh Vu Lan và Kinh Báo Ân Cha Mẹ, in http://www.buddhismtoday.com/viet/vulan/047-chuhieu.htm, Truy cập ngày 26.10.2020.

[8] Xem Quảng KIẾN, “Quan niệm về hiếu theo Lục độ tập kinh”, trong Nguyệt san Giác Ngộ, số 161 (8.2009), tr. 48.

[9] Alexandre de Rhodes, CATHECHISMUS pro ijs, qui volunt suscipere BAPTISMUM in octo dies divisus (Phép giảng tám ngày cho kẻ muốn chịu phép rửa tội, mà vào đạo thánh đức Chúa trời), Roma, 1651, tr. 17-21 (bản dịch của Gs. Trần Văn Toàn).

[10] Placide DESEILLE, “Déification, péché et salut. Perspective orthodoxe”, in Communio , n° XXI, 2 (1996), tr. 77.

[11] Nguyễn Đăng DUY, Các hình thái tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam, Hànội, 2001, tr. 433. 

[12] Xem Trần Trọng KIM, Nho Giáo, Quyển thượng, TT. Học Liệu Xuất bản, 1971, tr. 36.

[13] Xem Trương Lập VĂN (Chủ biên), TÂM, Triết học Đông phương, Nxb KHXH, Hà Nội 1999, tr. 74-75.

[14] “Kinh thi” là một bộ sách do Khổng Tử thu tập tổng hợp các bài thơ ca sớm nhất của Trung Quốc, được chia thành hai quyển : thượng và hạ.

[15] Xem Trương Lập VĂN, sđd., tr. 63-64.

[16] Soạn già Đức Nguyên, Cao Đài Từ điển, quyển 3, Tòa Thánh Tây Ninh, 2000, tr. 664.

[17] A.M. Bùi Hữu Ngạn, Thượng Đế trong Nho giáo, Tủ Sách Ra Khơi Xuất bản, 1958, tr. 7.

[18] Mạnh Tử, Tận tâm chương cú thượng, NXB Thuận Hóa, Huế, 2006, tr. 216.

[19] Ibidem.

[20] Xem Trương Lập Văn, sđd., tr. 78-79.

[21] Thích Trí SIÊU, Tâm và Ta , NXB Phương Đông, Tp. HCM, 2007, tr. 107.

[22] GHPGVN-Phân viện Nghiên cứu Phật học, Từ điển Phật học Hán Việt, NXB KHXH, Hà Nội, 2004, tr. 1465.

[23] Thích Minh CHÂU (dịch), Kinh Pháp cú, NXB Tôn Giáo, Tp. HCM, 2006, tr. 17.

[24] Tập san Phật học online, số 1 (tháng 7-8.2008), tr. 59

[25] Thích Nguyên Hùng, Bồ Đề Đạt Ma Khai Thi Pháp Môn Niệm Phật, trong https://nguoiphattu.com/tu-hoc/tinh-do/3182-to-bo-de-dat-ma-khai-thi-phap-mon-niem-phat.html , Truy cập ngày 26.10.2020.

[26] Ở đây chúng tôi dùng theo nghiã thế giới tâm linh, chứ không theo nghiã của thuật ngữ “tâm giới” nơi Phật giáo:”  giới được ngăn chặn các tâm niệm sai trái, lệch lạc.


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 176
  •   Máy chủ tìm kiếm 39
  •   Khách viếng thăm 137
 
  •   Hôm nay 21,951
  •   Tháng hiện tại 696,182
  •   Tổng lượt truy cập 79,444,866