Sợi Chỉ Đỏ Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa

Thứ sáu - 07/01/2022 16:44      Số lượt xem: 1103

Chủ đề : Chúa Giêsu lãnh nhận sứ mạng

 
Sợi chỉ đỏ:
Sứ mạng của Chúa Giêsu là làm Đấng Messia, một Đấng Messia vừa cao sang trong thân phận Con Thiên Chúa, vừa khiêm tốn như một Người Tôi Tớ.
– Bài đọc I (Is 42,1-4.6-7) : Hình ảnh Người Tôi Tớ được mặc khải cho ngôn sứ Isaia.
– Đáp ca (Tv 28) : “Tiếng Chúa vang rền trên sóng nước”. Hai hình ảnh “nước” và “tiếng” sẽ được dùng lại trong bài tường thuật Chúa Giêsu chịu phép rửa.
– Tin Mừng (Lc 3,15-16.21-22) : Chúa Cha và Chúa Thánh Thần làm chứng cho Chúa Giêsu khi Ngài đang chịu phép rửa. Chúa Giêsu chính là Con yêu dấu của Thiên Chúa.
– Bài đọc II (Cv 10,34-38) : Thánh Phêrô hiểu biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa là lễ tấn phong Ngài làm Đấng Messia.

I. Dẫn vào Thánh lễ
Biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa là gạch nối giữa giai đoạn Chúa Giêsu sống ẩn dật với giai đoạn Ngài rao giảng công khai : sau thời gian sống với gia đình tại Nagiarét, Chúa Giêsu bắt đầu đi rao giảng. Việc đầu tiên Ngài làm là lãnh nhận phép rửa của Gioan Tẩy giả ở sông Giođan. Như thế, lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa cũng là gạch nối giữa mùa Giáng sinh với mùa Thường niên : Chúng ta đã cùng sống với Chúa Giêsu qua các biến cố Giáng sinh và Hiển linh. Kể từ hôm nay chúng ta sẽ cùng sống với Ngài qua các biến cố của đời rao giảng.
Trong dịp Chúa Giêsu chịu phép rửa, Chúa Thánh Thần đã lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Ngài, và tiếng Chúa Cha từ trời phán xuống xác nhận Ngài là Con yêu dấu của Thiên Chúa. Đó cũng chính là thân phận Kitô hữu của mỗi người chúng ta : chúng ta cũng đã lãnh nhận phép rửa, cũng được Chúa Thánh Thần ngự xuống. Vậy chúng ta cũng hãy noi gương Chúa Giêsu mà cố gắng sống xứng đáng là con của Thiên Chúa.

II. Gợi ý sám hối
– Do bí tích Rửa tội, chúng ta đã được nhận là con của Chúa. Nhưng chúng ta chưa sống xứng đáng với danh nghĩa ấy.
– Dù là Con Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu đã sống như một Người Tôi Tớ hạ mình phục vụ mọi người. Còn chúng ta, chúng ta không thích hạ mình, không ưa phục vụ.
– Chúa Giêsu luôn sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Ngược lại chúng ta hay sống theo ý riêng.

III. Lời Chúa
1. Bài đọc I (Is 42,1-4.6-7) :
Ngôn sứ Isaia được Thiên Chúa soi sáng đặc biệt nên đã hiểu Đấng Messia tương lai là một Người Tôi Tớ. Ông đã mô tả Người Tôi Tớ trong 4 bài thơ. Đoạn được phụng vụ trích đọc hôm nay nằm trong bài thơ thứ I :
– Đó là người được Thiên Chúa tuyển chọn và Thiên Chúa rất hài lòng.
– Người đó rất hiền lành và dịu dàng : “không lớn tiếng, không nỡ bẻ gãy cây lau bị dập, không dập tắt tim đèn còn khói”.
– Sứ mạng của Người Tôi Tớ là : a/ tái lập công bình ; b/ nên ánh sáng cho muôn dân ; c/ giải thoát những người khốn khổ.
2. Đáp ca (Tv 28) :
Bài thơ này ca tụng Thiên Chúa uy phong. Sự uy phong của Thiên Chúa thể hiện qua việc Ngài thống trị các sức mạnh của thiên nhiên : Ngài ngự trên những ngọn thuỷ triều, tiếng Ngài vang rền trên sóng nước.
Chính Thiên Chúa uy phong ấy sẽ tấn phong Chúa Giêsu làm Đấng Messia của Ngài trong biến cố phép rửa.
3. Tin Mừng (Lc 3,15-16.21-22) :
Bài Tin Mừng này cho ta biết về người làm phép rửa và người được làm phép rửa :
(1) Người làm phép rửa là Gioan Tẩy giả : lời giảng và hoạt động của ông đã khiến ông nổi tiếng, đến nỗi dân chúng nghĩ rằng ông chính là Đấng Messia. Gioan đã khiêm tốn thanh minh ông không phải là thế, và còn giới thiệu cho họ biết Đấng Messia thực sắp đến sau ông và cao trọng hơn ông nhiều.
(2) Người lãnh nhận phép rửa là Chúa Giêsu. Chính Thiên Chúa (chim câu, tiếng từ trời) giới thiệu Ngài :
– Ngài là Con của Thiên Chúa (“Con là con của Cha”)
– Là Đấng Messia mà Tv 2 và ngôn sứ Isaia đã tiên báo (kiểu nói “Con là con của Cha” là tước hiệu Isaia dùng để nói về Đấng Messia ; kiểu nói “Hôm nay Ta sinh ra con” là của Tv 2 cũng nói về Đấng Messia).
4. Bài đọc II (Cv 10,34-38) :
Dân Do Thái có quan niệm hẹp hòi cho rằng Thiên Chúa là Chúa riêng của họ, và ơn cứu rỗi của Thiên Chúa được dành riêng cho họ. Vì thế, khi thánh Phêrô rửa tội cho ông Cornêliô một người thuộc dân ngoại, một số người Do Thái đã thắc mắc.
Thánh Phêrô biện minh rằng ông đã làm như thế cũng chỉ là theo đúng sứ mạng của Chúa Giêsu :
– Trong biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giođan, Ngài đã được Thiên Chúa tấn phong làm Đấng Messia : “Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Ngài”.
– Sứ mạng Messia của Chúa Giêsu là mang Tin Mừng cho tất cả mọi người và mọi dân tộc, vì thế nên “Ngài đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người”. Phêrô còn nói : “Thiên Chúa không tây vị ai. Nhưng ở bất cứ xứ nào ai kính sợ Người và thi hành sự công chính đều được Người đón nhận”.

IV. Gợi ý giảng
1. Mỗi người đều có sứ mạng
Hai tiếng “sứ mạng” nghe có vẻ nghiêm trọng quá. Nhưng thực ra mọi người, mọi sinh vật, mọi thụ tạo – nói chung là mọi “hữu thể” – đều có sứ mạng :
– Sứ mạng của mặt trời là sưởi ấm các sinh vật trên mặt đất
– Sứ mạng của cây lúa là nuôi sống con người
– Thậm chí những con vi sinh nhỏ bé đến nỗi mắt thường không thấy được cũng có sứ mạng làm phân huỷ những chất thải.
Chúa Giêsu đã sinh ra trong trần gian với sứ mạng làm Đấng Messia mang ơn cứu độ đến cho mọi người. Ngài đã chu toàn sứ mạng ấy một cách tuyệt hảo.
Mỗi người chúng ta cũng có sứ mạng. Vậy mỗi người hãy tự hỏi “Sứ mạng của tôi là gì đối với gia đình, đối với xã hội, đối với Giáo Hội, đối với anh chị em không cùng tín ngưỡng ?”
Tôi được sinh ra trên đời là vì sứ mạng. Nếu tôi không chu toàn sứ mạng, hay tệ hơn nữa, nếu tôi không lưu tâm gì đến sứ mạng, thì sự hiện hữu của tôi là vô ích, chỉ là ăn hại. Chúa Giêsu đã nói : “Nếu muối mà nhạt thì chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp dưới chân”.
2. “Con yêu dấu”
Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Qua phép rửa, chúng ta cũng trở thành con Thiên Chúa. Về phần Chúa Giêsu, Ngài đã được khen là “Con yêu dấu của Cha”.
Thế nào là một người “con yêu dấu” ?
– là biết ý của cha mình : Chúa Giêsu luôn cầu nguyện để biết ý của Chúa Cha.
– và luôn làm theo ý cha mình : Chúa Giêsu nói “Lương thực của Ta là làm theo ý của Cha Ta”. Trong vườn Cây Dầu, sau khi đơn thành tỏ cho Chúa Cha biết Ngài rất sợ chén đắng của cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu nói tiếp ngay “Nhưng xin đừng theo ý con, mà hãy theo ý Cha”.
Nếu chúng ta muốn trở thành con yêu dấu của Thiên Chúa thì chúng ta cũng hãy bắt chước Chúa Giêsu : luôn cầu nguyện, khi đã thấy được ý Chúa thì sẵn sàng bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa.
3. “Nếu…”
Nếu tôi là dân Do Thái lúc đó, có thể tôi cũng đi từ Galilê bên Chúa Giêsu suốt bốn năm ngày đường, tới sông Giođan để chịu phép rửa, mà không ngờ rằng Người là Đấng mà Gioan đang rao giảng. Khi tới nơi, chắc chắn tôi sẽ chen lấn Người để tôi được tới gần Gioan hơn. Tôi trố mắt nhìn và lắng tai. Gioan kêu gọi tôi sám hối. Tôi cảm động và ráng lội tới sát Gioan. Tôi đẩy Người ra để xin Gioan rửa tôi trước, vì tôi nóng lòng mong đợi điều Gioan đang nói “Hãy dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến”. Rửa xong, tôi an tâm ra về mà không ngờ Người là Đấng Cứu Thế đồng hành với tôi, đứng sát bên tôi, Người đã bị tôi gạt ra ngoài.
Thực tế hàng ngày đã xảy ra trăm ngàn lần tôi cư xử như thế đối với những người bên cạnh tôi. Tôi không ngờ rằng họ là chi thể Đấng Cứu Thế. Tôi bao nhiêu lần xô lấn những người bên cạnh tôi để tôi được hơn, được trước họ mà chẳng nhớ gì lời Chúa dạy : “Con phải kính nhường và yêu mến người bên cạnh con”. Thành thử ra tôi cũng không nhận ra Đấng Cứu Thế đang ở với tôi.
Nếu tôi được làm địa vị của Gioan tiền hô, thì khi vừa thấy Đấng Cứu Thế, tôi sẽ tự đắc hô to : Đấy, tôi nói có sai đâu. Ngài đến đây nè… Rồi tôi kêu gọi mọi người ủng hộ Ngài, hoan hô Ngài, đón rước Ngài, xin Ngài phất cờ giải phóng dân tộc, làm cho nước ta độc lập tự do giàu mạnh, đem quân xâm chiếm các nước, trở thành bá chủ hoàn cầu. Tôi rất phàn nàn và lấy làm tiếc vì không thể ngờ được rằng Gioan không làm như tôi mong muốn. Trái lại ông đã cúi mình xuống nhỏ nhẹ thưa với Ngài rằng: “Tôi không đáng cởi quai dép cho Ngài. Tôi chỉ rửa anh em trong nước, còn chính Ngài mới rửa chúng tôi trong Thánh Thần. Vậy xin Ngài rửa cho tôi đi để tôi được ơn cứu độ”. Thật là con người đầy khiêm tốn, đầy tin tưởng, để rồi Gioan đã phó thác trót mạng sống mình cho Đấng Cứu Thế : dù phải chặt đầu, ông vẫn luôn quyết tâm chu toàn nghĩa vụ Thiên Chúa trao.
Còn Chúa Giêsu, Người rất từ tốn và ẩn mình tuyệt diệu hơn nữa. Người đã thưa lại Gioan : “Chúng ta cần phải chu toàn nghĩa vụ thánh như thế”. Người đồng hóa mình với dân chúng, chịu những kẻ cậy sức mạnh xô đẩy, chèn ép để thông cảm với mọi nỗi xót xa của cuộc đời những kẻ thấp mũi bé miệng, neo đơn, cô thế cô thân. Người đã cúi mình trước Gioan làm phép rửa cho Người để cho những tội nhân biết cúi mình xuống trước tòa giải tội. Người đã dìm mình xuống nước để cứu vớt những kẻ chết trong dòng đời, cho họ được sống lại làm con chí ái với Người trong gia đình thiên quốc. Người chôn mình trong bản tính hư nát của loài người để cho con người được trường sinh vinh phúc.
Lạy Chúa Giêsu xin cho chúng con biết kính nhường nhau. Đó chẳng phải là kính mến Chúa sao ? Xin cho chúng con biết phó thác thân phận làm người, làm Kitô hữu cho Đấng Cứu Thế. Chắc chắn chúng con sẽ được Người thanh tẩy và kết nạp chúng con vào nhà Cha chí ái trên trời. (Linh mục Vũ Khắc Nghiêm, “Xây nhà trên đá” Năm A)
4. Tình yêu cứu thế
Một vị quan lớn mở tiệc mời nhiều người đến dự. Tất cả các người được mời đều ăn mặc sang trọng và dùng xe đi đến. Trong số ấy có một người khách già. Rủi thay, vì già yếu nên ông cụ này khi xuống xe đã trượt chân té vào vũng bùn. Khách đến dự tiệc thấy vậy phá lên cười.
Xấu hổ và cảm thấy mình không xứng đáng, ông quyết định quay về. Gia nhân nài nỉ cách mấy ông cũng không chịu ở lại dự tiệc. Khi đó vị quan chủ tiệc bước ra sân, đi tới chỗ vũng nước đó, rồi cũng cố tình té ngã vào vũng nước. Thế là áo quần của ông quan cũng dơ dáy y như cụ già kia. Mọi người chung quanh chẳng ai dám cười nhạo nữa. Sau đó, vị quan lớn cầm tay ông cụ đưa vào phòng tiệc. Ông cụ chẳng còn lý do nào để chối từ.
*
Chỉ có hành động cố tình té ngã của vị quan lớn kia, mới có thể đưa ông cụ vào bàn tiệc.
Con Thiên Chúa trên tầng trời cao thẳm, lại hạ mình xuống làm kiếp phàm nhân.
Đấng thánh thiện vô cùng, lại khiêm nhu đứng xếp hàng bên những tội nhân.
Đấng xoá tội trần gian, lại hoà mình trong đoàn người tội lỗi.
Đấng thanh sạch vô biên, lại chịu dìm mình trong dòng sông “sám hối”.
Đấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần, lại xin chịu phép rửa của Gioan.
Chính hành vi rất mực khiêm hạ của Đấng Cứu Thế đã cho thấy tình yêu sâu nặng của Thiên Chúa dành cho con người.
Chính thái độ tự huỷ tột cùng của Đấng Cứu Thế đã cho thấy tình yêu dấn thân của Thiên Chúa đối với con người cát bụi chúng ta.
Vâng, chính Thiên Chúa đã có sáng kiến tuyệt vời là tình nguyện hoá thân làm kiếp phàm nhân :
Để chia sẻ thân phận đói nghèo, khổ đau, bệnh hoạn của con người.
Để nếm cảm nỗi ray rứt khắc khoải của tội nhân.
Để thấu hiểu niềm khao khát đổi mới trong lòng người tội lỗi.
Vâng, chính Con Thiên Chúa đã thực hiện những phép lạ thật ngoạn mục ngay trước mắt con người,
Người đã muốn nên anh em với chúng ta để chia sẻ những gì Người đã nhận từ Cha : “Mọi sự của Cha là của Con”.
Người đã muốn chung phận con người để chia sẻ phận Con Thiên Chúa : “Phàm là con cái thì chung huyết nhục, nên Người cũng chung phần huyết nhục với chúng ta”. (Dt 2,14).
Người đã muốn chung phần khổ đau, để có thể cứu giúp những ai đau khổ : “Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách”. (Dt 2,18).
Chiêm ngắm Đấng Cứu Thế cúi mình chịu phép rửa, chúng ta hiểu được thế nào là Tình Yêu : Một Tình Yêu vui lòng tự huỷ để cùng đồng hành với anh em cho đến cùng, một Tình Yêu sẵn sàng chia sẻ trọn vẹn cho anh em, một Tình Yêu chấp nhận cúi xuống để nâng anh em chỗi dậy cùng bước về nhà Cha.
Chiêm ngắm Đấng Cứu Thế cầu nguyện với Cha nơi dòng sông Giođan, chúng ta hiểu được thế nào là Hiệp Thông : Chính trong giây phút Hiệp Thông sâu đậm này mà Người cảm nhận được đầy tràn Thánh Thần và nghe được tiếng Cha âu yếm : “Con là Con của Cha. Hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (Lc 3,22).
Ngày nay, chúng ta đã chịu phép Rửa của Đức Kitô trong Thánh Thần, chúng ta được mời gọi Hiệp Thông thân mật với Ba Ngôi Chí Thánh, chúng ta cũng được mời gọi lên đường phục vụ anh em, nhất là những anh em đang cần một Tình Yêu chia sẻ, đỡ nâng và trao ban trọn vẹn : Tình Yêu Cứu Thế !
Lạy Chúa, trong con mắt Chúa chúng con là tất cả. Xin cho chúng con luôn nhìn anh em bằng cái nhìn của Chúa, và yêu thương anh em chúng con bằng tình yêu trọn vẹn của Người. Amen. (TP)
5. Chuyện minh họa
Ở một nước kia có luật cấm đạo. Hai vợ chồng kia bị bắt đưa ra tòa vì tội là Kitô hữu. Người chồng tên là Moran.
Để cứu vợ chồng này khỏi tội, luật sư đã hùng hồn đọc bài biện hộ mà đại ý như sau :
– Hai thân chủ của tôi bị kết tội là Kitô hữu. Tôi xin chứng minh rằng sự thật không phải là thế.
– Họ có một cuộc sống đàng hoàng, siêng năng làm việc, không hề gian tham trộm cắp, không làm thiệt hại ai điều gì, không xích mích gì với hàng xóm… Như thế họ là những con người tốt, những công dân tốt. Không có gì sai trái.
– Ngày Chúa nhật họ đi dự lễ, ở nhà họ có bàn thờ và thường đọc kinh trước bàn thờ, họ đeo ảnh Thánh giá… Chính vì những biểu hiện bề ngoài này mà họ bị kết tội là Kitô hữu. Nhưng những biểu hiện bề ngoài ấy không đủ để kết luận họ thực sự là Kitô hữu.
– Chính Thánh Kinh của Kitô giáo đưa tiêu chuẩn để xác định ai là Kitô hữu thật : “Cứ xem quả thì biết cây” (Mt 7,15) ; Mà hoa quả chứng minh ai là Kitô hữu là những việc bác ái yêu thương, như một câu Thánh Kinh khác : “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con thương yêu nhau” (Ga 13,35). Nếu căn cứ vào những tiêu chuẩn này để xét, thì tôi dám khẳng định rằng thân chủ của tôi chắc chắn không phải là Kitô hữu : mọi người đều không thấy họ có chút quan tâm nào đến những người nghèo, những người khổ sở, những người già yếu… ; mỗi khi có cuộc lạc quyên để giúp thiên tai, hoạn nạn, họ cũng đóng góp nhưng chỉ đóng góp cho có với người khác chứ thực sự ít hơn mọi người khác.
– Vì những bằng chứng trên, tôi xin quý tòa hãy hủy bỏ tội danh Kitô hữu của thân chủ tôi.
Toà tạm ngừng để nghị án. Sau đó Tòa kết luận : Tội danh Kitô hữu không được thành lập. Hai vợ chồng Moran được tự do ! (FM)
6. Bài giảng được gán cho Thánh Hippolite (+ 236)

Nếu Chúa chìu theo lời ngăn cản của Gioan mà không chịu phép rửa thì chúng ta đã bị mất mát biết bao điều quan trọng.
Trước đó các tầng trời bị đóng chặt, chúng ta không ai có thể đến được quê hương trên trời. Sau khi xuống thấp tận đáy, chúng ta không còn có thể trở về trên cao. Nhưng Chúa Giêsu đã chịu phép rửa. Không phải một mình Ngài chịu phép rửa, mà Ngài còn canh tân con người cũ và ban lại cho nó thân phận làm dưỡng tử của Thiên Chúa. Bởi thế lúc đó “trời mở ra”. Các thực tại hữu hình được giao hòa với những thực tại vô hình ; các phẩm trật trên trời hớn hở vui mừng, dưới đất thì bệnh tật được chữa lành…
7. Suy nghĩ về phép rửa
Phép rửa không chỉ được ban một lần khi chúng ta được mang đến giếng Rửa Tội trong Nhà thờ.
Chúng ta được rửa bởi tất cả mọi biến cố xảy ra trong đời :
– Chúng ta được rửa bởi những cực nhọc, khó khăn : đó là những dòng nước biến động thanh luyện chúng ta khỏi những gì là gian trá và vô dụng.
– Chúng ta được rửa bởi những khổ đau, buồn rầu : đó là những dòng nước u ám nhưng có khả năng giúp ta lớn lên trong đức khiêm tốn và cảm thông.
– Chúng ta được rửa bởi niềm vui : đó là dòng nước róc rách khiến ta cảm nghiệm được vị ngọt của cuộc đời.
– Chúng ta được rửa bởi tình yêu : đó là dòng nước ấm áp làm cho đời ta tươi nở như hoa dưới ánh nắng mặt trời.
Phép rửa là một hạt giống, cần phải nẩy mầm trong suốt cả đời sống.

V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em thân mến, khi chịu phép rửa tại sông Giođan, Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta biết mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Vậy chúng ta cùng nguyện xin Người :
1. Chúa Giêsu đã tự hạ / đến xin ông Gioan làm phép rửa / hầu chỉ lối khiêm nhường cho người Kitô hữu học đòi bắt chước. / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các vị mục tử / biết noi gương Chúa Giêsu mà phục vụ tha nhân trong yêu thương và khiêm nhường.
2. Chúa Giêsu đã dùng phép rửa mà thánh hóa nhân loại / và mở cửa cho những người thống hối trở về. / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho kẻ có tội biết từ bỏ đời sống tội lỗi / mà quay trở về nẻo chính đường ngay.
3. Đức Kitô là ánh sáng muôn dân. / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa ban ánh sáng đức tin cho hết thảy mọi người đang đi tìm Chúa.
4. Đức Kitô là nguồn hy vọng của những ai tin Chúa. / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết tìm đến Chúa khi gặp gian nan thử thách / để được Người nâng đỡ ủi an.
Chủ tế : Lạy Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã được Chúa Trời tuyển chọn, Chúa không nỡ nghiền nát cây lau đã gãy, cũng chẳng nỡ dập tắt tim đèn còn cháy. Xin cho tất cả chúng con cũng biết noi theo lòng nhân hậu của Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

VI. Trong Thánh Lễ
– Trước Kinh Lạy Cha : Qua bí tích Rửa tội, chúng ta được làm con Thiên Chúa như Chúa Giêsu. Vậy, cùng với Chúa Giêsu, chúng ta hãy dâng lên Chúa Cha lời kinh Lạy Cha.

VII. Giải tán
Thánh lễ đã hết, anh chị em lại trở về cuộc sống bình thường. Anh chị em hãy cố gắng sống xứng đáng là con của Thiên Chúa.
 

 

Tác giả bài viết: Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 194
  •   Máy chủ tìm kiếm 19
  •   Khách viếng thăm 175
 
  •   Hôm nay 12,834
  •   Tháng hiện tại 1,044,842
  •   Tổng lượt truy cập 79,793,526