Hội chứng Bathsheba: Căn bệnh của thành công trong đời sống linh mục ​

Thứ ba - 12/01/2021 13:59      Số lượt xem: 2320

Trong khuôn khổ của bài viết này, tôi xin được mượn một nghiên cứu về “Hội Chứng Bathsheba”[1] của Dean C. Ludwig và Clinton O. Longenecker để nhìn vào một chiều kích mà ít khi nào chúng ta nghĩ tới đó là: Cơn cám dỗ của người lãnh đạo thành công.

Sai phạm về đạo đức có thể đến từ chính sự thành công của người lãnh đạo.

 

HỘI CHỨNG BATHSHEBA: CĂN BỆNH CỦA THÀNH CÔNG TRONG ĐỜI SỐNG LINH MỤC VÀ NHỮNG ÁM CHỈ TRONG PHÂN ĐỊNH TRƯỞNG THÀNH ƠN GỌI

Lm. Gioan Phương Đình Toại, MI

WHĐ (10.1.2020) – Gần đây tôi có dịp được lắng nghe những chia sẻ của các Đức Cha và các cha phụ trách đào tạo về những khủng hoảng trong đời sống thánh hiến hôm nay. Có một điểm chung mà gần như ở môi trường mục vụ nào cũng gặp phải đó là việc rất nhiều anh em linh mục trẻ mang đầy nhiệt huyết, thậm chí là có tài thu hút trong việc rao giảng và giúp đỡ giáo dân, nhưng chỉ vừa làm mục vụ được vài năm thì gặp phải khủng hoảng và gãy đổ trong sứ vụ. Những thất bại đó để lại không ít sự hụt hẫng và nuối tiếc trong linh mục đoàn cũng như bà con giáo dân. Thậm chí có những trường hợp nặng hơn, liên quan đến những nạn nhân là chính giáo dân của vị mục tử làm tăng thêm đau khổ và vết thương đối với người vô tội. Những năm gần đây, cả Giáo hội trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam không khỏi bàng hoàng và sốc trước những vụ bê bối liên quan đến tính dục và lạm dụng của hàng giáo sĩ. Có một số vị thậm chí khi bị cáo buộc và phải đối diện với pháp luật là những người đang nắm giữ những trọng trách rất lớn trong Giáo hội chúng ta. Những sự việc đó để lại rất nhiều phẫn nộ và sự bất tín nhiệm trong lòng giáo dân khắp nơi.

Câu hỏi được đặt ra là: Làm sao để bảo đảm được các ứng viên cho tác vụ linh mục thật sự trưởng thành trước khi chịu chức? Làm sao để các nhà đào luyện có thể phân định và đánh giá mức độ trưởng thành của ơn gọi trẻ? Đối với các linh mục trẻ thì làm sao để anh em linh mục có thể nhận thức được những nguy cơ và giới hạn trong môi trường mục vụ của mình?

Trong những năm gần đây đã có rất nhiều chương trình đào tạo nhắm đến sự trưởng thành nhân bản của ơn gọi và các khóa thường huấn linh mục nhằm trang bị thêm kỹ năng cũng như tạo nên sự hỗ trợ huynh đệ giữa các linh mục đoàn trong các giáo phận. Chương trình đào tạo tại các chủng viện cũng nhấn mạnh hơn vào sự trưởng thành nhân bản của các chủng sinh cũng như tầm quan trọng của việc nhận biết chính mình. Tuy nhiên, với trọng trách đào tạo và giúp đỡ cho giáo phận cũng như nhà dòng để có những người mục tử “như lòng Chúa mong ước” và đạt được sự trưởng thành nhất định khi làm linh mục, nhiều nhà đào tạo và các bề trên vẫn cảm thấy lo sợ và bất an khi nhận thấy mình chưa hiểu hết các ứng viên của mình; chưa nhận thấy được đâu là lỗ hổng và nguy cơ mà các anh em sẽ đối diện trong tương lai. Thật thế, nhiều vị hữu trách vẫn còn băn khoăn trước không ít những gãy đổ mới của các anh em linh mục trong quá trình chập chững bước vào môi trường mục vụ, dù trước đó những người này được cho là rất tốt, thánh thiện và gần như khá trưởng thành trong đời tu của mình.

Trong một lần gặp cha linh hướng, tôi cũng khá bị đánh động bởi lời nhắc nhở của ngài về việc phải cẩn trọng trước “cơn cám dỗ của sự thành công”. Lời nhắc nhở ấy khiến tôi phải suy tư rất nhiều. Ý thức được rằng ơn gọi là một mầu nhiệm và còn rất nhiều điều vô cùng quan trọng phải làm để giúp phân định ơn gọi và sự trưởng thành ơn gọi. Trong khuôn khổ của bài viết này, tôi xin được mượn một nghiên cứu về “Hội Chứng Bathsheba”[1] của Dean C. Ludwig và Clinton O. Longenecker để nhìn vào một chiều kích mà ít khi nào chúng ta nghĩ tới đó là: Cơn cám dỗ của người lãnh đạo thành công.

Sai phạm về đạo đức có thể đến từ chính sự thành công của người lãnh đạo.

Ludwig và cộng sự đưa ra nghiên cứu cách đây hơn 20 năm nhằm tìm ra câu trả lời tại sao nhiều nhà lãnh đạo thành công và tài ba lại vấp phải những sai phạm đạo đức nghiêm trọng. Mặc dù nghiên cứu của họ chỉ nhắm vào những CEO trong doanh nghiệp lớn, những người lãnh đạo nổi tiếng, và không xuất phát từ lý do thiêng liêng, nhưng họ đã dựa vào câu chuyện của vua David trong Cựu Ước (cf 2Sam 11-12) để phân tích cho chúng ta thấy một lối mòn mà nhiều nhà lãnh đạo nổi tiếng trên thế giới cũng đã vấp phải. Dĩ nhiên, từ những bài học của họ, chúng ta có thể nhìn thấy và áp dụng cho chúng ta là những người mục tử, tu sĩ trong Giáo hội hôm nay. Có lẽ không cần phải thuật lại chi tiết câu chuyện thất bại của David, chúng ta đều biết, ông đã phạm phải một tội lớn khi dùng địa vị của mình trong lúc đi thưởng ngoạn để chiếm đoạt Bathsheba. Sau đó, nghĩ rằng mình có thể che đậy những tội lỗi đã xảy ra, ông tiếp tục dùng quyền lực mình có để thao túng cục diện, dẫn đến hành động giết hại Uriah chồng bà Bathsheba khi sự việc không diễn ra theo ý mình. Điều đáng ngạc nhiên trong câu chuyện của David là trong suốt quá trình ông phạm tội với Bathsheba và với Uriah, David đã không hề có một mảy may lay chuyển nào trong mối tương quan giữa ông với Chúa. David có thể đưa ra những phán quyết quyết liệt chống lại sự bất công và sai phạm trong câu chuyện mình nghe được từ Nathan, nhưng ông không bao giờ hình dung nổi nhân vật trong câu chuyện ấy chính là mình. Ludwig và cộng sự cũng tìm thấy những đặc điểm tương đồng của những thất bại tương tự như David ở nhiều người lãnh đạo thành công hôm nay. Thật ra, những thất bại đó cũng không khác những gì đã xảy ra với đa số các linh mục tu sĩ bị cáo buộc về những hành vi cũng như sai phạm không đúng chuẩn mực trong Giáo hội chúng ta. Những đặc điểm chung cho thấy sự tương đồng này là:

- Ngày càng có nhiều cáo buộc về vi phạm đạo đức nghề nghiệp của những người nắm vị trí lãnh đạo, mặc dù đã có rất nhiều quy tắc và rào cản liên quan đến luân lý được đặt ra bởi các doanh nghiệp và tổ chức.

- Rất nhiều ví dụ về thất bại đạo đức của người lãnh đạo là những người nổi tiếng, được tôn trọng. Họ rất thành công và thông minh, có tài, có một tầm nhìn tốt cho tương lai, nhưng thình lình họ lại có hành động hủy hoại chính thanh danh của bản thân khi chạm đến ngưỡng thành công nào đó trong sự nghiệp. (Có lẽ David vẫn luôn là vị vua được ca tụng nhiều nhất trong lịch sử Cựu Ước và kể cả sau này, và Con Thiên Chúa cũng không ngần ngại để được sinh ra từ dòng dõi vua David. Nhưng không ai khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy một vị vua như thế lại có lúc hành động khác xa với chính những gì người ta ca tụng nơi ông.)

- Với đa số những trường hợp nghiêm trọng trong sai phạm, đương sự thừa biết đó là điều sai trái nếu thực hiện, nhưng họ lại lầm tưởng và tin rằng mình có thể che đậy những sai trái đó.

- Hầu hết những người lãnh đạo này là những người sống có nguyên tắc và thường bắt đầu sự nghiệp của mình từ việc phục vụ cho tha nhân, giúp đỡ người khác chứ không phải từ việc tìm kiếm hay thỏa mãn bản thân.

- Nguyên nhân chủ yếu của những sai phạm chuẩn mực đạo đức không phải đến từ việc thiếu quy chuẩn đạo đức hoặc việc người đó bị buộc gác lại quy chuẩn đạo đức do áp lực công việc. Nhưng những vi phạm đạo đức bởi những người lãnh đạo cấp cao này thường là “thành quả” đến từ chính thành công họ gặt hái được.

- Quyền bính nguy hiểm hơn những gì nó có thể huỷ hoại. Nó làm một người mất cảnh giác trong tầm nhìn phía trước và hành động một cách hấp tấp.

- Và nghiên cứu chỉ ra rằng, rất nhiều người ở vị trí cao không được chuẩn bị tốt để đối diện với thành công của họ.

Chúng ta dễ dàng nhận ra những đặc điểm trên qua các thất bại của một số anh em tu sĩ trẻ hôm nay. Không ít những tu sĩ linh mục đang hoạt động khá thành công trong giáo xứ và được giáo dân tín nhiệm nhưng đang phải đối diện với những cáo buộc liên quan đến đời sống khiết tịnh và việc sử dụng của cải chung. Có trường hợp một vị giáo sĩ nọ sau khi bị cáo buộc lạm dụng còn quay lại đổ lỗi cho nạn nhân, cho rằng chính nạn nhân mới là người cám dỗ và gài bẫy mình. Gần đây, trên mạng xã hội cũng loan truyền một số thông tin liên quan đến một cha xứ trẻ gửi thư lên giám mục của mình xin huyền chức vì lý do “bất mãn với bề trên”. Và từ đó, giáo dân trong giáo xứ bị chia rẽ, lao vào chỉ trích, lên án lẫn nhau, để lại một nỗi buồn to lớn và sự hoang mang không tưởng trong giáo xứ. Không ít lần tôi cũng đã phải đối diện với anh em tu sĩ khá thành công nhưng khi vụ việc sai phạm về lạm dụng vỡ lẽ, người đó khá ngỡ ngàng vì tưởng rằng sẽ không ai biết những gì mình đã làm. Một cha giáo khác trong một học viện từng bị sốc vì khi chấm bài luận văn ra trường của một chủng sinh, phát hiện toàn bộ nội dung đều là đạo văn. Nghịch lý là chủng sinh đó viết bài luận về luân lý – nhưng gần như copy tất cả các nội dung về luân lý của tác giả khác. Khi bị đối chất, chủng sinh này cũng không hình dung ra được vì sao mình lại làm thế. Chúng ta có thể hỏi đâu là gốc rễ của vấn đề?

Nghiên cứu của Ludwig và cộng sự đã chỉ ra 4 nguồn gốc dẫn đến thất bại đạo đức mang yếu tố tâm lý của những người lãnh đạo thành công trong câu chuyện của David và Bathsheba như sau:

1. Thành công thường làm cho người lãnh đạo trở nên tự mãn và mất sự tập trung, họ chuyển sự chú ý của họ đến “vật chất” (đến nhu cầu bản thân) hơn là quản lý tổ chức cũng như con người. Khi thành công rồi, họ có người làm việc thay cho mình, họ không còn làm và hiện diện nơi họ cần làm và hiện diện như trước kia. Câu chuyện của David cũng bắt đầu từ việc ông đã không hiện diện nơi ông phải hiện diện, không làm việc ông cần phải làm. Chiến thắng trước đó của ông đã làm cho ông tự mãn. Ông không còn phải ra chiến trường như trước, cho dù lính của ông ở nơi trận mạc. Ông có thêm thời gian bách bộ và từ từ chuyển sự chú ý đến nhu cầu và thèm khát của bản thân, và đánh mất sự tập trung trong vai trò là vua của mình. Đức ông Rosetti cho rằng bất cứ ai phải chịu nhiều áp lực (nỗ lực nhiều) để thành công thì việc kế tiếp và nhanh nhất mà người mục tử thành công nghĩ đến chính là các nhu cầu thiếu thốn của mình. Ở đây, ngay cả khi người mục tử có thể coi sự thành công trong mục vụ của mình là một ân ban của Chúa, nhưng họ vẫn dễ tìm “phần thưởng” để bù trừ cho chính thiếu thốn trong tiềm thức của họ. Họ có thể tìm đến vật chất và những gì có thể thỏa mãn họ. Đôi khi một câu hỏi phân định đơn giản cũng có thể giúp chúng ta phản tỉnh sau chính thành công của mình: “Tôi có nên ở đây lúc này không? Đây có phải là nơi mà tôi được giao phó? Và trách nhiệm chính của tôi ở đây là gì?” Nếu câu trả lời là tôi đang thường xuyên ở một nơi không phù hợp với đời linh mục hay tác vụ của tôi, có lẽ chúng ta cũng có thể tự hiểu chúng ta phải làm gì để dừng lại.

2. Thành công của người lãnh đạo đưa họ vào vị trí ưu tiên và đặc ân riêng để tiếp cận thông tin, con người, và tài sản. David ở một vị trí có thể nhìn thấy Bathsheba đang tắm, ông có thể tìm hiểu và tiếp cận Bathsheba dễ dàng, ông cũng có thể dùng quyền của mình để đưa Bathsheba về ở với ông. Tất cả là nhờ sự ưu tiên và đặc quyền, mà chỉ có những người có địa vị cao trọng, có quyền điều khiển người khác mới có thể có được. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra sự khác biệt của sự ưu tiên này ngay chính trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Khi giáo sĩ như một người có thẻ VIP. Mình “Không phải xếp hàng nếu như ai đó biết mình là linh mục và họ quý trọng linh mục” “mình không phải chờ đợi khi đi khám bệnh”... Người được ưu tiên cũng dễ dàng tiếp cận các thông tin, có khả năng gặp gỡ nhiều người khác nhau khi không bị ngăn trở vì là người có “chức vụ”. Khi phân tích lại những vụ cáo buộc liên quan đến lạm dụng tình dục trong giáo sĩ, người ta nhận ra rằng đa phần những vụ việc xảy ra bởi có liên quan đến quyền bính và thành công của thủ phạm, nhờ vị trí đó, thủ phạm có thể tiếp cận dễ dàng đến các yếu nhân (hay những người yếu thế), trong đó có các nữ tu và thiếu niên. Trong bài phát biểu bế mạc thượng hội nghị chống lạm dụng tình dục tổ chức tại Vatican, Đức thánh cha Phanxicô đã nhấn mạnh về nguy cơ của việc lạm dụng quyền lực trong hàng giáo sĩ, và đối với ngài lạm dụng quyền lực là nguồn gốc chính của lạm dụng tính dục trẻ.

3. Thành công, thường đi cùng với việc không bị ngăn trở trong sự kiểm soát nguồn lực của tổ chức. Người lãnh đạo lúc này có thể ra quyết định liên quan đến một nguồn lực nào đó mà không cần hỏi qua ý kiến người khác, hoặc không ai dám ngăn cản mình. Nhờ vào địa vị của mình, David đã có thể đem Bathsheba về, rồi nhằm che đậy sự việc giữa ông và Bathsheba, David đã âm mưu tìm cách đưa Uriah ra chiến trường, đẩy vị tướng này vào cái chết. Cũng tương tự như thế, một nguồn lực lớn cho dù là con người hay tài sản vẫn có thể bị thao túng dưới vỏ bọc của mục vụ nhưng ẩn sau đó là những hành vi sai trái liên quan đến nhu cầu cá nhân mà người lãnh đạo thành công tưởng rằng mình có đủ xứng đáng để hưởng, hoặc dùng để che đậy, mua chuộc khi bị đe dọa hoặc nặc danh vì không muốn hành vi sai trái của mình bị phát hiện. Thực tế cho thấy không ít những trường hợp các giáo sĩ vì có thể tự quyết trên tài sản đã dùng những tài sản này vượt ngoài sự kiểm soát, dẫn đến những thất thoát và kiện tụng gây mất mát tài sản chung trong giáo xứ.

4. Thành công có thể thổi phồng ảo tưởng của người đó về khả năng thao túng hậu quả và kết cục. Họ tưởng rằng trong quyền hạn, họ có thể ngăn cản hoặc tạo những chứng cứ khác nhằm che lấp sai phạm của bản thân. Tuy nhiên khi làm như thế, họ lại tạo ra nhiều sai phạm khác. Cũng như David tưởng mình có thể lèo lái câu chuyện của mình qua việc đưa Uriah về với Bathsheba, và thậm chí sau cùng ông còn tạo kế để cho Uriah phải tử trận nhằm che đậy sai phạm của mình. Một cố giám mục đã từng chia sẻ rằng ngài đã không khỏi sốc khi nghe lời chứng của một nữ tu về việc một vị linh mục đã đề nghị mình đi phá thai sau khi đã ép nữ tu ấy quan hệ với mình. Điều đáng lo âu là sự ảo tưởng và tự tin rằng mình có thể thao túng kết quả, điều khiển cục diện theo ý muốn của mình gần như đã được hình thành từ rất sớm trong môi trường sống của giới trẻ hiện nay. Khi mà thầy cô sợ mất điểm thi đua nên đã đọc kết quả bài làm cho học sinh cấp I chép. Ngay cả những người làm lãnh đạo trong ngành giáo dục lại coi là bình thường khi dùng quyền của mình để thay đổi kết quả thi cử. Và rồi chính tâm thức phải thành đạt, phải chứng minh sự hoàn hảo và được việc của mình đã dẫn dắt nhiều ứng viên linh mục và một số giáo sĩ tìm mọi cách, ngay cả việc thỏa hiệp với cái xấu để thao túng kết quả nhằm lèo lái sự việc theo ý mình.

Những yếu tố trên cho ta thấy rằng ngoài việc giúp cho các chủng sinh và các linh mục trẻ có các kỹ năng cần thiết trong môi trường mục vụ, chúng ta cũng cần giúp tu sĩ học biết cách đối diện với thành công và không để cơn cám dỗ của thành công trở nên nguồn gốc của sự gãy đổ. Rút ra từ bài học của hội chứng Bathsheba, chúng ta có thể nhận ra rằng:

1. Người lãnh đạo – đặc biệt trong môi trường mục vụ - là người phải luôn chú tâm vào cộng đoàn được trao phó cho mình, qua những mục tiêu và kế hoạch đã được đưa ra. Sự chú tâm này không thể xảy ra nếu người mục tử không hiện diện tại nơi họ cần hiện diện, và hành động những gì họ cần phải hành động.

2. Việc cố che đậy những sai phạm do xấu hổ, sợ mất thanh danh sẽ càng làm cho nhiều người vô tội bị hại, sẽ làm cho sai phạm chồng chất thêm sai phạm, và sẽ gây ra nhiều tổn thất hơn bao giờ hết về sau.

3. Việc không bị phát hiện lúc mới sai phạm dễ làm cho đương sự lầm tưởng rằng mình vẫn có thể tiếp tục có những hành vi sai trái trong tương lai.

4. Và khi bị phát hiện, người lãnh đạo cũng như toàn thể cộng đoàn dân Chúa sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt là niềm tin của các tín hữu bị mất. Và tất cả những gì người đó đã dùng cả cuộc đời để hy sinh cho – sẽ tan biến.

Những cơn cám dỗ của thành công và Hội chứng Bathsheba có thể xảy ra với bất cứ ai trong chúng ta. Nói thế không có nghĩa là chúng ta phải né tránh, thụ động hoặc từ bỏ khao khát làm cho sứ vụ chúng ta được thành công. Nhưng là để chúng ta hiểu được cần phải trang bị cho mình những gì và biết cách kiểm soát để thành công không là tiền đề của sự thất bại về đạo đức của bản thân. Do đó, chúng ta cần thường xuyên lượng giá lại cơ cấu tổ chức của chính môi trường mục vụ giáo xứ cũng như đào luyện không phải chỉ sau khi gặp thách đố và thất bại, nhưng còn phải là sau cả những thành công của chúng ta. Từ đó, chúng ta cũng cần can đảm thay đổi những điểm bất cập, những tiến trình và thói quen vốn là những nguy cơ làm cho chúng ta có thể trở thành nạn nhân của chính sự thành công của mình. Các nhà nghiên cứu về hội chứng này cũng đưa ra 3 gợi ý đáng để chúng ta giúp nhau phân định trong đời sống linh mục:

1. Chúng ta cần nhận thức rằng sống một cuộc sống quân bình có thể giảm thiểu nguy cơ đến từ thành công của bản thân vốn có thể làm cho một người mất đi khả năng nhìn nhận thực tế. Việc giữ mối tương quan quân bình và lành mạnh với gia đình, người thân bạn bè và hơn bao giờ hết là xây dựng tình hiệp thông với anh em linh mục đoàn cũng như giám mục của mình là những điều cần duy trì và phát huy. Qua đó, sự thành công của mình sẽ được hiểu và có ý nghĩa ngay trong chính cộng đoàn, trong sự vâng phục và khiêm tốn thay vì chỉ nghĩ đến công việc và thành công như là cùng đích của việc thể hiện chính cái tôi cá nhân. Và dĩ nhiên điều tối quan trọng nhất là chúng ta cần trung tín với một đời sống cầu nguyện sâu sắc, luôn mở mình ra trước Thánh ý Chúa.

2. Là mục tử - người lãnh đạo cộng đoàn cũng cần có một hội đồng quản trị về luân lý để giúp cố vấn cho mình trước mọi quyết định cần đề ra, để qua họ, chúng ta được cảm hứng làm chứng tá qua cách sống của mình. Hội đồng này cũng sẽ là những người có thể thách đố và đối chất với chúng ta khi cần thiết. Chúng ta đã có các ban tư vấn về tài chính, về phụng vụ… nhưng ít khi nào chúng ta nghe nói có một ban tư vấn về luân lý (ethical advisers). Xưa nay, người mục tử vẫn được xem là người thầy về đạo đức và là người giúp cho giáo dân phân định đâu là Thánh ý Chúa. Và có lẽ cũng chính vì là người luôn luôn dạy về luân lý, không có ai khác trong cộng đoàn có thể đóng vai trò tư vấn về chuẩn mực đạo đức của mình. Dường như điều này chỉ xảy ra ở các nước phương Tây khi việc lãnh đạo giáo xứ được thực hiện bởi một hội đồng quản trị rõ rệt. Tuy nhiên, đứng trước những cám dỗ và nguy cơ của môi trường và xã hội hôm nay, phải chăng đây là lúc chúng ta trong tư cách là người mục tử cần can đảm, khiêm tốn lắng nghe ý kiến của giáo dân của mình. Hơn thế nữa cần giúp giáo dân có cơ hội tham gia các khóa học về luân lý và quản trị giáo xứ để chính họ sẽ là những cộng sự đắc lực giúp chúng ta hạn chế được các rủi ro trong hoạt động mục vụ của mình.

3. Ở vai trò vĩ mô, người lãnh đạo cần phải quan tâm đến sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của mình. Điều này bao gồm cả việc buộc phải sắp xếp thời gian nghỉ ngơi cần thiết, tham gia những hoạt động thư giãn, và thường xuyên gặp người tư vấn, linh hướng nhằm có thể được chia sẻ, lắng nghe và giúp đỡ nhìn thấy những giới hạn của bản thân. Một trong những khủng hoảng xảy ra với anh em linh mục chúng ta là gặp phải sự quá tải trong công việc. Khi người mục tử phải thường xuyên đáp ứng hết các nhu cầu thiêng liêng và tinh thần của giáo dân nhưng không có thời gian cho chính mình để lấy lại quân bình, thì việc bị quá tải và suy nhược sẽ sớm đưa người đó vào nguy cơ của sự gãy đổ. Có vài lần tôi hỏi thăm vài anh em linh mục trẻ và được biết rằng từ sau khi chịu chức các anh em không còn gặp cha linh hướng nữa. Tôi tự hỏi phải chăng việc gặp linh hướng chỉ là một bổn phận phải thực hiện trong môi trường đào tạo và chấm dứt khi người đó làm linh mục?[2]

Một trong những thách đố lớn nhất của người mục tử khi đứng ở vai trò là người lắng nghe những đau khổ và đáp ứng nhu cầu tinh thần của giáo dân chính là khả năng biết nói “không” khi cần thiết và chấp nhận mọi hệ quả xảy đến khi nói không. Đôi khi chính vì ý muốn làm vui lòng tất cả mọi người cũng như phương cách nào đó để đền ơn cho những sự giúp đỡ mình nhận được từ họ trong công việc mục vụ, không ít anh em linh mục chúng ta đã đi xa giới hạn và hiện diện mọi lúc mọi nơi. Và như thế, để chạy theo thành công theo nghĩa được mọi người yêu mến, chúng ta sẽ hiện diện ở những nơi mà mình không nên có mặt đồng thời không còn năng lượng để toàn tâm lo cho chính sứ vụ mục tử của mình.

Chuẩn bị cho chủng sinh đối diện với thành công trên hành trình trưởng thành nội tâm

Từ cơn cám dỗ của sự thành công, có lẽ chúng ta cũng cần nhận ra rằng anh em chủng sinh và tu sĩ trong thời gian đào luyện cũng cần trang bị những kỹ năng cần thiết không chỉ để có thể thành công trong mục vụ sau này mà làm sao để không gãy đổ vì chính thành công của mình.

Qua các tất cả các tài liệu hướng dẫn về đào luyện ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến, Giáo hội chúng ta luôn mời gọi các nhà đào luyện đưa ra một chương trình đào tạo mang tính toàn vẹn phải được chạm vào tất cả các chiều kích khác nhau bao gồm cả nhân cách và tâm cảm[3]. Chính sự huấn luyện này nhằm giúp cho ơn gọi có thể nội tâm hóa hay còn gọi là hội nhất giá trị ơn gọi của mình qua sự trưởng thành về tâm cảm để người đó có được một sự quân bình và tự do nội tâm[4] đứng trước mọi thử thách và cám dỗ, cho dù đó là thành công hay thất bại trong mục vụ.

Dấu hiệu của thiếu quân bình là sự thái quá trong bất cứ chiều kích nào. Thái quá cũng có thể hiểu là người có thái độ cực hữu hay cực tả trong một quan điểm hay lý tưởng. Trong đào luyện, sự thái quá có thể nhìn thấy một người chỉ nhìn “có trắng hoặc đen trong một vấn đề”; “hoặc tốt hoàn toàn hoặc xấu hoàn toàn.” Tất cả những hành vi hoặc lý tưởng thái quá, cực đoan (extremism) thường dẫn đến chia rẽ và gãy đổ[5]. Ban đầu sự thái quá này tưởng chừng như là những thành công trước mắt, nhưng sẽ sớm đưa chúng ta đến sự khủng hoảng sâu hơn. Sự thái quá này có thể nhìn thấy nơi chương trình đào tạo dưới một khuynh hướng bài trừ hoặc vạch lá tìm sâu đối với những ai bị nghi ngờ là có vấn đề về tính dục chẳng hạn. Ban đầu có thể tạo ra hồi chuông cảnh báo nhưng từ từ, những ứng sinh gặp khó khăn thật sự sẽ rút trong bóng tối, không còn có thái độ trong sáng và sẽ tìm những phương thế bù trừ qua các thành công khác để lấp đi những khó khăn nội tại của mình.

Trong Ratio Fundamentalis mới về việc hướng dẫn đào tạo linh mục, Bộ Giáo sĩ có nhấn mạnh đến sự ngoan ngùy (docibilitas) của người chủng sinh[6]. Từ “Docibilitas” nghĩa là khả năng mềm dẻo, linh động và thích ứng trong việc đón nhận và lắng nghe lời chỉ dạy của người đào tạo và lắng nghe anh em trong cộng đoàn. Đức Hồng Y João Braz de Avis (Bộ trưởng Bộ Tu Sĩ) trong một bài nói chuyện của ngài đã mô tả Docibilitas như là một khối bột gốm đang được nặn thành chiếc bình. Nó phải đủ mềm để tay người thợ gốm có thể uốn nắn nhưng cũng phải đủ dai và vững để người thợ gốm có thể đưa bàn tay vào bên trong tạo hình miệng và khoảng không cho chiếc bình gốm. Nếu nó không vững bên trong, thành bình gốm sẽ bị thủng. Nếu nó quá cứng, bình gốm sẽ không thể thành hình được. Hơn thế nữa, khả năng “Docibilitas” hay còn gọi là ngoan ngùy này là điều mà người chủng sinh phải có được không những trong thời gian đào luyện mà còn trong suốt hành trình cuộc đời linh mục sau này. Và chính khả năng này có thể giúp người chủng sinh mở ra trước Chúa và đón nhận Thánh ý Ngài trên hành trình là người môn đệ. Đây cũng có thể được gọi là thái độ sẵn sàng để học hỏi của chủng sinh – đó là một “cái nhìn thực tế về khả năng bản thân với những gì mình có thể làm được và những gì mình không thể làm. Và thông qua đó người chủng sinh có thể mở lòng để tham gia vào một tiến trình phát triển con người của mình với ý thức rằng, học hỏi để biết mình hơn và trưởng thành hơn là việc cần phải làm mỗi ngày trong suốt cuộc đời.”[7]

Về mặt tâm lý học, Docibilitas chính là một yếu tố quyết định cho khả năng trưởng thành tâm cảm của một người và giúp người đó tránh khỏi những tâm bệnh liên quan đến rối loạn nhân cách. Đối nghịch với Docibilitas – là thái độ ngang bướng, cố chấp, hay là sự cứng nhắc trong suy nghĩ cũng như hành động. Và vì người này chỉ thường cho rằng mình đúng, họ sẽ rất khó lắng nghe người khác. Đây cũng là một trong những ngăn trở của người tu sĩ và linh mục trước lời hứa vâng phục bề trên của mình. Chúng ta dễ dàng nhận thấy một người có “Docibilitas” hay không qua cách người đó tương tác với anh em trong cộng đoàn. Họ có sẵn sàng lắng nghe ý kiến của anh em, đặc biệt là khi ý kiến đó trái với ý muốn của họ? Họ đối diện với những lời góp ý hay phê bình thế nào? Cách họ hướng đến sự thành công trong công việc và học tập như thế nào? Và họ có tự mãn hay kiêu hãnh trước thành công của mình không?

Kế đến, chúng ta cũng cần phải thận trọng trước khuynh hướng tìm kiếm đặc ân và ưu tiên trong môi trường đào tạo. Cần nhìn nhận rằng văn hóa quen biết gần như đã ngấm khá sâu vào tâm thức của người Việt Nam chúng ta. Khi sự quen biết những người có khả năng quyết định và những người ở cấp cao như là bậc thang của thăng tiến và giải quyết những trở ngại, thậm chí né tránh công việc trở thành một xu thế chung của nhiều người trẻ. Từ đó, chính thái độ tìm kiếm đặc ân riêng nhờ quen biết này sẽ tiếp tục là cách mà một người chủng sinh có thể vấp phải khi muốn dùng nó để thao túng cho công việc của mình. Một số nhà đào tạo thường ví “thương riêng”, “đặc ân riêng” là chất kịch độc trong môi trường đào tạo, có người còn cho rằng nó là “nụ hôn của thần chết”. Nó làm cho người chủng sinh dùng để né tránh những thách đố cần thiết để trưởng thành hơn. Và vì sự ưu tiên cả nể có thể che mắt người đào tạo trong việc nhìn thấy những điểm yếu cần phải khắc phục của chủng sinh mình. Lúc này, người ứng sinh sẽ vượt qua được các giai đoạn đào tạo dễ dàng nhưng không bao giờ đủ trưởng thành để lãnh nhận tác vụ linh mục. Thậm chí, người đó có nguy cơ lầm tưởng rằng tất cả những gì mình làm ngay cả việc sai sẽ có người giúp đỡ, che đậy.

Sau cùng là khả năng thấu cảm, sự thấu cảm là việc một người có thể đặt mình trong hoàn cảnh của người khác và hiểu được cảm xúc của họ. Thấu cảm được ví như liều thuốc giúp chúng ta khỏi rớt vào cạm bẫy kiêu ngạo và cũng từ đó giúp chúng ta “sống sót” sau thành công của mình. Những năm gần đây, có một số chủng viện cho các thầy đi thực tập tông đồ mùa hè tại các mái ấm. Sau thời gian hoạt động trở về, các thầy đã từng tâm sự với tôi rằng nhờ quãng thời gian sống và làm việc cùng những mảnh đời bất hạnh, họ đã hiểu hơn về đời sống và những lo âu của người giáo dân. Họ cảm thấy mục đích sống và đời tu của mình trở nên ý nghĩa nhiều hơn. Từ đó, họ cũng định hình được hướng đi mục vụ của mình trong tương lai, làm sao để có thể sát sao với người nghèo, nâng đỡ những tâm hồn bất hạnh hơn là chạy theo sự hào nhoáng bên ngoài. Do đó, những hoạt động mục vụ tông đồ như trên rất cần được duy trì nhằm giúp chủng sinh mở rộng tầm nhìn mục vụ và giữ được tâm thế của người môn đệ Chúa khi trở thành người linh mục sau này.

Ý thức được việc phân định trưởng thành ơn gọi và giúp cho anh em linh mục trẻ được vững vàng trong hành trình theo Chúa là một công việc đòi hỏi nhiều nỗ lực, tâm huyết, chuyên môn và hơn bao giờ hết là ơn Chúa tác động lên mỗi người. Việc học không thất bại vì thành công chỉ là một yếu tố nhỏ trong một khao khát đào luyện toàn diện người mục tử trưởng thành. Ước gì mỗi chúng ta luôn giữ được lòng mến và liên lỉ rèn luyện chính mình, để khi thất bại cũng như thành công… chúng ta biết và ý thức rằng mình chỉ là khí cụ đơn sơ trong bàn tay nhân từ yêu thương của Thiên Chúa.

References

- Congregation for The Clergy. (2016). The Gift of the Priestly Vocation: Ratio fundamentalis institutionis sacerdotalis, Vatican city: L’Osservatore Romano

- John Paul II. (1996). VC Vita Consecrata (March 25, 1996) | John Paul II. Retrieved August 1, 2016, from http://www.vatican.va/content/john-paul-ii/en/apost_exhortations/documents/hf_jp-ii_exh_25031996_vita-consecrata.html

- John Paul II. (1992). PDV Pastores Dabo Vobis (March 15, 1992) | John Paul II. Retrieved July 15, 2016, from http://www.vatican.va/content/john-paul-ii/en/apost_exhortations/documents/hf_jp-ii_exh_25031992_pastores-dabo-vobis.html

- Ludwig, D.C., Longenecker, C.O. The Bathsheba Syndrome: The ethical failure of successful leaders. Journal Business Ethics 12, 265–273 (1993). https://link.springer.com/article/10.1007/BF01666530  

- Rossetti, S. J. (2011). Why priests are happy: A study of the psychological and spiritual health of priests. Notre Dame, IN: Ave Maria Pr.

- Zollner, H. (2013). Church and the abuse of minors. Gujarat, India.

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 120 (Tháng 9 & 10 năm 2020)

 

 

[1] Ludwig, D.C., Longenecker, C.O. The Bathsheba Syndrome: The ethical failure of successful leaders. J Bus Ethics 12, 265–273 (1993). https://doi.org/10.1007/ BF01666530

[2] Trong Ratio Fundamentalis về Đào Tạo Linh Mục #88 Bộ Giáo sĩ nhấn mạnh đến sự cần thiết và quan trọng của sự gặp gỡ huynh đệ của người linh mục trong việc thường xuyên được đồng hành linh hướng. Đặc biệt vào những lúc khó khăn, linh mục có thể tìm thấy nơi vị linh hướng người anh em để giúp họ nhận ra căn nguyên của vấn đề đang gặp phải và biết vận dụng những phương cách thích hợp để ứng phó.

[3] Xem: Vita Consecrata #65, Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis (Ratio) # 84

[4] Xem: Ratio #41

[5] Zollner, H. (2013). Church and the abuse of minors. Gujarat, India.

[6] Xem: Ratio # 46

[7] Tapken, A., “Entering the Seminary”, op. cit. 266. trích trong: Zollner, H. (2013). Church and the abuse of minors. Gujarat, India.


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 197
  •   Máy chủ tìm kiếm 24
  •   Khách viếng thăm 173
 
  •   Hôm nay 33,539
  •   Tháng hiện tại 1,020,456
  •   Tổng lượt truy cập 79,769,140