Gp Đà Lạt - Bản Tổng Hợp Hiệp Hành

Thứ bảy - 13/08/2022 11:02      Số lượt xem: 612

Theo tiến trình Thượng Hội đồng Giám Mục Lần Thứ XVI, với giai đoạn cấp Hội thánh địa phương, thì tiến trình hiệp hành Giáo phận Đà Lạt tổ chức thỉnh ý chia thành ba giai đoạn với ba cấp : Cấp giáo xứ, cấp giáo hạt và cấp giáo phận. Bên cạnh đó, có các buổi thỉnh ý của hàng linh mục giáo phận, Đại chủng viện và các Dòng tu trực thuộc giáo phận.

gpdl1147204


BẢN TỔNG HỢP HIỆP HÀNH GIÁO PHẬN ĐÀ LẠT



I. GIỚI THIỆU

1. Đôi Nét Về Giáo Phận Đà Lạt (x. Phụ lục)
2. Tiến Trình Hiệp Hành Của Giáo Phận Đà Lạt

Theo tiến trình Thượng Hội đồng Giám Mục Lần Thứ XVI, với giai đoạn cấp Hội thánh địa phương, thì tiến trình hiệp hành Giáo phận Đà Lạt tổ chức thỉnh ý chia thành ba giai đoạn với ba cấp : Cấp giáo xứ, cấp giáo hạt và cấp giáo phận. Bên cạnh đó, có các buổi thỉnh ý của hàng linh mục giáo phận, Đại chủng viện và các Dòng tu trực thuộc giáo phận.

Ban linh hoạt viên giáo phận đã soạn thảo tiến trình hiệp hành và có các buổi tập huấn về thỉnh ý hiệp hành cho các thành phần trong giáo phận.

Giai đoạn cấp giáo xứ : Cha xứ chủ động tổ chức việc học hỏi, gặp gỡ để thỉnh ý mọi thành phần trong giáo xứ. Trước đó, các ban ngành đoàn thể, các giới có buổi thỉnh ý riêng. Tiếp đến, có buổi thỉnh ý chung gồm đại diện các thành phần dân Chúa trong giáo xứ : các dòng tu, ban thường vụ hội đồng giáo xứ, các ban ngành, hội đoàn, gia trưởng, hiền mẫu, giới trẻ, thiếu nhi, người neo đơn, giới chức, người bị bỏ rơi, người khuyết tật, người bỏ đạo, người rối hôn phối.

Tại một số giáo xứ trong 7 giáo hạt, Ban Linh hoạt viên hiệp hành giáo phận cùng với Ban Truyền thông giáo phận đã thực hiện những video clip phóng sự về buổi thỉnh ý hiệp hành của giáo xứ. Qua những clip phóng sự này, nội dung Tài Liệu Chuẩn Bị và Cẩm Nang được lồng ghép như hình thức học hỏi để gửi đến các thành phần dân Chúa trong giáo phận qua trang web và kênh youtube của giáo phận.

Giai đoạn cấp giáo hạt : Cha quản hạt và Ban linh hoạt viên giáo hạt tổ chức buổi thỉnh ý dân Chúa cấp giáo hạt dựa trên những bản đúc kết từ các giáo xứ trong giáo hạt. Thành phần tham dự gồm : Đức Giám mục Giáo phận, Ban linh hoạt viên giáo phận, các linh mục trong giáo hạt, đại diện các dòng tu, đại diện hội đồng giáo xứ của mỗi giáo xứ, đại diện mỗi hội đoàn, đại diện giới chức, đại diện doanh nhân công giáo, đại diện giới trẻ, đại diện y bác sĩ, đại diện người khuyết tật, đại diện người dân tộc thiểu số.

Giai đoạn cấp giáo phận : Tiến trình hiệp hành của Giáo phận Đà Lạt đi đến cao điểm bằng Hội nghị Tiền Thượng Hội đồng giáo phận. Hội nghị này tập hợp bộ phận đại diện các thành phần trong toàn giáo phận để cùng nhau tham dự phụng vụ, cầu nguyện, lắng nghe, suy tư và phân định những phản hồi nổi bật từ các cuộc thỉnh ý hiệp hành trên toàn giáo phận. Kết quả của Hội nghị Tiền Thượng Hội đồng giáo phận được đưa vào bản đúc kết cùng với những phản hồi từ các cuộc thỉnh ý hiệp hành trong toàn giáo phận.

Cho dù hoàn cảnh địa phương có nhiều khó khăn, tuy nhiên Ban linh hoạt viên giáo phận, cùng với các linh mục quản xứ nỗ lực tập trung vận động cho việc hòa nhập và tham gia tối đa, tìm cách tiếp cận để thu hút được nhiều người cùng hiệp hành nhất có thể, đặc biệt là những người ở ngoại vi, vốn là những người thường bị loại trừ và quên lãng, bất kể vùng miền, ngôn ngữ, sắc tộc, giáo dục, tình trạng kinh tế xã hội, có khả năng hay thiểu năng. Tuy nhiên, việc thỉnh ý hiệp hành trong Giáo phận Đà Lạt còn gặp một số trở ngại như do hoàn cảnh địa lý, rất nhiều anh chị em giáo dân vùng sâu vùng xa, anh chị em thiếu điều kiện tiếp cận với truyền thông, do sức khỏe, tuổi tác, do hoàn cảnh kinh tế phải đi làm ăn xa, một số anh chị em tín hữu gặp ngăn trở về đời sống luân lý và những người khô khan, nguội lạnh nên đã chưa tích cực tham gia thỉnh ý hiệp hành.

II. NỘI DUNG

1. Hội Thánh Hiệp Hành Là Một Cộng Đoàn Hiệp Thông

1.1 Cộng đoàn hiệp thông là cộng đoàn trong đó mọi người cùng đi với nhau trên một nẻo đường. Trong Giáo phận chúng ta, phải chăng mọi người đang cùng nhau đi trên một nẻo đường? Có ai bị loại trừ hoặc bị gạt ra bên lề không? Nếu có, đâu là những lý do?


Qua Bí tích rửa tội, người Kitô hữu được tháp nhập vào Đức Kitô và vào Hội thánh. Trong Giáo phận Đà Lạt, từ Giám mục Giáo phận, Linh mục, Tu sĩ, Chủng sinh cho đến Giáo dân luôn ý thức Giáo phận của mình là một cộng đoàn hiệp thông, trong đó mọi người cùng đi với nhau trên một nẻo đường, cùng nhau sống và làm chứng cho Đức Kitô, cho Tin Mừng, cùng nhau thực hành đức tin, sống các bí tích, thực thi huấn lệnh yêu thương, liên đới, chia sẻ và nhất là không để ai bị bỏ lại đàng sau, tất cả cùng dìu nhau để cùng về đích.

Tuy nhiên, bên cạnh một số thành phần đã được quan tâm như người khuyết tật, di dân, người già yếu, neo đơn, người nghèo, người khô khan, nguội lạnh, thì trong giáo phận vẫn còn một số thành phần, như người mắc ngăn trở về luân lý, người đã lìa bỏ thực hành đức tin, người thuộc các truyền thống tôn giáo khác, người không có niềm tin tôn giáo vẫn chưa được quan tâm và nâng đỡ đúng mức.

Mặt khác, một số thành phần có trình độ xã hội như giới y bác sĩ, giáo chức, trí thức, doanh nhân Công giáo tại nhiều giáo xứ vẫn chưa có hướng tiếp cận thích hợp để kêu mời cộng tác. Là những người có ảnh hưởng xã hội, chắc chắn sự đồng hành nhiệt tình của các thành phần này sẽ đem đến nhiều hoa trái tích cực.
Nguyên nhân của sự loại trừ : Giáo phận Đà Lạt không để ai bị loại trừ hay bị gạt ra. Tuy nhiên, do tình trạng thiếu nhân sự không thể đáp ứng được hết các nhu cầu mục vụ của giáo dân. Nhất là không đủ người để gửi đến những điểm truyền giáo xa xôi, nơi còn nhiều người nghèo khổ, người di dân và anh chị em dân tộc thiểu số vùng cao đang thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần.

Một số ít, do thiếu tinh thần phục vụ quên mình của những người mục tử, chưa hết lòng yêu thương và chăm sóc đoàn chiên. Một số mục tử thiếu kiên nhẫn đối với những người nghèo, người thất học, người di dân, người khô khan nguội lạnh, người rối đạo và người mắc ngăn trở về đời sống luân lý.

Kế đến, tinh thần truyền giáo chưa thấm sâu vào tâm hồn của các tín hữu. Trong các giáo xứ, có những cộng đoàn tu quá nhấn mạnh việc thăng tiến và phát triển nội bộ, chưa sẵn sàng và nhiệt thành cho việc ra đi đến “vùng ngoại biên”.

Cuối cùng, sự đổ vỡ hôn nhân, hôn nhân bất hợp pháp, bất bình trước hệ quả giáo sĩ trị, tính vị kỷ hoặc non yếu đức tin, cám dỗ từ lối sống vật chất và tuổi trẻ thiếu định hướng đều là những nguyên nhân chủ yếu đưa đến việc tự tách mình ra khỏi cộng đoàn.

1.2 Cộng đoàn hiệp thông là cộng đoàn trong đó mọi người lắng nghe nhau. Giáo phận đã làm thế nào để có thể lắng nghe mọi thành phần Dân Chúa, cách riêng những người sống đời thánh hiến, giới trẻ, phụ nữ? Với những người khô khan, nguội lạnh thì sao? Có những rào cản nào khiến chúng ta không nghe được tiếng nói của họ?

Lắng nghe mọi thành phần Dân Chúa : Giáo phận là một cộng đoàn hiệp thông trong đó mọi người thực sự biết cách lắng nghe nhau. Mục tử lắng nghe con chiên, con chiên lắng nghe nhau và cùng nhau lắng nghe mục tử. Một thái độ cởi mở lắng nghe, trao đổi tự do và chân thành được khuyến khích và phát huy trong giáo phận qua việc cùng nhau cử hành phụng vụ và các bí tích ; qua việc gặp gỡ mục vụ ; qua các cuộc họp thường kỳ của các uỷ ban trong giáo phận, giáo xứ, và các đoàn thể ; qua việc gặp gỡ, thăm viếng, chia sẻ vui buồn với anh chị em giáo dân. Và khi mọi người thực sự lắng nghe nhau, nhờ đó cũng lắng nghe được tiếng Chúa Thánh Thần – Thần Khí của sự hiệp nhất và sự thật.

Lắng nghe những người sống đời thánh hiến : Những người sống đời sống thánh hiến được các vị mục tử luôn quan tâm, tin tưởng, lắng nghe, nâng đỡ và tạo mọi điều kiện để người thánh hiến có cơ hội cộng tác với giáo phận trong việc truyền giáo, nhất là trong công tác mục vụ phù hợp với đặc sủng và sứ mạng của hội dòng, tu đoàn, hiệp hội qua việc giáo dục đức tin, văn hoá, công việc mục vụ tông đồ và bác ái xã hội. Đồng thời, người thánh hiến được sự quý mến, tôn trọng và sẵn sàng cộng tác của anh chị em giáo dân trong giáo phận để cùng nhau thực thi sứ vụ loan báo Tin mừng và xây dựng Hội thánh.

Lắng nghe những người khô khan nguội lạnh : Hiện nay, trong giáo phận ít nhiều cũng có những tín hữu đã và đang bỏ lễ ngày Chúa Nhật, bỏ học giáo lý, xa Chúa, xa nhà thờ và xa Giáo hội. Có nhiều lý do khiến xảy ra tình trạng này. Do đó, cần có đủ kiên trì, lòng bao dung, sự quan tâm, yêu thương và nâng đỡ cần thiết dành cho họ. Nhất là các giáo xứ, các đoàn thể, các mục tử, các tu sĩ kiên trì dấn thân đến với họ bằng sự lắng nghe, đối thoại, chia sẻ, mời gọi, tạo tình thân và nối kết yêu thương để có thể giúp họ khơi lên ngọn lửa đức tin và lòng mến đã lịm tắt trong lòng họ.

Lắng nghe giới trẻ : Giới trẻ là tương lai của Giáo hội và xã hội, nên giáo dân mong muốn Giáo hội quan tâm cách đặc biệt đến giới trẻ. Tuổi trẻ cần được đào luyện để tham gia tích cực vào đời sống xã hội và Giáo hội, cần giúp họ phát triển đời sống đức tin, hình thành nhân cách và lý tưởng sống, gieo mầm ơn gọi, định hướng các giá trị nhân bản cốt lõi, ngăn ngừa việc sa vào chủ nghĩa vật chất và hưởng thụ cá nhân. Các hoạt động này bên cạnh sự trưởng thành nhân bản cho chính các em còn tạo điều kiện để các em phục vụ Giáo hội trước mắt cũng như lâu dài. Kế đó, chúng ta cũng phải nhìn nhận là sức hút của Giáo hội qua các giáo xứ chưa đủ hấp dẫn để lôi kéo người trẻ. Ước mong giáo phận, giáo xứ quan tâm nhiều hơn đến mục vụ giới trẻ, tạo môi trường lành mạnh, năng động, sáng tạo để thu hút giới trẻ được gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau. Đồng thời, từ phía gia đình nên quan tâm các em nhiều hơn, để khích lệ, thúc đẩy các bạn trẻ tham gia vào các sinh hoạt của giáo xứ, ý thức vai trò của mình trong Giáo hội và xã hội.

Lắng nghe phụ nữ : Xã hội cùng Giáo hội ngày càng thăng tiến người phụ nữ, vị trí và vai trò của họ ngày càng được xác lập vững chắc trong quá trình phát triển chung. Tuy nhiên, đó đây tại một số giáo xứ do định chế và tâm thức văn hóa cũ, người nữ vẫn chưa được nhìn nhận một cách bình đẳng để có thể đóng góp tích cực vào công việc chung.

Rào cản của việc lắng nghe : Tâm lý tự ti, tập quán ngại bày tỏ là những rào cản lâu đời của giới trẻ và người nữ cũng như sự dửng dưng, mặc cảm tự nhiên hay vị kỷ thái quá từ người nguội lạnh đều là những rào cản đầu tiên. Nhưng sự thiếu quan tâm và thiếu nhẫn nại của mục tử mới là rào cản lớn hơn. Nếu mục tử vượt qua rào cản này, thì sẽ dễ dàng lắng nghe để có thể mở ra cuộc đối thoại thẳng thắn, chân tình, mang lại nhiều hiểu biết và thấu cảm. Giáo dân mong mỏi mục tử “nặng mùi chiên” hơn, nghĩa là mong ước các ngài chủ động gặp gỡ, thăm viếng nhiều hơn, nhất là đến với những người thuộc “vùng ngoại biên”. Mong sao ngày càng có nhiều linh mục trưởng thành về tâm linh và nhân bản, có khả năng đối thoại, khả năng quy tụ và nhất là có tinh thần truyền giáo hơn.

1.3 Với các Kitô hữu, việc lắng nghe nhau cần được thực hiện trong ánh sáng Lời Chúa, để lắng nghe tiếng Chúa, cùng nhau phân định và khám phá thánh ý Thiên Chúa cho đời sống của cộng đoàn. Việc lắng nghe Lời Chúa có vai trò nào trong Giáo phận chúng ta?

Lời Chúa được đọc trong các buổi cử hành phụng vụ, trong các việc đạo đức, các giờ kinh trong gia đình, trong các giờ học giáo lý và trong giờ chia sẻ lời Chúa của giáo xứ, của các đoàn thể và của mỗi người tín hữu. Nhiều người Kitô hữu đọc Lời Chúa để suy niệm và cầu nguyện. Vì  được lắng nghe với lòng chân thành và kiên nhẫn, Lời Chúa sẽ trở thành nguồn sống dưỡng nuôi, là ánh sáng soi đường và là sức mạnh củng cố đức tin của các tín hữu trong mọi hoàn cảnh. Giáo dân cũng tìm được nguồn an ủi, nguồn trợ lực rất lớn của các bài giảng về Lời Chúa trong thánh lễ của các mục tử.

Ý thức được tầm quan trọng của Lời Chúa trong đời sống người tín hữu, ước mong giáo phận, giáo xứ phát động và cổ võ để mỗi gia đình có sách Thánh Kinh, ít là Tân Ước ; phát huy phương pháp diễn giải phù hợp với từng giới ; áp dụng những hình thức phổ biến Lời Chúa bằng các phương tiện truyền thông hiện đại. Và, ước mong bài giảng của các mục tử trong các thánh lễ nhằm dẫn giải Lời Chúa để giúp người tín hữu hiểu sâu hơn và nhất là giúp họ thực hành Lời Chúa trong đời sống.

1.4 Chóp đỉnh và nguồn mạch của sự hiệp thông trong Hội Thánh là mầu nhiệm Thánh Thể. Giáo phận đã làm gì để thúc đẩy các tín hữu tích cực tham dự các cử hành phụng vụ và thi hành chức năng thánh hóa?

Thánh lễ là nguồn mạch và là chóp đỉnh của mọi cử hành phụng vụ của Giáo hội : Giáo phận thúc đẩy, kêu mời các thành phần giáo dân siêng năng tham dự thánh lễ mỗi ngày, nhất là những ngày lễ trọng và lễ Chúa Nhật. Tổ chức các thánh lễ dành riêng cho các giới, kể cả việc dâng thánh lễ cho bệnh nhân tại tư gia. Sắp xếp các giờ lễ phù hợp với hoàn cảnh địa phương để thuận lợi cho việc tham dự của giáo dân. Nhất là những giáo điểm truyền giáo, các linh mục trong giáo phận nhiệt thành, hăng say đến những nơi xa xôi, chưa có nhà thờ, nhà nguyện dâng lễ cho giáo dân vào các ngày Chúa Nhật và lễ trọng. Các giáo xứ tổ chức các giờ chầu Thánh Thể và cung nghinh Thánh Thể cách long trọng và sốt sáng. Giáo phận luân phiên các ngày chầu lượt của các giáo xứ.

Thi hành chức năng thánh hoá : Ý thức tầm quan trọng của Thánh lễ, nên việc chuẩn bị cho Thánh lễ cần được đặc biệt lưu tâm, từ việc dâng lễ sốt sắng trang nghiêm, soạn bài giảng kỹ lưỡng, đúng trọng tâm Lời Chúa của các linh mục, đến việc trang hoàng nhà thờ, hát lễ, các nghi thức đúng với quy chế Phụng vụ, không nên thêm bớt tuỳ ý. Giáo dân đi lễ đúng giờ, ăn mặc lịch sự, tham dự Thánh lễ cách ý thức, sống động và tích cực. Để được như thế, các linh mục thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn, giải thích cho giáo dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của các nghi thức trong Thánh lễ.

Khuyến khích các linh mục trong các giáo xứ có người dân tộc thiểu số dâng lễ bằng tiếng bản địa đã được Giáo hội phê chuẩn.

Các ca đoàn, nhất là ca trưởng, cần được học hỏi về các quy tắc thánh nhạc trong Phụng vụ. Ước mong giáo phận, giáo xứ mở các cuộc hội thảo về thánh nhạc để các ca trưởng và ca viên được học hỏi thêm về thánh nhạc, nhất là thánh nhạc được chuyển ngữ qua tiếng dân tộc thiểu số.

Hiện nay, nhiều thánh lễ ít có sự tham dự của các em thiếu nhi và giới trẻ. Các em cảm thấy việc tham dự thánh lễ là một gánh nặng. Rất mong quý phụ huynh, các linh mục và các ban ngành đoàn thể trong giáo xứ tìm ra những cách thức thích hợp giúp các em gặp gỡ Chúa qua việc siêng năng tham dự Thánh lễ, học giáo lý và tham gia các đoàn thể trong giáo xứ.

Bản thân các giáo xứ luôn tạo bầu khí sốt sắng tốt nhất có thể, để kêu mời sự tham dự của mọi thành phần dân Chúa. Những giáo dân có nhiệt tình và khả năng luôn được rộng mở mời gọi tham gia lễ sinh, ca đoàn, thừa tác viên đọc sách, đọc lời nguyện tín hữu, thừa tác viên cho rước lễ. Việc rộng mở này vừa giúp người tham gia có cơ hội thánh hóa bản thân vừa giúp phụng vụ thêm sinh động, phong phú, vừa là môi trường thích hợp đào luyện nhân sự cho tương lai. Bí tích Thánh Thể được cử hành cách thánh thiêng giúp tâm hồn tín hữu được thánh hóa trọn vẹn, tiếp thêm sức thiêng liêng trong cuộc sống đời thường.

2. Hội Thánh Hiệp Hành Là Một Cộng Đoàn Tham Gia

2.1 Trong Hội Thánh tham gia, mọi người đều bình đẳng với nhau và đều có trách nhiệm với đời sống và sứ mạng của Hội Thánh. Giáo phận chúng ta thể hiện sự bình đẳng và đồng trách nhiệm này ra sao trong các sinh hoạt đạo đức cũng như trong đời sống thường ngày?

Trong sinh hoạt đạo đức : Hiện nay có một bộ phận không nhỏ tín hữu dừng lại ở mức độ giữ đạo thông thường như chỉ tham dự thánh lễ ngày Chúa Nhật cho tròn bổn phận hoặc như theo thói quen, ngoài ra rất hờ hững với sinh hoạt giáo xứ. Lại có một bộ phận khác có thái độ sống đạo cách mơ hồ, tùy tiện, tự cho mình đứng ngoài cơ chế. Mặt khác, cũng có một số giáo dân tuy siêng năng cầu nguyện, sốt sắng dự lễ nhưng thực tế lại rất ít tham gia vào việc xây dựng giáo xứ.

Hầu như tất cả họ đều cho rằng sứ vụ loan báo Tin mừng là của mục tử, bác ái xã hội là phần việc của một nhóm người và việc xây dựng giáo xứ là việc của quý cha cùng hội đồng giáo xứ. Để cải thiện hiện trạng này, thiết nghĩ cần tinh thần dấn thân mạnh mẽ cùng sự hoạt động bền bỉ của toàn thể cộng đoàn, trong đó mục tử bằng tinh thần nhiệt huyết chính là người khai mở và truyền cảm hứng. Các mục tử cần dành thời lượng thích hợp trong các bài giảng và các hoàn cảnh thuận lợi để nhắc nhở nghĩa vụ giáo dân. Các thành viên hội đồng giáo xứ, giáo họ, các hội đoàn, nói chung những tín hữu nhiệt thành cần tận dụng mọi hoàn cảnh, cơ hội để kêu mời. Giáo xứ chỉ có thể phát triển khi ngày càng có nhiều người nhận thức cách sâu sắc nghĩa vụ góp phần xây dựng Hội thánh và hành động với ý thức cùng niềm vui thực sự.

Trong đời sống thường ngày : Dưới sự hướng dẫn của các cha xứ, giáo dân có tinh thần trách nhiệm, chia sẻ công việc. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại chủ nghĩa cá nhân, lẩn tránh trách nhiệm, thoái thác. Mặt khác, một số nơi chưa tìm được tiếng nói chung.

Giáo phận kêu mời giáo dân duy trì tính liên đới trong cuộc sống thường nhật, khuyến khích họ tham gia sâu rộng vào các hoạt động xã hội vì đó là những cơ hội để thực hiện sứ mệnh loan báo Tin mừng.

2.2 Trong Hội Thánh tham gia, mọi người đều có quyền phát biểu tự do và với tinh thần trách nhiệm. Giáo phận chúng ta đã làm gì để các tín hữu có thể nói lên suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của mình đối với đời sống và sứ mạng của Hội Thánh?

Nhằm xây dựng gia đình giáo phận hiệp thông, nên mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận cần phát biểu và lắng nghe nhau dưới ánh sáng của Lời Chúa và dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần.

Đức Giám mục Giáo phận, các linh mục, các bề trên là những người lãnh đạo cộng đoàn. Sau khi các ngài phát biểu nhằm hướng dẫn cộng đoàn, thì các ngài cũng tạo cơ hội để cho người khác nói và lắng nghe họ cách chân thành. Cơ hội đó là những buổi họp mặt, những buổi thảo luận, những góp ý chung và riêng, những cuộc điện thoại hay tin nhắn, những email hay lá thư tay hoặc hộp thư góp ý.

Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn một số mục tử, một số bề trên chưa thực sự lắng nghe, chưa thực sự đón nhận những góp ý chân thành của người thuộc quyền. Một số giáo dân hay bề dưới sợ liên lụy, sợ bị trù dập nên dùng phương pháp “im lặng là vàng”. Một số người do e ngại, do dửng dưng nên cũng chỉ nghe mà không nói hay nói cho xong chuyện chứ không có ý hướng xây dựng. Hy vọng chính tiến trình hiệp hành khơi dậy sự bình đẳng giữa các thành phần dân Chúa sẽ giúp mọi người mạnh dạn nói lên suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của mình. 
  
2.3 Trong Hội Thánh tham gia, các tín hữu được mời gọi tham gia vào tiến trình đưa ra những quyết định chung của cộng đoàn. Giáo phận chúng ta làm thế nào để thể hiện tinh thần này? Có sự lạm dụng quyền bính trong đời sống giáo phận không? Sự cộng tác giữa Giáo phận và các dòng tu đang hiện diện trong Giáo phận ra sao?


Tham gia tiến trình đưa ra quyết định : Khi giáo phận, giáo hạt hoặc giáo xứ thực hiện một vấn đề hay công việc gì cần có tiếng nói chung, thì các mục tử và những người hữu trách luôn tham khảo ý kiến của mọi thành phần dân Chúa qua thông báo bằng văn bản và qua các buổi hội họp chung.

Lạm dụng quyền bính : Các vị mục tử và những người hữu trách luôn mang tâm thức cố gắng chu toàn bổn phận, hoàn thành trách nhiệm cách tốt nhất. Thế nhưng, một số vị vẫn còn tính “giáo sĩ trị” nên hành xử một cách độc đoán, không lắng nghe người khác, dùng quyền để áp đặt, giải quyết công việc theo lý chứ không theo tình. Hậu quả gây ra sự chia rẽ, gây bức xúc, bất mãn.

Cộng tác giữa giáo phận và dòng tu : Các dòng tu, tu đoàn, hiệp hội góp phần cộng tác với giáo phận trong việc truyền giáo, nhất là trong công tác mục vụ phù hợp với đặc sủng và sứ mạng của hội dòng, tu đoàn và hiệp hội. Dòng tu sống và hiện diện trong giáo phận với chứng tá về đời sống thánh hiến qua ba lời khuyên Phúc Âm: khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục cũng như đời sống cộng đoàn. Các cộng đoàn đã đóng góp không những bằng lời cầu nguyện mà bằng cả việc tích cực thi hành sứ vụ. Tuy nhiên, vẫn còn có những trường hợp do “lực bất tòng tâm” nên cộng đoàn chưa thể cộng tác hết mình như mong muốn.

Ước mong có sự liên đới sâu xa hơn khi các dòng tu tích cực trong việc đào tạo và đóng góp nhân sự cho các uỷ ban của giáo phận, giáo xứ, chẳng hạn như : Ủy ban thánh nhạc, ủy ban mục vụ gia đình, ủy ban giới trẻ, ủy ban loan báo Tin Mừng. Đồng thời, các cộng đoàn tu sĩ cũng nên chủ động cách sáng tạo để tích cực tham gia hơn nữa vào các sinh hoạt của giáo phận, giáo xứ, tránh tình trạng hoặc như ốc đảo hoặc bị đứng bên lề.

2.4 Nếu có những xung đột do khác biệt về quan điểm, kể cả xung đột lợi ích, Giáo phận làm thế nào để giải quyết các xung đột?

Trong một tập thể, hoặc là cộng đoàn, hoặc là giáo xứ hay giáo phận thì luôn luôn ít nhiều đều có những xung đột do quan điểm hay lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.

Đứng trước những xung đột như thế, cách thức để hòa giải là đối thoại và lắng nghe. Các mục tử và người hữu trách luôn dựa trên nền tảng của sự công bằng, bác ái và sự thật.

3. Hội Thánh Hiệp Hành Là Một Cộng Đoàn Thi Hành Sứ Vụ

3.1 Mọi thành viên trong Hội Thánh đều được mời gọi tham gia sứ mạng Phúc-âm-hóa. Trong thực tế, các tín hữu có ý thức về sứ mạng này không? Họ đã tham gia như thế nào? Các linh mục, tu sĩ, giáo dân hợp tác với nhau thế nào để thi hành sứ mạng? Có những trở ngại nào trong việc thi hành sứ mạng này trong Giáo phận?


Ý thức của tín hữu : Sứ vụ Loan báo Tin Mừng chưa thấm sâu trong tâm thế và suy nghĩ của không ít giáo dân vốn chỉ dừng lại ở việc giữ đạo cho chính mình, chưa kể một thành phần không nhỏ có biểu hiện nhạt nhẽo đức tin. Với đa phần giáo dân còn lại, việc truyền giáo, nếu có, thường diễn ra cách tự phát theo khả năng còn nhiều hạn chế. Giáo phận cần liên tục thúc đẩy và có phương hướng thích hợp để biến sứ vụ này trở thành nghĩa vụ cần thực thi trong tâm thức người tín hữu. Các thao thức loan báo Tin Mừng phải thường xuyên hiện diện trong suy tư và tâm hồn từng người tín hữu, từng gia đình, từng đoàn thể, từng giáo xóm, chỉ khi ấy sứ vụ Loan báo Tin Mừng mới có thể triển nở cách sinh động giữa lương dân.

       Cách thức tham gia : Có thể kể một số trong đó như hoạt động tích cực của mạng lưới tổ chức Caritas ở các cấp giáo phận, giáo hạt và giáo xứ ; sự phát triển phong phú hơn của hệ thống truyền thông giáo phận và các giáo xứ ; các sinh hoạt hội thảo, tĩnh tâm, thường huấn giáo phận, giáo hạt, giáo xứ ; các nhóm Bảo vệ Sự sống, Sinh viên Công giáo, giới trẻ, tông đồ gia đình, các chương trình phổ biến Giáo huấn Xã hội của Hội Thánh ; những nỗ lực canh tân việc dạy và học giáo lý ; các khóa thần học dành cho giáo dân ; sự phát triển về lượng và chất của các hội dòng, tu đoàn, hiệp hội trong giáo phận ; những nỗ lực canh tân việc đào tạo linh mục của giáo phận.

Bác ái và yêu thương là phương thức hữu hiệu để lương dân nhận biết và yêu mến Giáo hội như trong đại dịch Covid-19 tại một số giáo xứ đã diễn ra nhiều hoạt động bác ái hướng đến cộng đồng rất đáng biểu dương. Tuy nhiên, từ góc độ cá nhân, người tín hữu khi tiếp xúc với lương dân vẫn nên có những kỹ năng cần thiết như luôn tỏ mình là Kitô hữu trong mọi quan hệ, biết khơi mở, lắng nghe, biết xác tín cách mạnh mẽ trong tôn trọng và hòa đồng. Nói cách khác, người tín hữu rất cần được đào tạo, hướng dẫn để thực hiện sứ vụ loan báo Tin Mừng. Về khía cạnh cộng đoàn việc tổ chức thăm hỏi lương dân trong địa bàn giáo xóm, sử dụng sân chơi của giáo xứ, của hội dòng cho cả lương dân hoặc tổ chức các sinh hoạt thể thao, giao lưu văn hóa văn nghệ cách rộng rãi đều là những gợi ý tốt cho phương thức truyền giáo.

Giáo phận Đà Lạt đặt lên hàng đầu vấn đề truyền giáo cho anh chị em dân tộc thiểu số với một định hướng chung nhằm củng cố đời sống đức tin qua việc củng cố việc dạy giáo lý ; duy trì các kinh đọc đa dạng theo sắc tộc, nhưng hiệp nhất trong ngôn ngữ cử hành phụng vụ Thánh Thể ; xây dựng tình bác ái liên kết giữa các giáo xứ Kinh và các giáo xứ Thượng ; thúc đẩy việc truyền giáo với việc phát huy bản sắc văn hóa và nâng cao đời sống của giáo dân.

Hợp tác linh mục, tu sĩ, giáo dân : Các linh mục, tu sĩ và giáo dân trong giáo phận cùng nhau cộng tác cách tích cực trong việc truyền giáo, nhất là trong công tác mục vụ phù hợp với đặc sủng và sứ mạng của từng hội dòng, tu đoàn, hiệp hội qua việc giáo dục đức tin, văn hóa, công việc mục vụ tông đồ. Sự phong phú trong ơn gọi tu sĩ và linh mục, và những hoạt động của sứ vụ, đặc biệt sứ vụ thể hiện đức ái. Giáo phận ghi nhận những tấm lòng chân thành của những người tín hữu vẫn đang thực hiện những công việc nhỏ bé nhất trong sinh hoạt thường ngày của Giáo hội với một tinh thần truyền giáo ; cùng với những linh mục, tu sĩ đang hăng say dấn thân quên mình trong các vùng truyền giáo ; hay cả những người đã sống âm thầm cả đời trong các tu viện.

Trở ngại : Còn một phần lớn tín hữu chưa ý thức trách nhiệm xây dựng Giáo hội và loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô. Việc loan báo Tin Mừng chưa được thực hiện sâu rộng với các tín hữu, còn mang tính tự phát, thiếu quy mô, thiếu nhân sự.

3.2 Sứ vụ Phúc-âm-hóa còn mời gọi các tín hữu dấn thân phục vụ xã hội bằng nhiều cách: bác ái xã hội, giáo dục, chăm sóc ngôi nhà chung. Trong Giáo phận chúng ta, các tín hữu tham gia vào sứ vụ này ra sao? Có thể làm gì để thúc đẩy?

Tham gia của tín hữu : Giáo dân tham gia vào các hoạt động Caritas, luôn sẵn sàng cộng tác đóng góp tùy theo hoàn cảnh mỗi gia đình. Một số giáo xứ tổ chức thăm viếng người già neo đơn, làm một số tuyến đường giao thông đi lại, gây quỹ khuyến học cho các em nghèo hiếu học, xây nhà tình thương, bếp tình thương tại các bệnh viện.

Việc tham gia của giới giáo chức, viên chức, trí thức, doanh nhân là nguồn lực lớn của giáo xứ. Tuy nhiên, nhiều giáo xứ chưa có hướng tiếp cận thích hợp để kêu mời cộng tác và tạo điều kiện cho anh chị em tham gia sâu rộng vào các sinh hoạt nhiều mặt của cộng đoàn. Là những người có nhiều ảnh hưởng, chắc chắn sự tham gia tích cực của giới này sẽ làm cộng đoàn khởi sắc và tác động tốt đến sứ vụ loan báo Tin Mừng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng đây là vấn đề của cả hai bên, vừa là sự kêu mời của giáo xứ vừa là sự nhiệt tình đáp ứng của người được mời gọi.

Giáo dục : Giáo hội tin tưởng vào khả năng của các bạn trẻ và giúp họ tín nhiệm vào Thiên Chúa nhân lành, công bình làm cho đời có ý nghĩa. Tránh tình trạng, khi học giáo lý, hay những khóa đào tạo với nội dung quá giáo điều. Vì thế, những buổi học trở nên nặng nề cứng nhắc, người học không cảm thấy có Chúa trong lớp học. Kết quả là nhiều bạn trẻ cảm thấy chán, mất nhiệt thành tìm gặp và đi theo Chúa, bỏ dở chặng đường, trở nên buồn chán và tiêu cực, mất tin tưởng và xa rời Giáo hội.

Mối liên kết hôn nhân giữa những người trẻ hiện nay do tác động thời đại ngày càng trở nên lỏng lẻo, trong đó có việc mất dần khung cảnh văn hóa truyền thống nơi nhiều thế hệ chung sống dưới một mái nhà vẫn góp phần hạn chế và xoa dịu các mầm mống rạn nứt. Vì thế, với người trẻ việc chuẩn bị các kỹ năng sống, bồi dưỡng các giá trị nhân văn và học hỏi giáo lý hôn nhân càng trở nên cấp thiết, không chỉ đợi đến lúc sắp kết hôn mà nên tạo điều kiện và khuyến khích được học hỏi trong quá trình trưởng thành nhằm tăng cường hiểu biết về hôn nhân Kitô giáo. Khá nhiều người trẻ đến khi kết hôn vẫn chưa hiểu rõ thế nào là hôn nhân bất hợp pháp hay tình trạng rối hôn phối cùng các hệ lụy liên quan.

Bác ái xã hội : Ngoài các chương trình của Caritas giáo phận, hầu như tất cả các giáo xứ đều có chương trình bác ái. Nhất là vào các ngày lễ Giáng Sinh, Phục Sinh, Tết Nguyên Đán, giáo xứ tổ chức viếng thăm, động viên, hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần cho các cá nhân, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trong mùa lũ lụt, mùa dịch bệnh, giáo phận và một số giáo xứ tổ chức vận động, đóng góp, chung tay chia sẻ miếng cơm manh áo cho những người ở vùng lũ, vùng dịch qua những “chuyến xe tình thương”. Một số giáo xứ còn giúp đỡ những người tôn giáo bạn qua hội Legio, nhóm đô tùy ma chay, hội thiện nguyện.

Chăm sóc ngôi nhà chung : Nền văn minh vật chất của nhân loại đang dẫn đến khủng hoảng môi trường sinh thái với nhiều hệ lụy khôn lường, nhưng với không ít người vẫn xem thảm trạng này như “chuyện bên lề”. Chủ nghĩa tiêu thụ với lối sống quy ngã và khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên là tác nhân chính dẫn đến thảm họa này. Và theo nhận định các nước nghèo, người nghèo sẽ là những thành phần đầu tiên gánh chịu hậu quả. Từ thập niên 60 của thế kỷ trước, thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã nhắc nhở tín hữu trách nhiệm bảo vệ môi sinh trong nhãn giới đức tin. Và qua thông điệp Laudato Sí, ĐGH Phanxicô càng khẩn thiết kêu nài nhân loại tích cực hơn nữa trong việc bảo vệ mẹ trái đất. Hưởng ứng Laudato Sí, cùng chung tay bảo vệ môi trường phải là trách nhiệm và nghĩa vụ nóng bỏng trong cảm thức mọi tín hữu.

Cách thức thúc đẩy : Nhất thiết cần phải dấn thân vào trong đời sống và các hoạt động của xã hội để thực hiện và tiếp nối công trình cứu độ của Thiên Chúa, làm cho phúc lộc của Ngài được trổ sinh hoa trái. Việc dấn thân này không biến Giáo hội thành những cơ quan hay những thế lực xã hội thuần túy, hoặc không chỉ để gia tăng của cải cho thế giới nhằm giúp đời sống con người tốt hơn, nhưng là giúp con người có sự tiến bộ đích thực. Khi dấn thân phục vụ xã hội, Giáo phận vừa cần sống tinh thần cầu nguyện, phụng tự, luyện tập nhân đức để nhạy bén với Thánh Ý Chúa vừa nỗ lực “tự lập” sinh hoa trái giúp xã hội tiến bộ đích thực, ví dụ như mở trường dạy nghề cho thanh thiếu niên, các lớp tình thương, nuôi dạy trẻ mồ côi, chăm sóc người già neo đơn, nhà dành cho phụ nữ cơ nhỡ.
3.3 Sứ vụ Phúc-âm-hóa cũng bao hàm việc đối thoại đại kết và đối thoại với các tôn giáo khác. Giáo phận chúng ta đã thực hiện việc đối thoại này ra sao: đối thoại về đạo lý, đối thoại bằng cuộc sống, đối thoại bằng sự chung tay phục vụ?

Đối thoại về đạo lý : Mỗi một tôn giáo có một niềm tin và sự thể hiện niềm tin khác nhau. Để đối thoại về đạo lý thì cần tôn trọng niềm tin của anh chị em tôn giáo bạn. Tránh chê bai, nhận xét tiêu cực hay tranh cãi về đức tin hoặc đạo lý. Làm như thế sẽ không có đối thoại và đôi khi còn dẫn đến chia rẽ và hằn thù nhau.

Đối thoại bằng cuộc sống : Trong tương quan với người lương dân, với các anh chị em tôn giáo khác, giáo phận chúng ta tiếp xúc và gặp gỡ, thăm hỏi và chia sẻ. Chúng ta giữ thái độ ôn hòa, tôn trọng sự khác biệt, nhìn nhận những giá trị tốt đẹp nơi lương dân cũng như các tôn giáo khác. Đối thoại cởi mở, tôn trọng lẫn nhau, hòa đồng nhưng không hòa tan.

Đối thoại bằng sự chung tay phục vụ : Cùng nhau trong các công tác thiện nguyện nhằm nâng cao đời sống xã hội, thăng tiến con người, việc chung tay cứu giúp những bệnh nhân của đại dịch covid-19 là một minh chứng về lòng nhân ái vượt lên những rào cản và sự khác biệt tôn giáo.

III. KẾT LUẬN

Tiến trình THĐGM cấp Giáo phận mang lại bài học nào cho Giáo phận?

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 2.000 năm của Giáo hội mà một Thượng hội đồng được kêu gọi để có sự tham gia của toàn thể dân Chúa. Vì vậy, tất cả mọi người đều được mời gọi để tham gia, để góp tiếng nói của mình, nhất là những người nghèo, những người sống bên lề, và những người không có tiếng nói. Qua tiến trình này, mà mọi người có cơ hội để gặp gỡ, để đối thoại và lắng nghe nhau. Khi trải nghiệm hình thức lắng nghe lẫn nhau, mọi người hiểu ra rằng sự thay đổi cách sống trong Giáo hội, trước hết là sự hoán cải cá nhân mà mỗi người được mời gọi, kế đến là việc cùng hoán cải giáo xứ và giáo phận.

Tiến trình này thực sự đang làm thay đổi con người và giáo phận. Những người tham gia rất biết ơn vì có cơ hội để chia sẻ niềm vui, niềm hy vọng, mối quan tâm và khuyến nghị của họ để góp phần xây dựng một Giáo hội tốt hơn.

Nhờ tiến trình THĐGM cấp giáo phận mà các mục tử, các bề trên và những người hữu trách có cơ hội nhìn lại căn tính và sứ vụ của mình, có cơ hội để nhận ra thực trạng đời sống đức tin, đời sống luân lý của giáo dân, của người thuộc quyền, qua đó giúp mọi người thăng tiến hơn.

Nhờ tiến trình THĐGM mà mọi người xích lại gần nhau hơn, hiểu nhau hơn và thông cảm cho nhau hơn. Cũng nhờ đó, mà những khoảng cách thường có giữa linh mục, tu sĩ, giáo dân được thu hẹp nhiều để cùng nhau thao thức, mong ước những điều đẹp ý Chúa trên nền tảng của lòng yêu mến Giáo Hội dưới sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần.

Cách chung, tiến trình hiệp hành đã thúc đẩy giáo phận đến sự hiệp thông sâu xa hơn, tham gia trọn vẹn hơn và sứ vụ trổ sinh nhiều hoa trái hơn. Nhờ tiến trình hiệp hành này, một cuộc canh tân truyền giáo để đi vào một tầm nhìn mới về Giáo hội, đó là một giáo hội phân định, một giáo hội kết nối tương quan, và một giáo hội không loại trừ.

Cần phải làm gì để tinh thần hiệp hành trở thành định hướng sống và nguyên lý giáo dục đức tin trong Giáo phận?

Tiến trình hiệp hành như một nẻo đường hoán cải đức tin và mục vụ, cho nên mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận đều phải nhìn lại ơn gọi và căn tính của mình để xây dựng một Hội Thánh hiệp thông, tham gia và sứ vụ thực sự.

Với linh mục, tu sĩ : Cần phải tạo mối tương quan hiệp thông giữa mục tử và đoàn chiên, giữa đoàn chiên với nhau, sao cho mọi người hiểu nhau hơn, giúp nhau sống đức tin, đức cậy và đức mến.

Với giáo dân : Lần đầu tiên được kêu mời tham gia thỉnh ý không chỉ bằng mong muốn của linh mục hay giám mục địa phương, mà xuất phát từ kêu mời của Giáo hội hoàn vũ giúp người giáo dân nhận thức rõ hơn về vai trò và sứ mạng của mình trong đời sống Giáo hội, dẫn đưa đến sự cộng tác đầy trách nhiệm, chủ động và sáng tạo hơn.

Giáo phận có những quyết định cụ thể ra sao sau tiến trình này?

Thiết tưởng những ý kiến đóng góp từ mọi thành phần dân Chúa được đúc kết vừa giúp cho bước tiếp theo của THĐGM vừa giúp đóng góp xây dựng giáo hội địa phương là hội đoàn, cộng đoàn, giáo xứ và giáo phận. Những ý kiến đóng góp đã được các mục tử, các bề trên, các vị hữu trách lắng nghe. Sau khi phân định, thì những ý kiến đóng góp, những thắc mắc cần giải đáp sẽ được gửi đến mọi thành phần dân Chúa qua nhiều hình thức khác nhau.

Để không lãng phí một tiến trình sâu rộng đã thực hiện và tránh việc chỉ dừng lại ở lý thuyết, Giáo phận mong ước tất cả các giáo xứ, giáo hạt, các hội dòng, tu đoàn, đại chủng viện và linh mục đoàn bảo lưu tất cả các bản đúc kết để tiếp tục thực hiện những gì khả thi và phù hợp với hoàn cảnh của mình.

Ước mong tinh thần hiệp hành được duy trì mãi để nó không trở thành một cuộc vận động nhất thời hay khẩu hiệu chỉ dùng một lần. Tính hiệp hành này không phải là một sự kiện hay một khẩu hiệu khép lại sau giai đoạn cấp hoàn vũ, mà đúng hơn là một kiểu mẫu và một cách thức hiện hữu qua đó giáo phận thực hiện sứ mạng của mình và nhất là trở thành định hướng sống, thành phong cách mới và nguyên lý giáo dục đức tin trong giáo phận. Vì vậy, thiết nghĩ các buổi thỉnh ý hiệp hành cho giáo xứ, giáo hạt và giáo phận có thể được tổ chức theo chu kỳ thời gian, phù hợp với bối cảnh.

IV. PHỤ LỤC

Giáo phận Đà Lạt là một trong 27 giáo phận Công giáo Rôma tại Việt Nam. Giáo phận có diện tích rộng 9.764 km², tương ứng với địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Giáo phận Đà Lạt là một trong những giáo phận minh chứng sự triển nở kỳ diệu của Hội thánh. Đất lành chim đậu, do các đặc thù địa lý và thúc đẩy lịch sử, Giáo hội địa phương tại đây với hạt giống được gieo từ những thập niên đầu thế kỷ 20 đã phát triển song hành với sự chuyển mình liên tục của xã hội.

Giáo phận Đà Lạt, đến năm 2021, số giáo dân Công giáo là 410.252 người trên 1.390.000 người trong địa bàn, chiếm khoảng 29,5% tổng dân số toàn tỉnh. Trong tổng số giáo dân Công giáo thì có 249.033 giáo dân người Kinh và 161.219 giáo dân người Thượng. Giáo phận chia thành 7 giáo hạt với 123 giáo xứ, 21 giáo sở có linh mục thường trực. Đồng thời, Giáo phận có 65 dòng tu, tu đoàn, hiệp hội với 165 cộng đoàn đang hiện diện. Trong đó có 2 dòng tu, 2 tu đoàn và 2 hiệp hội thuộc Giáo phận Đà Lạt. Tất cả các dòng tu tạo nên sự phong phú, tích cực, năng động, đem niềm vui và bình an cho sức sống của Giáo phận, nhất là cho việc truyền giáo.

Những Nét Văn Hoá Riêng : Nằm trên cao nguyên mát mẻ, sinh thái tự nhiên xinh đẹp với nhiều sông suối, hồ thác cùng những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn kết hợp với sinh thái nhân văn gồm nhiều dân tộc người bản địa hài hòa với liên tiếp các thế hệ di dân đã tương tác làm nên nhiều giá trị văn hóa độc đáo cho miền đất. Cùng với phong cách hiền hòa, thanh lịch, mến khách của người Lâm Đồng nói chung, thì tôn giáo cũng là nét nổi bật trong tổng thể văn hóa. Theo nghiên cứu, tỉnh Lâm Đồng có 12 tôn giáo khác nhau, chiếm khoảng 599.461 tín đồ. Trong đó, đạo Công giáo là tôn giáo chiếm số dân nhiều nhất với hơn 400.000 tín hữu.

Những Thách Đố : Cùng nhau cất bước hành trình tuy là bản chất của Giáo hội, nhưng khi chịu nhiều va đập với xung lực ngày càng mạnh mẽ từ thực tại xã hội phát triển và biến đổi không ngừng đang đặt ra nhiều thách thức cho chặng đường phía trước.

Giáo phận Đà Lạt bên cạnh các thách đố chung như sự mê hoặc của chủ nghĩa vật chất, tuổi trẻ mất phương hướng, nền tảng gia đình bị lung lay, còn có những thách đố riêng như thiếu nguồn lực truyền giáo, người thuộc “vùng ngoại biên” ngày càng nhiều nhưng chưa được quan tâm đúng mức, hiện tượng người trẻ dịch chuyển về thành thị dẫn đến mục vụ nhiều xứ đạo nông thôn bị lão hóa, các thành phần tiên tiến như viên chức, y bác sĩ, giáo chức, trí thức, doanh nhân chưa tham gia sâu rộng vào sinh hoạt cộng đoàn. Các thách đố này tương tác với nhau, tạo thành nhiều khoảng trống nhìn từ bình diện hiệp thông, tham gia và sứ vụ.

Kế đến, Giáo phận Đà Lạt là vùng đất cao nguyên có rất nhiều anh chị em đồng bào thiểu số. Với 43 dân tộc thiểu số, đa phần thuộc các sắc dân bản địa thì sứ mệnh truyền giáo từ lúc khởi đầu đến nay luôn là một hoạt động nổi bật, thu hút nhiều nguồn lực của giáo phận./.
 

Làm tại Đà Lạt, ngày 15 tháng 07 năm 2022

+ Đaminh Nguyễn Văn Mạnh

Giám mục Giáo phận Đà Lạt

Linh mục Giuse Nguyễn Minh Cường
Trưởng Ban Linh hoạt viên Giáo phận

Nguồn: giaophandalat.org (11.08.2022)


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 383
  •   Máy chủ tìm kiếm 10
  •   Khách viếng thăm 373
 
  •   Hôm nay 87,254
  •   Tháng hiện tại 786,708
  •   Tổng lượt truy cập 80,719,608