"Hai cuộc đời - Hai số phận" (Bài suy niệm CN XXVI TN năm C của Đức TGM Giuse Vũ Văn Thiên)

Thứ ba - 20/09/2022 22:37      Số lượt xem: 584

Hai cuộc đời: ông nhà giàu và Lagiarô là hai thái cực của cuộc sống vật chất. Một người giàu sang, một người nghèo khó. Sự giàu sang cũng như sự giàu có đều được diễn tả ở mức cao nhất. Người giàu lắm bạn bè thăm hỏi; Lagiarô chỉ có con chó làm bạn. Người giàu quần là áo lượt; Lagiarô chỉ có lở loét toàn thân.

Bài giản Đức Tổng

Chúa nhật 26 Thường niên – năm C
“Hai cuộc đời – hai số phận”
 
Cũng như Chúa nhật trước, Lời Chúa hôm nay lại nói với chúng ta về chủ đề tiền bạc. Tiền bạc rất cần thiết cho con người. Tiền bạc cũng là lý do xung đột và gây nhiều thảm hoạ. Hai cuộc đời, hai số phận được Chúa Giêsu dùng trong câu chuyện dụ ngôn để gửi gắm một giáo huấn quan trọng. Người khuyên các thính giả, hãy mở lòng quảng đại và hãy nghĩ đến đời sau khi còn đang sống. Người cũng lên án những ai coi của cải thế gian là lý tưởng và cùng đích của cuộc đời. Những người này sẽ phải ân hận. Hai nhân vật chính trong dụ ngôn hoàn toàn khác nhau khi họ sống trên đời cũng như khi họ đã chết.
 
Hai cuộc đời: ông nhà giàu và Lagiarô là hai thái cực của cuộc sống vật chất. Một người giàu sang, một người nghèo khó. Sự giàu sang cũng như sự giàu có đều được diễn tả ở mức cao nhất. Người giàu lắm bạn bè thăm hỏi; Lagiarô chỉ có con chó làm bạn. Người giàu quần là áo lượt; Lagiarô chỉ có lở loét toàn thân.
 
Hai số phận: có điểm giống nhau giữa hai nhân vật, đó là cả hai người đều chết. Dụ ngôn không nói rõ, nhưng chắc chắn Lagiarô chết trong âm thầm; còn ông nhà giàu chắc phải có đám tang rất linh đình, như chúng ta thường thấy trong xã hội mọi thời. Cả hai đều chết, nhưng hậu phận lại khác nhau. Người xưa kia giàu, nay trở thành khốn khó; Lagiarô xưa kia nghèo, nay hạnh phúc thảnh thơi. Cả sự khốn khó và hạnh phúc của hai nhận vật này cũng được diễn tả ở mức cao nhất. Trước đây Lagiarô mong ước đồ ăn thừa, mà chẳng có ai cho; bây giờ ông nhà giàu chỉ mong được chấm một giọt nước vào lưỡi cho giảm nhiệt do bị thiêu đốt, cũng không được.
 
Người phân xử ở đây không phải là Thiên Chúa, mà là ông Abraham. Ông là Tổ phụ của dân Do Thái. Lề luật mà ông Abraham nại đến, đó là ông Môisen. Ông được tôn kính trong truyền thống dân tộc và là nhân vật biểu tượng cho lề luật. Như thế, sống ở đời là tự chọn cho mình sự phán xét. Hạnh phúc hay khốn khó, nhiều khi tự mình chọn cho mình. Trả lời cho đề nghị xin cử Lagiarô về để cảnh báo người thân, Tổ phụ trả lời: Ai có số phận người ấy. Đã có giáo huấn của ông Môisen và các ngôn sứ.
 
Trong tin mừng thánh Luca, dụ ngôn này được xếp liền với một chuỗi giáo huấn của Chúa Giêsu về cách sử dụng của cải. Qua hình ảnh hai nhân vật trong dụ ngôn, Chúa muốn răn dạy mọi người, hãy khôn ngoan và thận trọng khi sử dụng của cải. Ông nhà giàu đáng trách không phải vì ông ta lắm của. Giàu có không phải là một tội, cũng như nghèo nàn không phải là điều xấu. Tội của ông nhà giàu là sự dửng dưng vô cảm trước nỗi khổ của người nghèo nằm ngay trước cổng nhà mình. Khoảng cách từ bàn ăn đến cánh cổng chẳng bao xa, mà ông chẳng bao giờ vượt qua, vì ông thực sự không muốn. Theo giáo huấn của Kinh Thánh, Thiên Chúa là Đẫng cảm thương và bênh vực những người nghèo khó và bé mọn. Nếu người đời hắt hủi họ, thì Thiên Chúa lại ôm họ vào lòng. Ông Abraham chính là hình ảnh của Thiên Chúa. Ngài luôn giàu lòng xót thương những người đau khổ, và bảo vệ những người bị ức hiếp.
 
Lời phê phán của Tổ phụ Abraham đối với ông nhà giàu cũng là lời ngôn sứ Amos (khoảng thế kỷ VII trước Công nguyên) lên án những người giàu mà bóc lột người nghèo (Bài đọc I). Nếu sống ở thời đại chúng ta, ngôn sứ Amos sẽ lên án những quan tham gian lận của công, những con sâu mọt làm nghèo đất nước. Một vị lãnh đạo của Việt Nam đã nói: “họ (bọn tham quan) ăn không từ thứ gì”. Lưới trời lồng lộng, những kẻ tham nhũng có thể qua mắt người đời, nhưng không thể qua được mắt Thiên Chúa. Ngôn sứ Amos đã tiên báo: giờ đây họ phải lưu đày và đi đầu các kẻ lưu đày; những buổi yến tiệc của các kẻ buông tuồng sẽ không còn nữa”. Không những phải chấm dứt tiệc tùng xa hoa, mà tên tuổi của họ còn bị người đời lên án phỉ nhổ. Lời của ngôn sứ Amos làm chúng ta liên tưởng đến những vụ đại án hiện nay tại Việt Nam, khi một số quan chức có địa vị cao trong xã hội lần lượt ra toà.
 
Mối quan tâm hàng đầu của người tín hữu là gì? Thánh Phaolô trả lời: hãy theo đuổi đức công chính, lòng đạo hạnh, đức tin, đức ái, đức nhẫn nại, đức hiền lành. Đây chính là sự giàu sang thiêng liêng, không bị mối mọt với thời gian, nhưng bền vững và xứng đáng được Thiên Chúa ban thưởng. Thánh Tông đồ khuyên Timôthê: hãy chiêm ngắm và noi gương Đức Giêsu. Người vốn là Thiên Chúa cao sang, là Vua các Vua, Chúa các chúa, mà đã trở nên nghèo khó để chúng ta được giàu sang.
 
Sống ở đời, ai cũng cần phải có tiền bạc. Tuy vậy, không phải lúc nào tiền bạc cũng đem lại cho chúng ta hạnh phúc. “Nhiều tiền mà làm gì?” trong khi gia đình tan vỡ, vợ chồng xung đột. Trong cuộc sống của chúng ta, có cả ngàn câu chuyện buồn mà tiền bạc là nguyên nhân. Xin Chúa cho chúng ta có một cuộc sống vật chất ổn định vừa đủ, đồng thời biết sử dụng của cải để sinh lợi thiêng liêng cho mình và những người xung quanh.
 
+TGM Vũ Văn Thiên
 
 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 202
  •   Máy chủ tìm kiếm 14
  •   Khách viếng thăm 188
 
  •   Hôm nay 15,837
  •   Tháng hiện tại 1,047,845
  •   Tổng lượt truy cập 79,796,529