Lược sử Giáo xứ Kim Bào

Thứ tư - 04/08/2021 17:16      Số lượt xem: 2341

Được hình thành sau bối cảnh cấm cách bách hại, ai trong cộng đoàn ở thung lũng xanh Duyên Linh (Kinh Môn, Hải Dương) cũng ước nguyện đời sống không phải lưu lạc, đức tin vững vàng, kinh tế thăng tiến. Ước nguyện ấy được thể hiện qua chính tên gọi Kim Bào mà người dân chọn cho mình (Kim là tiền, Bào là long bào) khi lập nên họ đạo nơi đây.

LƯỢC SỬ GIÁO XỨ KIM BÀO
 
01 Giao Phan HaiPhong KimBao 00 1

I. TÊN GỌI VÀ VỊ TRÍ

Được hình thành sau bối cảnh cấm cách bách hại, ai trong cộng đoàn ở thung lũng xanh Duyên Linh (Kinh Môn, Hải Dương) cũng ước nguyện đời sống không phải lưu lạc, đức tin vững vàng, kinh tế thăng tiến. Ước nguyện ấy được thể hiện qua chính tên gọi Kim Bào mà người dân chọn cho mình (Kim là tiền,  Bào là long bào) khi lập nên họ đạo nơi đây.

Giáo xứ Kim Bào cách Tòa Giám mục 33 km về Phía Tây Bắc, ở vị trí: Phía Đông giáp xã Phú Thứ, phía Tây giáp dãy Hoàng Sơn, phía Bắc giáp xã Minh Tân, phía Nam giáp sông Kinh Thầy.

Năm thành lập: Đầu thế kỷ XX
Quan thầy: Thánh Vicentê
Số nhân danh: 586 người
Linh mục chính xứ: Hilariô Nguyễn Thế Cường
Giáo họ trực thuộc: Vũ An
Địa chỉ: Khu Kim Bào, phường Duy Tân, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương

II. HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

KimBao 03232017 (5)

1. Giai đoạn khởi đầu (trước năm 1925 - 1954)

Cho đến nay, người giáo dân Kim Bào vẫn chưa biết đời sống đức tin của mình được bắt đầu khi nào. Chỉ nghe các bậc tiền nhân kể lại: ngôi nhà nguyện đầu tiên của Giáo họ Kim Bào nằm ở thung lũng xanh Duyên Linh (nay là Phường Duy Tân). Vào thời kỳ đạo Chúa bị cấm cách, nhà thờ bị phá hủy, giáo dân chạy sơ tán dựa vào sự che chở của các gia đình Phật giáo. Sau khi ổn định, một số dòng họ quy tụ lại thành cộng đoàn. Lúc đó, cha Vĩnh đang quản nhiệm xứ Đông Khê đã về thành lập họ đạo và lấy tên là Kim Bào.

Khi cộng đoàn Kim Bào thành lập, ngôi nhà nguyện đơn sơ lợp bằng rạ cũng được hình thành, ngày ngày vang lên lời kinh nguyện cầu. Một thời gian sau, các dòng họ Công giáo tiếp tục trở về, con số người tín hữu thêm đông. Lúc này mọi người đồng lòng quyết tâm làm lại nhà Chúa. Họ đạo Kim Bào mua lại nhà thờ gỗ ở Thắng Yên. Nhà thờ không có niên hiệu, nhưng cùng với việc dựng nhà thờ gỗ là xây Nhà Phòng vào năm 1925.

Theo lời kể của các tiền bối, khoảng năm 1930 đến 1934, có một "cha Tây" về ở Kim Bào, nên đời sống đức tin như diều gặp gió. Số giáo dân thêm đông, xung quanh Nhẫm Dương, La Dương, Hoành Sơn, Hạ Chiểu đều có người Công giáo. Vì vậy, cha nuôi ý định lập giáo xứ tại đây. Với ước nguyện trên, cha cho xây dựng "nhà cụ" cùng với tháp chuông cao vút minh chứng cho sức mạnh đức tin đang vươn lên bên những dãy núi xanh ngát chập chùng. Trong thời gian này, ngài cũng mở một Lễ Phục Sinh rất long trọng, có cả xứ Đông Khê và Mạo Khê đến dự.

Đến thời kỳ chiến tranh đánh Nhật, Tầu, việc sống đạo của người tín hữu đối diện với nhiều khó khăn. Vì thế, ý định lập xứ của “cha Tây” không được thực hiện. Và cũng kể từ đây cho đến mãi sau này, không có cha nào về Kim Bào nữa.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, cũng được nghe kể lại, khoảng năm 1946, Kim Bào được chuyển về nhập với giáo xứ Mạo Khê cho đến năm 1955.

2. Biến cố di cư năm 1954

Do sự chuyển biến của lịch sử, làn sóng di cư ồ ạt của người Công Giáo vào Miền Nam. Hầu như các giáo xứ trong Giáo phận đều có người di cư, và Kim Bào không là một ngoại lệ. Giai đoạn này, giáo họ Kim Bào có tổng số 48 gia đình Công giáo, trong đó 8 gia đình rời bỏ quê hương đi vào Miền Nam.

So với nhiều giáo xứ trong giáo phận, số gia đình Kim Bào đi di cư không nhiều. Tuy nhiên, đây cũng là biến cố làm cho người dân nơi đây hoang mang, bởi số người theo đạo ít ỏi và xung quanh đều là người lương dân. Điều quan trọng hơn là đoàn chiên không có chủ chăn coi sóc, ngôi thánh đường trở nên trống vắng, lòng đạo đức của người giáo hữu sa sút, các sinh hoạt tôn giáo cũng trầm lắng theo.

3. Giai đoạn duy trì (1956 - 1988)

Trong thời gian suốt 32 năm, cùng với nhiều giáo xứ và giáo họ, Kim Bào sống đức tin theo lòng đạo đức và những nghi lễ bình dân. Như vậy, tính từ năm 1946 đến năm 1988, trải qua 42 năm không có cha nào đặt chân tới mảnh đất đảo này. Để tồn tại và giữ vững lòng tin trong hoàn cảnh lịch sử đầy khó khăn, năm 1955, Kim Bào được chuyển về nhập với giáo xứ Mỹ Động. Đó là giáo xứ mẹ đã cưu mang và nuôi dưỡng Kim Bào cho tới khi trưởng thành lên giáo xứ.

Trong thời gian này, Mỹ Động đã có các cha lần lượt về làm phúc, nhưng chỉ thỉnh thoảng mới được về dâng lễ và cử hành các bí tích. Mỗi lần có các cha về, những người con Kim Bào như đứa trẻ đói sữa, lặn lội qua đò vượt sông về Nhà xứ để chung hưởng bầu sữa mẹ. Dù là khó khăn vất vả, nhưng đó cũng là hồng ân mà Thiên Chúa đã an bài để đời sống đức tin của người giáo dân không bị lung lạc và sa sút.

Các cha coi sóc Mỹ Động trong giai đoạn này là: cha Đỗ Như Hoan, cha Nguyễn Hữu Độ, cha Giuse Phạm Quang Phước và cha Antôn Nguyễn Văn Uy.

4. Thời kỳ khởi sắc và phát triển (1988-2011)

KimBao 03232017 (12)

Ngày 14 tháng 8 năm 1988, Đức cha Cố Giuse Maria Nguyễn Tùng Cương bổ nhiệm cha Giuse Vũ Văn Thiên (hiện là Tổng Giám mục Hà Nội, Giám quản tông tòa Giáo phận Hải Phòng) về làm chính xứ Mỹ Động, cũng đồng nghĩa với việc coi sóc giáo họ Kim Bào. Như một luồng sinh khí mới, cha Giuse đã đem đến cho người giáo dân Kim Bào một sức sống mới về đời sống đức tin. Cha Giuse đã thiết lập Ca đoàn, Hội Hiều mẫu, xây dựng tượng đài Đức Mẹ Phatima (tháng 5/1993) và trao cho ca đoàn nhận Ngài làm quan thầy. Vì vậy, cái tên ca đoàn Phatima bắt đầu từ đây, qua bao năm tháng vẫn bền vững và nhiệt thành nhờ cánh tay che chở và dẫn dắt của Mẹ.

Ngày 11 tháng 8 năm 1994, cha Giuse Nguyễn Xuân Đài được sai về làm cha chính xứ Mỹ Động. Với những hạt giống được gieo trồng qua bao công lao hi sinh vất vả của cha xứ cựu, trong 15 năm coi sóc, cha xứ Giuse đã đưa Kim Bào có những bước tiến mạnh mẽ về cả đời sống đức tin cũng như về phương diện vật chất, trong đó phải kể đến công trình trùng tu ngôi thánh đường giáo xứ vào tháng 12 năm 1995.

Ngày 22 tháng 12 năm 2009, cha Phêrô Vũ Văn Thìn tiếp nối sứ vụ chăm sóc đoàn chiên nơi đây. Nhờ những nền móng đức tin của các cha tiền nhiệm để lại, với sự chăm sóc của cha xứ Phêrô, đời sống đức tin của Kim Bào ngày càng thăng tiến. Đó là lý do, ngày 12 tháng 6 năm 2011, Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám mục Giáo phận, ký quyết định cho giáo họ Kim Bào chầu Mình Thánh Chúa thay Giáo phận.
 
5. Kim Bào lập xứ, một biến cố trọng đại, một mốc son lịch sử

Như hạt giống vãi gieo vào đất tốt, đến thời đến buổi không ngừng trổ sinh hoa trái. Đức tin của cộng đoàn Kim Bào là vậy. Sau khi được sự chăm sóc của các vị mục tử, đời sống đạo đã hồi sinh và có những bước phát triển mạnh mẽ. Dù tọa lạc tại một vùng hẻo lánh và bốn chung quanh đều là người lương dân, nhưng người dân Kim Bào vẫn sốt sắng sống đức tin và can đảm làm chứng cho Chúa.

Vì thế, đúng một năm sau ngày diễm phúc được Chầu Mình Thánh thay giáo phận, giáo họ được Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên ký quyết định nâng lên hàng giáo xứ, vào ngày 20 tháng 6 năm 2012. Đây là một biến cố trọng đại, một mốc son trong trang sử hình thành và phát triển của mình. Thật vậy, ước nguyện hàng trăm năm của các bậc tiền nhân, cách riêng là cha Vĩnh khi lập họ đạo và lấy tên là Kim Bào, “cha Tây” khi nuôi nguyện ước lập xứ Kim Bào, nay đã thành hiện thực. Từ đây, Kim Bào đã được chính thức gọi là bằng danh hiệu mới: Giáo xứ Kim Bào.

Sau 5 năm được thiết lập, giáo xứ Kim Bào tiếp tục ghi một dấu son trong lịch sử đức tin của mình khi đón nhận cha xứ tiên khởi Hilariô Nguyễn Thế Cường vào ngày 23/3/2017. Kể từ khi có chủ chăn, đời sống đức tin của cộng đoàn thêm vững mạnh, các sinh hoạt hội đoàn đi vào nề nếp và tiếp tục được thăng tiến.

III. TÌNH HÌNH HIỆN NAY

KimBao 03232017 (25)

Theo thời gian, trải qua biết bao biến cố thăng trầm nhưng cái tên Kim Bào vẫn không hề phai nhạt trước mọi thử thách gian nan. Dù qua bao sóng gió của thời cuộc, tháp chuông nhà thờ vẫn uy nghi và vút cao vươn lên giữa những dãy núi xanh ngắt và cánh đồng rộng lớn như một dấu chứng đức tin vững vàng của người dân nơi đây. Cho đến nay, nhân danh không đông, nhưng giáo xứ cũng có đầy đủ các hội đoàn và các hội đoàn này đang có những hoạt động tích cực đem lại sức sống cho cộng đoàn và thăng tiến đức tin cho người tín hữu. 

Giữa bối cảnh sống đạo của thời hiện đại chẳng khác như “lội ngược dòng”, nhưng người tín hữu Kim Bào vẫn luôn tự hào về truyền thống đức tin của các thế hệ cha anh và không ngừng nỗ lực phát huy để xây đắp, bảo vệ và thăng tiến đời sống đạo, hầu xứng với ý nghĩa cái tên gọi "Kim Bào" mà tiền nhân đã để lại.

Nguồn dữ liệu: Giáo xứ Kim Bào
Biên soạn: Ban TTGP
Ghi chú: Tài liệu lịch sử Kim Bào đang được hoàn thiện. Ban biên tập mong nhận được sự quan tâm qua những góp ý quý báu của quý Đấng bậc và quý Độc giả, để Lược sử Giáo xứ sớm hoàn thành. Email liên hệ: [email protected]. Xin trân trọng cám ơn!

 
Tổng số điểm của bài viết là: 42 trong 9 đánh giá
Xếp hạng: 4.7 - 9 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 298
  •   Máy chủ tìm kiếm 14
  •   Khách viếng thăm 284
 
  •   Hôm nay 56,262
  •   Tháng hiện tại 1,088,270
  •   Tổng lượt truy cập 79,836,954