Lược sử Giáo xứ Kẻ Bượi: Ôn cố nhi tri tân

Thứ bảy - 10/09/2022 23:00      Số lượt xem: 1280

Cư dân Kẻ Bượi ngày nay theo tục truyền và một số nguồn tài liệu đối chiếu khá tín cẩn hầu hết đều có xuất thân từ làng cổ Bượi Răm. Một làng cổ được cho là đã có lịch sử hình thành và phát triển hơn 1000 năm. Thuở ban đầu, làng Bượi Răm được hình thành tại khu cánh đồng Thâm, bên bờ một nhánh sông, mà cư dân địa phương thường gọi là sông Bến Bượi – Ba Đông.


Lược sử Giáo xứ Kẻ Bượi: Ôn cố nhi tri tân
 
Mỗi ngôi thánh đường được gìn giữ cho tới ngày nay, đều mang trong mình một ký ước đức tin sâu đậm, làm chứng tá cho sức sống của cộng đoàn đức tin và lòng quảng đại đóng góp cho việc xây dựng nhà Chúa nơi các bậc tiền nhân.
OK 05020 A

Vì thế, ngôi thánh đường giáo xứ Kẻ Bượi với tuổi đời trên 125 năm, cũng mang trong mình một ký ức đức tin, đồng thời là một chứng tá sống động của cộng đoàn đức tin và lòng quảng đại của các bậc tiền nhân đã sinh thành ra các lớp con dân Kẻ Bượi ngày nay.

Nhưng giữa một thế giới với nhiều bộn bề, lo toan để mưu sinh, các thế hệ hậu sinh dường như dễ lãng quên đi ký ức đức tin, vốn là điều làm nên căn tính và ý nghĩa sống của đời mình. Đây có lẽ cũng là “cơn cám dỗ êm dịu”, mà con dân Kẻ Bượi ngày nay dễ sa vào.
DJI 0372

Do đó, dịp kỷ niệm 125 năm xây dựng thánh đường và khánh thành nhà chung giáo xứ Kẻ Bượi tới đây là cơ hội đáng trân quý, để mỗi con dân Kẻ Bượi ngày nay, dù đang ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, cùng hướng lòng về bản hương, lắng đọng tâm hồn và ôn lại ký ước nền tảng làm nên căn tính đức tin, cũng như lẽ sống của đời mình. Một ký ước không chỉ dừng lại ở sự kiện xây dựng thánh đường cách đây hơn 125 năm, nhưng là cuộc hành trình tìm về tận nguồn cội của cộng đồng dân cư nơi đây từ buổi đầu khai đất, lập làng và đón nhận đức tin.

1. ​Khai ấp, lập làng

Cư dân Kẻ Bượi ngày nay theo tục truyền và một số nguồn tài liệu đối chiếu khá tín cẩn hầu hết đều có xuất thân từ làng cổ Bượi Răm. Một làng cổ được cho là đã có lịch sử hình thành và phát triển hơn 1000 năm. Thuở ban đầu, làng Bượi Răm được hình thành tại khu cánh đồng Thâm, bên bờ một nhánh sông, mà cư dân địa phương thường gọi là sông Bến Bượi – Ba Đông.
DJI 0384

Ở buổi đầu thành lập, làng Bượi Răm có 6 chi họ, trên 20 hộ dân, với khoảng 150 nhân khẩu. Trong đó, các chi họ được con là dân gốc bao gồm: họ Đặng, họ Phạm, họ Nguyễn, và họ Hoàng. Sau này, làng có thêm một số dòng họ khác nữa cùng cư ngụ, như: Vũ, Trần, Đinh, Phùng,… Tất cả các chi họ cùng chung sống hòa thuận, tạo thành một cộng đồng dân cư khá đông đúc. Khi đã an cư lạc nghiệp, nghề chính của dân làng là canh tác lúa nước.

Về tên gọi, Bượi Răm là tên được đặt theo tiếng Hán – Việt: Bượi nghĩa là ruộng, còn Răm nghĩa là thơm; Bượi Răm nghĩa là làng lập trên ruộng thơm, hay làng lập trên ruộng, hoặc làng lập trên đồng ruộng. Tên Quỳnh Côi hạ, hay xứ Quỳnh Côi thay đổi sau này có nghĩa là: làng lập trên hòn đảo ngọc (Quỳnh Côi – hòn đảo ngọc), hay nhà xứ lập trên hòn đảo ngọc.

 
2. Đón nhận hạt giống Tin Mừng
 
Cư dân làng Bượi Răm được các vị thừa sai đến loan báo Tin Mừng vào khoảng năm 1740[1]. Qua nghiên cứu các cuốn gia phả dòng họ còn lưu lại, dòng họ Đặng được xác định là những người đầu tiên đón nhận Tin Mừng. Sau đó, một số dòng họ khác cũng lần lượt đón nhận Tin Mừng. Tới năm 1790, giữa làng Bượi Răm, một cộng đoàn theo Đạo Công Giáo khá hoàn chỉnh đã được hình thành với: 15 hộ, chừng 70 Kitô hữu Công Giáo. Cộng đoàn theo Đạo Công Giáo nơi đây đã đồng lòng, hiệp lực xây lên ngôi thánh đường đầu tiên tại khu cánh đồng Thâm, với chất liệu bằng tre và lợp rạ. Ngôi thánh đường đơn sơ, nguyên khởi này vẫn được nhắc đến với tên gọi thân thuộc là nhà thờ giáo họ Bượi Răm, thuộc xứ Lê (nay thuộc địa phận Bắc Ninh). Sau một thời gian, Bượi Răm lại được xác định là một họ Đạo thuộc xứ Kẻ Sặt (địa phận Hải Phòng).

3. Chuyển làng, định cư, xây dựng thánh đường, và làm chứng cho đức tin
 
Năm 1802, đê sông Hồng bị vỡ, làng Bượi Răm tại cánh đồng Thâm bị lũ lụt tàn phá nặng nề, khiến bà con buộc phải di chuyển vào sống tại khu gò đất cao cổng trên và lập thành làng mới tồn tại cho tới ngày nay, cách làng cũ chừng gần 1 km.

Cuối năm 1802, sau khi đã an cư, con dân họ Đạo Bượi Răm đã bắt tay ngay vào việc xây dựng một ngôi thánh đường mới. Để có đất tôn nền nhà thờ và các công trình trong khu vực nhà chung, dân họ đã  phải đào giếng làng, ao họ, cùng hai ao trong đất nhà chung. Ngôi nhà thờ thứ hai của giáo họ khi đó được xây bằng gỗ lim, lợp ngói, với 7 gian. Sau khi hoàn thành thánh đường, năm 1803, giáo họ Bượi Răm chính thức được bề trên địa phân nâng lên hàng giáo xứ
[2]. Một dấu mốc đáng ghi nhớ cho thấy sự trưởng thành, lớn mạnh của cộng đoàn đức tin nơi đây.

Thời vua Gia Long (Nguyễn Ánh, 1802 – 1920), Đạo Công Giáo được tự do trên đất Việt, đời sống đức tin nơi giáo xứ Kẻ Bượi có nhiều biến chuyển tích cực, cộng đoàn đức tin không ngừng được củng cố và thêm lớn mạnh.

Sau vua Gia Long, Đạo Chúa bắt đầu bước vào thời kỳ bách hại, giáo dân Kẻ Bượi cũng phải trải qua nỗi khốn khó chung cùng Giáo hội Việt Nam. Hòa chung với dòng máu tử đạo anh hùng của các bậc chứng nhân, giáo xứ Kẻ Bượi cũng được ghi nhận: năm 1862, có cụ đầu mục Đa-minh Phạm Văn Tạo, người làng Bượi Răm, đã bị bắt giam và chết rũ tù tại khu Năm Mẫu – Hải Dương, vì muốn làm chứng tới cùng cho Đạo Chúa.

4. Đón nhận cha xứ, xây dựng thánh đường, định hình nếp sinh hoạt của cộng đoàn đức tin

Năm 1887, bề trên địa phận Đông Đàng Ngoài đã có bài sai cho cha Đa-minh Độ về coi sóc xứ Quỳnh Côi (cha là người Pháp - theo lời các cụ lưu truyền). Trong khoảng thời gian cha Đa-minh Độ coi sóc giáo xứ từ năm 1887 đến 1911, nhà xứ Quỳnh Côi còn có các cha phụ tá là: cha Phêrô Hiển, cha Đa-minh Lượng, cha Vicentê Phương, và cha Gioan Điện. Cũng trong năm 1887, cha Đa-minh Độ đã hạ giải ngôi nhà thờ gỗ lim 7 gian, nhượng lại cho giáo họ Thúy Lâm (khi đó trực thuộc xứ Kẻ Bượi), đồng thời cùng với ban hành giáo và bà con giáo dân chuẩn bị vật liệu xây dựng nhà thờ mới.
DJI 0393

Từ năm 1887 đến 1896, nhờ sự đồng lòng của cha xứ Đa-minh, các cha phụ tá và con dân giáo xứ Quỳnh Côi, ngôi nhà thờ mới 10 gian bằng gỗ lim quý và chân móng tháp chuông đôi đã được hoàn thành. Lễ khánh thành được tổ chức cách trọng thể trong niềm hân hoan của cộng đoàn dân Chúa nơi đây vào ngày 16 tháng Giêng năm thứ tám triều vua Thánh Thái (1889-1907), tức ngày 28 tháng 02 năm 1896 theo Dương lịch.

Đầu năm 1911, cha xứ Đa-minh Độ qua đời và được chôn cất tại chân tòa giảng (chân cột gian thứ 2) trong nhà thờ Quỳnh Côi. Liên tiếp những năm sau đó và kéo dài cho tới tận trước thềm biến cố di cư năm 1954, giáo xứ Quỳnh Côi luôn luôn có các cha xứ coi sóc. Giáo xứ cũng trở thành tâm điểm của đời sống đức tin trong vùng Gia Lộc, Thanh Miện, Ninh Giang, đồng thời là giáo xứ mẹ của một loạt các giáo xứ, giáo họ lân cận ngày nay, như: Ba Đông, Thúy Lâm, Đầu Lâm,…

Từ năm 1916 – 1925, cha xứ Maninu Penanel (?!)
[3] Cảnh (người Pháp) được bề trên bài sai về coi sóc giáo xứ Quỳnh Côi. Tiếp tục công trình còn dang dở của các bậc tiền nhân, ngài đã cùng với bà con giáo dân xây dựng tháp chuông đôi nhà thờ. Tới tháng 3 năm 1925, khi tháp chuông mới xây dựng được 15m, bề trên bất ngờ gọi cha Cảnh về làm việc tại tòa giám mục, nên công trình đành dang dở.

Tới năm 1940, Giuse Nguyễn Hữu Nguyên (có tài liệu ghi là cha Giuse Nguyễn Đức Nguyên, coi sóc giáo xứ từ 1925 – 1945) và bà con giáo dân tiếp tục công trình xây dựng và hoàn thành tháp chuông đôi nhà thờ, với chiều cao tăng thêm là 10,7m. Như vậy, tổng thể công trình tháp chuông đôi nhà thờ Quỳnh Côi (Kẻ Bượi) khi hoàn thành cao 25,7 m.

Nhờ tài khéo của các vị chủ chăn, cùng sự hy sinh quảng đại của các bậc tiền nhân, sau hơn 50 năm xây dựng (1887 – 1940), công trình nhà thờ và tháp chuông đôi nhà thờ giáo xứ Quỳnh Côi, nay là giáo xứ Kẻ Bượi, đã hợp thành một tổng thể kiến trúc hài hòa, tạo nên một khối thống nhất mang tên nhà thờ Kẻ Bượi. Thoạt nhìn, nhà thờ Kẻ Bượi mang dáng dấp theo kiểu Âu châu, kiến trúc Gothic (hay Gothique, Gô-tích). Nhưng, việc làm cột, kèo, tòa, cầu thang, ghế, và nội thất gỗ lim đen có nhiều nét trạm trổ sắc nét, mềm mại, lại cho thấy nhà thờ Kẻ Bượi đích thực là một công trình kiến trúc tiêu biểu mang tính hội nhập văn hóa vừa tinh tế, vừa kết hợp hài hòa ngôn ngữ nghệ thuật Đông – Tây trong việc xây dựng.

5. Đôi nét về nhà thờ giáo xứ hiện tại

Công trình trọng điểm, nhà thờ giáo xứ Quỳnh Côi (Kẻ Bượi) kể từ ngày được khánh thành tới nay đã trải qua hơn 125 năm. Tổng thể công trình nhà thờ Kẻ Bượi đã trải qua một số lần tôn tạo và sửa chữa, cách riêng là dịp đại trùng tu năm 2005, nhưng hầu hết các đường nét chính của công trình do các bậc tiền nhân để lại vẫn được bảo tồn cho đến ngày nay. Theo đó, nhà thờ Kẻ Bượi ngày nay có 10 gian (bao gồm: khu vực phòng thánh, cung thánh, không gian dành cho giáo dân tham dự các cử hành phụng vụ), cùng tháp chuông đôi cao 25,7m, với chiều dài 51,75 m (bao gồm cả nhà thờ và tháp chuông, riêng phần nhà thờ dài: 42,6 m), và rộng 16,7 m[4].

6. Hậu biến cố di cư 1954, qua gian khó để viết nên những trang sử mới

Sau biến cố di cư 1954, số giáo dân Quỳnh Côi ở lại bản hương chỉ còn là thiểu số. Giáo xứ thường được nhắc đến với tên gọi Kẻ Bượi.

Cộng đoàn đức tin còn ở lại bản hương thiếu vắng chủ chăn tới tận năm 2004 (nghĩa là khoảng 50 năm), bề trên địa phận mới có bài sai cho cha Đa-minh Cao Văn Đức về coi sóc giáo xứ Kẻ Bượi. Kể từ khi cha Đa-minh Cao Văn Đức về coi sóc giáo xứ, suốt hơn 18 năm đã qua, cộng đoàn giáo xứ Kẻ Bượi tại bản hương luôn có các cha xứ kế tiếp nhau coi sóc để củng cố, xây dựng cộng đoàn đức tin nơi đây, sau hơn nửa thế kỷ vắng bóng chủ chăn và chịu nhiều thương tổn.

Nhờ sự coi sóc, hướng dẫn của các vị chủ chăn gần đây, cùng sự hy sinh quảng đại của con dân Kẻ Bượi tại bản hương, xa quê, miền Nam và hải ngoại, ngày nay, cộng đoàn giáo xứ Kẻ Bượi tại bản hương đã có nhiều chuyển biến tích cực. Mọi người con Kẻ Bượi dù ở đâu, cũng đều hướng lòng về bản hương để chung tay xây dựng giáo xứ, xây dựng quê hương sao cho xứng với di sản đã được thừa kế từ các bậc tiền nhân, di sản đức tin và các công trình được xây nên trong đức tin.

7. Trấn hưng hiện tại, hướng tới tương lai

Hướng tới ngày hồng phúc, kỷ niệm 125 năm xây dựng thánh đường, trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, tri ân các bậc tiền nhân, gần một năm qua, cha xứ đương nhiệm Antôn Nguyễn Văn Thăng và bà con Kẻ Bượi từ muôn phương đã hiệp lòng cùng nhau sang sửa và tái thiết lại tổng thể khu vực nhà chung.
OK 05011

Đến nay, toàn bộ công trình nhà chung đã gần hoàn tất cách trọn vẹn. Nhà chung mới khang trang, sạch đẹp, hiệp với nhà thờ được các bậc tiền nhân để lại, đã mang đến cho giáo xứ Kẻ Bượi ngày nay một diện mạo mới, xứng tầm với vị thế của một nơi đã từng là tâm điểm đức tin trong vùng, là giáo xứ mẹ đã khai sinh ra nhiều giáo xứ, giáo họ lân cận.
OK 05009

Ngày 10 tháng 9 năm 2022 tới đây, cộng đoàn giáo xứ Kẻ Bượi sẽ tổ chức kỷ niệm 125 xây dựng thánh đường và khánh thành nhà chung với sự chung vui của bề trên địa phận, quý cha xứ tân cựu, quý cha và quý namnữ tu sĩ bản hương, quý cha khách, quý vị ân nhân, thân nhân, quý khách, cùng toàn thể bà con Kẻ Bượi từ muôn phương trở về. Đó quả thật là một ngày hồng phúc lớn lao để đoàn tụ, hiệp lòng tạ ơn Thiên Chúa, tri ân các bậc tiền nhân. Đó cũng đồng thời là dịp để mỗi con dân Kẻ Bượi đang được thừa kế gia sản đức tin, cùng các công trình được xây nên trong đức tin từ tiền nhân, phải biết ý thức cao độ về trách nhiệm gìn giữ và phát huy những gia sản đang được thừa kế từ các bậc tiền nhân.
OK 05000

Nguyện xin Thiên Chúa là Cha Giàu Lòng Thương xót luôn ở cùng quý đấng bậc, và toàn thể quý cộng đoàn thân hữu xa gần. Khấn xin Ngài cũng bã muôn hồng phúc trên quý đấng bậc, cùng toàn thể quý cộng đoàn thân hữu xa gần, cho mọi người và cho mỗi người. Amen!
 
Kẻ Bượi, ngày 23 tháng 8 năm 2022
                                                                             TN (biên soạn)
 

[1] Đây có lẽ chỉ là mốc thời gian tham chiếu. Vì nếu vùng Kẻ Sặt đã có Đạo từ cuối thế kỷ 16, hoặc đầu thế kỷ 17 (đầu những năm 1600), trong khi Kẻ Bượi lại là một trong hai giáo xứ cổ kính nhất của hạt Kẻ Sặt, địa giới hành chính thuở trước lại gần liền kề với vùng Phủ Bình, thì không thể nào lại bị đình trệ đến với con dân Kẻ Bượi cả hơn một thế kỷ sau đó. Tiếc rằng, những nguồn tài liệu chỉ cho phép ta đón nhận được mốc khoảng năm 1740.
 
[2] Vì sắc lên xứ bị thất lạc, thời gian lại quá xa, nên gọi chính thức khi lên xứ là Quỳnh Côi, hay Kẻ Bượi vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh cái, vì các tài liệu còn lưu giữ lại được trong suốt từ năm 1803 tới 1980 đều sử dụng hai tên này cách đứt đoạn, không thống nhất. Cho nên, cách gọi dung hòa, thiết nghĩ nên là giáo xứ Quỳnh Côi – Kẻ Bượi.
 
[3] Tên thánh ghi trong tài liệu cổ theo cách của các bậc tiền nhân, khó xác định chính xác theo cách viết ngày nay, nên người biên soạn giữ nguyên để các bậc thức giả có thể giúp giải đáp thêm sau này.
 
[4] Kích thước dựa theo ảnh chụp vệ tinh Google Earth, phần ứng dụng đo kích thước, 13h22’, ngày 2382022.
 
 Một số hình ảnh tư liệu lưu giữ tại giáo xứ
OK 05023
OK 05024
OK 05026
OK 05031
OK 05032
OK 05035
OK 05037
OK 05041

 
 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 206
  •   Máy chủ tìm kiếm 1
  •   Khách viếng thăm 205
 
  •   Hôm nay 38,698
  •   Tháng hiện tại 1,070,706
  •   Tổng lượt truy cập 79,819,390