Giật chuông nhà thờ để làm gì?

Thứ sáu - 24/06/2022 10:03      Số lượt xem: 4436

Trong bộ giáo luật hiện hành, không còn thấy nói tới chuông nhà thờ nữa. Như vậy có nghĩa là từ nay có thể dùng chiêng trống phèn la, chứ không cần phải giật chuông trong các nghi lễ phụng vụ nữa, phải không?

gp
Trước hết, chúng ta nên ghi nhận là so với bộ luật cũ, thì quả là có khoảng trống lớn trong giáo luật hiện hành về vấn đề chuông. Bộ luật cũ đã dành ra ba điều luật để nói tới chuông nhà thờ (612, 1169, 1185). Cách riêng điều 1169 quy định khá chi tiết về chuông nhà thờ, trong 5 khoản:

$1. Mỗi nhà thờ nên có chuông, để mời gọi các tín hữu đến tham dự phụng vụ và các việc đạo đức.

$2. Các chuông nhà thờ cần được cung hiến hay chúc lành dựa theo các nghi thức ấn định trong các sách phụng vụ.

$3 Việc sử dụng chuông tùy thuộc hoàn toàn vào thẩm quyền của nhà chức trách Hội thánh.

$4. Ngoại trừ những điều kiện do người đã dâng cúng chuông đã đặt ra và đã được Bản quyền châu phê, một khi chuông đã được chúc lành thì không được dùng vào những mục tiêu phàm tục, đừng kể khi có lý do chính đáng và có phép của Bản quyền, hoặc do tục lệ hợp pháp.

Sau cùng khoản 5 nói tới ai có thẩm quyền cung hiến hoặc chúc lành chuông.

Vậy nếu bộ luật hiện hành không còn nói tới chuông nhà thờ nữa, thì hiểu là từ nay Giáo hội để tùy tiện, ai muốn treo chuông hay treo trống cũng được, và cũng chẳng cần phải cung hiến hay chúc lành gì nữa, phải không?

Nói rằng không còn có luật lệ gì về chuông nhà thờ thì không đúng. Chúng ta sẽ để cho các sử gia tìm hiểu lý do tại sao bộ luật mới không còn nói đến chuông nhà thờ nữa. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng trong sách nghi lễ phụng vụ dành cho các Giám mục (Caerimoniale episcoporum) do bộ Phụng tự xuất bản năm 1984 (nghĩa là một năm sau bộ giáo luật), có một chương dành cho việc chúc lành chuông nhà thờ, với nghi thức lấy từ quyển ₡De Benedictionibus‛ được ban hành cùng năm. Điểm đầu tiên cần được ghi nhận là sách phụng vụ không còn nói tới cung hiến hoặc chúc lành (consecratio vel benedictio) chuông như trước, mà chỉ nói tới ‛chúc lành‛ mà thôi. Trong bộ luật cũ, việc cung hiến bao gồm việc xức dầu thánh; còn từ nay thì không còn xức dầu thánh trên chuông nữa, mà chỉ còn rảy nước thánh. Các nghi thức rửa chuông phỏng theo nghi thức rửa tội cũng bị bỏ luôn. Điều thứ hai đáng ghi nhận là việc chúc lành chuông không còn dành cho đức Giám mục như trước (nhất là vì hồi đó còn có chuyện cung hiến), nhưng mà có thể được cử hành bởi cha sở hay linh mục quản đốc thánh đường. Điều thứ ba cần ghi nhận là chuông chỉ cần chúc lành khi được sử dụng sau khi đã có nhà thờ. Còn khi chuông được khánh thánh cùng lúc với nhà thờ mới, thì không cần phải làm lễ chúc lành riêng cho các chuông, bởi vì việc cung hiến và chúc lành nhà thờ bao gồm luôn việc chúc lành các vật dụng phụng tự (như là: chuông, đàn, tượng ảnh, vv). Đó là ba chi tiết quan trọng dưới khía cạnh pháp lý (nghĩa là xét về thẩm quyền và chất liệu). Còn dưới khía cạnh huấn giáo mục vụ, còn có những chi tiết khác mà sách phụng vụ muốn nêu bật trong các bài giảng và lời nguyện, tiên vàn là vai trò của chuông đối với đời sống cộng đoàn. Thường thì chúng ta coi cái chuông như dấu báo hiệu sắp sửa tới giờ lễ rồi. Chuông ra như có vẻ mời mọc thúc giục các tín hữu chuẩn bị đi nhà thờ. Thế nhưng, ngoài cái vai trò giục giã như vậy, ta cũng có thể gán cho nó vai trò quy tụ, triệu tập các tín hữu lại để cùng nhau thờ phượng Chúa.

Nhưng mà có nơi còn giật chuông tử nữa, chứ đâu phải chỉ có giật chuông để báo hiệu sắp tới giờ lễ?

Đúng như vậy, chính vì thế mà vừa rồi tôi có nói tới vai trò của tiếng chuông trong đời sống cộng đoàn.  Nó không những chỉ giục giã các tín hữu tới nhà thờ đọc kinh cầu nguyện, nhưng nó còn thông báo những biến cố quan trọng của cộng đoàn. Nhiều nơi có thói tục giật chuông để loan báo có một người vừa tạ thế, mà ta gọi là chuông tử. Có nơi giật chuông khi có tin vui, tựa như khi cử hành đám cưới, hay là tiếp đón một thượng khách (thí dụ đức Giám mục giáo phận đến thăm). Và mới đây vài cha sở bên Italia cho giật chuông khi một em bé mới chào đời. Dù sao, thì từ lâu, tục lệ dân gian đã tóm lại 6 vai trò của chuông qua hai câu thơ bằng tiếng La-tinh như sau: Laudo Deum, plebem voco, congrego clerum, defunctos ploro, pestem fugo, festa decoro: tôi ca ngợi Chúa, kêu gọi nhân dân, triệu tập giáo sĩ, thương khóc người chết, đuổi xa dịch tễ, thông báo lễ lạc.

Chắc ai cũng hiểu rõ những chức phận vừa kể. Nhưng sao lại có chuyện xua đuổi dịch tễ?

Tôi không rõ cho lắm. Tuy nhiên, có điều chắc là tại nhiều miền thôn quê, mỗi khi trời bị phủ mây đen nghịt báo sắp có mưa to, thì người ta giật chuông nhà thờ. Để làm gì vậy? Thưa là để tránh cho khỏi sét đánh. Đây không phải là chuyện mê tín dị đoan, nhưng có căn bản khoa học: việc giật chuông sẽ gây ra những làn sóng trên không trung, đánh tan bầu khí nặng nề, tức là môi trường tích tụ tiếng sét. Nói thế không có nghĩa là các tháp nhà thờ không cần cột thu lôi nữa.

Đó là các vai trò cổ truyền của chuông nhà thờ. Nhưng nó đã thuộc vào quá khứ xa xưa rồi, và gắn liền với văn minh Âu Tây. Ngày nay đã đến lúc, chúng ta phải trở về với văn hóa dân tộc. Vì thế, thay vì giật chuông, tại sao mình không dùng trống chiêng?

Chuyện thay thế chuông nhà thờ bằng trống chiêng thì không thuộc thẩm quyền của tôi. Thực ra thì kể cả trong bộ giáo luật cũ cũng không có việc bắt buộc mỗi nhà thờ phải có chuông: nhà lập pháp chỉ nói là ₡nên có‛ (convenit). Nên biết là các sử gia đều đồng ý rằng việc sử dụng chuông vào việc phụng tự không hề gắn liền với Kitô giáo. Thực vậy, các tài liệu lịch sử cho thấy là các chùa bên Trung quốc đã sử dụng chuông từ xa xưa, hàng chục thế kỷ trước công nguyên. Còn về phía Kitô giáo, thì mãi tới thế kỷ V-VI mới thấy nói tới, và trở thành thông dụng từ thế kỷ VII. Dù sao, dù không sành điệu về âm nhạc, người ta có thể nhận thấy có sự khác biệt giữa tiếng chuông chùa với tiếng chuông nhà thờ. Chuông chùa có vẻ trầm hơn, và đánh từ từ từng tiếng một; còn chuông nhà thờ thì thanh hơn, và thường đánh liên hồi. Và nói chung thì các nhà thờ càng sang thì không những người ta gắn chuông to mà lại còn liệu cho thật nhiều chuông nữa. Xét về chuông to, thì giải quán quân được dành cho các ngôi nhà thờ tại Mơscơva, với những quả chuông nặng 65 tấn. Còn xét về bộ, thì có nơi làm thành giàn 14-15 chiếc, với những cung độ của nó, có thể đánh thành bài hát. Thực ra, thì một số chức năng của chuông nhà thờ nay đã bị lấn át rồi, trong số đó, phải nói tới chức năng báo giờ. Lúc đầu, trong các đan viện, người ta giật chuông để báo cho các tu sĩ giờ giấc khi thức dậy, đọc kinh, làm việc, vv. Sau đó, các giáo xứ cũng giật chuông không những để báo hiệu cho các tín hữu đi nhà thờ mà để cho biết giờ nữa; một cách cụ thể là ba lần một ngày khi xướng kinh Truyền tin. Ngày nay, hầu hết các tu sĩ và tín hữu đã có đồng hồ đeo tay, nên họ không còn ngóng chuông nhà thờ nữa. Dù vậy, chúng ta cũng thấy có những hãng đồng hồ đã tạo ra cung điệu chuông nhà thờ để báo các giờ hay khắc.

Mặt khác, cũng có những nhà thờ cho quay đĩa chuông thay vì giật chuông thật; vì vậy mà chuông nhà thờ lại càng mất giá trị phải không?

Ta không nên buộc tội cho những giáo xứ đã đánh chuông giả bằng máy ampli là đã phá giá chuông thật. Có lẽ bởi vì họ quá nghèo, không đủ tiền sắm chuông đấy thôi. Thực ra thì trong lịch sử, các quả chuông lớn đã bị cạnh tranh bởi các đồng nghiệp khác, đó là các chuông nhỏ.

Các chuông nhỏ mà các chú giúp lễ vẫn lắc phải không?

Đúng như vậy. Tuy nhiên, nên lưu ý là không phải phụng vụ đã tạo ra các chuông đó đâu. Lúc đầu, nó chỉ là dụng cụ để lôi kéo sự chú ý, đã được dân Rôma sử dụng từ lâu. Tôi còn nhớ trước đây ở Việt Nam, mấy em bé đi bán kem cũng lắc cái chuông như vậy, đó là chưa nói tới các cái chuông buộc vào cổ bò hay cổ trâu. Người ta du nhập vào phụng vụ để kêu gọi nhắc nhở các tín hữu hãy chú ý vì sắp có chuyện quan trọng.

Nhưng mà càng ngày người ta càng ít xài tới chuông bé ấy trong Thánh lễ, tại sao vậy?

Lý do dễ hiểu. Trước đây, Thánh lễ được cử hành bằng tiếng La-tinh. Các tín hữu theo dõi mà không hiểu gì và cũng không thấy gì, bởi vì họ thường đứng xa bàn thờ. Bởi đó, cần có chú giúp lễ quỳ gần bàn thờ lắc chuông báo hiệu, nhất là vào hồi linh mục sắp đọc lời chúc tụng trên bánh và rượu. Nên biết là vào thời Trung cổ, tại các đan viện và giáo xứ, người ta giật chuông lớn khi linh mục dâng Mình và Máu Thánh Chúa, ngõ hầu không những các người hiện diện tại chỗ mà thậm chí các người làm việc ngoài đồng cũng có thể kết hiệp thờ lạy Chúa. Một cách tương tự như vậy, người ta cũng giật chuông khi ban phép lành Mình Thánh Chúa. Dần dần, người ta thay chuông lớn bằng chuông nhỏ. Thế nhưng sau công đồng Vaticanô II, nhiều nơi thấy chuông nhỏ không còn cần thiết nữa từ khi phụng vụ được cử hành bằng tiếng bản quốc, và mọi người có thể theo dõi dễ dàng các nghi lễ diễn ra trên bàn thờ. Như chị đã biết, trước đây, bàn thờ được cất ở cuối nhà thờ và chủ tế thì quay lưng ra bổn đạo, nên chỉ có chú bé giúp lễ đứng gần đó mới biết có chuyện gì xảy ra và lắc chuông cho cộng đoàn biết. Bây giờ thì cộng đoàn không cần tới tiếng báo hiệu của chú giúp lễ nữa bởi vì họ thấy hết các hành vi của linh mục rồi.


 

Tác giả bài viết: Giuse Phan Tấn Thành, op.

Nguồn tin: daminhvn.net


 
Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 4 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 200
  •   Máy chủ tìm kiếm 18
  •   Khách viếng thăm 182
 
  •   Hôm nay 34,047
  •   Tháng hiện tại 1,020,964
  •   Tổng lượt truy cập 79,769,648