Gợi Ý Bài Giảng Chúa Nhật XVII Thường Niên

–Lm Inhaxiô Hồ Thông–

2V 4: 42-44

Phép lạ hóa bánh ra nhiều đã là ân ban của ngôn sứ Ê-li-sa trong thời kỳ đói kém ở miền Pa-lê-tin, vào thế kỷ thứ chín trước Công Nguyên. Số người được thụ hưởng thành quả bánh hóa nhiều này thì khiêm tốn: bánh hóa nhiều cho trăm người ăn.

Ep 4: 1-6

Trong đoạn trích thư gởi các tín hữu Ê-phê-xô, thánh Phao-lô ca ngợi sự hiệp nhất của các Ki-tô hữu theo cùng khuôn mẫu sự hiệp nhất của Một Chúa Ba Ngôi: chỉ có một Thân Thể, một Thánh Thần, một Chúa, một niềm tin và một phép rửa…

Ga 6: 1-15

Dấu lạ hóa bánh ra nhiều là ân ban của Đức Giê-su cho đông đảo dân chúng ăn no nê mà còn dư đến mười hai thúng đầy. Đây là dân mà trước đó Ngài đã nuôi họ bằng Lời Hằng Sống của Ngài. Ân ban bánh hóa nhiều này loan báo “ân ban Thánh Thể”.

BÀI ĐỌC I (2V 4: 42-44)

Ngôn sứ Ê-li-sa là môn đệ chân truyền của ngôn sứ Ê-li-a. Ông tiếp tục sự nghiệp của thầy mình vào thế kỷ thứ chín trước Công Nguyên trong vương quốc miền Bắc. Ông thi hành sứ vụ ngôn sứ của mình chủ yếu dưới triều đại vua Giô-ram (852-841 t.Cn.).

Sách Các Vua quyển thứ nhất và quyển thứ hai sưu tập những triều đại của các vua (19 vua Ít-ra-en và 20 vua Giu-đa), đồng thời dành một chỗ rộng lớn cho vai trò của các ngôn sứ: về tôn giáo, các ngôn sứ là những người bảo vệ phụng tự tinh tuyền của Đức Chúa và lên án mọi hình thức thờ ngẫu tượng; về luân lý, các ngài tố cáo bạo lực và bất công xã hội; về chính trị, các ngài là những nhà cải cách các triều đại thối nát.

Trong số các tác phẩm Cựu Ước, hai sách Các Vua là những cuốn sách chứa đựng nhiều chuyện tích ly kỳ ý nhị nhất về các ngôn sứ. Trong hai tác phẩm này, ngôn sứ Ê-li-sa được phác họa chân dung kém huyền nhiệm hơn chân dung ngôn sứ Ê-li-a. Ông gần với phàm nhân hơn, dù không kém thần thông biến hóa.

1.Thời kỳ đói kém:

“Khi nạn đói xảy ra trong xứ” (4: 38): Nạn đói nầy không phải là chuyện hi hữu ở miền Pa-lệ-tin. Cựu Ước nhiều lần trích dẫn những trường hợp đói kém ở miền Pa-lê-tin: chính vì lý do đó mà ông Áp-ra-ham xuống Ai-cập và sau nầy các anh em ông Giu-se cũng xuống đất nước của các Pha-ra-ô này. Đôi khi hạn hán xảy ra nhiều năm liên tiếp. Sách Sa-mu-en trích dẫn một nạn đói kéo dài ba năm và sách Các Vua quyển thứ hai kể lại một nạn đói khác kéo dài bảy năm. Có lẽ câu chuyện hôm nay được kể vào thời gian nạn đói kéo dài bảy năm này.

“Có một người từ Ba-an Sa-li-sa đến, đem bánh đầu mùa biếu ông Ê-li-sa, người của Thiên Chúa…” (4: 42). Đây là lễ phẩm đầu mùa. Vào đầu mùa thu hoạch, người ta trích ra một phần để biếu tặng các tư tế hay “những người của Thiên Chúa”, tức “các ngôn sứ”. Sách Lê-vi viết: “Cho đến chính ngày đó, khi các ngươi mang lễ phẩm của Thiên Chúa các ngươi đến, các ngươi không được ăn bánh, ăn gié lúa rang và hột lúa mới” (Lv 23: 14).

Chúng ta lưu ý rằng mối quan tâm của chuyện tích nầy rõ ràng tập trung vào phép lạ, vì thế truyền thống đã không lưu giữ tên của người biếu tặng: “có một người”; cũng không cho biết địa điểm nơi xảy ra phép lạ.

2.Quà tặng của tấm lòng biết chia sẻ:

Vị ngôn sứ không giữ quà tặng cho riêng mình, nhưng liền chia sẻ ngay với những người túng thiếu và quà tặng nầy hóa ra nhiều. Nhờ tấm lòng chia sẻ quảng đại của vị ngôn sứ, chính Thiên Chúa làm cho tặng phẩm phàm nhân trở nên phong phú. Đó là cách thức mà Thiên Chúa thường sử dụng.

Chuyện tích về ngôn sứ Ê-li-sa làm phép lạ “hóa bánh ra nhiều” từ hai mươi chiếc bánh lúa mạch cho trăm người ăn có nhiều điểm tương đồng với những bài trình thuật Tin Mừng về việc Đức Giê-su làm phép lạ “hóa bánh ra nhiều” từ năm chiếc bánh lúa mạch cho năm ngàn người ăn không kể đàn bà trẻ con:

-Ngôn sứ Ê-li-sa bảo tiểu đồng của mình: “Phát cho người ta ăn” (4: 42). Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Chính anh em hãy cho họ ăn đi” (Mc 6: 37; Mt 14: 16; Lc 9: 13).

-Tiểu đồng thưa: “Có bằng nầy, sao con có thể phát cho cả trăm người ăn được?” (4: 43). Một trong các môn đệ của Đức Giê-su thưa: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với bằng ấy thì thấm vào đâu !” (Ga 6: 9).

-Vị ngôn sứ nói: “Cứ phát cho người ta ăn!… Họ sẽ ăn, mà vẫn còn dư”. Các tác giả Tin Mừng viết: “Ai nấy đều ăn và được no nê. Người ta thu lại những mẫu bánh được mười hai thúng đầy”.

-Ngôn sứ Ê-li-sa làm no thỏa nhu cầu vật chất của những người túng thiếu. Quả thật, Đức Giê-su cũng làm no thỏa nhu cầu thể lý của đám đông đang mệt và đói, nhưng cử chỉ của Chúa Giê-su chất chứa biết bao ý nghĩa. Chính Ngài là “dấu chỉ” của chiếc bánh khác: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi không hề phải đói; ai tin vào tôi chẳng khát bao giờ!” (Ga 6: 35).

BÀI ĐỌC II (Ep 4: 1-6)

Thánh Phao-lô viết bức thư này khi thánh nhân bị cầm tù ở Rô-ma vào những năm 61-63. Bức thư được chia thành hai phần: phần thứ nhất về đạo lý (ch. 1-3) và phần thứ hai về luân lý và khích lệ (ch. 4-6). Cả hai phần liên kết chặc chẽ với nhau. Đoạn trích hôm nay (4: 1-6) là đoạn mở đầu của phần thứ hai.

1.“Tôi là người đang bị tù vì Chúa”:

Để tăng thêm sức mạnh cho những lời khích lệ của mình, ngay từ đầu của phần thứ hai, thánh Phao-lô nhắc nhở rằng ngài đang bị giam cầm; như vậy, thánh nhân muốn nói rằng ngài không chỉ là vị tông đồ rao giảng về Đức Ki-tô, nhưng còn là một nhân chứng chịu thương chịu khó vì Đức Ki tô.

2.Ơn gọi làm người Ki tô hữu:

Trong phần thứ nhất về đạo lý, thánh Phao-lô đã chú tâm trình bày “mầu nhiệm cứu độ” mà thánh nhân đã được chính Đức Ki-tô mặc khải và truyền cho thánh nhân phải thông truyền cho Giáo Hội của Ngài, đó là kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, trong đó mọi người, dù dân Do thái hay lương dân, đều được mời gọi để chia sẻ cùng một ơn cứu độ. Từ đó, thánh nhân nhắc hết mọi người Ki-tô hữu nhớ rằng, dù họ xuất thân từ đâu, hãy sống cho xứng với ơn gọi mà Thiên Chúa đã ban cho họ.

Thánh nhân khuyến khích họ: “Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền lành và nhẫn nại; hãy lấy tình đức ái mà chịu đựng lẫn nhau” (4: 2). Chúng ta ghi nhận rằng thánh nhân đặt lên hàng đầu những nhân đức mà chính Đức Giê-su là mẫu gương: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11: 29). Tiếp đó, thánh nhân mời gọi họ hãy hiệp nhất với nhau bằng cách “ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau” (4: 3) Trước đó, thánh nhân đã gợi lên sự bình an mà Đức Giê-su mang lại: “Thật vậy, chính Người là sự bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tương ngăn cách là sự thù ghét” (2: 14).

Lời kêu gọi “sống yêu thương thuận hòa với nhau” không là nét đặc thù trong các thư của thánh Phao-lô. Việc chung sống giữa những người Ki-tô hữu gốc Do thái và những người Ki-tô gốc lương dân đã là vấn đề trong lòng Giáo Hội tiên khởi.

3.Lời tuyên xưng đức tin:

Trong lúc hưng phấn, thánh Phao-lô công bố lời tuyên xưng đức tin xoay quanh chủ đề hiệp nhất: chỉ có một thân thể, một Thần Khí, một niềm hy vọng, một Chúa, một niềm tin, một phép rửa, vân vân. Biểu thức này tự nguồn gốc có thể là một lời tuyên xưng phụng vụ mà những người chịu phép rửa công bố khi khẳng định niềm tin của mình, và chắc chắn được thánh Phao-lô quảng diễn. Ngôn từ của lời tuyên xưng nầy rõ ràng đã có ảnh hưởng trên kinh Tin Kính của công đồng Ni-xê-a.

TIN MỪNG (Ga 6: 1-15)

Vào Chúa Nhật tuần trước, Tin Mừng Mác-cô tường thuật cho chúng ta phần đầu của câu chuyện phép lạ “hóa bánh ra nhiều”, trong đó Đức Giê-su đã động lòng thương dân chúng đến với Ngài như “đàn chiên bơ vơ không người chăm sóc”, vì thế, Ngài đã đáp ứng nhu cầu của họ bằng cách ban Lời Hằng Sống của Ngài (Mc 6: 34). Tuy nhiên, Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay không tiếp tục câu chuyện bỏ dở của Tin Mừng Mác-cô. Thay vì đó, phụng vụ đề nghị cho chúng ta câu chuyện của Tin Mừng Gioan thuật lại cùng một biến cố với Tin Mừng Mác-cô: dấu lạ hóa bánh ra nhiều. Câu chuyện hóa bánh ra nhiều của thánh Gioan là phần mở đầu bài diễn từ dài của Đức Giê-su về “Bánh Trường Sinh”, mà chúng ta sẽ đọc bốn tuần Chúa Nhật liên tiếp sau đó.

1.Nơi chốn:

Dấu lạ hóa bánh nhiều là dấu lạ duy nhất được cả bốn tác giả Tin Mình thuật lại. Ngoài ra, thánh Mát-thêu và thánh Mác-cô thuật lại đến hai lần: một lần từ năm chiếc bánh hóa nhiều nuôi năm ngàn người ăn no nê tại đất Do thái và một lần khác từ bảy chiếc bánh hóa nhiều nuôi bốn ngàn người ăn no nê tại đất dân ngoại. Như vậy, dấu lạ hóa bánh ra nhiều cho thấy Đức Giê-su là Mục Tử nhân lành hoàn vũ, Ngài không chỉ chăm lo cho dân Do thái mà cho cả dân ngoại nữa. Sau này, Giáo Hội bao gồm cả người Ki-tô hữu gốc Do thái lẫn người Ki-tô hữu gốc lương dân.

Thánh Gioan mở đầu bài trình thuật của mình thật bất ngờ: “Sau đó, Đức Giê-su sang bên kia Biển Hồ Ga-li-lê, cũng gọi là biển hồ Ti-bê-ri-a” (6: 1). Tuy nhiên, địa danh biển hồ Ti-bê-ri-a nhắc chúng ta nhớ đến bửa ăn vào lúc trời vừa sáng mà Đức Giê-su Phục Sinh dọn sẵn cho các môn đệ (21: 9-14), sau một mẻ lưới cá lạ lùng, xa hơn một chút sau suốt một đêm đánh cá vất vả trong sương lạnh mà không bắt được một con cá nào.

Có đám đông dân chúng đi theo Ngài vì họ đã chứng kiến những dấu lạ Ngài đã thực hiện. Chúng ta ghi nhận rằng thánh Gioan không bao giờ dùng từ “phép lạ” như các Tin Mừng Nhất Lãm, nhưng “dấu lạ”, vì phép lạ nhắm đến quyền năng siêu phàm của Đức Giê-su khiến người chứng kiến phải kinh ngạc, trong khi dấu lạ đòi hỏi người chứng kiến phải tìm hiểu để khám phá ra ý nghĩa của thực tại mà dấu lạ nhắm đến.

Đức Giê-su không lưu lại trên bờ biển hồ, nhưng “Ngài lên núi và ngồi đó với các môn đệ” (6: 3). Trong Cựu Ước, núi Xi-nai là nơi Thiên Chúa hiện ra và ban Lề Luật như giao ước giữa Thiên Chúa với dân Ngài. Trong Tân Ước, núi là nơi ưu tiên đánh dấu một sứ điệp siêu việt: núi của các Mối Phúc, núi của cuộc Biến Hình, núi của dấu lạ hóa bánh ra nhiều…

2.Thời điểm:

 Ngay từ đầu câu chuyện, tác giả cho chúng ta thời điểm xảy ra dấu lạ hóa bánh ra nhiều: “Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do thái” (6: 4). Thời điểm này rất quý. Trước tiên, nó giải thích tại sao đám đông dân chúng đông đảo đến như thế. Chính ở Ca-phác-na-um và trong các thành phố ven biển hồ mà những người hành hương từ khắp nơi quy tụ lại và rồi từ đó khởi hành thành từng nhóm lên thành thánh Giê-ru-sa-lem để tham dự đại lễ Vượt Qua. Nhưng nhất là, lễ Vượt Qua sắp đến đem lại một ý nghĩa sâu xa cho cử chỉ của Đức Giê-su. “Đại lễ của người Do thái” nầy làm cho cử chỉ của Đức Giê-su trở thành cử chỉ ngôn sứ, loan báo lễ Vượt Qua mới, “lễ Vượt Qua của người Ki-tô giáo”, trong đó dấu lạ hóa bánh ra nhiều khác được thực hiện, đó là bàn tiệc Thánh Thể.

3.Không có bất kỳ giải pháp nào từ phía con người:

Trong các Tin Mừng Nhất Lãm, chính các môn đệ lưu ý với Đức Giê-su khi nhắc Ngài là giờ đã khá muộn nên giải tán đám đông để “họ vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn” (Mc 6: 35-36). Trong Tin Mừng Gioan, chính Đức Giê-su ý thức hoàn cảnh và đề xuất sáng kiến.

Đức Giê-su ngỏ lời với ông Phi-líp-phê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây” (6: 5). Nhờ Tin Mừng Gioan, chúng ta biết ông Phi-líp-phê là một môn đệ rất năng động và thực tiển. Khi ông Na-tha-na-en chất vấn ông Phi-líp-phê về Đức Giê-su: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?”, ông trả lời ngắn gọn nhưng thực tiển: “Cứ đến mà xem!” (Ga 1: 46). Khi Đức Giê-su gợi lên mối quan hệ mật thiết của Ngài với Chúa Cha, ông thưa ngay cũng rất thực tiển: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện” (Ga 14: 8). Ở trong câu chuyện hóa bánh ra nhiều nầy, Đức Giê-su nêu lên với ông một vấn nạn: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”, câu hỏi này hàm chứa một thực trạng: một môn đệ có tài xoay xở nhất trong các môn đệ như ông Phi-líp-phê mà cũng không thể gặp thấy một giải pháp nào, chính vì hoàn cảnh bế tắc, lúc đó dấu lạ sẽ là thích đáng nhất. Mặt khác, chúng ta không thể không lưu ý rằng có hai môn đệ can dự vào câu chuyện là ông Phi-líp-phê và ông An-rê, cả hai đều xuất thân từ Bết-xai-đa, nơi mà hai ông biết rõ nhất phương thế nào giải quyết cho vấn đề này, tuy nhiên chẳng có phương thế nào được gặp thấy ở đây.

Dù thế nào, Đức Giê-su nêu câu hỏi cho ông Phi-líp-phê chỉ “để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi” (6: 6). Điều này cho thấy dấu lạ hóa bánh ra nhiều hoàn toàn xuất phát từ tấm lòng yêu thương của Ngài đối với đám đông dân chúng đang mệt mỏi và đói khát này. Ngài hỏi ông Phi-líp-phê như thế là để ông ý thức rằng nếu chỉ cậy dựa vào những phương tiện nhân loại, người ta đành bất lực không thể nào tìm thấy bất kỳ giải pháp nào cho vấn đề, lúc đó người ta nhận ra rằng không có gì khác ngoài việc đặt trọn niềm tin tưởng vào Đức Giê-su.

Ông Phi-líp-phê tính toán một cách thực tế: “Thưa, có mua đến hai trăm đồng bạc bánh, cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút” (6: 7). Như chúng ta biết, tiền công nhật là một đồng bạc (chúng ta biết điều nầy nhờ dụ ngôn người làm thuê vào giờ thứ mười một), vậy mà dù có hai trăm đồng bạc mà mua bánh đi nữa, cũng chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu của một đám đông dân chúng quá lớn, như lời nhận xét của ông Phi-líp-phê: “Cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút”. Ba Tin Mừng Nhất Lãm nói cho chúng ta biết có “năm ngàn người, không kể đàn bà và trẻ con”. Vì thế, câu trả lời của ông Phi-líp-phê cho thấy rằng chỉ cậy dựa vào giải pháp nhân loại mà thôi, không thể đáp ứng nhu cầu cho một đám người đông đảo như thế.

4.Quà tặng của tấm lòng biết chia sẻ:

Ông An-rê thưa: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá” (6: 8). Em bé biếu tặng khẩu phần ăn của em, cũng như ngôn sứ Ê-li-sa chia sẻ quà biếu của mình và quà tặng của ông hóa ra nhiều. Chính cũng một bài học. Phải nói thêm, Đức Giê-su không bao giờ làm dấu lạ từ hư không; ở nơi nền tảng của một dấu lạ luôn luôn có một yếu tố vật chất. Giáo Hội cũng sẽ thực hiện các bí tích theo cùng một cách thức như vậy.

5.Tấm lòng của vị Mục Tử Thiên Sai:

Chúa Giê-su bảo các môn đệ: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi” (6: 10). Dân chúng từ một đám đông hỗn tạp đi theo Ngài, trở thành một cộng đoàn có trật tự chỉnh tề hàng ngũ. Thánh Gioan nói: “Chỗ ấy có nhiều cỏ”. Thánh Mác-cô xác định “Cỏ xanh” (6: 39). Đây là cỏ xanh non vào thời điểm mùa xuân ở miền Pa-lê-tin. Phải chăng điều nầy hàm ý rằng Đức Giê-su là vị mục tử nhân lành mà các ngôn sứ loan báo Ngài dẫn đàn chiên của mình vào đồng cỏ xanh tươi? Thánh Mác-cô nhắc nhớ điều nầy khi xác định “cỏ xanh” gợi nhớ Tv 23 về “người mục tử nhân hậu”. Đối diện với các vị mục tử Ít-ra-en chỉ biết đến mình, Đức Giê-su hành xử như vị Mục Tử Thiên Sai tận tình chăm lo cho dân Ngài.

6.Dấu chỉ bàn tiệc Thánh Thể:

Không ai có thể phủ nhận rằng dấu lạ hóa bánh ra nhiều làm sáng tỏ việc thiết lập bàn tiệc Thánh Thể. Các Tông Đồ đã hiểu như vậy, các thánh ký cũng đã ghi lại như vậy: “Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó” (6: 11). Lời nói và cử chỉ nầy tương tự như lời nói và cử chỉ của Chúa Giê-su ở Tiệc Ly khi thiết lập bàn tiệc Thánh Thể: “Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: ‘Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy” (Mc 14: 22). Bánh hóa nhiều trên đồi Ga-li-lê loan báo bánh hóa nhiều khác, bánh Thánh Thể, tức là thân thể vinh quang của Đức Ki-tô hóa ra nhiều, không còn chỉ cho vài ngàn người, nhưng cho hằng triệu, cùng một lúc, và trong khắp hoàn vũ, cho đến thời cánh chung.

7.Mười hai thúng đầy những mẫu bánh thừa:

 Như rượu được ban một cách dồi dào ở tiệc cưới Ca-na, bánh cũng được ban một cách dư dật, phần dư được thu lại đến mười hai thúng đầy. Con số mười hai đại diện mười hai chi tộc Ít-ra-en, cũng như mười hai Tông Đồ đại diện dân Thiên Chúa mới. Không phải những phần dư này muốn nói rằng có đủ chỗ cho nhiều người khác được mời vào bàn tiệc Thiên Chúa hay sao? 

Quả thật, sự dồi dào dư dật là dấu chỉ bữa tiệc Thiên Sai. Các sấm ngôn (Am 9: 13; Is 49: 10; 55: 1-3; Ge 4: 18), các Thánh Vịnh (Tv 132; 15: 78; 24-27), các sách minh triết đã loan báo rồi: triều đại Thiên Sai sẽ được đóng ấn bởi một dấu chỉ của sự phú túc và mãn nguyện, hình ảnh báo trước bàn tiệc cánh chung mà Thiên Chúa sẽ ban tặng cho tất cả những người được chọn trong vương quốc của Ngài, biểu tượng niềm hoan lạc thiên giới và mọi của cải tinh thần. (Bàn tiệc Thiên Sai và bàn tiệc cánh chung thường được định vị trong cùng một viễn cảnh).

8.Phản ứng của dân chúng:

Phấn khích trước Đức Giê-su là vị Mô-sê mới, Đấng đã cho họ ăn dư dật “ở nơi hoang vắng nầy”, đám đông đã không hiểu ra được dấu chỉ vương quốc Thiên Chúa, nhưng chỉ nghĩ đến vương quốc trần thế, vì thế, họ muốn “bắt Ngài đem đi mà tôn làm vua” (6: 14). Đức Giê-su không muốn một chút nào chủ nghĩa Thiên Sai chính trị hẹp hòi và nông cạn nầy, nên “Ngài lại lánh mặt, đi lên núi một mình” (6: 15). Thánh Gioan là tác giả Tin Mừng duy nhất ghi lại phản ứng của dân chúng.

9-Nét đặc trưng của dấu lạ hóa bánh ra nhiều theo Tin Mừng Gioan:

Chúng ta ghi nhận rằng dấu lạ “hóa bánh ra nhiều” tiên trưng bàn tiệc Thánh Thể là gia sản chung của tất cả các cộng đồng Ki-tô hữu tiên khởi.

Trong các bài trình thuật của các Tin Mừng Nhất Lãm, Đức Giê-su, “cầm lấy năm chiếc bánh… dâng lời chúc tụngrồi bẻ ra, trao cho môn đệ, để các ông dọn ra cho dân chúng” (Mc 6: 41). Quả thật, điều Chúa Giê-su làm với bánh nghe có vẻ như lệnh truyền cho “thừa tác viên” Ki-tô giáo tiếp tục thực hiện như vậy khi cử hành bàn tiệc Thánh Thể. Tin Mừng Gioan cũng mô tả cử chỉ của Chúa Giê-su theo cùng nghi thức như vậy, nhưng với hai nét đặc thù thậm chí còn mang đậm nét Ki-tô giáo hơn: “Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó” (6: 11).

Về nét đặc thù thứ nhất, kiểu nói: “dâng lời tạ ơn” của Tin Mừng Gioan thuộc nền văn hóa Hy-lạp, trong khi kiểu nói: “dâng lời chúc tụng” của các Tin Mừng Nhất Lãm thuộc văn hóa Do thái. Kiểu nói Hy lạp: “dâng lời tạ ơn” (“eucharisteô”) cho chúng ta thuật ngữ: “lễ Tạ Ơn” để chỉ bàn tiệc Thánh Thể của Ki-tô giáo. Kiểu nói nầy lại còn xuất hiện ở 6: 23: “Có những thuyền khác từ Ti-bê-ri-a đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh sau khi Chúa dâng lời tạ ơn.

Về nét đặc thù thứ hai, chính Đức Giê-su đích thân phân phát bánh cũng như Ngài sẽ làm như vậy vào buỗi chiều Tiệc Ly, chứ không qua các môn đệ như Tin Mừng Nhất Lãm. Đây là dấu lạ tối hậu nhắm đến việc Đức Giê-su không chỉ là Đấng ban Bánh Trường Sinh, nhưng còn là Bánh Trường Sinh nuôi dưỡng dân chúng, đặc biệt ở bàn tiệc Thánh Thể, như chính Ngài sẽ công bố trong diễn từ về Bánh Trường Sinh: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống đời đời” (6: 53).

Như vậy, qua dấu lạ hóa bánh ra nhiều, các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm và tác giả Tin Mừng Gioan đều khẳng định cùng một chân lý: Trong mỗi Thánh Lễ, Đức Giê-su tiếp tục làm như vậy qua suốt nhiều thế kỷ sau đó, chăm lo những nhu cầu của chúng ta và nuôi dưỡng chúng ta bằng những thần lương của Ngài, tức là Lời Hằng Sống và Thánh Thể của Ngài, không còn chỉ cho vài ngàn người, nhưng cho hằng triệu người, mỗi phút giây và khắp hoàn vũ, cho đến ngày tận thế. Công Đồng Vatican II đã khẳng định: “Giáo Hội vẫn luôn tôn kính Thánh Kinh giống như tôn kính chính Thánh Thể Chúa, đặc biệt trong Phụng Vụ thánh, Giáo Hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Mình Chúa Ki-tô để trao ban cho các tín hữu” (Mk, 21).

Thánh Lễ là nét đặc trưng của Ki-tô giáo. Ngay từ rất sớm, Hội Thánh đã xem Thánh Lễ là nguồn sống của mình. Cv 2: 42 ghi nhận nếp sống của các tín hữu sơ khai: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng”. Thánh Phao-lô, trước khi thuật lại bàn tiệc Thánh Thể, đã nói với tín hữu Cô-rin-tô: “Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em” (1Cr 11: 23). Đối với người Ki-tô hữu, Thánh Lễ là một ân ban vô giá không thể chuyển nhượng, cũng không có thể được thay thế bởi bất kỳ hành vi đạo đức nào. Nhờ Thánh Lễ, người Ki-tô hữu có được sức mạnh thần thiêng giúp họ đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống. Lm Henry de Lu-bac tóm tắt tiến trình phát triển của Ki-tô giáo bằng một câu ngắn gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa: “Thánh Thể làm nên Hội Thánh và Hội Thánh làm nên Thánh Thể”.