Thư Mục vụ Mùa Chay 2019 của Đức Tổng Giám mục Giuse, Giám quản Tông tòa Giáo phận

Thứ bảy - 02/03/2019 07:13      Số lượt xem: 5606

Nhờ sống tinh thần của Mùa Chay, chúng ta đoạn tuyệt với tội lỗi, trở nên con người mới, mặc lấy Chúa Giêsu phục sinh, cùng với Người đem ơn cứu độ cho trần gian.


Tòa Giám mục Hải Phòng
46 Hoàng Văn Thụ, Hải Phòng
THƯ MỤC VỤ MÙA CHAY 2019
Của Đức Tổng Giám mục Giuse – Giám quản Tông tòa
gửi mọi thành phần Dân Chúa Giáo phận Hải Phòng
 
 
Kính thưa Anh Chị Em,
 
Cùng với Giáo Hội hoàn vũ, chúng ta bước vào Mùa Chay Thánh. Phụng vụ mượn lời Thánh Phaolô để gọi Mùa Chay thời Thiên Chúa thi ân và ngày Thiên Chúa cứu độ" (x. 2Cr 6,2). Quả vậy, như con chim biết mùa làm tổ, chuyên cần tạo lập cho mình một mái ấm an toàn, tránh bão tố mưa giông; người tín hữu cũng dùng thời gian Mùa Chay để củng cố đức tin, hầu được kiên vững trước phong ba cuộc đời. Như cây nho cần có thời cắt tỉa, để sinh nhiều trái ngọt; người Kitô hữu cần có thời sám hối để trưởng thành và nên hoàn thiện. Nhờ sống tinh thần của Mùa Chay, chúng ta đoạn tuyệt với tội lỗi, trở nên con người mới, mặc lấy Chúa Giêsu phục sinh, cùng với Người đem ơn cứu độ cho trần gian.
 
“Hãy trở về!”. Đó là lời mời gọi quen thuộc, thường được xướng lên trong các buổi cử hành Phụng vụ mỗi khi Mùa Chay về. Lời mời gọi này được gửi đến tất cả mọi người, già cũng như trẻ, nam cũng như nữ, giàu cũng như nghèo, học hành uyên bác cũng như kiến thức bình dân. Lời mời gọi trở về còn vượt qua ranh giới các cộng đoàn tín hữu để đến với mọi người không cùng niềm tin tôn giáo, giúp họ đạt tới cuộc sống an bình. Lời ngôn sứ Giôen được đọc lên trong Phụng vụ Thứ Tư Lễ Tro, như một lệnh “tổng động viên”, thúc bách mỗi người hãy can đảm bước ra khỏi cái tôi ích kỷ để đến với Chúa và tha nhân. Nói đến “trở về” có nghĩa là chúng ta đang sống ở xa, hoặc chúng ta đang đi lạc đường. Nói đến trở về, cũng là nói đến nhà của mình, nơi đó có những người thân đang chờ đợi và sẵn sàng đón nhận chúng ta, bất kể chúng ta ở vào tình trạng nào. Lời mời gọi của Mùa Chay hướng chúng ta trở về với Chúa, như người con hoang đàng lầm lạc, nay hồi tâm và dứt khoát lên đường trở về với cha mình (x. Lc 15,11-32). Thiên Chúa là Cha của gia đình nhân loại. Ngài tôn trọng tự do của con người khi họ dứt khoát ra đi, đồng thời Ngài cũng luôn chờ đợi và sẵn sàng giang rộng vòng tay, khi họ thành tâm sám hối trở về. Mùa Chay giúp chúng ta trở về với Chúa, với xác tín rằng, Ngài luôn bao dung tha thứ và đón nhận chúng ta.
 
Mùa Chay cũng là mùa trở về với tha nhân. Tác giả sách Sáng Thế kể lại với chúng ta, sau khi con người phạm tội mất lòng Chúa, thì họ cũng bất hòa với nhau, kể cả trong mối tương quan ruột thịt. Điển hình là trường hợp Cain, vì ghen tương, đã giết chết em trai mình là Aben. Cuộc sống bon chen xuôi ngược hôm nay dễ làm cho chúng ta quên lãng những người xung quanh. Lối sống ích kỷ dễ làm cho chúng ta tự coi mình là trung tâm điểm, để bắt mọi người phải quy phục mình. Sám hối là trở về với tha nhân, nhận ra mọi người đều là anh chị em với nhau và đều đáng được tôn trọng. Sám hối canh tân sẽ giúp mọi người xích lại gần nhau, để chung tay xây dựng cuộc sống an bình bác ái, nhờ đó thế giới sẽ bớt hận thù, xã hội sẽ bớt bạo lực và gia đình sẽ bớt chia rẽ.
 
Tội lỗi đã đoạn giao mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thiên nhiên tạo vật. Canh tân hối cải sẽ làm cho con người gần gũi và tôn trọng thiên nhiên. Trong Sứ điệp Mùa Chay năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa tội lỗi của con người và tạo vật Bởi lẽ trái đất này là căn nhà chung của gia đình nhân loại. Dựa trên lời Thánh Phaolô : “Tạo vật nóng lòng chờ đợi sự mạc khải của các con cái Thiên Chúa” (Rm 8,19), Đức Thánh Cha hy vọng tinh thần sám hối của Mùa Chay sẽ làm cho con người sống hài hòa với nhau và thân thiện với mọi tạo vật. Những năm gần đây, chúng ta đã cảm nhận được sự “nổi loạn” của thiên nhiên, gây lên bão lụt, lở đất, hạn hán và sóng thần. Những thiên tai này, một phần lớn là do sự tàn phá và khai thác vô trách nhiệm của con người. Mỗi năm, hàng ngàn héc-ta rừng bị hoang mạc hóa. Đức Thánh Cha đã so sánh, vì tội lỗi của ông Ađam và bà Evà, vườn địa đàng đã trở nên hoang địa. Khi con người thành tâm sám hối, hoang địa sẽ thành vườn địa đàng, trở về với vẻ đẹp tinh khôi của thuở ban đầu. Nếu trái đất đã ra gai góc do tội lỗi của con người, thì nay nhờ sự sám hối của mọi cá nhân, những đóa hoa muôn màu muôn sắc sẽ đua nở khắp nơi.
 
Sự hoán cải của Mùa Chay giúp chúng ta sống mầu nhiệm thập giá. Con Thiên Chúa làm người đã chấp nhận cái chết trên thập giá. Thập giá là lời mời gọi sống vì hạnh phúc của người khác, sẵn sàng tha thứ cho những xúc phạm. Thập giá cũng là lời kêu gọi hãy ngưng bạo lực, chấm dứt hận thù, để cùng nắm tay nhau xây dựng yêu thương. Trong Sứ điệp Mùa Chay, Đức Thánh Cha viết: Mùa Chay chính là dấu chỉ mang tính Bí Tích của sự hoán cải. Mùa này kêu gọi các Kitô hữu hãy để cho mầu nhiệm Vượt Qua trở nên hữu hình cách mạnh mẽ và cụ thể hơn trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội của họ, đặc biệt là thông qua việc chay tịnh, cầu nguyện và bác ái“. Chay tịnh, cầu nguyện và chia sẻ bác ái, đó là ba thực hành truyền thống của Mùa Chay, giúp chúng ta trở về với Chúa, với tha nhân và với thiên nhiên vũ trụ. Đức Thánh Cha đề nghị những việc làm cụ thể để những thực hành Mùa Chay truyền thống này mang một ý nghĩa mới, ngài viết: Ăn chay có nghĩa là học để thay đổi thái độ của chúng ta đối với người khác cũng như đối với mọi loài thụ tạo: từ cơn cám dỗ muốn “ngấu nghiến“ mọi thứ để thỏa mãn sự thèm muốn của mình, đến chỗ có khả năng hy sinh vì tình yêu, và khả năng lấp đầy sự trống rỗng của con tim chúng ta. Cầu nguyện để  học biết cách khước từ sự sùng bái thần tượng cũng như tự mãn về cái tôi của mình, đồng thời thú nhận rằng, chúng ta cần tới Thiên Chúa và Lòng thương xót của Ngài. Chia sẻ bác ái để tự giải thoát khỏi tính ngông cuồng khiến chúng ta chỉ sống cho mình, với ảo tưởng rằng mình sẽ có được một tương lai bảo đảm, trong khi tương lai đó không thuộc về chúng ta“ (số 3).
 
Kính thưa Anh Chị Em, Kinh Thánh Cựu ước giới thiệu với chúng ta một mẫu gương sám hối, đó là vua Đavít. Sau khi phạm tội, ông đã ăn năn hối hận và đã cầu nguyện với Chúa: Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ (Tv 50,12). Lời cầu nguyện này đẹp lòng Chúa và Chúa đã tha tội cho vua. Noi gương vua Đavít, chúng ta hãy xin Chúa canh tâm tâm hồn và ban cho chúng ta niềm vui của ơn Cứu độ.
 
Nhờ lời cầu bầu của Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse, Quan thày Giáo phận, xin Chúa giúp Anh Chị Em có một Mùa Chay thánh thiện, chan chứa ơn sủng và bình an.
 
Hải Phòng, ngày 1 tháng 3 năm 2019
+Giuse Vũ Văn Thiên
Tổng Giám mục Hà Nội
Giám quản Tông tòa Hải Phòng
 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 173
  •   Máy chủ tìm kiếm 10
  •   Khách viếng thăm 163
 
  •   Hôm nay 16,972
  •   Tháng hiện tại 1,048,980
  •   Tổng lượt truy cập 79,797,664