Thần học từ dưới lên giúp đọc Thánh Kinh

Thứ bảy - 11/03/2023 01:20      Số lượt xem: 506

“Chúa ơi, lúc này con đang buồn vì chuyện gia đình. Trong lúc con đọc Lời của Ngài, xin đến an ủi và giúp con với”.
“Mình đang bế tắc trong chuyện làm ăn. Không biết quyết định sao cho đúng ý Chúa. Mình cần đọc một đoạn Kinh Thánh nào đó để hy vọng Chúa giúp mình”.


THẦN HỌC TỪ DƯỚI LÊN GIÚP ĐỌC THÁNH KINH

WHĐ (28.02.2023) – “Chúa ơi, lúc này con đang buồn vì chuyện gia đình. Trong lúc con đọc Lời của Ngài, xin đến an ủi và giúp con với”.
“Mình đang bế tắc trong chuyện làm ăn. Không biết quyết định sao cho đúng ý Chúa. Mình cần đọc một đoạn Kinh Thánh nào đó để hy vọng Chúa giúp mình”.

“Tại sao lại có đau khổ nhỉ? Mình cần kể cho Chúa nghe những đau khổ của nhân loại, cần Lời Chúa hướng dẫn trước những câu hỏi về thế thái nhân tình”.

Ba trường hợp trên đây chúng ta đang đứng trước một lối nhìn “thần học từ dưới lên–Theology from below”. Có lẽ đây là cụm từ mới đối với nhiều người. Tuy vậy những ai đã học thần học, họ thường bắt gặp thuật ngữ này. Trước tiên, thần học nghĩa là học về Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa không chỉ là đối tượng để chúng ta tìm hiểu và tra khảo, nhưng quan trọng hơn, thần học còn là gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng là nguồn mọi khôn ngoan. Đây là “Nền thần học quỳ gối”[1]. Trong cuộc gặp gỡ này, chúng ta bắt gặp một khuôn mặt Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô. Chính mầu nhiệm nhập thể phác họa rõ nét nền thần học “từ dưới lên”.

Thiên Chúa đến ở với và chia sẻ cuộc sống với con người. Ngôi Lời như là Đấng trung gian để nối kết con người với Thiên Chúa. Ngôi Lời ấy gần gũi và hiểu được con người. Chính con người cũng hiểu được những gì Ngôi Lời nói trong Kinh Thánh. Theo giáo sư Phêrô Phan Đình Cho: “Thần học Ba Ngôi của Karl Rahner là một nền thần học khởi đi từ dưới lên hoặc từ dưới (from below) như nó là, nghĩa là, khởi đi từ những kinh nghiệm cụ thể và lịch sử của chúng ta về sự thông ban chính mình của Thiên Chúa (God’s self – communication) trong ba phương thức của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.”[2]

Có lẽ giải thích của Alfons Auer giúp ta hiểu thế nào là thần học từ dưới lên: “Đó là khởi đi từ kinh nghiệm về con người đem tất cả những cái đó vào trong nhãn giới đức tin nơi Đức Kitô.” Nói cách khác, những biến cố đang xảy ra, những điều chúng ta đang vướng bận, hãy mang chúng vào trong cầu nguyện. Rồi dưới ánh sáng của Kinh Thánh, chúng ta hy vọng cảm nhận được bàn tay của Thiên Chúa trong mỗi biến cố cuộc đời. Theo cách này chúng ta sẽ thấy thú vị hơn nhiều khi cầu nguyện với Kinh Thánh, vì ba lý do sau đây:

1. Kinh Thánh là cuộc sống

Có lẽ cuốn Kinh Thánh không chỉ là lời của Thiên Chúa, nhưng còn là lịch sử của một dân tộc Israel. Trải qua bao biến cố thăng trầm của dân tộc, “tác giả Kinh Thánh” đã lắng nghe được tiếng Chúa. Họ biết cách lồng ghép những câu chuyện lịch sử có thật vào trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Vì điều này mà nhiều người cảm thấy Kinh Thánh như là sách lịch sử, một lịch sử Thánh. Thực tế Thiên Chúa không nói mông lung, nhưng nói trong từng biến cố. Vì thế chúng ta rất dễ nhận ra bàn tay của Chúa trong các câu chuyện Thánh Kinh. Đơn giản là Kinh Thánh được viết lên từ chính kinh nghiệm của con người về Thiên Chúa.

Có lẽ nét nổi bật nhất chúng ta phải kể đến Đức Giêsu như là con người lịch sử. Trong bốn cuốn Tin Mừng, Đức Giêsu luôn gần gũi. Ngài tìm mọi cách để con người hiểu về mầu nhiệm Nước Trời. Nhất là trong các dụ ngôn, ngài dùng vô số hình ảnh đời thường để khéo léo giải nghĩa những điều khó hiểu. Nếu đọc Thánh Kinh, chúng ta nhận ra mình trong đó. Chẳng hạn dụ ngôn cỏ lùng (Mt 13,36-43): lúa tốt, cỏ lùng, mùa gặt, nhổ cỏ, bội thu, lúa lép, v.v. Chúng ta đọc cũng hiểu Đức Giêsu lấy những câu chuyện này từ cuộc sống để diễn giải Nước Trời. Nhờ đó dân chúng có thể hiểu được. Đây là nền thần học từ dưới lên.

Đức Giêsu khởi đi từ bối cảnh của con người. Ngài hiểu được từng hoàn cảnh của những ai Ngài gặp. Mỗi người đều có lịch sử riêng, có văn hóa và cách nghĩ khác nhau. Chính Thiên Chúa là Đấng Emmanuel “bắt chuyện” với họ. Rồi trong chính câu chuyện ấy, Thiên Chúa từ từ tỏ lộ thần tính hoặc căn tính của Thiên Chúa ra. Cách này khiến họ cảm nhận được, tuy nhiên cần thời gian. Hơn nữa, chúng ta cũng cảm thấy dễ đón nhận Lời Chúa, khi thấy mình trong đó. Nói cách khác, cuộc sống của mình hình như cũng cần Lời của Chúa chỉ dạy. Đây là cách chúng ta cầu nguyện trong tư thế “từ dưới lên”.

2. Ánh sáng Lời Chúa chiếu rọi lối ta đi

Đêm tối chúng ta cần đèn chiếu sáng. Lúc thất vọng ai cũng cần đỡ nâng. Khi lầm đường lạc lối, người ta cần ai đó chỉ đường. Nói chung nếu có vấn đề, chúng ta cần đối diện để giải quyết. Một trong những cách thế là hãy để Thiên Chúa giúp mình. Cụ thể, hãy mang những vấn đề, tâm tư tình cảm và suy nghĩ của mình vào trong cầu nguyện. Thiên Chúa thích nghe những tâm sự của ta. Nếu hiểu theo cách này, những chia trí mà chúng ta hay nói là nên tránh, có khi là những chia trí cần thiết. Nghĩa là gì?

Thưa, bạn đang buồn sầu vì mất người thân yêu. Nỗi buồn thương tiếc ấy cứ ở trong tâm trí bạn. Trong khi đó, bạn cũng muốn chạy đến với Chúa, muốn đọc Kinh Thánh để tìm niềm ủi an. Sẽ là ảo tưởng nếu bạn loại bỏ hoàn toàn chia trí này trong cầu nguyện. Trong hoàn cảnh này, các nhà tu đức khuyên bạn cứ mang những buồn đau ấy kể cho Chúa nghe. Một mặt bạn trút bầu tâm sự cho Chúa; mặt khác cũng quan trọng, bạn để Lời Chúa hướng dẫn mình trong hoàn cảnh cụ thể này. Chúa ban ơn và hướng dẫn bạn vượt qua khó khăn này bằng chính Lời của Ngài. Một khi bạn cảm nhận được ánh sáng lời Chúa tác động lên bạn, kinh nghiệm về Thiên Chúa sẽ sống động hơn nhiều.

Thực ra nền thần học từ dưới lên không quá mới, vì đã có trong Tin Mừng. Phần lớn các câu chuyện Tin Mừng đều nói đến trước hết là nỗi bận tâm của con người, sau đó là Chúa sẽ trợ giúp. Chẳng hạn câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmau (Lc 24,13-35). Rồi những người ốm đau, tội lỗi, khổ sầu hay mất định hướng, họ mang những vấn đề của mình đến kể cho Đức Giêsu nghe. Trước nỗi đau này, Đức Giêsu đã chạnh lòng thương và làm phép lạ chữa lành bệnh tật. Trong đó, Đức Giêsu thường hướng người ta đến chân lý Nước Trời, đến sự sống vĩnh cửu. Đó là nền thần học từ dưới lên.

3. Có Chúa đồng hành

Nếu đọc Kinh Thánh trong cái nhìn từ dưới, chúng ta dễ nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong mỗi biến cố cuộc đời. Dấu ấn của Thiên Chúa được nhìn từ trong chính các thực tại, vốn gần với ta. Nói theo ngôn ngữ thần học của Karl Rahner “thần khí trong thế giới”, “Thế giới của Ân sủng dư đầy”[3]. Chỗ khác Rahner cho rằng Thiên Chúa hiện diện trong Thế Giới, nghĩa là: “Chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới có thể bao hàm tất cả mọi khía cạnh của con người, cả những góc độ đối lập nhau cũng có thể hợp nhất, vì tất cả đều qui tụ về Thiên Chúa. Chỉ có sự hợp nhất và vô biên của Thiên Chúa mới có thể làm cho con người hòa hợp, vì Thiên Chúa hợp nhất những đa nguyên giới hạn chứ không khai trừ một thành phần nào.”[4]

Vì điểm trên mà nhiều nhà thiêng liêng cổ vũ một lối cầu nguyện chiêm niệm. Chẳng hạn thánh Phanxicô Assisi và Bonaventura nổi tiếng với cách chiêm ngắm thiên nhiên, thế giới như là cuốn sách Kinh Thánh chúng ta cần đọc với ngũ quan. Trong khi đó thánh I-nhã nhận thấy cần “chiêm niệm trong chính hoạt động”[5] hằng ngày để nhận ra Thiên Chúa luôn đồng hành. Cả hai cách cầu nguyện này đòi hỏi chúng ta có tâm hồn nhạy bén trước mỗi sự vật hoặc biến cố cuộc đời.

Để làm được điều trên, một trong những lối tập là chúng ta mang cả con người mình vào trong cầu nguyện. Khởi đi từ chính mình, sau đó để Thiên Chúa tác động và hướng dẫn. Cuối cùng là chúng ta ngoan ngoãn làm theo thánh ý Chúa. Tiến trình này giúp mỗi người cảm thấy Thiên Chúa thật gần gũi. Ngài thích ở với con người và muốn mang con người từ thế giới này về cho Chúa Cha.

Sau cùng, “từ dưới lên” giúp chúng ta hiểu Chúa Giêsu, như là con người lịch sử, dễ dàng hơn. Chúng ta thấy Chúa Giêsu gần gũi, từng lời nói hành động của ngài có thể cảm nhận được. Lý do Chúa Giêsu cũng là con người, có văn hóa, ngôn ngữ và tư duy giống con người. Từ điểm này mà những nhà thần học “nhìn từ dưới lên” đã khám phá ra nhiều khía cạnh thú vị nơi chân dung Đức Giêsu[6]. Chân dung ấy vẫn mời gọi mỗi người nhận ra trong Kinh Thánh. Chân dung ấy đòi chúng ta đóng góp chút bánh của chính mình (Mc 6,34-44), để từ đó, Ngài sẽ làm phép lạ hóa bánh ra nhiều trong cuộc đời của mỗi người.

Thay lời kết

Chúng ta hãy khép lại đề tài này với lời chia sẻ của Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận: “Giờ cầu nguyện là giờ tâm sự với Chúa là Cha, chứ không phải là giờ làm bài. Đó là giờ của quả tim, chứ không phải là giờ của luận lý. Đừng nặn óc bóp trán để trình bày với Chúa.” Từ con tim, bạn cứ nói lên những gì mình cảm thấy, những nỗi niềm của mình như một người con với một người Cha.

Chúa hiểu chuyện của chúng ta hết, nhưng thật tốt để nói với Chúa hoàn cảnh thật của mình. Cũng dành giờ để Chúa chia sẻ nữa. Ánh sáng của Chúa sẽ đi vào cuộc đời của chúng ta. Từ đó, ta sẽ hiểu thế nào là “Lời Chúa là đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường cho con đi.” (Tv 118,105).

 
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 203
  •   Máy chủ tìm kiếm 12
  •   Khách viếng thăm 191
 
  •   Hôm nay 37,014
  •   Tháng hiện tại 1,023,931
  •   Tổng lượt truy cập 79,772,615