Niềm vui trở về (Bài giảng Chúa nhật IV mùa Chay năm C)

Thứ năm - 03/03/2016 05:40      Số lượt xem: 6040

Niềm vui trở về trước hết là niềm vui của người con hoang đàng, nhưng đó cũng là niềm vui của người cha. Chúa Giêsu đã nói đến việc “trên trời cũng vui mừng” khi một tội nhân ăn năn sám hối. Mỗi tội nhân trở về là niềm vui của Thiên Chúa và niềm vui của con người.

 
Dụ ngôn “Người cha nhân hậu” là một trong những áng văn chương đẹp nhất của Kinh Thánh, bởi nó diễn tả dung mạo Thiên Chúa qua những đặc tính rất “người”. Nhân vật người cha phản ánh sự bao dung nhân từ của Chúa. Ngài sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi cho chúng ta. Không những thế, Ngài còn yêu thương dành cho chúng ta những điều tốt lành. Việc người cha sai gia nhân mang nhẫn, dày dép, áo đẹp cho cậu con trước đây đã đi hoang đàng cho thấy, người con thứ đã thực sự được tái hòa nhập vào gia đình, nghĩa là người cha đã quên quá khứ của anh, đã tha thứ cho anh và vẫn thương mến anh như ngày nào.
 
Dụ ngôn “Người cha nhân hậu” có ý nghĩa đặc biệt trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Mỗi chi tiết trong câu chuyện đều mang ý nghĩa sâu sắc và đều gợi ý cho chúng ta suy tư về đức tính của người cha. Kể từ ngày con thứ ra đi, ông vẫn đợi chờ và vẫn hy vọng có ngày nó trở về. Ông còn chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ để thết tiệc trong ngày vui mừng ấy. Niềm vui trở về trước hết là niềm vui của người con hoang đàng, nhưng đó cũng là niềm vui của người cha. Chúa Giêsu đã nói đến việc “trên trời cũng vui mừng” khi một tội nhân ăn năn sám hối. Mỗi tội nhân trở về là niềm vui của Thiên Chúa và niềm vui của con người. Cũng như người cha trong dụ ngôn, Thiên Chúa luôn chờ đợi chúng ta trở về để tha thứ, bao bọc chúng ta trong ân sủng và tình yêu thương. Dù tội lỗi đến đâu đi nữa, con người vẫn không mất niềm hy vọng, vì Thiên Chúa là Cha hay xót thương.
 
Trong khi mọi người đều vui trước sự trở về của người con thứ, thì có một người không vui, đó là người con cả. Kế từ ngày người con thứ đi hoang, anh con cả vẫn ở với cha mình. Tuy vậy, xem ra anh chỉ gần cha về thể lý, mà lòng anh cũng xa vắng, không hơn gì em mình. Khi thấy cậu em trở về, anh không chỉ không vui mà tỏ ra ghen tỵ giận dỗi. Anh khó chịu với cả người cha, vì cho rằng cha anh không công bằng. Anh tự cho mình là người hiếu thảo, hầu hạ cha. Anh đòi phải phân biệt rõ ràng công với tội, ân với oán. Lối suy nghĩ của người con cả cũng là suy nghĩ của nhiều người trong chúng ta. Chúng ta tự cho mình là những người hoàn hảo, là những người “sống trong nhà”, trong khi thực tế, tâm hồn chúng ta xa Chúa. Chính lối sống và cách suy nghĩ ấy làm cho chúng ta xa cách Ngài. Người con cả cũng như người con thứ, đều phải trở về để thay đổi cuộc sống, sám hối lỗi lầm, trở thành con người mới. Nên nhớ bối cảnh của dụ ngôn này, được Chúa Giêsu kể để đối lại những lời xầm xì của những người biệt phái và luật sĩ, khi họ thấy Người thân thiện với người thu thuế và người tội lỗi.
                                                                                         
Mùa Chay là mùa trở về. Khi nói đến trở về, có nghĩa là ta còn ở xa. Khi nói trở về, cũng có nghĩa ta về với nhà mình, với những người thân thiết. Trở về bao giờ cũng là giờ phút đong đầy niềm vui. Những người rời quê hương đi làm ăn xa, dịp tết hay những ngày  giỗ chạp, bao giờ cũng trở về nhà mình để sum họp quây quần. Dù phải vượt qua chặng đường dài, mệt mỏi và tốn kém họ cũng không quản ngại, vì gặp gỡ đoàn tụ mang lại cho họ niềm vui. Thánh Phaolô năm nỉ chúng ta: “Vì Đức Kitô, chúng tôi van nài anh em hãy giao hòa với Thiên Chúa” (Bài đọc II). Giao hòa với Chúa tức là trở về với Ngài, như người con hoang đàng nhận ra những lỗi lầm để xin ơn tha thứ và được sống trong tình Cha.
 
Tác giả sách Giosuê ghi lại một biến cố quan trọng trong lịch sử Do Thái. Đó là sự chấm dứt đời sống lữ hành sa mạc, khởi đầu định cư. Đây cũng là lần đầu tiên họ cử hành long trọng lễ Vượt Qua, kể từ ngày ra khỏi Ai Cập. Từ nay, cuộc sống của họ được ổn định. Họ có thể trồng cấy và ăn những sản phẩm mình làm ra. Đây chính là phần đất mà Chúa đã hứa với tổ tiên của họ. Được định cư nơi đất mới, họ vui mừng hân hoan và nhận ra cánh tay hùng mạnh của Chúa và sự trung tín của Ngài đối với dân riêng. Trong hành trình sa mạc, mặc dầu nhiều lần họ phạm tội, Thiên Chúa vẫn yêu thương và tha thứ cho họ, vì Ngài là Cha và là Đấng giải phóng của họ.
 
Mỗi chúng ta đều có thể nhận ra bản thân mình qua 3 nhân vật chính của dụ ngôn: đó là hình ảnh người cha, người con thứ, và người con cả. Có thể chúng ta ở vị trí của người cha, cần phải đón nhận và tha thứ cho người khác đã xúc phạm đến mình. Có thể chúng ta giống như người con thứ, đã bỏ nhà đi hoang, nay sám hối trở về và nhận ra tình Chúa bao dung nhân từ. Cũng có thể chúng ta giống như người con cả, ghen tương vì thấy người khác được những điều tốt lành. Dù là nhân vật nào đi nữa, thì lời mời gọi sám hối trở về cũng đều cấp thiết. Nếu khiêm tốn nhận mình cần được thương xót và cần được ơn tha thứ, chắc chắn chúng ta sẽ được tràn đầy niềm vui, niềm vui dành cho người trở về.
 
+Gm Giuse Vũ Văn Thiên
 
 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 192
  •   Máy chủ tìm kiếm 5
  •   Khách viếng thăm 187
 
  •   Hôm nay 44,124
  •   Tháng hiện tại 1,076,132
  •   Tổng lượt truy cập 79,824,816