Sợi chỉ đỏ Chúa nhật XXIII Thường niên - Năm C

Thứ năm - 01/09/2022 19:03      Số lượt xem: 661

Chủ đề: Ý thức cái giá phải trả khi làm môn đệ Chúa


Từ bỏ mọi sự và vác thập giá theo Chúa
(x. Lc 14, 25-33)
Sợi chỉ đỏ:
- Bài đọc I: “Ai nào hiểu được Chúa muốn điều chi ?” Cần phải được Chúa ban ơn khôn ngoan để có thể hiểu được ý định của Ngài.
- Tin Mừng: Chúa Giêsu nói rõ ý định của Ngài : ai muốn làm môn đệ Ngài thì phải sẵn sàng từ bỏ tất cả.
 
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Anh chị em thân mến,
Mỗi ngày Chúa nhật khi chúng ta đến với Chúa, chúng ta đã được nghe Chúa nói với chúng ta nhiều điều, những điều rất ngọt ngào, những điều rất an ủi. Hôm nay Chúa sẽ nói với chúng ta một điều không ngọt ngào lắm: Ngài muốn chúng ta phải hy sinh, phải từ bỏ.
Tại sao theo Chúa thì phải hy sinh và từ bỏ? Và phải hy sinh từ bỏ những gì?
Chúng ta hãy chú ý nghe Chúa giải thích. Và xin Chúa giúp chúng ta can đảm đáp lại lời kêu gọi của Ngài.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
- Phải chăng từ trước tới nay chúng ta đi theo Chúa vì tính toán vụ lợi, nghĩa là chỉ để được Chúa ban cho ơn này ơn nọ?
- Phải chăng chúng ta ít biết hy sinh?
- Phải chăng chúng ta rất ngại từ bỏ?
III. LỜI CHÚA
1. Bài đọc I (Kn 9, 13-18)
Sách Khôn ngoan sưu tập những suy nghĩ của nhiều thế hệ loài người về những vấn đề căn bản. Đoạn trích hôm nay bàn về giới hạn của sự hiểu biết của con người:
- Ngay cả những vấn đề thuộc hạ giới, tức là những vấn đề trong tầm tay con người mà con người cũng phải rất nhọc công mới khám phá được, thậm chí nhiều điều con người không hiểu nổi.
- Huống chi những vấn đề thuộc thượng giới, những vấn đề liên quan đến cuộc sống đời đời.
- Vì thế, con người rất cần được Thiên Chúa ban ơn khôn ngoan để biết đường lối của Chúa để mà đi theo và nhờ đó được ơn cứu độ.
2. Đáp ca (Tv 89)
Thánh vịnh này triển khai những ý tưởng của bài đọc I:
- Thân phận con người rất mỏng manh: “như cỏ đồng trổi mọc ban mai, nở hoa vươn mạnh sớm ngày, chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn”
- Do đó con người kêu xin Chúa: “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan”
3. Tin Mừng (Lc 14, 25-33)
a. Khung cảnh: Khi ấy “Có rất nhiều người đi đường với Chúa Giêsu”: họ đang cùng với Chúa Giêsu “tiến lên Giêrusalem”. Nhưng có lẽ họ cho rằng đây là một sự tiến lên để giành chiến thắng theo kiểu trần gian. Để xóa tan hiểu lầm này, Chúa Giêsu nói những lời tiếp theo.
b. Đại ý Chúa Giêsu nói: Ai muốn làm môn đệ Chúa Giêsu (“đi theo” Ngài) thì phải yêu mến Ngài hơn (diễn tả theo kiểu đặc biệt sêmít là “ghét”) tất cả những gì mình tha thiết nhất, chẳng hạn cha mẹ, vợ con, anh em và cả mạng sống mình nữa.
c. Sau đó Chúa Giêsu đưa ra hai dụ ngôn: Một người xây tháp trước khi xây phải tính toán kỹ để chọn lựa quyết định có nên xây hay không. Một ông vua trước khi đi giao chiến cũng phải tính toán kỹ để chọn lựa có nên giao chiến hay không. Cũng thế, nếu biết theo Chúa Giêsu phải chấp nhận từ bỏ tất cả, thì trước khi theo phải tính toán cho kỹ.
4. Bài đọc II (Plm 9b-10. 12-17) (Chủ đề phụ)
Đây là một phần của bức thư Phaolô viết cho một tín hữu của ngài là Philêmon.
Hoàn cảnh: Khi ấy, một nô lệ của Philêmon tên là Ônêsimô bỏ nhà trốn đi, có lẽ sau khi đã ăn cắp một số tiền. Do hoàn cảnh nào đó đẩy đưa, Ônêsimô gặp Phaolô đang ở tù. Ônêsimô xin theo đạo. Phaolô chấp thuận. Phaolô cũng quyến luyến Ônêsimô muốn giữ anh lại với mình, nhưng không thể được. Vì thế Phaolô quyết định gởi Ônêsimô về cho chủ. Nhưng Phaolô không gởi suông, mà cho Tychique đi kèm và còn mang theo lá thư này nữa cho Philêmon trong đó Phaolô tế nhị gợi ý Philêmon sẽ đón nhận Ônêsimô như một người anh em trong đức tin. Nhưng Phaolô không hề lạm dụng tình nghĩa của Philêmon đối với mình để làm áp lực, trái lại chỉ nhẹ nhàng gợi ý và hy vọng Philêmon sẽ vì lòng tốt mà làm việc đó.
IV. GỢI Ý GIẢNG
1. Con đường theo Chúa
Thánh Luca mở đầu bài tường thuật này như sau: “Có rất đông người đi theo Chúa Giêsu. Ngài quay lại bảo họ”. Trong ngôn ngữ Thánh kinh, “đi theo” có nghĩa là làm môn đệ. Chúa Giêsu là ông thầy đi trước, các môn đệ đi theo phía sau. Thông thường ông thầy chỉ cần đi trước cho các môn đệ đi theo. Nhưng trong chuyện này Chúa Giêsu đã “quay lại bảo họ”, nghĩa là Ngài có điều quan trọng muốn dặn dò kỹ các môn đệ.
Điều quan trọng mà Chúa Giêsu muốn dặn dò kỹ các môn đệ là gì? Đọc tiếp đoạn Tin mừng chúng ta thấy Chúa dặn dò 2 điều: một điều tiêu cực là phải từ bỏ, một điều tích cực là phải vác thập giá. Chúng ta hãy suy nghĩ về từng điều:
a. Điều thứ nhất là từ bỏ
- Tại sao làm môn đệ Chúa thì phải từ bỏ? Vì đi theo Chúa giống như đi leo núi. Nếu mang nhiều thứ cồng kềnh thì sẽ bận vướng nặng nề khiến không leo nhanh được, thậm chí còn có thể bỏ cuộc.
- Vậy phải từ bỏ những gì? Chúa Giêsu kể: phải bỏ “cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình”. Qua cách nói “Cha mẹ, vợ con, anh chị em”, ý Chúa muốn nói tới gia đình; còn qua chữ “mạng sống”, ý Chúa muốn nói tới những gì thân thiết nhất của mình. Nhưng ta hãy hiểu cho đúng; Chúa không bảo người môn đệ phải bỏ những thứ vừa kể một cách tiên thiên, mà là bỏ nếu như chúng làm bận vướng cho việc đi theo Chúa. Gia đình là tốt, mạng sống là cần. Gắn bó với gia đình và tha thiết với mạng sống không có gì là xấu cả. Tuy nhiên bất cứ khi nào mình cảm thấy 2 thứ đó trở thành bận vướng, hay bất cứ khi nào Chúa soi sáng cho ta thấy như vậy, thì người môn đệ phải can đảm từ bỏ.
b. Điều quan trọng thứ hai mà Chúa Giêsu căn dặn chúng ta là vác Thập giá
- Tại sao muốn đi theo Chúa thì nhất thiết phải với thập giá? Vì, như đã vừa nói ở phía trên, nếu đi theo Chúa giống như đi leo núi, thì thập giá giống như cây gậy của người leo núi. Nó rất cần và rất có ích. Không có gậy để dò đường và để chống đỡ thì ta sẽ mỏi chân, sẽ không đi nổi, có khi té ngã hay bỏ cuộc.
- Điều thứ hai này có liên quan tới điều thứ nhất: chúng ta từ bỏ những thứ bận vướng là để mình có thể thong dong mà vác thập giá.
Chúng ta thường quên mất 2 việc rất quan trọng để thực sự xứng đáng làm môn đệ Chúa:
- Xưa nay chúng ta quen tìm kiếm để được thêm chứ ít khi nào chủ động từ bỏ. Thỉnh thoảng có từ bỏ chỉ là vì miễn cưỡng, vì ráng chịu vậy mà thôi. Thí dụ khi chúng ta bị mất tiền, mất đồ đạc, khi một người thân chết.
- Cũng thế xưa nay chúng ta không chủ động vác thánh giá. Thập giá nào Chúa gởi thì chúng ta ráng mà vác vậy thôi. Nguyên việc khám phá thứ nhất này cũng cho thấy chúng ta chưa thực sự xứng đáng làm môn đệ Chúa Giêsu. Người môn đệ thật của Chúa phải chủ động từ bỏ và chủ động vác thập giá.
2. Đòi hỏi của tình yêu
Giới Tử Thôi người nước Tần, đời Xuân Thu Chiến Quốc, là bầy tôi trung thành của công tử Trùng Nhĩ.
Khi công tử Trùng Nhĩ phải lưu vong nơi đất khách quê người, lương thực đã cạn kiệt, công tử lại không thể ăn những loại rau hoang cỏ dại trong rừng. Giới Tử Thôi đã lén cắt thịt đùi của mình nấu canh cho Trùng Nhĩ ăn.
Về sau Trùng Nhĩ khôi phục lại nghiệp cả, làm vua nước Tần, Giới Tử Thôi xin về làng ở ẩn, chứ không hề kể công lênh ngày xưa.
Trùng Nhĩ dù sau này có làm vua thì cũng là người trần mắt thịt, mà Giới Từ Thôi còn dám bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chịu khổ cực để theo hầu, hơn nữa còn hy sinh chính thân mình để tỏ lòng trung thành với chủ nhân. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta trước khi chúng ta có mặt trên cõi đời này, lẽ nào chúng ta lại không dám bỏ người thân, của cải, và ngay cả chính mình để bước theo Người?
Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay thật rõ ràng: “Ai đến với tôi mà không từ bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 26). Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu động từ “dứt bỏ” không có nghĩa là cắt đứt, là từ bỏ, mà là “ít hơn”. Vì tiếng Hy Bá không có thể văn so sánh hơn kém, nên khi cần diễn tả hơn kém người ta dùng lối văn đối ngẫu “yêu và bỏ”. Thánh Matthêu hiểu như vậy nên đã viết: “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy thì không xứng đáng với Thầy” (Mt 10, 37).
Vậy ý của Chúa Giêsu là nếu ai muốn làm môn đệ Người thì phải đặt tình yêu Chúa lên trên mọi thứ tình yêu, hay nói cách khác tình yêu Chúa phải thấm nhuần và hướng dẫn mọi tình yêu: Tình yêu gia đình, bạn bè và ngay cả chính mình.
Như thế, người tín hữu khi đã chọn theo Chúa, làm môn đệ của Người, họ vẫn phải yêu mến người thân, gia đình, bạn bè; họ vẫn phải yêu mến chính bản thân mình; họ cũng phải quý mến của cải như là những ơn lành Chúa ban. Nhưng khi cần thì tất cả những tình cảm đó phải hy sinh cho tình yêu Thiên Chúa. Đó chính là bậc thang giá trị mà người môn đệ nào khi theo Chúa cũng phải đặt lại cho mình.
Nhưng có một cám dỗ rất nguy hiểm này, là Thiên Chúa thì linh thiêng xa vời, mà con người và của cải thì sờ sờ trước mắt, lại hấp dẫn cuốn hút lạ thường, nên người ta dễ đặt lại giá trị ưu tiên lúc nào mà chính mình cũng chẳng hay biết. Vì thế, Chúa mới cảnh giác qua hai dụ ngôn “Xây tháp” và “Cuộc giao chiến”. Tháp đã khởi công xây dựng, cuộc chiến đã bắt đầu, thì không thể ngồi xuống mà bàn tính. Phải dồn vốn để xây tháp, phải dồn sức mà tấn công. Nhiều người đã khởi công nhưng chẳng thành công, nhiều kẻ đã chiến đấu nhưng không chiến thắng.
Chúa muốn những kẻ theo Người phải trung thành trong tình yêu, và dám sống chết với ơn gọi của mình. Người không chấp nhận “cầm cày mà còn quay lại sau lưng”. Thật vậy, những kẻ “đứng núi này trông núi nọ” thường là những người bỏ cuộc, và những kẻ “bắt cá hai tay” là những người thua thiệt nhiều nhất. Đúng như Pierre Charles đã nói về họ: “Có nhiều kẻ không leo đến đỉnh núi mà lại ngồi an hưởng ở lưng chừng với những tiện nghi tầm thường nhỏ nhoi”.
Lạy Chúa, chúng con đã chọn Chúa là cùng đích cuộc đời, nhưng biết bao lần chúng con chỉ thấy chọn Chúa là thua thiệt, là hy sinh, là mất mát.
Xin đừng bao giờ để chúng con nản chí, bỏ cuộc, rút lui vì những đòi hỏi gắt gao của tình yêu, nhưng xin cho những thử thách ấy trở nên những cơ hội giúp chúng con lớn lên trong tình yêu Chúa nhiều hơn. Amen. (TP)
3. Lời nói thẳng thắn
Dòng Thừa Sai Bác ái của Mẹ Têrêsa Calcutta đã rất nổi tiếng, nên có rất nhiều thiếu nữ xin gia nhập. Nhưng Mẹ Têrêsa rất thẳng thắn, Mẹ nói với họ: “Công việc người nữ tu dòng này rất cực khổ: chúng tôi phải phục vụ cho những người nghèo và những người vô gia cư. Chúng tôi phải làm việc suốt 24 giờ mỗi ngày”. Mẹ Têrêsa thẳng thắn như thế để các thiếu nữ ý thức và cân nhắc cẩn thận trước khi gia nhập dòng.
Gia nhập “dòng” của Chúa Giêsu để làm môn đệ Ngài còn cực khổ hơn nhiều. Vì thế Chúa Giêsu cũng rất thẳng thắn nói rõ cho những kẻ đi theo Ngài: Ai muốn làm môn đệ Ngài thì phải sẵn sàng từ bỏ tất cả và còn phải vác thập giá mà theo.
Làm môn đệ Chúa không phải là bám theo một nhân vật quyền thế để có ô dù che chở hay để chia xẻ vinh dự, mà là để sống theo gương Ngài: hy sinh tất cả vì yêu thương mọi người.
Bởi đó người muốn làm môn đệ Chúa cần phải suy nghĩ kỹ xem mình có thể đáp ứng được những đòi hỏi khó khăn ấy không. Như người xây tháp phải suy nghĩ kỹ về khả năng tài chính của mình, như một ông vua trước khi xuất chinh phải suy nghĩ kỹ về sức mạnh quân sự của mình.
Nếu chúng ta suy nghĩ kỹ về khả năng đáp ứng của mình trước hai đòi hỏi trên của Chúa Giêsu, chắc là chúng ta nản lòng không dám làm môn đệ của Ngài nữa.
Tuy nhiên gương các tông đồ là một khích lệ cho chúng ta: ban đầu các ông theo Chúa Giêsu mà không suy nghĩ gì nhiều; nhiều lúc các ông còn nghĩ rằng theo Chúa Giêsu thì sẽ được chia quyền chia thế trong nước mà Ngài sẽ thành lập. Nhưng Chúa Giêsu từ từ thanh luyện suy nghĩ của các ông. Sau ngày Chúa phục sinh, các ông mới hiểu rõ thế nào là làm môn đệ Chúa; và nhờ sức mạnh Chúa Thánh Thần các ông đã can đảm từ bỏ tất cả và vác thập giá của mình đi theo Chúa một cách hăng hái và vui vẻ.
Hiện giờ chúng ta chưa đủ khả năng đáp ứng những đòi hỏi của Chúa về một người môn đệ. Nhưng ít ra ý thức của chúng ta về những đòi hỏi đó cũng giúp chúng ta không đi theo Chúa vì những tính toán sai lệch. Nhìn gương các tông đồ và tin tưởng vào sự trợ giúp của ơn Chúa, chúng ta có thể can đảm từ bỏ và vác thập giá đi theo Ngài.
4. Người-đi-theo và người-môn-đệ
Trong đoạn Tin Mừng này, có những cụm từ rất ý nghĩa, đó là “đi theo” và “làm môn đệ”. Thánh Luca đã xử dụng những cụm từ này rất khéo: “Khi ấy có rất đông người đi theo Chúa Giêsu. Ngài quay lại bảo họ: Ai không dứt bỏ... thì không thể làm môn đệ tôi. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi thì không thể làm môn đệ tôi”... Rất đông người “đi theo” Chúa Giêsu nhưng không phải tất cả đều là “môn đệ” Ngài; chỉ những ai đi theo mà từ bỏ và vác thập giá thì mới là môn đệ.
Người-đi-theo chưa hẳn là người-môn-đệ
Cũng như người-nói “Lạy Chúa, lạy Chúa” chưa hẳn là người-làm theo ý Chúa.
Cũng như người-đến-nhà-thờ chưa hẳn là người-tín-hữu.
Cũng như người-mang-danh Kitô hữu chưa hẳn là người-Kitô-hữu.
Điều khiến người-nói thành người-làm, người-đến-nhà-thờ thành người-tín-hữu, người-đi-theo thành người-môn-đệ, người-mang-danh-kitô-hữu thành người-Kitô-hữu-đích-thực, đó là từ bỏ và vác thập giá.
Một trong những khiếm khuyết của Giáo Hội - và là khiếm khuyết lớn nhất - đó là trong Giáo Hội có rất nhiều người-đi-theo Chúa Giêsu, nhưng rất ít người-môn-đệ thực sự của Ngài.
5. Trả giá
Muốn làm việc gì cũng phải trả giá cho việc đó. Việc càng trọng thì giá càng cao. Nhiều người không làm xong việc mình muốn làm là vì không dám trả giá.
Antoinette là một cô gái rất đẹp nhưng rất nghèo. Điều mơ ước duy nhất của cô là trở thành giàu có, và cô nghĩ rằng cách dễ nhất là lấy được một người chồng giàu. Nhưng rủi thay khi cô lấy chồng thì người chồng của cô chỉ là một kẻ thường dân. Thất vọng và chán nản, cô chẳng muốn làm gì nữa, cũng chẳng muốn đi đâu hết.
Một hôm, Antoinette nhận được thiệp mời đến dự một bữa tiệc gồm toàn những người quý phái. Cô mừng lắm. Nhưng cô không có y phục và nữ trang sang trọng. Tuy nhiên cô biết cách thu xếp: cô rút hết tiền tiết kiệm ra mua được một bộ áo đẹp; cô đến với Marie một bạn học cũ mượn được một chiếc vòng nạm kim cương.
Thế là Antoinette xuất hiện trong bữa tiệc với một dáng vẻ rất xinh đẹp và sang trọng. Mọi cặp mắt đều đổ dồn về cô. Cô rất sung sướng. Tuy nhiên khi tiệc tàn, trở về nhà, cô hoảng hốt khi biết chiếc vòng nạm kim cương đã rơi mất. Tìm tới tìm lui nhiều lần mà vẫn không thấy.
Chẳng còn cách nào khác, cô đành phải đi vay 40 ngàn quan với lãi suất cao để ra tiệm kim hoàn mua một chiếc vòng y như thế trả lại cho Mary. Vì hai chiếc vòng rất giống nhau nên Marie không thắc mắc gì cả.
Từ đó trở đi, Antoinette phải làm đủ mọi việc để kiếm tiền trả nợ. Sau 10 năm, cô trả xong nợ. Nhưng khi đó trông cô rất già và không còn xinh đẹp như ngày xưa nữa.
Một hôm Antoinette và Marie tình cờ gặp nhau:
- Ồ sao trông bạn già đi và tiều tụy như thế? Marie giật mình hỏi.
- Tất cả chỉ tại bạn đó.
- Sao lại tại tôi?
Antoinette kể rõ đầu đuôi sự việc. Nghe xong Marie nói:
- Trời ơi tội nghiệp cho bạn quá. Chiếc vòng nạm kim cương của tôi là đồ giả. Giá chỉ có 400 quan thôi.
Thế là đột ngột Antoinette được Marie trả lại 39.600 quan. Cô đã trở thành người giàu có. Nhưng với cái giá là 10 năm làm quần quật đủ mọi thứ việc cùng với một thân xác tiều tuỵ và một bộ mặt già nua.
Phải chi Antoinette đã chịu khó làm việc ngay từ đầu thì cái giá đâu đến nỗi cao quá như vậy!
6. Chuyện minh họa
a/ Một hôm, có một người đến hỏi một giáo sư nổi tiếng về một thanh niên: “Anh ta có phải là môn đệ của thầy không?” Vị giáo sư đáp: “Quả thật anh ta đang theo học những bài dạy của tôi. Nhưng không bao giờ anh ta là môn đệ của tôi”.
b/ Một vị vua đến thăm một thiền viện. Nhà vua hỏi vị thiền sư: “Trong thiền viện này có tất cả bao nhiều người đang theo học”. Thiền sư đáp “10 ngàn”. Nhà vua rất ngạc nhiên. Nhưng nhà vua càng ngạc nhiên hơn nữa khi thiền sư nói tiếp: “Trong số đó, số môn đệ thật của tôi chỉ có 4 hoặc 5 người”.
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
Chủ tế: Anh chị em thân mến, có người nào biết được ý định của Thiên Chúa? Ai hiểu được Chúa muốn gì? Với ước mong được Chúa ban Đức Khôn ngoan và Thánh Thần để giúp ta hiểu được thánh ý Người, chúng ta cùng dâng lời cầu xin:
1. Hội thánh luôn bênh vực những người thấp cổ bé miệng/ bảo vệ những ai cô thế cô thân/ giúp đỡ những kẻ đói rách bần cùng./ Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa nâng đỡ các công cuộc từ thiện của Hội thánh trên khắp hoàn cầu.
2. Ngày nay/ tuy chế độ nô lệ không còn nữa/ nhưng nhiều hình thức nô lệ khác tinh vi hơn vẫn tồn tại và phát triển/ làm mất hết tự do và phẩm giá của con người/ như việc buôn bán phụ nữ còn đang xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới./ Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những nhà lãnh đạo các quốc gia/ sớm tìm được phương thế thích hợp/ để tiêu diệt tội ác đáng kinh tởm này.
3. Trách nhiệm của người Kitô hữu/ là cộng tác với hết thảy mọi người thành tâm thiện chí/ để xây dựng trái đất này ngày càng xinh đẹp và hữu ích hơn./ Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những ai tin Chúa/ biết cố gắng thực hiện trọn vẹn bổn phận cao quý này.
4. Chúa Giêsu nói:/ Ai không vác thập giá mình mà theo tôi/ thì không thể làm môn đệ tôi được./ Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta/ luôn can đảm đón nhận mọi thử thách/ và trung kiên bước theo Chúa đến cùng.
Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương và mời gọi chúng con làm con cái Chúa. Xin Chúa giúp chúng con luôn sống xứng danh người Kitô hữu, để những anh chị em chưa nhận biết Chúa, nhìn vào đời sống của chúng con mà nhận ra Chúa chính là tình yêu. Chúng con cầu xin …
VI. TRONG THÁNH LỄ
- Trước kinh Lạy Cha: Tác giả đoạn sách Khôn ngoan hôm nay đã viết “ý định của Chúa ai nào biết được”. Chúng ta hãy xin Chúa tỏ cho chúng ta biết được thánh ý của Ngài để chúng ta thi hành.
VII. GIẢI TÁN
Chúng ta hãy ghi nhớ lời Chúa Giêsu “Ai không vác thập giá mình mà theo Ta thì không xứng đáng làm môn đệ Ta”. Trong tuần này chúng ta hãy can đảm vác lấy những thập giá hằng ngày để theo Chúa.

 

Tác giả bài viết: Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 202
  •   Máy chủ tìm kiếm 10
  •   Khách viếng thăm 192
 
  •   Hôm nay 37,054
  •   Tháng hiện tại 1,023,971
  •   Tổng lượt truy cập 79,772,655