Chú giải Lời Chúa Chúa nhật VI Phục Sinh - Năm A

Thứ năm - 11/05/2023 08:27      Số lượt xem: 422

Vào Chúa nhật VI Phục Sinh, lễ Ngũ Tuần sắp đến gần, các bài đọc phụng vụ loan báo Chúa Thánh Thần, Thần Chân Lý.

Cv 8: 5-8; 14-17
Sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật dân Sa-ma-ri trở lại Đạo và lần đầu tiên kể ra Bí tích Thêm Sức: thánh Phê-rô và thánh Gio-an đến đặt tay trên những người đã chịu phép Rửa để họ được đón nhận Chúa Thánh Thần.
1Pr 3:15-18                       
Bài đọc II tiếp tục trích thư thứ nhất của thánh Phê-rô lại nêu lên của lễ hy tế của Đức Giê-su, chết cho tội lỗi chúng ta, nhưng Thánh Thần đã phục sinh Ngài.
Ga 14: 15-21
Tin Mừng là đoạn trích dẫn diễn từ từ biệt mà Đức Ki-tô ngỏ lời với các môn đệ Ngài, vào buổi chiều Tiệc Ly: Ngài hứa với họ sai Đấng Bảo Trợ, Thánh Thần chân lý đến ở với họ luôn mãi.

 CN 6 PS A 4

BÀI ĐỌC I (Cv 8: 5-8, 14-17):
Sau việc thiết lập bảy cộng tác viên, cuộc bách hại đã bất ngờ giáng xuống cộng đoàn Ki-tô hữu non trẻ Giê-ru-sa-lem. Khởi điểm là lời rao giảng của thánh Tê-pha-nô, một trong bảy cộng tác viên. Lời rao giảng táo bạo của ông khiến Thượng Hội Đồng phẫn nộ. Họ xúi dục dân chúng ném đá thánh Tê-pha-nô cho đến chết..
Nhiều môn đệ trốn chạy và nhất là những Ki-tô hữu thuộc khối Hy Lạp bị nhắm đến đặc biệt hơn. Đi đến đâu, họ đều làm chứng về Đức Ki-tô Phục Sinh. Thế là Lời Chúa được loan truyền rộng rãi vượt ra bên ngoài thành đô Giê-ru-sa-lem. Chính trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, họ trở thành những nhà truyền bá Tin Mừng: “Vậy những người phải tản mác khắp nơi loan báo Lời Chúa.” (8: 4).
1. Công việc truyền giáo của Phi-líp-phê:
Sau khi sơ tán khỏi Giê-ru-sa-lem, Phi-líp-phê, một trong bảy cộng tác viên, “xuống một thành miền Sa-ma-ri và rao giảng Đức Ki-tô cho dân chúng ở đó”. Tác giả không nói với chúng ta thành nào. Cuộc truyền giáo luôn luôn đạt được kết quả mỹ mãn. Dân chúng chú ý đến lời rao giảng của ông và bị lôi cuốn bởi những phép lạ ông thực hiện nên theo đạo rất đông. Như Đức Ki-tô và nhân danh Ngài, Phi-líp-phê thực hiện nhiều “phép lạ”. Chúng ta ghi nhận rằng thánh Lu-ca nói về việc chữa lành những người bị bại liệt, một thuật ngữ chuyên môn, chứ không là những người bại liệt, một từ ngữ bình dân - cũng vậy, trong Tin Mừng của mình, thánh ký luôn luôn dùng thuật ngữ chuyên môn này, bởi vì thánh Lu-ca là thầy thuốc. Đây là một tiểu tiết mang lấy chữ ký của ngài.
“Trong thành, người ta rất vui mừng”. Đây cũng là một ghi nhận rất tiêu biểu của thánh Lu-ca. Những kẻ bệnh hoạn tật nguyền được chữa lành, cả thành đều tràn ngập niềm vui thiên sai mà các ngôn sứ đã loan báo từ ngàn xưa. Niềm tin vào Đức Giê-su Phục Sinh không những đã làm cho họ phấn chấn, mà ngay cả thân xác của họ cũng được phục hồi sức khoẻ.
“Các Tông Đồ vẫn ở Giê-ru-sa-lem”. Sách Công Vụ nhấn mạnh đến hai lần rằng trong lúc bách hại, không một Tông Đồ nào rời bỏ Thành Thánh.
2. Dân Sa-ma-ri đón nhận phép Thêm Sức:
Nghe biết dân Sa-ma-ri trở lại Đạo, thánh Phê-rô và thánh Gio-an đến tận nơi. Chúng ta đã thấy rồi, hai vị Tông Đồ này thường hoạt động cùng nhau.
Những ai đã chịu phép Thánh Tẩy, hai Tông Đồ đặt tay trên họ để Thánh Thần ngự xuống trên họ. Đó là cử chỉ Bí tích mà sau này chúng ta gọi “Bí tích Thêm Sức”, Bí tích này hoàn thiện phép Thánh Tẩy bằng việc đặt tay ban Thánh Thần. Chỉ duy các Tông Đồ, những người kế vị Đức Giê-su, mới có đủ thẩm quyền ban Thánh Thần. Thế là biến cố ngày Ngũ Tuần một lần nữa được tái diễn ở một nơi khác ngoài Giê-ru-sa-lem, và cứ như thế ở bất cứ nơi nào mà Lời Chúa có dịp tràn đến.
 
BÀI ĐỌC II (1Pr 3 : 15-18)
Vào Chúa nhật này, chúng ta tiếp tục trích dẫn thư thứ nhất của thánh Phê-rô gởi cho những Ki-tô hữu miền Tiểu Á. Đoạn trích này dọi chiếu vài tia sáng trên những thử thách mà họ phải chịu. Thánh Tông Đồ an ủi khích lệ họ. Họ phải chịu phỉ báng, vu khống, bị điệu ra trước tòa, bị trách cứ vì cách sống mới của họ, .... Đây là những cuộc bách hại địa phương hoặc do những anh em đồng đạo Do Thái trước đây của họ hay do đồng bào ngoại giáo trước đây của họ.
1. Hãy tôn kính Đức Ki-tô làm Chúa trong lòng anh em:
Thánh Phê-rô khuyên nhủ họ. Lời mở đầu: “Đừng sợ những kẻ làm hại anh em và đừng xao xuyến. Đức Ki-tô là Đấng Thánh, hãy tôn kính Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em” (1Pr 3 : 14-15) gợi hứng từ bản văn của  Is 8 : 12-13 : “Các ngươi đừng sợ và đừng kinh hãi. Chính Đức Chúa các đạo binh là Đấng các ngươi phải nhìn nhận là Đấng Thánh. Chính Người là Đấng các ngươi phải kính sợ, chính Người là Đấng các ngươi phải kinh hãi”.  
Vị ngôn sứ xưa kia ngỏ lời với Giê-ru-sa-lem bị đe dọa và với vua A-khát sợ hãi và xao xuyến. Hoàn cảnh bấy giờ xem ra tương tự. Những người bị bách hại đừng khiếp sợ kẻ thù của họ ! Đừng có mối bận lòng nào khác ngoài làm đẹp lòng Thiên Chúa !
2. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời :
Sau khi khuyên nhủ một cách khái quát, thánh Phê-rô khuyên nhủ sát với thực tế hơn : “Hãy trả lời cho bất cứ ai chất vấn anh em về niềm hy vọng của anh em”. Thánh nhân ám chỉ đến việc họ bị điều ra trước thế quyền cũng như giáo quyền và khuyên họ hãy bênh vực niềm tin của họ và hãy biện minh niềm hy vọng của họ đối diện với những kẻ không tin.
Đây là lần đầu tiên thánh Phê-rô ban một lời khuyên như vậy cho thấy những hoàn cảnh khó khăn mà các tín hữu phải trải qua. Sau này vào lúc những cuộc bách hại lớn lao như cuộc bách hại của hoàng đế Domitien (81-96) khắp Đế Quốc, lời khuyên nhủ như thế sẽ mặc lấy một tính chất bi thảm.
Tiếp đó, trở lại chủ đề chạy xuyên suốt bức thư: Phúc cho những ai bị bách hại vì công chính ! thánh nhân viết: “bởi lẽ thà chịu khổ vì làm việc lành còn hơn là vì làm điều ác”. Sau cùng, thánh Phê-rô một lần nữa viện dẫn Đức Giê-su như mẫu gương: Đức Giê-su, Đấng Công Chính đã chết cho những kẻ bất lương, nhưng Ngài đã chiến thắng sự chết, đó là nền tảng niềm hy vọng của chúng ta.
Niềm an ủi mà vị thủ lãnh Giáo Hội muốn đem đến cho các cộng đoàn Ki-tô hữu miền Tiểu Á bị cư xử bất công, cốt ở nơi lời giáo huấn căn bản này: Đức kiên nhẫn trong những trăm chiều thử thách dẫn họ đến cùng một vận mệnh vinh quang như vận mệnh của Đức Ki-tô.
 
TIN MỪNG (Ga 14 : 15-21)
Chúng ta tiếp tục Diễn Từ Từ Biệt của Đức Giê-su cho các môn đệ Ngài. Thấy họ xao xuyến trước lời loan báo về cái chết sắp đến của Ngài, Đức Giê-su nói với họ những lời an ủi và hứa với họ Ngài sẽ trở lại tìm họ để họ nên một với Ngài luôn mãi trong mối thâm tình với Cha Ngài (Chúa nhật vừa qua). Chúa Giê-su lại còn hứa Ngài sẽ sai phái Chúa Thánh Thần đến ở với họ, đây là đối tượng của đoạn Tin Mừng Chúa nhật này.
1. Trung thành trong tình yêu:
Trước khi hứa sai Thánh Thần đến ở với họ, Đức Giê-su đòi hỏi họ hãy tuân giữ các điều răn của Ngài như bằng chứng tình yêu của họ đối với Ngài.
Chúng ta lưu ý rằng Đức Giê-su nói theo cùng một cách như Đức Chúa khi Người giảng dạy dân Do Thái và ban Lề Luật của Người cho họ. Chỉ duy mình Thiên Chúa mới có thể đòi hỏi như vậy. Đây cũng còn cách thức Đức Giê-su bày tỏ Thiên Tính của Ngài. Nhưng Đức Giê-su nhấn mạnh việc tuân giữ trong tình yêu. Ngài đòi hỏi yêu mến hơn vâng phục: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy”. Đức Giê-su đòi hỏi yêu mến con người của Ngài chứ không là Lề Luật. Tất cả điểm nhấn của Ki-tô giáo đều tập trung vào luật mới mà Đức Ki-tô ban cho: không áp đặt từ bên ngoài, nhưng là hành vi chan chứa tình yêu, vì thế kêu gọi đi vào trong mối tương giao với Thiên Chúa.
Trong Tin Mừng Gio-an, tình yêu sánh bước với sự hiểu biết và thực hành những điều răn (x. Ga 14: 15; 14: 21). Sự hiểu biết được nêu lên ở đây không đơn giản là kiến thức, nhưng trào dâng từ cuộc sống, được cưu mang, sinh ra từ kinh nghiệm cụ thể. Đây là một sự hiểu biết thực tiễn từ cõi lòng sâu thẳm nhất. Đó là lý do tại sao, trong Tin Mừng Gio-an, có mối liên kết bền chặc giữa tình yêu, sự hiểu biết và tuân giữ các điều răn.
Bản chất tình yêu là muốn được sống cùng nhau, nên một với người mình yêu, không muốn xa lìa nhau. Khi người ta yêu nhau, người ta “đồng cảm” với nhau, người ta “biết” điều gì làm vui lòng người mình yêu và không có bất kỳ ép buộc nào, người ta ra sức thực hiện bất cứ điều gì làm vui lòng người mình yêu, chu toàn ý muốn của người mình yêu. Tuân giữ là cách thức cụ thể thể hiện ra bên ngoài điều mình nghĩ, điều mình yêu. Đây là điều Đức Giê-su đã làm đối với Cha của Ngài (15: 10), người môn đệ cũng sẽ làm như vậy, bởi vì người ấy “đồ lại” cuộc sống của mình trên cuộc sống của Đức Ki-tô, sống cuộc sống của Đức Ki-tô, Đấng hiện diện ở cõi sâu thẳm của người môn đệ.
2. Đấng Bảo Trợ khác:
Đối với những người bạn chí thiết của Ngài, nghĩa là những người thực sự yêu mến Ngài và bày tỏ tấm lòng yêu mến Ngài bằng việc tuân giữ các giới răn của Ngài, Đức Giê-su sẽ xin Cha Ngài sai Thánh Thần đến ở với họ luôn mãi: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến với anh em luôn mãi”.
Qua từ ngữ đơn giản “Đấng Bảo Trợ khác” này, Đức Giê-su định nghĩa cả sứ mạng của Ngài lẫn sứ mạng của Chúa Thánh Thần. Ngài đã đến để là Đấng Bảo Trợ của chúng ta, chứ không là quan tòa của chúng ta, như thánh Gio-an viết trong thư thứ nhất của mình: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi, tôi viết cho anh em những điều này, để anh em đừng phạm tội. Nhưng nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: đó là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Công Chính” (1Ga 2:1-2). Chúa Thánh Thần được gọi là “Đấng Bảo Trợ khác” vì Ngài sẽ tiếp tục công việc này; Ngài sẽ phù trợ chúng ta và “ở với chúng ta luôn mãi”. “Đấng Bảo Trợ” là từ ngữ pháp lý, phải dịch là “trạng sư” mới đúng, vì trong Tin Mừng thứ tư diễn ra một phiên tòa giữa Đức Giê-su và thế gian. Trong Tin Mừng Gio-an, từ ngữ “thế gian” mặc ý nghĩa tiêu cực, tức thế giới gian tà nằm dưới quyền của Xa-tan, thế nên, thế gian không thể đón nhận Chúa Thánh Thần, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Đó là tất cả tấm thảm kịch của sự cứng tin.
3. Thần Khí sự thật:
Đấng Bảo Trợ này cũng được gọi Thần Khí sự thật (15: 26) đối lập với thế gian dối trá. Ngài ban phát sự thật và dẫn các môn đệ đến sự thật. Trong Tin Mừng Gio-an, sự thật không là một phẩm chất luân lý, nhưng là một định nghĩa ngay cả về bản tính Thiên Chúa: Thiên Chúa là sự thật. Sự thật này được phơi bày ở nơi Đức Giê-su Ki-tô, Ngài cũng là sự thật, và sứ mạng của Ngài chính là bày tỏ sự thật cho con người: nghĩa là ban cho họ ơn cứu độ. Có nhiều cách nói: sống trong sự thật hay sống trong Thiên Chúa, hay được cứu độ, nhưng chỉ là một.
Đấng Bảo Trợ khác này cũng là Thần Khí sự thật bởi vì Ngài là Đấng duy nhất mới có thể cho các môn đệ biết Đức Giê-su thật sự là ai, mới có thể giúp cho các ông thật sự sống trong mối hiệp thông đích thật với Con và Cha. Thánh Thần của Đức Giê-su Phục Sinh mà Đức Giê-su sẽ ban cho các môn đệ để dẫn dắt họ vào trong sự thật toàn diện (hay ơn cứu độ trọn vẹn). Như vậy, các môn đệ sẽ có thể hiểu cụ thể con người và sứ mạng của Đức Giê-su, và hiện tại hóa ơn cứu độ của Ngài vào trong cuộc sống thường ngày của họ.
4. “Thầy sẽ không để anh em mồ côi”:
Từ “mồ côi” là lời nói trìu mến, được Đức Giê-su dùng rất nhiều lần, trong suốt Diễn Từ Từ Biệt của Ngài: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy”.
Đoạn, cung giọng ngôn sứ lại được vang lên: Đức Giê-su loan báo cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài: “Phần các con, các con sẽ thấy Thầy, vì Thầy sống và các con cũng sẽ sống.” Hoa trái của sự Phục Sinh của Ngài sẽ là ân ban sự sống, sự sống Thiên Chúa mà Đức Giê-su sẽ ban phát một cách sung mãn.
“Vào ngày đó”: đây là cách nói của Cựu Ước. Chữ “ngày” chỉ một thời kỳ, thường nhất thời cánh chung. “Thời cánh chung” được kể ở đây khởi sự từ biến cố Phục Sinh. Lúc đó, các môn đệ sẽ kinh nghiệm sự hiện diện của Đấng Phục Sinh ở nơi họ, sự hiện diện của một thế giới mới, sự hiện diện Thần Khí, trong một mối hiệp thông sâu thẳm tròn đầy tình yêu.

Tác giả bài viết: Lm. Inhaxiô Hồ Thông


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 237
  •   Máy chủ tìm kiếm 3
  •   Khách viếng thăm 234
 
  •   Hôm nay 28,609
  •   Tháng hiện tại 1,060,617
  •   Tổng lượt truy cập 79,809,301