Chú giải Lời Chúa Chúa nhật IV Mùa Chay - Năm A

Thứ sáu - 17/03/2023 17:54      Số lượt xem: 545

Như Chúa nhật trước, Chúa nhật IV Mùa Chay này giúp chúng ta hiểu Bí tích Thánh Tẩy, mà các tân tòng được chuẩn bị lãnh nhận vào lễ Đêm Phục Sinh.

1Sm 16: 1, 6-7, 10-13
Bài đọc I muốn trình bày việc Đa-vít được tuyển chọn và được xức dầu phong vương thay thế cho vua Sa-un, đó là công việc của chính Thiên Chúa, phù hợp với những dự định của Ngài. Từ đây, vua Ít-ra-en là người được Chúa chọn, mặc một tính chất thánh thiêng và tràn đầy Thánh Linh. Vua Ít-ra-en này là hình ảnh của Đức Ki-tô, Đa-vít của thời đại mới.
Ep 5:8-14        
Trong Thư gởi cho Giáo Đoàn Ê-phê-sô, thánh Phao-lô khuyên những Ki-tô hữu hãy ăn ở sao cho phù hợp với “con cái ánh sáng”.
Ga 9: 1-41
Tin Mừng Gio-an tường thuật việc người mù từ thuở mới sinh được sáng mắt. Bài tường thuật này thuộc giáo lý Bí tích Thánh Tẩy, vì người mù, sau khi rửa trong hồ Si-lô-ác, mắt liền được mở ra đón nhận ánh sáng, anh là tiền trưng của người lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy.
BÀI ĐỌC I (1Sm 16: 1, 6-7, 10-13)
Bản văn này đưa chúng ta trở về những năm tháng đầu tiên của thể chế vương quyền Ít-ra-en (1020-1010 BC). Sau một thời gian dài do dự (Đức Chúa không là vị vua duy nhất của dân đó sao?) và vì những hoàn cảnh đòi buộc, dân Ít-ra-en thử nghiệm thể chế quân chủ. Kinh nghiệm đầu tiên này không thuận buồm xuôi gió: vì vua Sa-un bất tuân, Thiên Chúa đã quyết định phế bỏ vua. Ông Sa-mu-en, người của Đức Chúa, nhận sứ mạng đi tìm kiếm một vị vua mới.
1. Cách thức tuyển chọn lạ lùng của Thiên Chúa:
Tình tiết câu chuyện xảy ra ở Bê-lem. Câu chuyện này đặc biệt mặc khải cách thức Thiên Chúa chọn lựa những tôi trung ưu ái của Ngài: “Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng”. Quả thật, Bê-lem là một vùng quê nhỏ bé không tên tuổi đến nỗi ngôn sứ Mi-kha nói “ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa” (Mk 5:1); hơn nữa, Đa-vít là con út trong gia đình của ông Gie-sê.
Sự chọn lựa của Thiên Chúa luôn luôn gây kinh ngạc. Để bày tỏ niềm ưu ái đối với những kẻ bé mọn và khiêm hạ, Ngài chọn những người con út hơn là những con cả. Xưa kia, Thiên Chúa đã chọn ông Ghít-on để giải phóng Ít-ra-en khỏi sự áp bức của người Ma-đi-an. Ấy vậy, ông là cậu con trai út trong gia đình thuộc bộ tộc “nhỏ bé nhất ở Mơ-na-se.” Ông Mô-sê cũng được nhìn nhận là “người khiêm tốn nhất trong số con cái loài người”. Lịch sử đã cho chúng ta biết bao ví dụ như thế.
2. Đa-vít, cậu bé chăn chiên:
Vùng Bê-lem nhỏ bé này nơi cậu bé Đa-vít xuất thân từ một cậu bé chăn và cũng là nơi mà ngàn năm sau đó Đức Giê-su sẽ chào đời. Những người chăn chiên Bê-lem sẽ là những người đầu tiên đến tôn thờ Ngài. Việc Đấng Mê-si-a giáng sinh ở nơi này sẽ là một trong những dấu hiệu về Đấng Mê-si-a thuộc “dòng dõi Đa-vít”.
3. Khung cảnh phong vương Đa-vít:
Khi đến Bê-lem, Sa-mu-en hiến tế một con bò cái tơ lên Đức Chúa. “Ông thanh tẩy ông Gie-sê và các con trai ông ấy và mời họ đến dự hy lễ.” (1Sm 16: 5b). Sa-mu-en nói với ông Gie-sê: “Chúng ta sẽ không nhập tiệc trước khi Đa-vít tới đây.” Vị ngôn sứ đã hiểu rằng chính cậu út Đa-vít là người Thiên Chúa chọn. Chính trong bữa ăn thánh thiêng này mà Đa-vít được xức dầu phong vương.
4. Xức dầu phong vương.
Xức dầu là nghi thức thánh hiến, thường nhất là nghi thức phong vương. Được người của Thiên Chúa xức dầu tấn phong, vị tân vương trở thành một con người thánh thiêng. Dầu tăng sức mạnh thân thể là biểu tượng sức mạnh của Thiên Chúa, thần lực này đến ở với vua: “vua đầy tràn Thần Khí Thiên Chúa”. Thuật ngữ “Đấng được xức dầu” theo tiếng Do Thái: “Mê-si-a” và tiếng Hy Lạp: “Christos”, được phiên âm “Ki-tô”. Những lời loan báo về Đấng Mê-si-a trước hết là Đấng Mê-si-a vương đế.
Có một truyền thống khác liên quan đến vương quyền Đa-vít. Đa-vít trung thành phục vụ vua Sa-un và đã đạt được uy tín lẫy lừng nhờ chiến công cũng như những nhân cách của ông. Sau khi vua Sa-un tử trận, Đa-vít được xức dầu tấn phong làm vua tại Khép-rôn (x. 2Sm 2: 4; 5: 1-4).
Truyền thống thứ hai này có tính lịch sử hơn trong khi truyền thống thứ nhất (x. 1Sm 16) có tính thần học hơn: nhấn mạnh chính Đức Chúa đích thân chọn Đa-vít làm vua.
 
BÀI ĐỌC II (Ep 5:8-14)
Thánh Phao-lô viết thư gởi các tín hữu Ê-phê-sô từ Rô-ma, trong cảnh lao tù, giữa những năm 61-63. Thư này được gởi đến các cộng đoàn Ki-tô hữu miền Tiểu Á, chủ yếu là những Ki-tô hữu gốc lương dân. Bức thư gồm hai phần: phần thứ nhất thuộc đạo lý (1: 3-3: 21): thánh Phao-lô giải thích mầu nhiệm cứu độ phổ quát được ban cho dân Do Thái cũng như dân ngoại ở nơi Đức Ki-tô. Phần thứ hai thuộc luân lý (4: 1-6: 20) : thánh nhân khuyên các tín hữu hãy sống theo những giá trị Ki tô giáo. Đoạn văn hôm nay được trích từ phần thứ hai này.
Thánh nhân vừa mới nêu lên những chủ đề và hình ảnh khác nhau, rất quen thuộc với khoa giáo lý Bí tích Thánh Tẩy của Giáo Hội tiên khởi, như là “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát… và phải mặc lấy con người mới, đó là con người được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa… Ở đây, thánh nhân tập trung sự chú ý vào chủ đề ánh sáng.
1. Người Ki-tô hữu là ánh sáng:
“Xưa kia anh em đã từng là bóng tối, nhưng bây giờ, nhờ kết hợp với Chúa, anh em lại là ánh sáng.”
Bí tích Thánh Tẩy được đề cập đến một cách mặc nhiên. Bí tích Thánh Tẩy được gọi là “ơn soi sáng”, người chịu phép Thánh Tẩy là “người được ơn soi sáng” và giếng nước Thánh Tẩy được gọi rất ý nghĩa: “nơi lãnh nhận ơn soi sáng”. Ngược lại là bóng tối. Việc đối lập ánh sáng và bóng tối, một chủ đề Kinh Thánh rất xưa và rất phổ biến như gặp thấy trong những bản văn của cộng đoàn Qum-rân. Chủ đề này được thánh Phao-lô và đặc biệt thánh Gio-an lấy lại.
Với cặp tương phản ánh sáng và bóng tối này, thánh Phao-lô kêu gọi những Ki-tô hữu gốc lương dân ý thức rằng cuộc sống của họ đã được biến đổi sâu xa biết bao, họ đã trở nên khác biệt biết mấy; cuộc sống của họ phải làm chứng điều này: “Hãy vạch trần những công việc của bóng tối”. Chắc chắn phải hiểu rằng cách ăn nếp ở của người Ki-tô hữu có thể khiến cho những tội nhân thay đổi cách sống, bởi vì, ánh sáng chiếu soi vào bóng tối và làm cho bóng tối tan: “tất cả những gì đã bị vạch trần, đều lộ ra ánh sáng; mà bất cứ điều gì lộ ra, thì trở nên ánh sáng” .
2. Người Ki-tô hữu chỗi dậy từ bóng tối sự chết:
Qua Bí tích Thánh Tẩy, người Ki-tô hữu “chỗi dậy” từ bóng tối sự chết. Thánh Phao-lô trích dẫn vài câu chắc chắn từ một bài thánh thi về phép Thánh Tẩy của Giáo Hội tiên khởi, và phải là khá phổ biến. Chúng ta gặp thấy bài thánh thi này, khá đầy đủ hơn, trong tác phẩm của Giáo Phụ Clément thành A-lê-xan-dri-a (vào cuối thế kỷ thứ hai sau Công Nguyên)
“Hãy tỉnh giấc đi, hỡi người đang ngủ.
Hãy chỗi dậy đi từ những vong nhân.
Và Đức Ki-tô sẽ chiếu sáng ngươi.
Ngài là ánh sáng Phục Sinh,
được sinh ra trước khi sao mai xuất hiện;
Ngài ban sự sống bởi ánh quang rạng ngời của Ngài” (Protriptique 9, 84, 2)
Bài thánh thi này minh chứng hùng hồn đạo lý phép Thánh Tẩy mà thánh Phao-lô không ngừng nhắc đi nhắc lại: chết cho tội lỗi và tái sinh trong Đức Ki-tô Phục Sinh. Hơn nữa, bài thánh thi đậm đà hương vị Kinh Thánh, gợi nhớ vài hình ảnh của các ngôn sứ như:
“Này những kẻ nằm trong bụi đất,
hãy trỗi dậy, hãy reo mừng!
Vì lạy Chúa, sương Người ban là sương ánh sáng,
và đất sẽ cho các âm hồn được hồi sinh” (Is 26:19)
Hay:
“Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của Người đến rồi.
Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi.
Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân;
còn trên ngươi Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa,
vinh quang Người xuất hiện trên ngươi” (Is 60:1-2)
Đoạn thư này giúp chúng ta hiểu rõ hơn địa vị Ki-tô hữu của chúng ta. Mỗi ngày chúng ta được mời gọi sống hơn nữa những giá trị Ki tô giáo. Đành rằng ơn cứu độ là công trình của Thiên Chúa, nhưng chỉ trở nên hiệu lực khi nào chúng ta mở rộng cõi lòng mình cho Đấng chúng ta tin.
 
TIN MỪNG (Ga 9: 1-41)
Bài tường thuật này gợi lên nhiều điểm tương tự với bài tường thuật Đức Giê-su chữa lành người bất toại (x. Ga 5 : 9-11): Đức Giê-su chỉ xuất hiện vào lúc bắt đầu câu chuyện để thực hiện “dấu lạ” và xác định ý nghĩa của nó (9 : 1-7), và vào lúc kết thúc câu chuyện để long trọng tuyên bố bản án (9 : 35-41). Giữa thời gian ấy, Đức Giê-su rút lui vào hậu trường để hoàn toàn nhường sân khấu cho một bài tường thuật bóng bẩy, linh hoạt, đầy biến động về những phản ứng khác nhau của những hạng người khác nhau trước dấu lạ của Ngài. Tuy nhiên, với tính hồn nhiên, cởi mở, thông hiểu và dũng cảm ăn miếng trả miếng của mình, anh mù đã trổi vượt lên trên người bại liệt thụ động và kém linh hoạt.
1. Dẫn nhập (9 : 1-7):
1.1- Vấn đề tội lỗi:
“Vấn đề tội” đóng chức năng như đóng khung toàn bộ câu chuyện : vào đầu câu chuyện, chính các môn đệ nêu lên: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” (9 : 2) và ở cuối câu chuyện, chính Đức Giê-su nói với các người Biệt Phái: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: ‘Chúng tôi thấy’, nên tội của các ông vẫn còn đó” (9 : 41).
Câu hỏi về nhân quả của tội mà các môn đệ nêu lên dường như chỉ nhằm tạo cơ hội để Đức Giê-su thực hiện dấu lạ và ban giáo huấn. Tuy nhiên, câu hỏi này nói lên tâm thức của thời đại. Người Do Thái tin rằng nguyên nhân của những bất hạnh như tai ương hay bệnh tật là do tội: kể cả tội trước khi sinh ra hay còn trong bào thai. Vì thế, sự bất hạnh của người mù từ lúc mới sinh là án phạt vì tội của cha mẹ mình. Tuy nhiên, sách Gióp đã nêu lên vấn đề người công chính phải chịu đau khổ, nhưng không cho câu trả lời thỏa đáng nào, ngoài trừ ý định khôn dò của Thiên Chúa. Sau này, sách Tô-bi-a đã bước thêm một bước hơn nữa: thiên sứ đã mặc khải cho ông Tô-bi-a cha, một người công chính hay làm những việc lành phúc đức, rằng Thiên Chúa để cho ông bị cảnh mù lòa là để thử thách ông (Tb 12:13).
Đức Giê-su bác bỏ quan niệm nhân quả của tội. Ngài tách biệt rõ ràng điều bất hạnh và sự trừng phạt, sự đau khổ và tội. Sự mù lòa của anh mù không là do tội của anh hay tội của cha mẹ anh, nhưng là cơ hội để Ngài bày tỏ quyền năng của Ngài qua việc cho anh mù được sáng mắt. Từ đó, Đức Giê-su sẽ công bố mình là “ánh sáng thế gian”. Như vậy, được giả sử trước ở đây, sự mù lòa duy nhất cấu thành tội chính là sự mù lòa của sự cố chấp không chịu tin.
1.2- Một ngày của Đức Giê-su:
Đức Giê-su sánh ví sứ vụ của Ngài với một ngày. Sứ vụ của Đức Giê-su sắp kết thúc: “đêm đến,” nghĩa là giờ của bóng tối, giờ của những kẻ thù địch của Ngài. Trong khi chờ đợi giờ của bóng tối, phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Ngài bao lâu trời còn sáng, bởi vì bao lâu Ngài còn ở thế gian, Ngài là ánh sáng thế gian. Để minh chứng “bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian”, Ngài sẽ cho người mù từ lúc mới sinh được thấy ánh sáng, cả ánh sáng thể lý lẫn ánh sáng tâm linh (x. Is 42:6-7).
1.3- Dấu lạ:
Dấu lạ chỉ được mô tả chỉ trong hai câu (9: 6-7), bởi vì người kể chuyện chú trọng hơn đến những cuộc tranh luận do dấu lạ gây nên và những hậu quả mà anh mù được sáng mắt phải gánh chịu.
“Đức Giê-su nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù”.
Theo niềm tin dân gian phổ biến vào thời đó, nước miếng có hiệu lực chữa bệnh. Trước đây rồi, Đức Giê-su đã dùng nước miếng của Ngài để chữa lành người câm điếc (x. Mc 7: 32) và người mù ở Bết-xai-đa (x. Mc 8: 23). Nhưng ở đây, Đức Giê-su hòa nước miếng với đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù. Phải chăng Đức Giê-su muốn họa lại cử chỉ sáng tạo, qua đó muốn nói rằng Ngài sẽ làm cho người mù thành một con người hoàn toàn mới? Hay đơn giản hơn, phải chăng sự kiện xức bùn hòa với nước miếng vào mắt và đòi hỏi anh mù đến rửa ở hồ Si-lô-ác là một hành vi đức tin, một yếu tố cần thiết để đón nhận phép lạ? vì hiệu quả chỉ xuất hiện sau khi người mù đi đến rửa trong nước hồ Si-lô-ác.
Nước hồ được xem là thánh thiêng. Vào lễ Lều, vị tư tế phải đến múc nước ở đây để dùng cho các nghi thức thanh tẩy. Nước này bắt nguồn từ suối Gi-bon và được dẫn đến hồ Si-lô-ác qua một lạch ngầm dưới đất (x. 2V 20: 20; 2Sb 32: 30; Hc 48: 17). Ngay cả tên của hồ này cũng mang ý nghĩa biểu tượng: Si-lô-ác có nghĩa là “người được sai đi”. Dường như thánh ký muốn nhắc lại ý nghĩa của tên Si-lô-ác, vì ông muốn quy chiếu đến tác giả đích thực của việc chữa lành, chính là Đức Giê-su, Đấng được Chúa Cha sai đi. Trong Tin Mừng thứ tư, Đức Giê-su thường dùng tước hiệu “Đấng được sai đi”, để chỉ về chính mình.
2. Hai thái độ: (9: 8-34)
Trong phần này, Đức Giê-su vắng mặt, tuy nhiên Ngài vẫn là tác nhân chính yếu của những phản ứng của đủ hạng người. Việc người mù được sáng mắt sẽ nêu bật hai thái độ tương phản mà sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế gian đòi hỏi con người phải chọn lựa.
2.1- Thái độ của người mù được sáng mắt:
Đây là một con người có lương tri và ngay thẳng vẫn một mực trung thành với sự thật, biết sử dụng sự mỉa mai, thậm chí châm biếm, lại còn biết phi bác tri thức thông thái của những người Pha-ri-sêu: “Chúng tôi biết rằng…” (9: 29) bằng nguyên tắc thông thường: “Như mọi người điều biết…” (9 : 31-32; x. I s 1: 15; Tv 66: 18; 109: 7; Cn 15: 29, ...) và cuối cùng bày tỏ tâm trí rộng mở trước ánh sáng khác, ánh sáng đức tin.
Con đường đức tin của người mù là con đường tiệm tiến: mỗi một lời tra hỏi từ phía những người láng giềng cho đến những lời chất vấn của những người Pha-ri-sêu, căn tính của Đức Giê-su càng lúc càng sáng tỏ hơn ở nơi anh. Khởi đầu, anh bày tỏ một sự hiểu biết mơ hồ về một người đã thi ân giáng phúc cho mình: “một người tên là Giê-su” (9: 11), đoạn, anh bắt đầu nhận ra ở nơi người ấy: “một ngôn sứ” (9: 17) và tiếp đó: “Đấng được Thiên Chúa sai đến” (9: 33). Cuối cùng, khi đối diện với Đức Giê-su, Đấng tự bày tỏ mình ra cho anh, anh tuyên xưng đức tin của mình: “Thưa Ngài, tôi tin” (9: 38) và thờ lạy Ngài.
2.2- Thái độ của những người Biệt Phái:
Trong khi sự kiện dần dần được chứng thực: những người láng giềng, cha mẹ của người mù và chính đương sự, thái độ của những người Biệt phái càng lún sâu hơn vào những tà ý, cố chấp, từ chối ánh sáng và để lộ ra mình là những người mù đích thật.
Trong câu chuyện này, xin được nêu ra hai chi tiết đáng chú ý do hậu cảnh lịch sử của chúng: trước tiên những bất đồng giữa những người Pha-ri-sêu về vấn đề Đức Giê-su: “Thế là họ đâm ra chia rẽ”. Về sự kiện này các sách Tin Mừng và sách Công Vụ cung cấp nhiều ví dụ khác nữa: trong số những người Pha-ri-sêu có vài người có tinh thần rộng mở, họ âm thầm gắn bó với Đức Ki-tô. Ở đây, chính thành phần cố chấp một mực nhắm mắt trước sự thật. Trong con mắt của những con người ngoan cố này, Đức Giê-su đã vi phạm ngày sa-bát, vì vậy là một con người tội lỗi; và một con người tội lỗi không thể nào thực hiện phép lạ như thế. Vì thế, họ không chỉ chối từ phép lạ nhưng cả căn tính của Đức Giê-su. Do đó, họ buộc người mù phải thú nhận sự sai lầm của mình vì đã tuyên xưng ông Giê-su này là một ngôn sứ. Thái độ cố chấp đến mù quáng của những con người này cốt ở nơi việc đòi buộc Đức Ki-tô phải thực thi đúng y như lời loan báo của Cựu Ước mà không thấy rằng Ngài đến không chỉ để thực hiện nhưng còn để kiện toàn Cựu Ước.
Ngoài ra, đối với đọc giả Tin Mừng Gio-an, việc anh mù bị trục xuất ra khỏi Hội Đường vang dội tính thời sự của cộng đoàn Gio-an. Các tông đồ và các môn đệ của thế hệ thứ nhất đã giảng dạy trong các hội đường; đoạn Ki-tô giáo sẽ được phát triển bên ngoài Do Thái giáo. Những người Do Thái tin vào Đức Ki-tô trở thành đối tượng của những quấy nhiễu và gây rối. Việc họ bị trục xuất ra khỏi hội đường là một biện pháp chính thức. Việc người mù được chữa lành bị trục xuất xuất hiện ở đây loan báo trước hoàn cảnh của Giáo Hội sau này.
3. Đoạn kết (9 : 35-41)
Đức Giê-su lại xuất hiện và bày tỏ thái độ của Ngài đối với người mù được sáng mắt và đối với những người Pha-ri-sêu cố chấp.
3.1- Thái độ của Đức Giê-su đối với người mù được sáng mắt:
“Sau khi nghe nói họ đã trục xuất anh, Đức Giê-su đến gặp anh.” Đức Giê-su bày tỏ tấm lòng của người Mục Tử nhân lành : không muốn để con chiên không có người chăn dắt. Đối với những ai chịu đau khổ vì làm chứng cho Ngài, dù không nhận biết Ngài, Ngài sẽ mặc khải căn tính của Ngài, như anh mù được sáng mắt hôm nay. Sau khi đã mở đôi mắt xác thịt của anh để anh thấy ánh sáng, Ngài mở đôi mắt tâm hồn anh để anh khám phá Mặc Khải.
3.2- Thái độ của Đức Giê-su đối với những người Pha-ri-sêu cố chấp:
“Tôi đến thế gian này chính là để xét xử : cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại đui mù”. Đức tin là một ân ban của Thiên Chúa. Thiên Chúa bày tỏ mình cho những ai mở rộng tâm trí sẵn sàng đón nhận ánh sáng của Ngài. Những ai tìm cách ngăn chận những kẻ tin vào Ngài, bằng cách tín thác vào ánh sáng của riêng mình, người đó trở nên đui mù.
Đối với những người Pha-ri-sêu nhạo báng Ngài khi hỏi Ngài phải chăng Ngài nghĩ rằng họ đều đui mù hết cả sao, Chúa Giê-su đưa ra một bài học thâm thúy: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng ‘Chúng tôi thấy’, nên tội các ông vẫn còn đó”. Những lời này cho thấy thần học xét xử của Tin Mừng Gio-an: Đức Giê-su không xét xử ai cả, chính mỗi người tự xét xử mình, hoặc mở mắt ra mà tin nhận Đức Giê-su hoặc khép mắt bịt tai lại mà không nghe không thấy những điều Ngài nói và những việc Ngài làm để khỏi tin vào Ngài. Đó chính là tội cố chấp và bản án đã có sẵn ở đây rồi, và bây giờ chứ không phải đợi đến ngày chung thẩm.
Câu chuyện mở ra với lời công bố rằng sự mù lòa thể lý không có tội và đóng lại với lời công bố rằng sự mù lòa tinh thần mới có tội.

Tác giả bài viết: Lm. Inhaxiô Hồ Thông


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 305
  •   Máy chủ tìm kiếm 9
  •   Khách viếng thăm 296
 
  •   Hôm nay 13,626
  •   Tháng hiện tại 808,938
  •   Tổng lượt truy cập 80,741,838