Đức Thánh Cha gặp gỡ hàng lãnh đạo chính trị xã hội và ngoại giao đoàn Ba Lan

Thứ năm - 28/07/2016 10:10      Số lượt xem: 2506

“Ba Lan cần tiếp tục phát triển các gốc rễ Kitô sâu đậm và căn tính quốc gia của mình cho công ích”. Đức Thánh Cha (ĐTC) đã đưa ra lời khích lệ trên đây trong buổi gặp gỡ các giới lãnh đạo Ba Lan trong sân Phủ Tổng thống lúc 17 giờ chiều thứ Tư 27-7-2016.

DTC gap CQ Ba Lan 1
Ngỏ lời chào hàng lãnh đạo chính trị, ngoại giao đoàn và giới chức xã hội dân sự, trong đó có các Viện trưởng đại học, ĐTC nói:

Đây là lần đầu tiên tôi viếng thăm Trung và Đông Âu, và tôi vui sướng bắt đầu từ Ba Lan, là quốc gia có trong hàng các con cái mình thánh Gioan Phaolô II, người đã đề xướng và thăng tiến Ngày Quốc tế Giới trẻ. Đức Gioan Phaolô II thích nói tới một Âu châu thở bằng hai lá phổi của mình: giấc mộng về một nền nhân bản Âu châu mới được linh hoạt bởi hơi thở linh hứng sáng tạo và hài hoà của hai lá phổi và bởi nền văn hoá chung, tìm thấy gốc rễ vững vàng nhất của nó trong Kitô giáo.

Ký ức là nét đặc thù của dân tộc Ba Lan. Tôi đã luôn luôn bị đánh động bởi ý thức sinh động về lịch sử của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Khi nói về các dân tộc, ngài đã luôn luôn khởi hành từ lịch sử của chúng, để nêu bật các kho tàng về nhân bản và tinh thần. Ý thức về căn cước, tự do khỏi các mặc cảm tự tôn, là điều cần thiết để xây dựng một cộng đoàn quốc gia trên nền tảng gia tài nhân bản, xã hội, chính trị, kinh tế và tôn giáo, để linh hứng cho xã hội và văn hóa, duy trì cho chúng trung thành với truyền thống, đồng thời rộng mở cho việc canh tân và cho tương lai. Chính trong viễn tượng đó mà quý vị đã cử hành 1050 năm Ba Lan lãnh nhận đức tin. Chắc chắn nó đã là một thời điểm mạnh mẽ của sự hiệp nhất quốc gia, củng cố con đường vững chắc giúp đạt công ích của toàn dân Ba Lan.

Cả việc cộng tác trong lãnh vực quốc tế và việc tôn trọng nhau cũng làm trưởng thành lương tâm và việc tôn trọng căn tính riêng và việc tôn trọng căn tính của người khác. Không thể có đối thoại, nếu mỗi người không khởi hành từ căn tính riêng của mình. Tuy nhiên, trong cuộc sống cá nhân cũng như cuộc sống cộng đoàn xã hội có hai loại ký ức tốt và xấu, tích cực và tiêu cực. Ký ức tốt là ký ức mà Thánh Kinh chỉ cho thấy trong thánh thi Magnificat, bài ca của Mẹ Maria chúc tụng Thiên Chúa và công trình cứu độ của Ngài. Ký ức xấu trái lại là ký ức hướng cái nhìn của tâm trí tới sự dữ, trước hết là sự dữ do người khác sa phạm. Nhìn vào lịch sử mới đây của quý vị, tôi cảm tạ Thiên Chúa, vì quý vị đã biết để cho ký ức tích cực thắng thế: chẳng hạn khi cử hành 50 năm tha thứ cho nhau giữa hai HĐGM Ba Lan và Đức, sau Đệ Nhị Thế Chiến. Sáng kiến này ban đầu liên lụy tới hai cộng đoàn giáo hội, nhưng cũng đã tháp nhập một tiến trình xã hội, chính trị, văn hóa và tôn giáo không thể quay trở lại đàng sau làm thay đổi lịch sử tương giao giữa hai dân tộc. Về việc hoà giải này chúng ta cũng nhớ tới Tuyên ngôn chung giữa Giáo hội Công giáo Ba Lan và Giáo hội Chính thống Nga, một hành động đã khơi dậy một tiến trình xích lại gần nhau và tình huynh đệ không chỉ giữa hai giáo hội, nhưng cả giữa hai dân tộc nữa.

Như thế, quốc gia Ba Lan cao quý cho thấy có thể làm lớn lên ký ức tốt, và bỏ rơi ký ức xấu như thế nào. Để được như vậy cần phải có một niềm hy vọng vững vàng và lòng tin tưởng nơi Đấng hướng dẫn số phận của các dân tộc, mở ra các cánh cửa khép kín, biến đổi các khó khăn thành các cơ may, và tạo ra các khung cảnh mới  ở nơi xem ra không thể có được. Lịch sử Ba Lan chứng minh cho điều đó: sau các bão táp và tối tăm dân tộc của quý vị, được tái lập trong phẩm giá của nó, đã có thể hát lên như người Do Thái từ Babilonia trở về: “Ta tưởng mình như giữa giấc mơ, vang vang ngoài miệng câu cười nói, rộn rã trên môi khúc nhạc mừng” (Tv 126, 1-2). Ý thức về con đường đã đi qua và niềm vui đối với các mục đích đã đạt được trao ban sức mạnh và sự thanh thản giúp đương đầu với các thách đố của thời điểm, đòi hỏi can đảm của sự thật và một dấn thân luân lý đạo đức liên tục, để cho các tiến trình quyết định và hành động cũng như các tương quan nhân bản luôn luôn tôn trọng phẩm giá con người. Mọi hoạt động đều đuợc lôi cuốn: kể cả kinh tế, tương quan với môi sinh và chính kiểu giải quyết hiện tượng di cư.

Tiếp tục bài phát biểu, ĐTC nói: Vấn đề di cư đòi hỏi một bổ sung của sự khôn ngoan và lòng thương xót, để thắng vượt các sợ hãi và thực hiện thiện ích lớn hơn. ĐTC khẳng định:

Cần nhận diện các lý do của việc di cư từ Ba Lan, bằng cách tạo dễ dàng cho những người muốn trở về. Đồng thời cũng cần sẵn sàng tiếp đón những người chạy trốn chiến tranh và đói khổ: tình liên đới đối với những người bị tước đoạt các quyền căn bản, trong đó có quyền tuyên xưng đức tin trong tự do và an ninh. Đồng thời cũng phải khuyến khích các sự cộng tác và cùng hoạt động trên bình diện quốc tế, hầu tìm ra các giải pháp cho các xung khắc và chiến tranh bắt buộc biết bao nhiêu người rời bỏ nhà cửa và quê hương của họ. Như vậy, đây là việc làm những gì có thể để xoa dịu các khổ đau của họ, không mệt mỏi hoạt động với trí thông minh và liên tục cho công lý và hoà bình, bằng cách làm chứng cho các giá trị nhân bản và Kitô bằng việc làm.

Dưới ánh sáng lịch sử ngàn năm của nó, tôi kêu mời quốc gia Ba Lan hướng nhìn về tương lai và các vấn để phải đương đầu với niềm hy vọng. Thái độ như thế tạo dễ dàng cho một bầu khí tôn trọng giữa tất cả mọi thành phần xã hội, và một đối chiếu xây dựng giữa các lập trường khác nhau. Ngoài ra nó tạo các điều kiện tốt hơn cho sự trưởng thành dân sự, kinh tế và cả dân số nữa, dưỡng nuôi sự tin tưởng cống hiến một cuộc sống tốt cho con cái mình. Thật thế, họ không chỉ phải đương đầu với các vấn đề, mà cũng được hưởng các vẻ đẹp của thiên nhiên nữa, là thiện ích mà chúng ta phải biết thực hiện và phổ biến, niềm hy vọng mà chúng ta biết trao ban cho họ. Chính các đường lối chính trị xã hội thăng tiến gia đình là tế bào nòng cốt của xã hội, yểm trợ các gia đình yếu kém và nghèo túng nhất, nâng đỡ chúng trong việc tiếp nhận sự sống có trách nhiệm, sẽ hữu hiệu hơn nữa trong cách thế này. Sự sống luôn luôn cần được tiếp nhận và bảo vệ - cả hai việc tiếp nhận và bảo vệ - từ lúc thụ thai cho tới lúc chết tự nhiên, và chúng ta tất cả đều được mời gọi tôn trọng nó và lo lắng cho nó. Đàng khác, chính Nhà nước, Giáo Hội và xã hội có bổn phận đồng hành và trợ giúp bất cứ ai sống trong các hoàn cảnh khó khăn trầm trọng, để một người con không bao giở phải cảm thấy mình là một gánh nặng nhưng như là một món quà, và để các người yếu đuối và nghèo túng nhất không bị bỏ rơi.

Kính thưa tổng thống, Quốc gia Ba Lan có thể tin tưởng nơi sự cộng tác của Giáo hội Công giáo như trong suốt lịch sử dài của mình, để dưới ánh sáng của các nguyên tắc Kitô linh hứng nó và đã rèn luyện lịch sử và căn tính của Ba Lan, trong các điều kiện lịch sử nó biết tiến triển trên con đường của mình, trung thành với các truyền thống tốt đẹp nhất, tràn đầy tin tưởng và hy vọng cả trong những lúc khó khăn nhất.

Trong khi tái bầy tỏ lòng biết ơn của tôi, tôi xin cầu chúc tổng thống và từng người trong quý vị hiện diện một việc phục vụ công ích thanh thản và phong phú.
 

Nguồn tin: Radio Vatican


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 131
  •   Máy chủ tìm kiếm 17
  •   Khách viếng thăm 114
 
  •   Hôm nay 11,996
  •   Tháng hiện tại 686,227
  •   Tổng lượt truy cập 79,434,911