Sứ vụ ở giữa muôn dân - Inter Gentes tại Á châu ​

Thứ năm - 01/10/2020 23:40      Số lượt xem: 2012

Trong khi dấn thân cho sứ vụ inter gentes trong bối cảnh Á châu, Giáo hội tại Á châu theo bước Chúa Giêsu, Đấng đã khởi sự sứ vụ của Người ở giữa dân của Người, công nhận Thần Khí Thiên Chúa xức dầu trên Người và rao giảng “Triều Đại Thiên Chúa” như mục tiêu sứ vụ của Người.

 

SỨ VỤ Ở GIỮA MUÔN DÂN - INTER GENTES TẠI Á CHÂU[1]

Tác giả: Gerard de Rosario
Dịch giả: Lm. FX. Nguyễn Văn Thượng

WHĐ (1.10.2020) – Giáo hội tại Á châu sống Sứ vụ Truyền giáo Inter gentes - ở giữa muôn dân dưới sự lãnh đạo của Liên Hội Đồng Giám Mục Á châu. Cảm thức về sứ vụ inter gentes được sinh ra và nở hoa từ cảm thức về sự hiện diện đã có trước của Thiên Chúa trong các thực tại của Á châu, và từ câu trả lời của đức tin trước những yêu cầu của các sắc dân Á châu hướng tới một đời sống và nhân loại dồi dào hơn. Trong khi dấn thân cho sứ vụ inter gentes trong bối cảnh Á châu, Giáo hội tại Á châu theo bước Chúa Giêsu, Đấng đã khởi sự sứ vụ của Người ở giữa dân của Người, công nhận Thần Khí Thiên Chúa xức dầu trên Người và rao giảng “Triều Đại Thiên Chúa” như mục tiêu sứ vụ của Người.

Vì vậy, sứ vụ inter gentes - ở giữa muôn dân được kích hoạt và tiếp trợ từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi trong bối cảnh cụ thể và với định hướng Kitô học về vương quyền Thiên Chúa, sứ vụ đó tập trung vào đời sống sung mãn của con người trong bối cảnh cụ thể của các Giáo hội địa phương tại Á châu. Để chuẩn bị cho sứ vụ inter gentes, Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu mài giũa sự tự nhận thức về Giáo hội và cách thế Giáo hội hiện diện trong bối cảnh đa nguyên của Châu Á Thái Bình Dương, với vai trò là một Giáo hội hiện hữu trong và cho sứ vụ truyền giáo. Chính với nhận thức như thế mà các Giáo hội địa phương tại Á châu được mời gọi tiến tới đảm trách sứ vụ inter gentes đáp ứng các đòi hỏi mục vụ đang phát sinh, tuỳ thuộc vào các bối cảnh liên hệ. Cho phép tôi được khái lược trước hết bản chất của môi trường đa nguyên và thứ đến, Giáo hội Á châu trong sự tự nhận thức như đề cương cho việc đọc và hồi đáp các yêu sách mục vụ trong từng hoàn cảnh.

1. Giáo hội trong bối cảnh đa nguyên của Á châu

Một quan niệm Á châu về sứ vụ truyền giáo là kết quả của việc tiếp xúc của Giáo hội tại Á châu với các thực tại, được đánh dấu bởi các xã hội đa giai cấp, đa tôn giáo, đa văn hoá. Giáo hội tại Á châu nhận ra và công nhận rằng sứ vụ của Giáo hội trong bối cảnh Á châu phải là inter gentes.[2]

Các Giám mục Á châu, cùng với Đức giáo hoàng Phaolô VI năm 1970, ngay thời điểm thành lập Liên Hội Đồng Giám Mục Á châu, đã nhìn Á châu như một lục địa của những nền văn hóa, tôn giáo, truyền thống, lịch sử cổ xưa và đa dạng. Một vùng đất như chiếc áo choàng đa màu sắc của ông Giuse.[3] Á châu là một châu lục phong phú với những cộng đồng sinh động, đa dạng mang màu sắc pha tạp nhiều nền văn hoá, tôn giáo và những triết thuyết, phần lớn cổ xưa hơn Kitô giáo.

Trong khi Á châu có lượng dân cư chiếm hai phần ba dân số địa cầu, thì vẫn là châu lục với số tín hữu Kitô giáo thấp nhất, dẫu rằng đã có gần hai thiên niên kỷ hoạt động truyền giáo, bắt đầu bằng những bước chân dò dẫm của những nhà truyền giáo Kitô giáo Assyria đầu tiên, rong ruổi khắp từ Ấn Độ đến Trung Hoa trong suốt thiên niên kỷ thứ nhất của Kitô giáo. Vào buổi đầu thiên niên kỷ thứ ba, Kitô giáo chỉ xấp xỉ 4% trên tổng dân số Á châu. Các quốc gia Á châu có số dân Kitô giáo đáng kể là Philippines, Hàn Quốc và Đông Timor.

Khoảng 85% người ngoài Kitô giáo trên thế giới sống tại châu Á. Tuy nhiên chỉ có 4,5% dân số Á châu là Kitô hữu và tính riêng Công giáo là dưới 3%. Hội Thánh tại Philippines và Đông Timor là trường hợp đặc biệt. Tại Đông Timor khoảng 97% dân số là Công giáo và tại Philippines là 82%. Thực tế, khoảng 63% dân Công giáo Á châu là ở Philippines và Đông Timor (Timor Leste). Vì vậy cho nên tổng dân số Công giáo Á châu, với tỷ lệ thấp hơn 3% tổng dân cư Á châu, thì chỉ có non 1% dân Công giáo trên tổng số dân Á châu là sống ngoài Philippines và Đông Timor.[4]

Trong Đại hội khoáng đại lần thứ nhất, Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã nhìn nhận rằng các truyền thống tôn giáo Á châu là những nhân tố tích cực và ý nghĩa trong nhiệm cục tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa. Trong các truyền thống ấy chúng ta nhìn nhận và tôn trọng những giá trị ý nghĩa đạo đức và tâm linh sâu sắc. Trong nhiều quốc gia, đó là những kho tàng quý báu về kinh nghiệm tôn giáo của tổ tiên, để từ đó những người đương thời chúng ta không ngừng rút tỉa được ánh sáng và sức mạnh. Tất cả đã từng là và vẫn tiếp tục là diễn đạt chân thực về những khát vọng cao thượng của cái tâm con người, và trở thành những thiền thất để suy niệm và cầu nguyện. Những điều đó đóng góp hình thành lịch sử và văn hóa các quốc gia Á châu chúng ta.[5] Trước tình huống thiểu số Kitô giáo và môi trường đa tôn giáo Á châu, Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu đánh giá cách tích cực tính đa dạng và tình trạng đa nguyên như nhân tố phong phú và bổ sung cho nhận thức sau này.

2. Nhận thức về bối cảnh Giáo hội Á châu

Thực tế là Á châu với những đặc điểm về đa nguyên lại đang đan xen bởi những thực tại dường như đối lập với nhau: một bên là các thực tại tạo sinh và bên kia là các thực tại huỷ sinh. Có thể kể ra một ít thực tại tạo sinh, chẳng hạn khát vọng tham gia vào xã hội, xuất hiện rõ trong các phong trào tranh đấu cho dân chủ và quyền tự quyết dân tộc; các cuộc đấu tranh và những hành động cho người nghèo và những người bị gạt ra bên lề xã hội, để khắc chế những lực lượng đang kìm hãm phẩm giá con người và lấn át quyền con người của họ; nhận thức manh nha trong giới phụ nữ Á châu trong bối cảnh nặng thái độ gia trưởng và kẻ cả, vv. Các thực tại huỷ sinh là sự huỷ hoại mô thể quan trọng của chính quyền dân chủ; sự lật đổ các giá trị và truyền thống; mô hình phát triển tập trung vào sự thịnh vượng kinh tế đến độ phớt lờ những giá trị nhân văn khác; tình trạng áp lực đáng báo động về vấn đề dân số, tình trạng bạo lực dưới nhiều hình thức làm tổn thương phụ nữ và trẻ em, vv. Tuy nhiên, từ quan điểm Á châu, những thực tại này được xem như một thành phần tất yếu của toàn thể lớn hơn và là một quá trình dẫn tới cuộc sống đầy đủ hơn.[6] Nhận thức như vậy của Giáo hội Á châu được sinh ra vào buổi bình minh của thế kỷ, đặt viên đá đầu cho một đòi hỏi thâm sâu hơn cho sự canh tân và biến đổi của Giáo hội, vốn được mời gọi sống giữa cư dân Á châu.

Vào buổi bình minh của Thiên niên kỷ thứ ba, Giáo hội tại Á châu với sự dẫn dắt của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu nhận ra rằng Thiên niên kỷ thứ ba sẽ được quyết định bởi các thách đố ngoại tại và nội tại của Giáo hội đối diện với Sứ vụ truyền giáo tại Á châu. Vì vậy cho nên, yêu cầu tái khám phá lại tính chất đòi hỏi của sứ vụ ngôn sứ của Giáo hội, trong mối tương quan với các thực tại mang tính đa nguyên của Á châu, được khẳng định mạnh mẽ. Sự khẳng định này cũng tiên đoán yêu cầu cải thiện chất lượng trong đời sống Giáo hội.[7] Hãy điểm chỉ một vài thực tại đầy thách đố ấy.

a. Các thực tại bên ngoài Giáo hội

Các thực tại đó là : (1) Bên trong mỗi quốc gia Á châu, sự nảy sinh nhận thức và một phong cách tự ý thức mới; (2) Tiến trình hiện đại hóa và sự thay đổi xã hội sâu sắc, cùng với phong trào tục hóa và sự gãy đổ của các xã hội truyền thống; (3) Những đám đông quần chúng sống trong sự nghèo đói, hậu quả của chiến tranh và những nỗi cùng cực đau khổ, áp chế và lao nhọc; (4) Châu lục của những người trẻ phải đối diện với vấn đề tài nguyên của châu Á tiếp tục bị khai thác do chủ nghĩa tân thực dân và vấn đề toàn cầu hoá; (5) Châu Á vốn là cái nôi của các truyền thống tôn giáo lớn và đa văn hoá, hình thành tâm tánh con người, nay lại dậy lên những xung đột và căng thẳng. Vì lợi ích chính trị của một ít người, những khác biệt về tôn giáo thường bị khai thác và sử dụng để gia tăng thù hận, phân cách chia rẽ và loại trừ.

b. Các thực tại bên trong Giáo hội

Các Giáo hội Á châu đang mong muốn thoát ra khỏi kinh nghiệm về sự tự biệt lập, thiếu đối thoại, thiếu tính ngôn sứ và thiếu hiệp thông trong việc trình bày các mệnh lệnh của Tin Mừng; những điều này là hệ quả của bối cảnh xã hội, tôn giáo và văn hóa riêng của mỗi Giáo Hội riêng, sinh ra từ cảm thức thiểu số tại Á châu.[8]

Một nhận thức của Giáo Hội mang tính bối cảnh Á châu như thế được nảy sinh vào buổi bình minh của thế kỷ đã định hướng cho nhu cầu nội tâm để canh tân và biến đổi Giáo hội, vốn được gọi để hiện diện giữa cư dân Á châu.[9]

3. Nhận thức Giáo hội mang tính Á châu

Nhận thức của Giáo hội mang tính Á châu gắn liền với hàng loạt những chuyển động mới đan kết với nhau, phát sinh từ những kinh nghiệm mục vụ của Giáo hội tại Á châu: (a) chuyển động hướng tới một Giáo hội của người nghèo và người trẻ (1974); (b) chuyển động hướng tới một Giáo hội nhập thể; chuyển động hướng tới tính nội tâm sâu xa, chiêm ngắm các thực thể Á châu cách có phê phán (1978); (c) chuyển động hướng tới một cộng đồng đức tin chân thực bén rễ sâu trong sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi và trở nên ‘mối hiệp thông các cộng đồng’ (1982); (d) chuyển động hướng tới việc thúc đẩy người nam và người nữ dấn thân vào một cấu trúc Giáo hội tham gia (1986); chuyển động hướng tới công cuộc Phúc âm hóa sâu rộng và năng động (1990); (e) chuyển động hướng tới việc đối thoại tam diện, cụ thể là, với các tín ngưỡng đương tồn, với người nghèo và với các nền văn hóa (1995); (f) chuyển động hướng tới việc dấn thân năng động trong tạo sinh và phục vụ sự sống (2000).

Tất thảy những chuyển động đó được dự kiến và phác thảo nhằm hướng tới nâng cao sự phục vụ của Giáo hội cho Sứ vụ Thiên Chúa tại Á châu, đối diện với các thách đố đang nảy sinh. Những chuyển động đó giúp Hội Thánh tìm ra và đâm rễ sâu nơi miền đất Á châu. Những chuyển động như thế, vốn mang đặc tính biến đổi, chỉ có thể thực hiện qua nẻo đường tự huỷ và hiệp thông, từ chủ nghĩa cá nhân đến cộng đồng, từ chủ trương duy nhiệm tích và duy nghi lễ đến niềm tin toàn diện, từ chỗ phi dấn thân đến tinh thần đồng trách nhiệm và tham gia, từ những việc làm của lòng thương xót đến công lý, và từ chủ nghĩa duy giáo sĩ đến chỗ lấy giáo dân làm trung tâm.[10]

4. Thôi thúc Truyền giáo của Giáo hội tại Á châu

Nhận thức của Giáo hội Á châu như đã đề cập bên trên được sinh ra từ sự thôi thúc truyền giáo. Quan niệm Á châu về sứ vụ truyền giáo nảy sinh như là hệ quả của Giáo hội tại Á châu trong quá trình tiếp xúc các thực tại được đánh dấu bởi các xã hội nhiều giai tầng, đa tôn giáo, đa văn hoá. Trong một môi trường đa nguyên như vậy, Giáo hội tại Á châu nhận thức và công nhận rằng sứ vụ truyền giáo của mình phải là ‘sứ vụ sống giữa muôn dân’ - inter gentes’.[11]

a. Thao thức Sứ vụ truyền giáo inter gentes

Sứ vụ inter gentes luôn luôn lấy xuất phát điểm là các thực tế bối cảnh đương cuộc, tập trung vào những tình huống đặc biệt. Một khởi sự như vậy là sự trầm mình vào trong một môi trường đa nguyên, hiện diện cùng với con người, chia sẻ cuộc sống với họ trong tinh thần liên đới, hiện diện với thái độ phục vụ sự sống. Một sự liên đới như vậy đòi buộc phải hiệp thông với con người trong một môi trường riêng biệt, cùng tranh đấu với họ để có được cuộc sống dồi dào hơn. Điều này cũng có nghĩa là đồng hành với họ như những người sát cánh chân thành với mọi người cho một cuộc sống thiện hảo hơn trong tinh thần chính trực và trong công lý, dẫn đưa tới bình an và hoan lạc. Do vậy, mục tiêu của sứ vụ inter gentes là dựng xây Vương quốc Thiên Chúa. “Mục tiêu tối hậu của công cuộc Tin Mừng hóa là khai mở và thiết lập Vương quốc Thiên Chúa, cụ thể là sự thống trị của Thiên Chúa trong con tim và tâm trí của con người Á châu chúng ta.”[12]

Sứ vụ inter gentes không phát xuất từ việc ‘được sai đi ra bên ngoài’, phản ảnh thuần tuý mô hình Giáo Hội nặng tính phẩm trật và cơ chế. Nhưng chủ yếu đây là kết quả của Giáo hội ‘xông pha’ và ‘cắm lều’ ở giữa nhân loại và trở thành người phục vụ Vương quốc, ngõ hầu kiến tạo một sự sống dồi dào (Ga 10:10). Hơn nữa, sứ vụ inter gentes còn quan tâm đến sự hiện diện và hoạt động đã có trước của Thiên Chúa trong bối cảnh.[13]

Sứ vụ inter gentes tập trung vào cả đời sống và môi trường sống của con người. Trong bối cảnh đó, ”con người (sic!) phải được cứu độ và xã hội cần được đổi mới’,[14] Như đã được trình bày trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi,[15] công cuộc canh tân nhân loại là ưu tiên hàng đầu của công cuộc truyền giáo. Do vậy quyền năng của Tin Mừng sẽ tác động và lật đổ những tiêu chuẩn phán đoán của con người trong việc xác định các giá trị, những tâm điểm thu hút, những dòng tư tưởng, những nguồn cảm hứng và các mẫu thức của đời sống, vốn trái lẽ với những giá trị của Tin Mừng. Một cuộc canh tân nhân loại căn bản như vậy sẽ cho phép con người khôi phục lại phẩm giá đã đánh mất và mặc lấy sự sống sách sung mãn với địa vị làm con Thiên Chúa, phản chiếu hình ảnh Thiên Chúa bên trong họ.

Hơn thế nữa, công cuộc canh tân trong ánh sáng của Tin Mừng yêu cầu chữa lành và hồi phục môi trường đã tan tác, thương tích, vốn là nơi con người được cứu thoát và tìm thấy. Sứ vụ inter gentes vì vậy là một hành trình hướng tới việc hòa hợp với một viễn tượng hiệp nhất trong đa dạng. Vì vậy nó cũng bao gồm sự thúc đẩy thần học cho sứ vụ inter gentes.[16]

b. Thôi thúc thần học về Sứ vụ inter gentes

Thiên Chúa, Đấng Duy nhất và Ba Ngôi, cắm lều giữa nhân loại là xác tín thần học then chốt của sứ vụ inter gentes. Vì vậy cho nên, Sứ vụ inter gentes, về cơ bản, quan tâm tới sự hiện diện và hoạt động trước đó của Thiên Chúa Ba Ngôi, như tôi đã khẳng định ở chương trước (pp. 26-27). Đó là điểm then chốt mà Sứ vụ Truyền giáo Á châu xoay quanh. Điểm này mời gọi sự nhạy bén trước công cuộc thấm nhuần sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng ‘tỏ mình ra bằng nhiều cách thế’ (Dt 1,1). Những cư dân Á châu từ các tín ngưỡng đương cuộc và các hệ tư tưởng khác, theo cách riêng phong phú của mình, đang tìm kiếm Thực tại Tối hậu. Cuộc tìm kiếm của họ đã thôi thúc họ sống trong mối hòa hợp và tìm kiếm sự hiệp nhất trong đa dạng.[17] Điều đó đã đặt Á châu vào một tiến trình hoán cải liên lỉ để phân định và giải mã những cách thế trung thành với Thiên Chúa, trong Ngài mọi sự được hòa giải (2Cr 5,17..) và hướng đến tác vụ hòa giải (2Co 5,17).

Thiên Chúa, Đấng đã nói qua nhiều cách thức, qua Người Con là Chúa Giêsu, chính Ngài là nguồn mạch truyền cảm hứng liên lỉ và là kiểu thức cho sứ vụ inter gentes. Vì vậy cho nên, sứ vụ ấy phát xuất từ việc bước theo Chúa Giêsu thành Nazareth Đấng ‘được sai đi’ bằng sự thúc đẩy từ bên trong (Lc 4,42-44), ‘cắm lều’ giữa nhân loại (Ga 1,14), ‘ra đi’ với con người (Mt 9,35...), và trở thành người phục vụ ‘Vương quốc Thiên Chúa’. Chúa Giêsu là Đấng đã chia sẻ cuộc sống của mình trong liên đới với những nhóm người sống bên lề xã hội, đấu tranh với họ cho cuộc sống sung mãn, đầy đủ hơn (Ga 10,10) trong tinh thần trắc ẩn, và hiến dâng mạng sống với tự do nội tâm (Ga 10,17-18) và trở nên Mẫu gương và Con đường cho Giáo hội Á châu trong sứ vụ của mình. Nói một cách khác, sứ điệp trung tâm của Chúa Giêsu, cụ thể là Vương quốc Thiên Chúa - Sự thống trị của Thiên Chúa với một tình yêu vô điều kiện - là mục tiêu của sứ vụ (Mt 6,33). Tầm nhìn và lối tiếp cận sứ vụ thừa sai của Chúa Giêsu là tầm nhìn mang tính bao hàm (chứ không loại trừ), như được thể hiện trong cuộc gặp gỡ người thiếu phụ Samari (Ga 4,10...) và người phụ nữ Hy lạp gốc Phênixi thuộc xứ Syria (Mc 7,24...), để vượt qua những rào cản được dựng sẵn vào thời đại của Người. Tầm nhìn và cách tiếp cận đó phải tiếp sức cho Giáo hội tại Á châu vượt qua những trở ngại cản bước trong môi trường Á châu mang tính đa nguyên này.[18]

Cắm lều ở giữa con người là hệ quả của kenosis - tinh thần tự huỷ, trao ban chính mình của Thiên Chúa trong tình yêu. Kenosis của Chúa Giêsu được diễn tả qua cuộc sống của Người, hoạt động của Người, các giáo huấn của Người và đỉnh điểm là cái chết của Người trên Thập tự. Hành vi tự huỷ - Kenosis của Chúa Giêsu là việc người đã sống trong cung cách như nô lệ (Phil 2,6-8).[19] Sự đồng bàn của Chúa Giêsu với người bị loại trừ - những kẻ tội lỗi và những người thu thuế (Lc 15,1-2), là một trong những cách thế quan trọng Chúa đã dùng để xây dựng tình bằng hữu (Koinonia), mối quan hệ đúng đắn với họ và cho phép họ tiếp cận sự sống trong Hoạt động của Người. ‘Việc rửa chân’, một mẫu gương Chúa Giêsu thực hiện sẽ được tiếp nối bởi các môn đệ Người (Ga 13,1-5) là đỉnh cao của việc Người đồng bàn giữa dân Người.

Tinh thần tự huỷ Kenosis của Chúa Giêsu làm cho Người liên thông với những người bị đẩy ra ngoài lề xã hội và giúp họ phục hồi phẩm giá và căn tính đã mất. Việc Chúa Giêsu vượt qua những rào cản tôn giáo và xã hội được tạo ra bởi tính thuần tuý lề luật (Ga 4,1...; Mc 7,24...) và ăn uống với những người bị liệt vào hạng ô uế là hệ quả của sự tự huỷ - Kenosis nơi Người. Chính tinh thần tự huỷ của Chúa Giêsu đã dẫn đến việc Người tự hiến trong tình yêu để cho nhân loại được sống dồi dào hơn (Ga 10,10). Hành vi thấm nhuần tinh thần tự hủy - Kenosis nơi Chúa Giê-su trở nên cung cách căn bản trong sứ vụ inter gentes.[20]

Hành vi đó đòi hỏi một người dấn thân trong sứ vụ inter gentes phải có cái tâm mở rộng và nhạy bén với sự hiện diện và hoạt động của Thần Khí Thiên Chúa. Phải tin rằng chính Thần Khí Thiên Chúa hoạt động trong cuộc sống của Chúa Giêsu cũng hoạt động bằng những cách thức nhiệm mầu nơi các tín hữu. Hơn nữa, Thần Khí Thiên Chúa dẫn đưa muôn loài tới chỗ hòa hợp với nhau, xuyên qua một quá trình hòa giải mọi sự với Thiên Chúa trong Chúa Kitô Giêsu (2Cr 5,18…; Rm 8,19).

Cuối cùng, trong sứ vụ inter gentes, việc rao giảng và ra sức làm việc cho Vương quốc Thiên Chúa như Chúa Giêsu đã từng làm, trở nên mục tiêu rõ nét, đối diện với Á châu của ngày nay, vốn là nơi sự sống bị đe doạ trầm trọng[21]. Đó là một lời hiệu triệu, và một mệnh lệnh trong chính bản chất của sứ vụ để thoát ra khỏi những ảnh hưởng nền văn hóa cũ và tạo ra một nền văn hóa thay thế mang những giá trị của Vương quốc Thiên Chúa. Trong Tin mừng theo thánh Gioan, Vương quốc/ Quyền thống trị của Thiên Chúa được giải thích là sự sống dồi dào. Khi Chúa Giê-su nói: “Ta đến để họ được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10), Người đã thay đổi thuật ngữ ‘Vương quyền Thiên Chúa’ và ‘ơn Cứu rỗi’ bằng thuật ngữ ‘sự sống’[22].

Vì vậy, việc loan báo Triều đại Thiên Chúa mang một hình thái mới, là hành động mang đến sự sống dồi dào cho toàn thể nhân loại và công trình tạo dựng. Ơn gọi loan báo Triều đại Thiên Chúa trong bối cảnh Á châu trở nên mệnh lệnh dấn thân phục vụ sự sống, sự sống trong tổng thể (Mt 5,48); sung mãn (Ga 10,10), hoan lạc (Ga 15,11), và duy nhất (Ga 17,21). Việc phục vụ như vậy mời gọi người Kitô hữu Á châu trở nên người đồng hành và đồng sáng tạo. Việc đồng hành và đồng sáng tạo như vậy là một cuộc tìm kiếm dẫn những người Á châu qua một tiến trình hoán cải và canh tân liên tục (Rm 12,2)[23]. Ý thức phải hoán cải và canh tân liên tục để trở nên những tôi tớ phục vụ sự sống, ý thức đó làm cho chúng ta trở nên những nhà thừa sai hơn là viên chức. Chính trong bối cảnh đó mà chúng ta có thể bàn đến việc sám hối/ canh tân mang tính cộng đồng, từ đó một ý thức mới về sứ vụ có thể tuôn trào.

5. Giáo hội Địa phương như Chủ thể Hành động xúc tiến Sứ vụ Truyền giáo tại Á châu

Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu rất quả quyết trong xác tín của mình rằng ‘chủ thể hành động’ thôi thúc sứ vụ này cách cụ thể và ưu tiên là các Giáo hội địa phương tại Á châu. Các Giáo hội địa phương và những cộng đoàn Kitô hữu cấu thành chủ thể lịch sử mang trách nhiệm truyền giáo hàng đầu. Chính họ là người có thể phân định xem đâu là cách thế tốt nhất để loan báo Tin Mừng, thiết lập Giáo Hội, thực hiện những giá trị của Vương quốc Thiên Chúa trong nơi chốn và thời đại cụ thể. Các cộng đoàn Kitô hữu địa phương ‘trở nên các Giáo hội địa phương’ phần lớn qua mối liên hệ với nơi chốn mình và bối cảnh sứ vụ.[24]

Khi soi sáng khái niệm về Giáo Hội địa phương, Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã nhấn mạnh Giáo Hội địa phương có nghĩa là toàn thể cộng đoàn Kitô giáo, toàn thể ‘Dân Thiên Chúa’ tại một nơi và thời điểm cụ thể. Cộng đoàn Kitô giáo toàn thể này, trong vị thế hàng đầu, là “chủ thể tự hoạt động và tự nhận thức” về sứ vụ truyền giáo của Giáo hội tại Á châu, làm chứng tá và ra sức làm việc trong những thực tế đời sống con người. Ra sức làm việc cho sứ vụ như vậy là nhiệm vụ chung được cả cộng đoàn đức tin cùng chung sức, do ơn gọi của bí tích Thánh tẩy có đặc điểm truyền giáo. Là bởi, mỗi Giáo hội địa phương được Thiên Chúa Cha sai đi trong Chúa Giêsu để mang Tin mừng đến cho các vùng lân cận. Một Giáo hội địa phương mang ý nghĩa này, là một ‘ Giáo hội lên đường’ và ‘Giáo hội thừa sai’. Do vậy, mỗi Giáo hội địa phương có trách nhiệm với sứ vụ truyền giáo của mình và đồng trách nhiệm truyền giáo với các Giáo hội láng giềng.[25]

Một trong những thực tế quan trọng nhất đả nảy sinh trong các Giáo hội Kitô giáo Á châu trong suốt bốn mươi năm qua là các cộng đoàn Giáo hội cơ sở hay Các Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ bản (BEC) bao gồm những Kitô hữu ‘tại chính nơi họ sinh sống’.[26] Có gần bảy mươi ngàn cộng đoàn như vậy ở tại Philippines. Các Cộng Đoàn Giáo hội Cơ bản là cách thức hiện diện mới của Giáo hội tại Á châu, khởi xướng do Giáo hội địa phương, gần giống các Cộng đoàn Cơ bản tại Mỹ châu Latinh. Các cộng đoàn ấy là những phương thế sống liên đới với người nghèo và với sự phối hợp sâu rộng hơn giữa giáo dân với hàng giáo sĩ. Điều đó có một ý nghĩa thay thế tính đồng nhất Công giáo bằng tính đa dạng Công giáo.[27] Bên cạnh đó, các Giám mục và những mục tử Á châu và các thần học gia vốn làm việc cật lực sát cánh với các mục tử sẽ không nao núng với việc thúc đẩy các Giáo hội địa phương của Á châu đảm nhận lấy Sứ vụ Truyền giáo sống giữa lương dân - inter gentes.

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 104 (Tháng 1 & 2 năm 2018)


[1] Gerard de Rosario OMI, “Mission Trends and Emerging and Pastoral Imperatives in Sri Lanka,” Aloysius Pieris and Shirley Wijesinghe, (eds), Vagdevi, Journal of Religious Reflection, Vol. 7, No. 1, (January 2013), pp. 49-57

[2] FABC 5th Plenary; FABC Papers, nn. 90, 92, 109

[3] Messages and Resolutions of the Asian Bishops ‘ Meeting, “ Manila, Philippines, 29, Nov. 1970. No. 7, Gaudencio B. Rosales & C. G. Arevalo, (eds), For All the Peoples of Asia: Federation of Asian Bishop’s Conferences Documents from 1970-1991, 1992, Maryknoll, Orbis, p. 4

[4] FABC Office of Ecumenical & Interreligious Affairs, “A Glimpse at Dialogue in Asia,” FABC Papers, no. 131, p.3

[5] FAPA 1, pp. 13-14

[6] FABC Papers, n. 72

[7] 7th FABC Plenary Assembly, Samphran, Thailand, Dec.,3, 2000

[8] FABC Papers, n. 106

[9] 7th FABC Plenary Assembly, Samphran, Thailand, Dec., 3, 2000

[10] FABC Papers, no. 92.

[11] FABC Papers, nn. 90, 92, 109

[12] FABC Papers, n.106, pp.34-44; FAPA I, p.292

[13] “Lumen Gentium,” nn. 16, 17; “Gaudium et Spes”, nn.4, 22

[14] “Gaudium et Spes”, n.3

[15] Evangelii Nuntiandi, nn. 18, 19

[16] FAPA, 1, p.429; FAPA, II, p.5; FABC Papers, n. 106, pp. 51-55

[17] “Statement of Harmony”, FABC Vi, n.10; FAPA, II, 5; FABC Papers, n.106, pp. 51-55

[18] Felix Wilfred, “Images of Jesus Christ in the Asian Pastoral Context: An Interpretation of Documents from the Federation of Asian Bishops Conferences, Concilium (1992/2)

[19] “Gaudium et Spes”, n. 22

[20] FAPA, II, p.222: FABC Papers, n. 106, pp. 43-47; Ecclesia in Asia, n. 20

[21] Peter C. Phan, “Kingdom of God: A Theological Symbol for Asians,” Gregorianum 79, n.2 (1998), pp. 295-322; Miguel Marcelo Quatra, At the side of the Multitudes: The Kingdom of God and the Mission of the Church in the FABC Documents 1970 - 1995, 2000, Quezon City, Philippines, Claretian Publications

[22] FABC Papers, n. 60, p.6, n.72, p.9

[23] Jacob Theckanath, “The Asian Image of Jesus, Theological, Biblical, Catechetical and Liturgical Renewal,” FABC Papers, no.92q

[24] FABC Papers, n. 92j

[25] C.G Arevalo, “The Time of Heirs”, FAPA I, pp. XX - XXI

[26] FABC Papers, n.92i

[27] Thomas C. Fox, Pentecost in Asia: A New Way of Being Church, 2004, India, Claretian Publications, p. 175


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 184
  •   Thành viên online 1
  •   Máy chủ tìm kiếm 20
  •   Khách viếng thăm 163
 
  •   Hôm nay 26,018
  •   Tháng hiện tại 1,012,935
  •   Tổng lượt truy cập 79,761,619