"Thiên Chúa nhảy mừng" (Bài giảng Chúa nhật III - Mùa Vọng- Năm C)

Thứ ba - 07/12/2021 20:42      Số lượt xem: 2064

“Thiên Chúa nhảy mừng!”. Thực ra đó là cách diễn tả “như nhân”, tức là nhân cách hóa Thiên Chúa, trình bày Ngài cũng thể hiện cảm xúc như con người vậy. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường nhày mừng khi đón nhận một tin vui, hoặc khi đạt được một điều gì mà chúng ta mong đợi. Lời Chúa hôm nay, khi diễn tả Thiên Chúa nhảy mừng, có ý khơi dạy nơi chúng ta niềm vui mừng phấn khởi, trong lúc chờ đón Chúa đến.

CN 3
Chúa nhật 3 Mùa Vọng – Năm C

“Thiên Chúa nhảy mừng”
 
Diễn tả hình ảnh “Thiên Chúa nhảy mừng” xem ra là điều báng bổ hoặc xúc phạm, vì làm giảm suy vị thế thiêng liêng cao cả của Ngài. Tuy vậy, đây là điều ngôn sứ Isaia đã được gợi hứng để phát ngôn và diễn tả. Thiên Chúa nhảy mừng, vì niềm vui thật lớn lao vĩ đại. Nhưng, vì cớ gì mà Thiên Chúa vui mừng đến thế? Đó là ngày chiến thắng đối với Sion, tức là đối với dân Israen, bởi vì Chúa rút lại án phạt và đẩy lui thù địch của dân tộc được Ngài tuyển chọn. Ngôn sứ còn nói với chúng ta một lý do quan trọng hơn, là nền tảng cho niềm vui mừng của con người: đó là sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Ngài, và tình yêu thương trời bể Ngài dành cho chúng ta.
 
“Thiên Chúa nhảy mừng!”. Thực ra đó là cách diễn tả “như nhân”, tức là nhân cách hóa Thiên Chúa, trình bày Ngài cũng thể hiện cảm xúc như con người vậy. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường nhày mừng khi đón nhận một tin vui, hoặc khi đạt được một điều gì mà chúng ta mong đợi. Lời Chúa hôm nay, khi diễn tả Thiên Chúa nhảy mừng, có ý khơi dạy nơi chúng ta niềm vui mừng phấn khởi, trong lúc chờ đón Chúa đến. Thực ra, Đấng Cứu thế đã đến trần gian rồi. Người đang hiện diện giữa cuộc sống của chúng ta. Người hiện diện qua Lời của Người, trong Bí tích Thánh Thể và giữa cộng đoàn cầu nguyện, như chính Người đã hứa. Tuy nhiên, những lo toan tính toán cơm áo gạo tiền dễ làm chúng ta quên sự hiện diện của Chúa. Lời ngôn sứ Isaia nhắc chúng ta về sự hiện diện này, để rồi, cùng với việc chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh, hãy đón Chúa đến trong tâm hồn của cá nhân mỗi người. Như thế, lễ Giáng Sinh không có nguy cơ bị biến thành một sự kiện văn hóa hay một ngày lễ hội truyền thống như bao lễ hội khác ta thấy thường ngày ở nơi này nơi kia, nhưng là một cuộc gặp gỡ với Đấng Emmanuel, Thiên Chúa-ở-với-chúng ta.
 
Nếu Thiên Chúa nhảy mừng giữa dân Người, thì mỗi chúng ta, những người Ki-tô hữu, có cảm nhận được niềm vui ấy không? Biết bao người tín hữu chỉ “giữ Đạo” một cách miễn cưỡng, chiếu lệ theo kiểu cha truyền con nối. Họ ít khi, thậm chí không bao giờ, cảm nhận được niềm vui ngọt ngào đến từ sự hiện diện của Chúa. Trái tim và đức tin mách bảo chúng ta, nơi nào có Chúa hiện diện, nơi đó tràn đầy phúc lành, vì Chúa là nguồn mạch của mọi ơn phúc. Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng: “Đôi khi chúng ta bị cám dỗ kiếm cớ để than thở và hành động như thể chúng ta chỉ có thể hạnh phúc nếu có hàng ngàn các điều kiện. Phần nào đó là vì “xã hội kỹ thuật của chúng ta đã tạo ra vô số điều kiện để hưởng thụ, nhưng lại rất khó tạo ra niềm vui”. Tôi có thể nói rằng trong đời mình, tôi đã thấy những biểu hiện đẹp nhất và tự nhiên nhất của niềm vui nơi những người nghèo hầu như không có gì để bám víu vào. Tôi cũng nghĩ đến niềm vui đích thực được biểu lộ bởi những người khác, những người mà giữa những bó buộc đầy áp lực của nghề nghiệp, họ vẫn có thể giữ vững được niềm tin trong sự thanh thoát và đơn sơ của họ. Với mỗi người tuỳ theo cách của mình, tất cả các niềm vui này đều bắt nguồn từ tình thương vô biên của Thiên Chúa, Đấng tự mặc khải cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô.” (số 7).
 
Nếu Thiên Chúa nhảy mừng, thì mỗi tín hữu chúng ta được mời gọi hãy sống lạc quan, trong niềm tín thác nơi Ngài. Thánh Phaolô, trong thư gửi tín hữu Philipphê, lưu ý các tín hữu đừng lo lắng gì cả, nhưng hãy tạ ơn Chúa và giãi bày trước tôn nhan Ngài những nhu cầu, những trăn trở lo toan của cuộc sống. Đối với nhiều người hôm nay, lời khuyên này xem ra có vẻ lý thuyết và vô nghĩa. Làm sao sống vô tư lạc quan khi có một người thân bệnh nặng, hoặc gia đình đang hoạn nạn thiếu thốn nợ nần?  Kinh nghiệm cho chúng ta thấy, Chúa có phương pháp và đường lối của Ngài. Rất nhiều người đến với Chúa và đã được Ngài đỡ nâng, có thể không đem lại kết quả trực tiếp và không theo cách họ muốn, nhưng chắc chắn Ngài là Cha nhân hậu, biết những người con đang cần gì, và Ngài đã ra tay giải cứu.
 
Hãy đến với Chúa để tìm thấy niềm vui. Tin Mừng hôm nay kể lại, có biết bao người đến với Gioan Tẩy giả. Họ thuộc đủ mọi thành phần xã hội: người thu thuế, binh sĩ, thợ thuyền. Đến với ông, mọi người đặt câu hỏi: “Chúng tôi phải làm gì?”. Ông Gioan đã tùy từng người, từng nghề nghiệp, mà đưa ra những lời khuyên cụ thể. Tựu trung mọi lời khuyên đều giúp họ hoán cải canh tân đổi mới cuộc đời. Đó là điều kiện căn bản để được gặp Chúa và để tìm thấy niềm vui. Để chuẩn bị đón Chúa vào tâm hồn nhân dịp lễ Giáng Sinh, mỗi chúng ta cũng tự đặt câu hỏi: « Tôi phải làm gì đối với Chúa và đối với anh chị em xung quanh? ». Câu hỏi này giúp ta xác định mình đang đi về đâu, đồng thời mời gọi chúng ta trở về với Chúa để được hưởng trọn vẹn niềm vui Chúa ban cho những ai yêu mến Ngài. Đời sống và lời rao giảng của Gioan Tẩy giả là gương mẫu cho chúng ta về sự khiêm nhường. Khi nói về Đấng Cứu độ, ông tự coi mình chỉ là đầy tớ, không xứng đáng cởi quai dép cho Người. Trước những người đang tò mò đặt câu hỏi về thân thế của mình, ông khiêm tốn nhận mình chỉ là tiếng kêu trong sa mạc. Sa mạc là nơi vắng bóng người, chỉ có nắng và gió. Lời nói trong sa mạc dễ bị mất hút trong khoảng không gian mênh mông. Gioan Tẩy giả kêu gọi mọi người sám hối theo lệnh truyền của Chúa. Chứng từ khiêm tốn của ông đã lay động con tim nhiều người và thúc đẩy họ đến dìm mình trong dòng nước để được ơn tha thứ.
 
“Dân Sion hãy mừng rỡ reo hò, vì giữa ngươi, Đức Thánh của Israen quả thật là vĩ đại” (Đáp ca). Giáng Sinh là lễ của niềm vui. Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau nơi hang đá máng cỏ. Trời với đất nên một nơi Hài nhi Giêsu. Đón nhận Chúa Cứu thế là đón nhận niềm vui. Hình ảnh Thiên Chúa nhảy mừng gợi hứng cho chúng ta sống niềm vui và loan báo niềm vui cho những người xung quanh. Quả vậy, « niềm vui càng được chia sẻ thì càng được nhân lên ». Nếu chúng ta biết rao truyền niềm vui cho những người khác, thì niềm vui ấy càng lớn mãi, tỏa sáng và âm vang đến mọi ngõ ngách của cuộc đời.
 
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
 
 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 191
  •   Máy chủ tìm kiếm 38
  •   Khách viếng thăm 153
 
  •   Hôm nay 30,920
  •   Tháng hiện tại 1,017,837
  •   Tổng lượt truy cập 79,766,521