Truyền giáo - dấn thân phục vụ, lan tỏa yêu thương

(Bài Suy Niêm Lời Chúa - CN 29 Mùa Thường Niên Năm B, Chúa Nhật Truyền Giáo)

         

Có lẽ mỗi khi nhắc tới truyền giáo thì chúng ta lại quá quen với những câu nói như những khẩu hiệu được lặp đi lặp lại như: Truyền giáo là bản chất và là sứ mạng của Giáo hội, là trách nhiệm của mỗi người Kitô hữu được trao phó qua Bí Tích Thanh Tẩy … Những câu nói đó dường như được mỗi người Kitô hữu đạo hạnh thuộc nằm lòng. Nhưng, bản chất của truyền giáo là gì? làm thế nào để truyền giáo? Đó luôn là những ưu tư, thắc mắc mà không dễ để cho chúng ta tìm ra câu trả lời xác đáng. Truyền giáo chỉ thực sự hữu hiệu là khi chúng ta thực sự hiểu bản chất của truyền giáo là gì và thực thi việc truyền giáo đúng với những gì mà qua Giáo hội, Thiên Chúa mong muốn nơi mỗi người Kitô hữu chúng ta.

Bản chất của truyền giáo là gì? Chúng ta có thể có nhiều câu trả lời khác nhau. Nhưng cơ bản và ngắn gọn thì bản chất của truyền giáo là giới thiệu Thiên Chúa và loan báo Tin Mừng đến cho muôn dân như chính lời của Chúa Giêsu đã mời gọi và thúc giục chúng ta: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mt 16,15)

Làm thế nào để truyền giáo? Đó chính là câu hỏi luôn khiến Giáo hội cũng như mỗi người chúng ta luôn phải suy tư để công cuộc truyền giáo hữu hiệu và phù hợp với từng bối cảnh xã hội cũng như từng nền văn hóa đặc trưng ngày hôm nay. Có thể chúng ta có nhiều sáng kiến khác nhau trong công việc truyền giáo nhưng thiết nghĩ mọi sáng kiến đều cần được bắt nguồn và liên kết với chính Đấng đã sai chúng ta lên đường là Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô. Thao thức truyền giáo không phải là làm cái gì “mới” nhưng là suy tư và tìm ra vẻ đẹp và những cái “mới” mà chúng ta chưa khám phá ra từ Đấng đã hiện diện cách đây khoảng 2000 năm, Đức Giêsu Kitô, và noi theo gương của Ngài. Chỉ vậy thôi là đủ.

          Đừng cậy dựa vào quyền lực và tiền bạc thế gian nhưng hãy dấn thân phục vụ và lan tỏa yêu thương. Chắc hẳn hai người con của ông Giêbêđê là Gioan và Giacôbê, thậm chí cả các tông đồ khác trong Nhóm Mười Hai không thích nghe điều này. Ông Gioan và Giacôbê thì muốn Chúa Giêsu dành cho mình một vị trí quan trọng ở bên hữu và bên tả trong vinh quang của Thầy mình; trong khi mười tông đồ còn lại thì bực tức và có phần ghen tị với hai ông. Tất cả các ông đều nghĩ và mong muốn Thầy của mình rồi sẽ đi trên con đường vinh hoa phú quý, quyền lực cao sang. Có lẽ chúng ta cũng suy nghĩ giống như các tông đồ là phải chăng mà Chúa Giêsu trở thành vua thì tốt biết bao. Khi đó, bằng quyền bính của một vị vua và với vinh hoa phú quý có được thì có lẽ công việc truyền giáo sẽ trở nên dễ dàng biết mấy!

Suy nghĩ của Thiên Chúa lại khác xa với loài người chúng ta. Trái với mong muốn của các tông đồ, Chúa Giêsu lại giới thiệu về con đường thập giá và  đã dạy họ rằng: “Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.(Mc 10,45). Đức Giêsu Kitô chính là một nhà truyền giáo mẫu mực và hoàn hảo, là cội nguồn và tấm gương cho những thao thức truyền giáo của Giáo hội chúng ta. Một trong những nguyên nhân mà Ngài đến với chúng ta là để rao giảng Tin Mừng và giới thiệu về Thiên Chúa, tức là truyền giáo. Ngài không mang theo sự giàu có và vinh hoa phú quý của Thiên Đàng, cũng chẳng mang theo uy quyền vô biên của Thiên Chúa, nhưng Ngài hiện diện bằng cả linh hồn và thể xác, cả trí tuệ và trái tim để truyền giáo bằng việc dấn thân phục vụ và lan tỏa yêu thương đến cho muôn người.

Đừng nóng vội nhưng tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa. Có lẽ các môn đệ cũng như mỗi người chúng ta đang nóng lòng và mong muốn nước của Thiên Chúa phải hiển trị ngay và luôn để chúng ta có thể được chiêm ngắm và hưởng thụ vinh quang của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta hãy nhớ rằng việc truyền giáo là sứ mạng sẽ luôn tồn tại cùng với Giáo hội như là bản chất cho tới tận cùng của trái đất. Sứ mạng này luôn có sự đồng hành của Thiên Chúa như lời Ngài đã hứa: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,20).Tự bản thân chúng ta chẳng thể làm được gì nếu chúng ta rời xa Chúa Giêsu, Đấng đến thế gian để truyền giáo bằng dấn thân phục vụ và lan tỏa yêu thương. Đừng nóng vội kẻo “dục tốc bất đạt” nhưng cũng đừng thiếu nhiệt huyết kẻo chán nản buông xuôi; hãy cứ kiên trì gieo yêu thương qua dấn thân phục vụ còn việc lớn lên hay không là do quyền năng của Thiên Chúa. Hãy nhớ, truyền giáo là việc làm hết thế hệ này qua thế hệ khác, tồn tại cùng với Giáo hội cho tới tận cùng của trái đất, và Chúa sẽ luôn ở cùng những ai thực thi sứ mạng của Ngài.

                                                                                    Lm. Jos Nguyễn Huy