Trong giờ phút khai mạc chương trình, Đức Cha đã chia sẻ với cộng đoàn về bối cảnh của câu chủ đề được trích từ Tin mừng theo thánh Mátthêu :“Hãy đi và mời gọi mọi người đến dự tiệc” (x. Mt 22,9). Ngài đã gợi mở và dẫn dắt mọi người vào tinh thần của sứ điệp truyền giáo mà Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mỗi Kitô hữu.

Tiếp theo, Cha Gioan Baotixita Vũ Văn Kiện, đặc trách Ban Truyền giáo, đã trình bày cho cộng đoàn về sứ điệp truyền giáo và tính ứng dụng trong văn hóa và bối cảnh Việt Nam. Từ đó, cha đưa mọi người đến với chương trình truyền giáo và tái truyền giáo của giáo phận.

Chương trình tiếp tục với những chứng từ truyền giáo từ các chứng nhân, những người đang thực hiện sứ mạng truyền giáo trong bậc sống và hoàn cảnh của mình.

Trong đó, Quý Soeur Hiệp Hội Con Đức Mẹ Thừa Sai Tin Mừng, các bác giáo lý viên, và những người tân tòng, cùng với một em thiếu nhi đã chia sẻ về cảm nghiệm và hành trình đức tin liên hệ với sứ mạng truyền giáo đang hướng tới.

Cao điểm của ngày khánh nhật truyền giáo là thánh lễ tạ ơn. Trong bài chia sẻ, Đức Cha đã nhấn mạnh đến lệnh truyền của Chúa với các môn đệ là sứ mạng truyền giáo, cùng với lệnh truyền đó là lời đảm bảo của Chúa Giê-su phục sinh: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Sứ vụ truyền giáo không gì khác hơn là loan báo Tin Mừng cứu chuộc bằng chính đời sống chứng tá của mình giữa lòng xã hội tựa như muối men, ánh sáng giữa thế gian bằng đời sống bác ái yêu thương. Lời Chúa luôn nhắc nhở mỗi người về sự cần thiết của việc việc rao giảng Tin Mừng. Chúa Giêsu đã đến để mang lại ơn cứu rỗi cho tất cả mọi người, không phân biệt. Đó là lý do tại sao, những người mang danh Kitô hữu, cần phải ra đi, không chỉ để thông báo tin vui mà còn để mời gọi mọi người cùng tham gia vào cộng đồng đức tin là lời gợi ý của Đức Cha.

Trong đó, khi thực hiện sứ vụ truyền giáo, điều quan trọng là phải nhận thức được bối cảnh văn hóa và xã hội xung quanh mình. Việt Nam, với nền văn hóa phong phú và đa dạng, có những thách thức và cơ hội riêng trong việc rao giảng Tin Mừng, Đức Cha cho thấy cần học cách “nói về Chúa trong ngôn ngữ của người Việt Nam”, nghĩa là trong các tập quán và truyền thống của người Việt, để Tin Mừng có thể được đón nhận một cách tự nhiên và gần gũi.

Với liên hệ thực tế, Đức Cha căn dặn cộng đoàn trong việc truyền giáo không chỉ là lời nói, mà còn là hành động, tham gia vào các hoạt động từ thiện, giáo dục, và chăm sóc sức khỏe. Qua những việc làm này, chúng ta không chỉ đem lại niềm vui và hy vọng cho những người xung quanh, mà còn thể hiện tình yêu của Chúa qua chính đời sống của mình.

Cuối bài giảng, Đức Cha muốn nhắc nhở mỗi người rằng sứ vụ truyền giáo không phải là trách nhiệm của một số ít, mà là sứ mạng chung của toàn thể dân Chúa. Chúng ta hãy cùng nhau hiệp hành, cầu nguyện và hỗ trợ lẫn nhau trong hành trình này.

Sau bài giảng, cộng đoàn tiếp tục sốt sắng trong lời cầu nguyện chung cho sứ mạng truyền giáo trong Hội Thánh và bước vào phần cử hành phụng vụ Thánh Thể.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Cha Gioan Baotixita Vũ Văn Kiện, đặc trách Ban Truyền giáo bày thay lời quý cha phụ trách gửi lời cảm ơn Đức Cha và quý cha và cộng đoàn đã cùng hiệp thông trong Thánh lễ cùng lo những phần vụ giúp cho ngày gặp mặt đạt nhiều kết quả tốt.

Ngày khánh nhật truyền giáo là dịp để mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận có cơ hội cùng cầu nguyện, gặp gỡ, và lắng nghe sứ điệp truyền giáo của Đức Thánh Cha Phanxicô, đồng thời giúp nhau hiệp hành trên con đường truyền giáo và tái truyền giáo trong giáo phận. Xin Chúa luôn đồng hành và nâng đỡ mỗi người trên hành trình thực thi sứ mạng truyền giáo của mình.

Bài viết: BBT

Hình ảnh: Media Truyền Tin