Đại lễ kính Lòng thương xót tại nhà thờ Chính Tòa

Chủ nhật - 03/04/2016 12:03      Số lượt xem: 4587

Chúa nhật 2 Phục sinh – Chúa nhật Lòng thương xót Chúa, Đức Giám mục giáo phận đã long trọng chủ sự thánh lễ tôn vinh Lòng xót thương, tại nhà thờ Chính Tòa, lúc 10h00 sáng nay (03/4/2016).


Các linh mục trong nội thành Hải Phòng đã đồng tế với vị cha chung của Giáo phận trong thánh lễ đặc biệt này. Có đông đảo các tín hữu gần xa, ngay từ sớm, đã hân hoan trở về với nhà thờ Chính Tòa để hành hương và đón nhận ơn thánh trong ngày kính Lòng xót thương Chúa hôm nay.

“Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới”. Trước khi thánh lễ bắt đầu, cộng đoàn đã quy tụ trước Nhan Lòng Chúa xót thương để cùng lần chuỗi lòng thương xót. Những lời kinh đơn sơ nhưng sâu sắc được cất lên trong trong tình yêu mến và da diết thiết tha, giúp cho cộng đoàn cảm nhận Lòng xót thương của Chúa thật gần gũi, thân thương và trìu mến đang tuôn đổ trên đoàn con cái.

Tâm tình này đã được ca đoàn tiếp nối trong bài hát “Chúa giàu lòng xót thương”. Lời hát “Lạy Chúa! Ngài giàu lòng xót thương, xin ban ơn phù giúp con đêm ngày. Lạy Chúa! Ngài rộng lòng thứ tha, xin rộng ban tình yêu và tha thứ . .. ”, đã chuẩn bị tâm hồn để cộng đoàn tham dự có thể đắm chìm trong Lòng xót thương của thánh lễ tôn kính Lòng xót thương Chúa.  

“Năm 1931, Chúa Giêsu đã hiện ra và mạc khải cho nữ tu Faustina về Lòng thương xót của Chúa dành cho con người và muốn có một ngày dành riêng để tôn kính Lòng xót thương. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô đã thực hiện ước muốn này vào năm 2000 bằng việc thiết lập thánh lễ kính Lòng thương xót vào Chúa nhật 2 phục sinh”, Đức cha dẫn vào thánh lễ kính Lòng thương xót.

Với ý hướng ấy, ngài tiếp tục ngỏ lời với cộng đoàn: “Như thế, việc tôn kính Lòng thương xót là thực hiện ý muốn của Chúa và Giáo hội. Không chỉ vậy, việc làm tốt lành này còn đem lại cho chúng ta muôn vàn điều tốt đẹp: Ai tôn kính lòng thương xót Chúa, sẽ được sống trong sự bao bọc chở che của Chúa, được ơn hoán cải, và ơn cứu rỗi đời đời. Xin cho mỗi người chúng ta đón nhận được dồi dào Lòng xót thương của Chúa và biết sống với nhau bằng lòng xót thương để được hưởng lời Chúa chúc phúc: Phúc thay có có lòng thương xót . . .”.

“Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới”. Xuất phát từ lời kinh “thân thương, trìu mến như chạm đến Lòng xót thương của Chúa”, Đức cha làm nổi bật lên giá trị của Lòng Chúa xót thương. Lòng xót thương của Chúa được thể hiện dưới hình thức khác nhau, nhưng chính cuộc khổ nạn đau thương là đỉnh cao của Lòng xót thương, là dấu chứng sống động cho một Lòng xót thương hải hà của Chúa dành cho con người và thế giới.

Như muốn các tín hữu có cảm nghiệm sống động hơn về Lòng thương xót, Đức cha giúp các tín hữu hiểu ý nghĩa của những biểu tượng qua chính bức hình ảnh Chúa xót thương: “Tay phải giơ lên để chúc lành, tay trái được áp vào trái tim. Từ trái tim ấy hai dòng nước (màu trắng xanh) và máu (màu đỏ) tuôn trào để tẩy sạch con người khỏi tội, thể hiện nơi bí tích Thanh tẩy, và cứu độ con người, qua bí tích Thánh Thể”.

Lời kinh thân thương và trìu mến ấy cũng nói lên ước muốn khát khao của mỗi người là được Chúa xót thương. Trước những gian nan, khó khăn và thử thách của cuộc sống, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô I đã sánh ví con người ngày nay bị đánh bầm dập nát tan chẳng khác gì như người gặp nạn trong “Dụ ngôn người Samari tốt lành” (Lc 10,29-37). Chúa Giêsu chính là người Samari tốt lành đã lấy dầu xoa bóp và băng bó những vết thương, rồi đưa về quán trọ để chữa cho lành. Lời kinh ấy cầu xin Chúa xót thương chữa lành cho mỗi người đang mang những thương tích đầy mình nơi thể xác cũng như tâm hồn.

Cũng từ lời kinh đơn sơ ấy, Đức cha tiếp tục chia sẻ, “mỗi người chúng ta có thể cảm nhận được Lòng xót thương của Chúa như đại dương bao la, như biển cả hải hà, để chìm đắm vào Lòng xót thương Chúa”. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, khi đã cảm nghiệm được Lòng xót thương, mỗi người được mời gọi hãy “Sống và loan báo Lòng xót thương”. Việc này quan trọng đến nỗi, nếu các tín hữu không sống Lòng xót thương, thì “Giáo hội trở nên một tổ chức trần thế, các nghi lễ phụng vụ như một sinh hoạt văn hóa”. Đức cha cũng gợi lên những việc làm thiết thực thể hiện lòng xót thương, như tha thứ, trân trọng, cảm thông, đặc biệt là thực hiện các việc làm bác ái. Kết thúc bài giảng, một lần nữa ngài nhắc đến sự cần thiết của lòng xót thương với mọi người: “Lòng xót thương không chỉ là sự bố thí của người giàu cho người nghèo, sự trợ giúp của người trên cho người dưới; nhưng là việc làm của mọi người, vì ai cũng cần đến lòng xót thương, nên ai cũng phải sống xót thương”.

Thánh lễ tiếp tục diễn ra trong bầu khí linh thiêng và tâm tình sốt sắng. Trong lời cầu nguyện của Kinh Thánh Thể, ngoài những ý nguyện xin lễ, Đức cha hướng lời cầu nguyện của cộng đoàn đến mọi người, cách riêng là những người khổ đau, khó nghèo, bị loại ra lề xã hội . . . đang rất cần Lòng xót thương.

Trước khi giải tán cộng đoàn, Đức cha đã long trọng ban phép lành với ơn toàn xá cho cộng đoàn tham dự hiện diện tại nhà thờ Chính tòa - Một trong 04 điểm hành hương của Giáo phận được ấn định để lĩnh ơn toàn xá trong Năm thành Lòng thương xót.

“Hãy đi loan báo Lòng thương xót Chúa. Hãy đi loan báo Tin mừng cứu độ. Cho yêu thương lan tỏa khắp nơi”. Lời bài hát tạ lễ cũng chính là tâm tình của cộng đoàn khi bước chân ra về để đi vào lòng đời hôm nay: “Hãy đi loan báo Lòng thương xót Chúa . . .”.
BTT GP



 
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 230
  •   Máy chủ tìm kiếm 19
  •   Khách viếng thăm 211
 
  •   Hôm nay 66,110
  •   Tháng hiện tại 861,422
  •   Tổng lượt truy cập 80,794,322