Tìm kiếm Chúa

Thứ năm - 29/11/2018 15:36      Số lượt xem: 5003

Mùa Vọng nhắc chúng ta một mục đích quan trọng của cuộc đời, đó là tìm kiếm Chúa. Thánh Augustinô đã thốt lên: “Lạy Chúa, tâm hồn con khắc khoải khôn nguôi, cho tới khi tìm được Chúa và an nghỉ trong Ngài”. Vâng, gặp gỡ Chúa là chân hạnh phúc, là lý tưởng cao quý mà mỗi chúng ta đang theo đuổi, là niềm hy vọng sưởi ấm tâm hồn chúng ta.


Vào lúc cất tiếng khóc chào đời, con người khởi đầu một hành trình kiếm tìm. Đây là cuộc tìm kiếm trường kỳ, liên lỉ. Trong cuộc tìm kiếm này, xem ra người ta không bao giờ bằng lòng thỏa mãn về những gì mình đã đạt được. Nỗ lực tìm kiếm đã gắn liền với bản chất con người, giúp họ không ngừng vươn lên. Thao thức tìm kiếm là điều tốt lành và cần thiết cho cuộc sống chúng ta. Điều quan trọng ở chỗ đối tượng tìm kiếm của chúng ta là gì. Có những người miệt mài say mê, đạt được những phát minh sáng chế, để lại những di sản cho đời và giúp cho nhiều thế hệ. Có những người chịu thương chịu khó làm việc để nuôi sống bản thân và gia đình. Mọi tìm kiếm nhằm đem lại cuộc sống tốt đẹp cho bản thân, gia đình và xã hội đều tốt đẹp và hướng tới một tương lai.

Nếu hành trình cuộc đời là một hành trình tìm kiếm, thì có nhiều người lại dành thời gian để tìm kiếm những hư vô. Quả vậy, trong xã hội của chúng ta, có nhiều người sống không có mục đích, như đám bèo trôi lững lờ theo dòng chảy. Cuộc sống đối với họ trống rỗng. Họ phung phí thời gian Chúa ban, và không làm được điều gì ích lợi cho xã hội. Vì cuộc sống trống rỗng và vô nghĩa, nhiều người đã tìm đến ma túy, rượu chè bài bạc và những thú vui khác. Như thế, đối tượng tìm kiếm của họ là niềm vui chóng qua và hạnh phúc trần tục. Những thú vui này không giúp họ thỏa mãn. Khi tỉnh men rượu hoặc ma túy, họ càng thấy cuộc đời này vô nghĩa hơn. Nhiều người đã tự tìm đến cái chết, để chấm dứt cuộc đời buồn chán không có mục đích và không có tương lai. Lối sống buông thả, phóng khoáng đã biến con người thành hoang dã. Trường hợp cô sinh viên ném đứa con vừa sinh từ một tòa nhà cao tầng ở Hà Nội mới đây, như một tiếng báo động cho lối sống vô luân và vô cảm của giới trẻ hiện nay.

Giữa muôn vàn điều mà chúng ta tìm kiếm trong cuộc đời, một điều căn bản là chúng ta phải tìm kiếm Chúa. Tác giả Thánh vịnh đã nói với chúng ta: “Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn, Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng. Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37,4-5). Con người tự nhiên hướng về Chúa, như suối về nguồn cội, như hướng dương về phía mặt trời. Có thể quan niệm và danh xưng về Cội Nguồn này khác nhau, nhưng trong mọi nền văn hóa, người ta đều tin vào những giá trị thiêng liêng, vào một Quyền Năng vĩnh cửu. Quyền Năng ấy không ngừng điều khiển vũ trụ, đồng thời bao bọc chở che con người trong vòng tay yêu thương.

Đấng Quyền Năng này, người Kitô hữu gọi là Thiên Chúa, và họ luôn thao thức tìm kiếm Ngài. Cuộc tìm kiếm này cũng liên lỉ suốt đời. Thiên Chúa tỏ mình ra cho những ai thành tâm tìm kiếm Ngài. Khi còn sống trên thế gian, chúng ta có thể gặp gỡ Ngài một cách thiêng liêng vô hình, qua việc cảm nhận sự hiện diện của Ngài. Ngài luôn đồng hành với chúng ta trong cuộc sống, để nâng đỡ, cảm thông, trách móc, tha thứ và chúc lành. Người đi tìm Chúa sẽ cảm nhận ngày càng rõ nét hơn sự hiện diện của Ngài, để rồi, họ tâm sự với Ngài như với những người bạn chí cốt, than thở với Ngài về thế thái nhân tình, xin Ngài chỉ dẫn để tìm lối thoát trong những bế tắc khó khăn. Tìm kiếm Chúa là ưu tiên của đời sống Kitô hữu. Đó cũng là điều kiện để Chúa ban cho chúng ta những ơn cần thiết trong cuộc đời. Chúa Giêsu đã hứa: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,33)

Cuộc tìm kiếm Chúa phải trải qua những giờ phút gian nan. Bởi lẽ Thiên Chúa vừa hiện diện, nhưng xem ra cũng vắng mặt trong cuộc đời này. Câu chuyện “dấu chân trên cát” rất quen thuộc đã diễn tả sự hiện diện của Chúa trong lúc chúng ta gặp gian nan. Nếu trong lúc hoảng loạn lo âu, chúng ta thấy dường như Chúa vắng bóng, thì đó lại là lúc Chúa bồng bế chúng ta trong tay Ngài. Ôi, một hình ảnh tuyệt vời làm sao, đem lại cho chúng ta niềm xác tín và bình an.

Nếu cuộc đời này là một hành trình tìm kiếm Chúa, thì chính Chúa cũng đang đi tìm kiếm chúng ta. Tin Mừng đã nói đến hình ảnh người chăn chiên, để lại 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc, hoặc dụ ngôn người đàn bà có 10 đồng mà rơi mất một đồng. Bà đã tìm mọi cách để tìm lại đồng tiền đánh mất. Chúa Giêsu đã kết thúc hai dụ ngôn này bằng việc diễn tả niềm vui trên trời, khi con người hối cải ăn năn canh tân cuộc sống. Cõi trời mênh mông là thế, mà lại vui mừng trước việc một cá nhân bé nhỏ sám hối trở về. Hình ảnh người chăn chiên và người đàn bà trong hai dụ ngôn này nhằm diễn tả lòng bao dung nhân hậu của Thiên Chúa đối với con người. Ngài mong cho con người trở về và được sống an vui. Ngài muốn chia sẻ hạnh phúc và vinh quang của Ngài cho mọi tạo vật, cách riêng cho con người, là tạo vật được dựng nên giống hình ảnh của Ngài.

Thiên Chúa vẫn luôn tìm kiếm chúng ta, với tình phụ tử thiêng liêng cao cả. Không chỉ tìm kiếm qua các trung gian như thời Cựu ước, Thiên Chúa đã sai Con của Ngài đến trần gian để tìm kiếm con người lưu lạc. Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa nhập thể đã trở nên con người hoàn toàn như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Người là Mục tử, đi tìm kiếm những con chiên lạc, để đưa về đàn. Nội dung giáo huấn của Chúa Giêsu dựa trên nền tảng giáo huấn của Cựu ước, nhưng mang một sắc thái mới. Đức yêu thương là cốt lõi và nền tảng và cũng là điều kiện cần thiết cho những ai muốn làm môn đệ của Người.

Con Thiên Chúa đã bước vào lịch sử cách đây hơn hai ngàn năm. Người đã chọn trần thế làm quê hương. Sau khi chu toàn sứ mạng cứu chuộc loài người, Chúa Giêsu vẫn muốn ở lại với chúng ta cho đến tận thế. Đó là sự hiện diện thiêng liêng vô hình và huyền nhiệm, nhất là trong Bí tích Thánh Thể. Chỉ có những tâm hồn thiện chí và những ai thành tâm tìm kiếm mới gặp được Người. Suốt bề dày lịch sử, biết bao người đã gặp Chúa và được Người biến đổi. Cuộc gặp gỡ này đã làm cho họ nên giống Chúa Giêsu, nên đồng hình đồng dạng với Người, để rồi cùng với Người đem ơn cứu rỗi cho trần gian.

Mùa Vọng nhắc chúng ta một mục đích quan trọng của cuộc đời, đó là tìm kiếm Chúa. Thánh Augustinô đã thốt lên: “Lạy Chúa, tâm hồn con khắc khoải khôn nguôi, cho tới khi tìm được Chúa và an nghỉ trong Ngài”. Vâng, gặp gỡ Chúa là chân hạnh phúc, là lý tưởng cao quý mà mỗi chúng ta đang theo đuổi, là niềm hy vọng sưởi ấm tâm hồn chúng ta.

Giữa những ánh đèn lung linh và những bài thánh ca huyền diệu của Mùa Giáng Sinh, mỗi chúng ta hãy dành một chỗ cho Chúa trong trái tim mình. Chính trái tim chúng ta là máng cỏ đón Chúa ngự đến. Được như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ có một Mùa Vọng đầy ý nghĩa và một lễ Giáng Sinh tuyệt vời, vì chúng ta đã tìm thấy Chúa và đã gặp gỡ Ngài.
 
Mùa Vọng 2018
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
 
 
 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 18 trong 4 đánh giá
Xếp hạng: 4.5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 185
  •   Máy chủ tìm kiếm 21
  •   Khách viếng thăm 164
 
  •   Hôm nay 64,990
  •   Tháng hiện tại 860,302
  •   Tổng lượt truy cập 80,793,202