Sống giữa thế gian (Bài giảng Chúa nhật VII Phục sinh - Năm B)

Thứ sáu - 14/05/2021 15:06      Số lượt xem: 1890

Như Chúa Giêsu đã sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian, chúng ta cũng hiện hữu trong đời này mà luôn hướng về quê trời, là quê hương đích thực của chúng ta.

 
Cuộc đời này được gọi là thế gian. Trong Tin Mừng của Thánh Gioan, “thế gian” có nhiều nghĩa. Trước hết, thế gian là sự đối nghịch với Nước Thiên Chúa, giống như sự đối nghịch giữa ánh sáng và bóng tối. Theo nghĩa này, thế gian cũng tượng trưng cho ma quỷ, được gọi là “thủ lãnh thế gian” (x. Ga 12,31). Tuy vậy, “thế gian” cũng là đối tượng được Chúa yêu thương, “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình.” (Ga 3,16). Con Thiên Chúa đã mặc lấy thân phận con người và đã hiến mạng sống mình cho thế gian.
 
Như Chúa Giêsu đã sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian, chúng ta cũng hiện hữu trong đời này mà luôn hướng về quê trời, là quê hương đích thực của chúng ta. Những ai tin vào Chúa được mời gọi sống như Chúa Giêsu đã sống, để rồi giữa biển đời đầy sóng gió, họ luôn vững vàng và chiến thắng; giữa vũng lầy trần gian, họ vẫn nhẹ nhàng thanh thoát; giữa những giành giật bon chen, họ vẫn thư thái an bình.
 
Thế gian cũng được so sánh như một “bãi chiến trường”, tức là nơi giao tranh quyết liệt giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa thánh thiện và tội lỗi. Chiến trường trần gian còn khốc liệt hơn cả súng đạn, vì giữa bom đạn người ta quý mến nhau, nhưng khi tranh giành quyền lợi, người ta trở nên hoang dã với đồng loại, thậm chí với những người thân cùng mang một dòng máu trong gia đình họ tộc. Nơi chiến trường thì có người chiến thắng nhưng cũng có người gục ngã đau thương. Giuđa là một trường hợp điển hình. Ông đã gục ngã trong cuộc chiến đấu với cám dỗ trước hết về tiền bạc, rồi sau đó là cám dỗ mất niềm hy vọng vào lòng từ bi của Chúa. Trong lời cầu nguyện với Chúa Cha, Chúa Giêsu đã nhắc tới người môn đệ phản bội này, có ý khuyên các môn đệ hãy lấy đó làm gương mà sống trung thành. Bởi lẽ, chặng đường tương lai họ sẽ đi có nhiều chông gai thử thách. Lòng trung thành là một điều kiện tiên quyết để trở nên môn đệ của Chúa, nhờ đó mà chứng từ của họ mang lại nhiều hoa trái tông đồ.
 
Được Chúa gọi, chọn và sai đi, các môn đệ của Chúa là những người sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian. Đây là nét đặc thù của ơn gọi Kitô hữu. Như Chúa Giêsu nhập thể, vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật, người tín hữu sống trong thế gian vừa gắn bó với cuộc sống hiện tại, vừa hướng về quê hương trên trời. Họ vừa phải chu toàn bổn phận đối với xã hội trần gian, vừa chu toàn mệnh lệnh của Đấng là Vua muôn loài. Đối với các tín hữu, việc tuân giữ lề luật của Chúa phải ưu tiên hơn các luật lệ của con người, vì Thiên Chúa là Chủ tối thượng của cả gia đình nhân loại.
 
Nhiều người bi quan vì trong số 12 tông đồ, có Giuđa là người phản bội. Tuy vậy, nếu chỉ có một Giuđa là người phản bội, thì có đến 11 tông đồ khác là người trung thành. Cộng đoàn tín hữu sơ khai đã có cái nhìn bao dung tích cực của Đức tin. Việc Giuđa phản bội không làm các tông đồ nản chí. Các ông đã nhanh chóng bầu lên một người thay thế Giuđa (Bài đọc I). Qua trường hợp Giuđa, chúng ta rút ra bài học sâu sắc cho thấy không phải cứ được gọi là ngẫu nhiên trở thành môn đệ tốt. Tiến trình theo Chúa còn tùy thuộc vào nỗ lực phấn đấu của cá nhân mỗi người. Con người được tạo dựng có tự do. Họ có thể chọn lựa điều tốt hoặc điều xấu, và họ phải lãnh trách nhiệm về sự chọn lựa đó. Thiên Chúa luôn công bằng và tôn trọng tự do của con người. Trường hợp Giuđa không làm cho Giáo Hội nản chí, nhưng đó là lời cảnh tỉnh cho tất cả những ai muốn làm môn đệ của Chúa Giêsu. Thế rồi, trong suốt bề dày của lịch sử Giáo Hội, đây đó vẫn còn những Giuđa, vì con người yếu đuối, dễ mắc phải lỗi lầm. Giáo Hội được gọi là “Hội Thánh”, nhưng còn ôm ấp trong lòng mình những phần tử tội lỗi. Vì thế, Giáo Hội phải tự thanh tẩy mỗi ngày.
 
Người công giáo không phải là những người “phản động” hay thù ghét thế gian, vì thế gian này được Chúa tạo dựng, yêu thương và cứu chuộc. Ơn gọi của người Kitô hữu là nên thánh giữa đời và cộng tác phần mình làm cho môi trường xung quanh cũng nên thánh, và vũ trụ này mỗi ngày thêm tốt đẹp hơn. Nếu chúng ta còn mang trong mình nhiều yếu đuối, xin đừng nản lòng, vì chính Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ…Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến”.
 
“Được thánh hiến” là sống trong sự thật. Tin vào tình yêu bao la của Thiên Chúa sẽ giúp cho chúng ta vượt lên tất cả (Bài đọc II). Trong cuộc sống đầy xáo trộn hôm nay, người ta có khuynh hướng buông xuôi theo cơn lốc thị trường, lấy lợi nhuận làm tiêu chuẩn cho mọi suy tư và hành động. Ước chi mỗi Kitô hữu chúng ta trở nên chứng nhân của Sự Thật, góp phần làm tỏa lan niềm vui của Tin Mừng, qua đó, chúng ta góp phần thánh hóa thế gian.
 
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên

 
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 194
  •   Máy chủ tìm kiếm 3
  •   Khách viếng thăm 191
 
  •   Hôm nay 14,606
  •   Tháng hiện tại 1,046,614
  •   Tổng lượt truy cập 79,795,298