Tài liệu học hỏi về Thượng hội đồng Giám mục thế giới

Thứ ba - 25/01/2022 07:42      Số lượt xem: 2158

Để giúp các giáo xứ có những tham khảo làm tài liệu học hỏi về Thượng Hội Đồng Giám Mục (THĐGM) lần thứ XVI, Ban Truyền thông xin đăng lại Chương trình học của giáo phận Long Xuyên. Giáo trình học hỏi này được soạn dựa trên tập "Tài liệu chuẩn bị" và cuốn "Cẩm nang", Toà Thánh gửi cho các giáo phận nghiên cứu, học hỏi để góp ý cho THĐGM.

hoc hoi ve thuong hoi dong giam muc thu 16

Ước mong những bài học ngắn gọn này sẽ giúp anh chị em trong giáo phận Long Xuyên chúng ta hiểu được ý nghĩa sâu xa của chủ đề THĐGM và góp ý tích cực cho THĐGM. 

BÀI 1: THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC LẦN THỨ XVI – 2023: ĐỊNH NGHĨA, NGUỒN GỐC, KHÁC BIỆT, CHỦ ĐỀ

Bài 2: GIỚI THIỆU CẨM NANG & BỐI CẢNH CỦA THĐGM XVI & ĐỊNH NGHĨA TÍNH HIỆP HÀNH
BÀI 3: MỤC ĐÍCH VÀ CHỦ ĐỀ CỦA THĐGM XVI

Bài 4: CÁC NGUYÊN TẮC CỦA MỘT TIẾN TRÌNH HIỆP HÀNH

Bài 5: THÁI ĐỘ THAM GIA TIẾN TRÌNH HIỆP HÀNH

Bài 6: CÁC CẠM BẪY CẦN TRÁNH TRONG TIẾN TRÌNH HIỆP HÀNH

Bài 7: THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XVI DIỄN TIẾN THẾ NÀO?


 
BÀI 1: THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC LẦN THỨ XVI – 2023: ĐỊNH NGHĨA, NGUỒN GỐC, KHÁC BIỆT, CHỦ ĐỀ

1- Thượng Hội Đồng Giám Mục là gì?

Thượng Hội Đồng Giám Mục (THĐGM) là hội nghị các Giám Mục được tuyển chọn từ các miền khác nhau trên thế giới, nhóm họp định kỳ để cổ vũ sự hiệp nhất mật thiết giữa Đức Giáo Hoàng Rôma và các Giám Mục, cũng như góp ý với Đức Giáo Hoàng về những vấn đề liên quan đến các hoạt động của Giáo Hội.

2- Nguồn gốc Thượng Hội Đồng Giám Mục?

THĐGM được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI thiết lập ngày 15 tháng 9 năm 1965 qua Tự sắc Apostolica Sollicitudo, nhằm đáp lại nguyện vọng của các nghị phụ Công đồng chung Vaticanô II. Thông thường, khoảng ba năm thì THĐGM thường lệ sẽ diễn ra một lần. Tuy nhiên, cũng có THĐGM ngoại lệ và THĐGM đặc biệt, tất cả đều do Đức Giáo Hoàng triệu tập.

3- Thượng Hội Đồng Giám Mục đóng góp gì cho Giáo Hội?

- Duy trì sự hợp nhất và cộng tác chặt chẽ giữa Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục trên thế giới.
- Thông tin trực tiếp và chính xác về tình trạng và các vấn đề liên quan đến đời sống Giáo Hội hoàn vũ cũng như những việc Giáo Hội phải thực hiện trong thế giới hôm nay.
- Tạo điều kiện để thống nhất quan điểm, ít là về những điểm quan trọng trong giáo thuyết và đời sống Giáo hội.

4- Có bao nhiêu Thượng Hội Đồng Giám Mục đã diễn ra?

Cho đến nay, đã có 15 THĐGM thường lệ, 3 THĐGM ngoại lệ và  11 THĐGM đặc biệt.

5- Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI có điều gì khác với những lần trước?

Ngày 15 tháng 09 năm 2018, với ý muốn canh tân Thượng Hội Đồng Giám Mục, Đức Giáo Hoàng Phanxicô ban hành Tông hiến Episcopalis communio (Sự hiệp thông Giám Mục)Tông hiến quy định rằng từ nay có thêm giai đoạn tham khảo ý kiến Dân Chúa ở các giáo hội địa phương với tiến trình kéo dài 3 năm theo 3 giai đoạn: giáo phận, châu lục và hoàn vũ.

Vì thế, THĐGM thường lệ lần thứ XVI là THĐGM đầu tiên áp dụng Tông hiến này. Có nghĩa là từ THĐGM này trở đi, các THĐGM không chỉ đơn thuần là một đại hội của các Giám Mục mà còn là hành trình dành cho tất cả các tín hữu thuộc các Giáo hội địa phương tham gia vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế của Giáo hội hoàn vũ.

Đặc biệt, THĐGM lần này mong muốn người nghèo và người bị loại trừ trong Giáo hội cũng được thình ý: “Cuối cùng, điều quan trọng cơ bản là người nghèo và người bị loại trừ cũng được cất tiếng nói, chứ không chỉ những người có vai trò hoặc trách nhiệm nào đó trong các giáo hội (địa phương). (trích “Tài liệu chuẩn bị, số 31).

6- Chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI là gì?

Chủ đề của THĐGM lần thứ XVI là Hướng đến một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ.
 
Bài 2: GIỚI THIỆU CẨM NANG & BỐI CẢNH CỦA THĐGM XVI & ĐỊNH NGHĨA TÍNH HIỆP HÀNH

1. Giới thiệu cẩm nang.

Về chủ đề: Hướng đến một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, tham gia, sứ mạng; chúng ta có hai tài liệu chính: 1/ “Cẩm nang” thực hành; và 2/ “Tài liệu chuẩn bị”. Đây là hai tài liệu Toà Thánh gởi cho các giáo phận nghiên cứu, học hỏi để góp ý cho THĐGM. Vậy, “Cẩm nang” có gì?

- Cẩm nang đề xuất những hỗ trợ thực hành giúp những người có trách nhiệm chuẩn bị và tập họp dân Chúa để họ có thể chia sẻ kinh nghiệm nơi Giáo hội địa phương. Cơ hội lắng nghe và đối thoại tại Giáo hội địa phương sẽ giúp mọi tín hữu khám phá lại bản chất hiệp hành của Giáo hội. Đây chỉ là những đề xuất, nói rõ hơn là những hướng dẫn cho Giáo hội địa phương, chứ không phải là những quy định phải theo.

- Để hướng đến một Hội thánh hiệp hành, việc đầu tiên cần làm là mời gọi mọi tín hữu trên toàn thế giới, bao gồm linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân từ các giáo phận, giáo xứ, dòng tu tham gia, cùng nhau làm việc, nhằm thúc đẩy sự hoán cải mục vụ và hiệp hành của mỗi Giáo Hội địa phương.

-Trên thế giới, nhiều vùng miền đã thiết lập được các tiến trình hiệp hành nhưng đối với  một số vùng miền nào đó, điều này là mới mẻ, chưa biết đến. Vì vậy, trong quá trình học hỏi anh chị em sẽ được đề xuất những cách thực hành hữu ích và hiệu quả, có thể được thích ứng trong quá trình chúng ta “cùng nhau cất bước hành trình”.

- Tiến trình hiệp hành: lắng nghe, chia sẻ kinh nghiệm, cần được diễn ra trong khung cảnh linh thiêng: suy niệm Kinh thánh, cử hành phụng vụ và cầu nguyện. Cùng nhau làm việc trong tiến trình lắng nghe, như là một kinh nghiệm nhận biết tiếng nói của Chúa Thánh Thần.

- Mọi người đều được mời gọi tham gia vì Giáo Hội Hiệp Hành chính là Giáo hội trong thiên niên kỷ thứ ba, như lòng Chúa mong ước.

2. Bối cảnh của THĐGM XVI

Thượng Hội Đồng Giám Mục XVI diễn ra trong bối cảnh:

- Thế giới : đại dịch toàn cầu, xung đột địa phương và quốc tế, biến đổi khí hậu, di cư, các hình thức bất công, phân biệt chủng tộc, bạo lực, bách hại, và gia tăng bất bình đẳng trên toàn nhân loại.

- Giáo hội: lạm dụng tình dục, lạm dụng quyền lực, và lạm dụng lương tâm do một số đáng kể các giáo sĩ và người thánh hiến gây ra.

- Tuy bối cảnh thề giới và Giáo hội hiện nay có nhiều trở ngại cho việc triển khai Tiến trình hiệp hành, nhưng cũng là cơ hội thúc đẩy Hội thánh hồi sinh. Hơn nữa, giữa bối cảnh này, tính hiệp hành còn giúp Giáo hội có thể được đổi mới nhờ tác động của Chúa Thánh Thần; làm cho Giáo hội trở thành Dân Thiên Chúa hợp nhất với nhau cách sâu xa hơn để ra đi thực hiện sứ mạng Loan Báo Tin Mừng.

3. Hiệp hành là gì?

Hiệp hành (synodality) nghĩa từ ngữ là: cùng nhau bước đi. Giải thích rộng hơn và sâu xa hơn thì Hiệp hành “diễn tả bản chất của Giáo hội là Dân Thiên Chúa đồng hành cùng nhau và tập họp trong cộng đoàn được Chúa Giêsu qui tụ bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần để loan báo Tin Mừng” (Uỷ ban thần học quốc tế). Vì Hiệp hành là bản chất của Giáo hội, nên tính Hiệp hành phải được thể hiện trong cách sống và làm việc bình thường của Giáo hội.

- Qua Bí tích Rửa tội, chúng ta đều được mời gọi tham gia tích cực vào đời sống Giáo hội. Mọi thành phần được mời gọi lắng nghe nhau để nhận ra sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Ngài hướng dẫn những nỗ lực nhân loại của chúng ta.

- Khi Giáo hội dấn bước trên con đường hiệp hành này, chúng ta phải cố gắng đi sâu vào kinh nghiệm thực sự lắng nghe và biện phân, để trở thành Giáo hội mà Thiên Chúa kêu gọi chúng ta trở thành.


BÀI 3: MỤC ĐÍCH VÀ CHỦ ĐỀ CỦA THĐGM XVI

1. Mục đích Thượng Hội đồng này nhắm đến. Các mục tiêu của Tiến trình hiệp hành

a. Mục đích

- Thúc đẩy những trải nghiệm sống động về sự phân định, tham gia và đồng trách nhiệm, là nơi quy tụ mọi loại ân sủng khác nhau để phục vụ cho sứ mạng của Hội thánh trên toàn thế giới.

- Tạo niềm hứng khởi để con người mơ về một Hội thánh mà chúng ta được mời gọi trở thành, là làm cho niềm hy vọng được nảy nở, là khơi dậy niềm tin, là băng bó các vết thương, là tạo nên những mối tương quan mới mẻ và sâu sắc hơn, là học hỏi lẫn nhau, là xây dựng những nhịp cầu, là thắp sáng tâm trí, là sưởi ấm cõi lòng và phục hồi sức mạnh cho đôi tay để phục vụ sứ mạng chung của chúng ta (PD, 32).

- Canh tân não trạng và cơ cấu Giáo hội.

- Con đường hiệp hành nhằm phục vụ cho cuộc đối thoại của Thiên Chúa với nhân loại.

b. Mục tiêu

- Tạo cơ hội cho toàn Dân Chúa cùng nhau phân định cách tiến bước trên con đường trở thành một Hội thánh mang tính hiệp hành hơn trong tầm nhìn dài hạn.
- Lắng nghe những gì Chúa Thánh Thần đang nói với Hội thánh, bằng cách cùng nhau lắng nghe Lời Chúa trong Kinh thánh và Truyền thống sống động của Hội thánh, bằng cách lắng nghe nhau, đặc biệt là những người bên lề, và phân định các dấu chỉ thời đại.

2. Chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục XVI: Hướng tới một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ mạng.

Những từ khoá của chủ đề Giáo hội hiệp hànhhiệp thông, tham gia và sứ mạng. Ba chiều kích này có mối quan hệ mật thiết với nhau, một tương quan năng động. Chúng làm phong phú và định hướng cho nhau. Cần hiểu rõ mối tương quan này cùng với ba chiều kích của nó.

Hiệp Thông: Nguồn cội sâu xa của sự hiệp thông trong Dân Chúa phát xuất từ tình yêu và sự hợp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính Chúa Kitô đã hoà giải chúng ta với Chúa Cha và hợp nhất chúng ta trong Chúa Thánh Thần. Vì thế, tất cả chúng ta đều có vai trò của mình trong việc phân định và thực hiện lời Chúa kêu gọi dành cho dân Ngài.

Tham Gia: Kêu gọi tất cả những ai thuộc về Dân Chúa: giáo dân, người được thánh hiến và giáo sĩ tham gia vào tiến trình hiệp hành, càng nhiều càng tốt, đặc biệt là những người ở bên lề. Sự tham gia này chính là tập lắng nghe nhau cách chân thành và tôn trọng, để từ đó, cùng nhau lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần. Tất cả các tín hữu đều có đủ tư cách và ân ban để phục vụ lẫn nhau và tham gia vào sứ mạng của Giáo hội.

Sứ mạng: Hội thánh hiện hữu để loan báo Tin Mừng. Sứ mạng của tất cả chúng ta là làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa giữa toàn thể gia đình nhân loại.
Tiến trình hiệp hành mang chiều kích truyền giáo rõ nét. Mục đích của tiến trình này là giúp Hội thánh làm chứng cho Tin Mừng cách hữu hiệu hơn, đặc biệt với những người sống ở vùng ngoại vi của thế giới chúng ta xét về mặt tâm linh, xã hội, kinh tế, chính trị, địa lý và hiện sinh. Theo cách này, hiệp hành là con đường qua đó Hội thánh có thể hoàn thành cách hiệu quả hơn sứ mạng loan báo Tin Mừng cho thế giới, như nắm men làm cho nước Thiên Chúa mau đến.
 
Bài 4: CÁC NGUYÊN TẮC CỦA MỘT TIẾN TRÌNH HIỆP HÀNH

1. Thành phần tham gia:

Trong các Thượng Hội Đồng Giám Mục đã diễn ra trước đây, thành phần tham gia chính thức là các Giám Mục đại diện các Hội Đồng Giám Mục và các Giám Mục do Đức Thánh Cha chỉ định. Ngoài ra tùy theo nội dung của mỗi khoá họp Thượng Hội Đồng Giám Mục, nhiều Thượng phụ từ các Giáo Hội Đông phương, Bề Trên Dòng, giáo dân cũng được mời tham gia với tư cách dự thính viên hoặc chuyên viên.       
    
Khi triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục XVI, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi mọi người đã chịu phép Rửa tham gia vào tiến trình hiệp hành. Ý tưởng về một Hội Thánh hiệp hành có nền tảng sâu xa từ Thánh Kinh, và Giáo huấn của Hội Thánh. Trong Tân Ước, Đức Giêsu đã muốn qui tụ những người đi theo Người thành một cộng đoàn được cứu độ không loại trừ ai (xem Gioan 10,16; 14,25-26; Mt 15,21-28; Gioan 4,1-9; Cv 10,34). Hiến chế “Ánh sáng muôn dân” cũng khẳng định: “Mọi người đều được mời gọi vào đoàn Dân mới của Thiên Chúa” (LG 13), và “Toàn thể tín hữu được Đấng Thánh xức dầu nên không thể sai lầm trong đức tin, họ biểu lộ thuộc tính đặc biệt này qua cảm thức siêu nhiên về đức tin của toàn thể dân Chúa, khi có sự đồng thuận từ các giám mục đến những người bé mọn nhất trong các tín hữu về những điều liên quan đến đức tin và phong hoá” (LG 12).

Tóm lại, mọi thành phần dân Chúa đều được mời gọi tham gia tiến trình hiệp hành, đặc biệt những thành phần có nguy cơ bị loại trừ, những thành phần được xem như sống bên lề: đó là người nghèo, người khuyết tật, người tị nạn, người di cư, người cao tuổi, phụ nữ, người ít khi đi lễ nhà thờ. Hơn nữa, còn phải lắng nghe cả những người đã bỏ đức tin, những người thuộc các tôn giáo khác, những người không tin, v.v. (Gs 1).

2. Tiến trình thực sự mang tính hiệp hành:

Trước hết và trên hết, tiến trình hiệp hành phải thực sự là một tiến trình thiêng liêng. Đây không phải là những cuộc hội họp để thu thập ý kiến và thảo luận. Các hoạt động đặc trưng của tiến trình hiệp hành như lắng nghe, phân định, tham gia diễn ra trong tinh thần cầu nguyện và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Phương pháp của tiến trình là lắng nghe. Lắng nghe nhau, lắng nghe truyền thống đức tin của quá khứ và lắng nghe các dấu chỉ thời đại để nhận biết những gì Chúa đang nói với chúng ta. “Lắng nghe Thiên Chúa, để cùng với Ngài chúng ta có thể nghe thấy tiếng kêu của dân Ngài; lắng nghe dân Ngài cho đến khi chúng ta hòa hợp với ý muốn mà Thiên Chúa kêu gọi chúng ta đón nhận ý muốn đó” (ĐTC Phanxicô).

Mục đích của việc lắng nghe là phân định. Sự phân định cộng đoàn giúp xây dựng các cộng đoàn năng động và bền bỉ thi hành sứ vụ của Hội thánh ngày nay. Phân định không phải chỉ thao dợt một lần, nhưng căn bản là một cách sống, đặt nền tảng trên Đức Kitô, theo sự chỉ dẫn của Chúa Thánh Thần.

Thực hiện lắng nghe và phân định bằng sự tham gia. Càng tham gia chúng ta càng ra khỏi chính mình để có tương quan với người khác, với những người có quan điểm khác chúng ta. Sự hiện diện chứng tỏ chúng ta muốn lắng nghe. Sự hiện diện thúc đẩy đối thoại cởi mở và giúp nhau biện phân, nhằm tìm kiếm và nhận ra ý Chúa.
 
Bài 5: THÁI ĐỘ THAM GIA TIẾN TRÌNH HIỆP HÀNH

Nhiều lần, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nêu những thái độ cụ thể sau đây giúp chúng ta tham gia tiến trình hiệp hành một cách hiệu quả:

1. Dành thời gian cần thiết cho việc chia sẻ: Chúng ta được mời gọi can đảm nói sự thật và nói với tinh thần bác ái, xây dựng. Tránh thái độ chỉ trích, gây hiểu lầm chia rẽ. Chia sẻ với ý thức trách nhiệm là chi thể của Nhiệm thể Đức Kitô.

2. Khiêm tốn lắng nghe: Lắng nghe mọi người và mỗi người, không loại trừ ai, với khối óc và con tim rộng mở, không thành kiến. Đón chào những gì người khác nói như thế qua họ Chúa Thánh Thần có thể nói vì lợi ích của mọi người (x. 1 Cor 12,7). Chúng ta là dấu chỉ của Hội thánh khi biết lắng nghe. Lắng nghe cho chúng ta cơ hội mở lòng ra để không bằng lòng với những giải pháp đã có hay những quyết định rập theo công thức.

3. Sẵn sàng hoán cải và thay đổi: Chúng ta được kêu gọi từ bỏ những thái độ tự mãn và an phận.  Loại bỏ các thành kiến và khuôn mẫu có sẵn, dẫn đến u mê và chia rẽ. Tránh sự kỳ thị, phân biệt và những chiêu bài ý thức hệ.

4. Đối thoại đưa chúng ta đến đổi mới: Chúng ta phải sẵn sàng thay đổi ý kiến dựa trên những gì chúng ta nghe được từ người khác. Với tinh thần cởi mở, chúng ta có thể học hỏi từ người khác. Nhờ tiếp thu những quan điểm mới mẻ, chúng ta phát triển những cách tiếp cận mới, với tính sáng tạo và ít nhiều táo bạo.

5. Phân định phải dựa trên niềm xác tín rằng Thiên Chúa vẫn đang hoạt động trong thế giới và chúng ta được kêu gọi để lắng nghe điều Thần Khí khơi gợi nơi chúng ta.

6. Nâng cao niềm hy vọng: Thượng hội đồng là thời gian để ước mơ và “dành thời gian sống tương lai”. Chúng ta được kêu gọi trở nên ngọn hải đăng của niềm hy vọng, chứ không phải là người báo trước họa diệt vong.

7. Tránh tinh thần giáo sĩ trị: Luôn ý thức Hội thánh là Thân thể Chúa Kitô, được ban nhiều loại đặc sủng khác nhau, trong đó, mỗi chi thể có một vai trò và ơn gọi duy nhất nhẳm phục vụ cho sự đổi mới và xây dựng toàn thể Hội thánh. Quyền bính chỉ là để phục vụ. Mọi người lắng nghe nhau vì tình yêu, trong tinh thần hiệp thông và sứ vụ chung.

8. Tránh dừng lại ở lý thuyết: Chúng ta phải tránh nguy cơ cho rằng ý tưởng thì quan trọng hơn thực tại đời sống đức tin của những người đang sống niềm tin đó cách cụ thể. Tiến trình hiệp hành không phải là chủ đề suy tư mà một thái độ sống của Giáo Hội, cần phải thực hành và thực tập.
 
Bài 6: CÁC CẠM BẪY CẦN TRÁNH TRONG TIẾN TRÌNH HIỆP HÀNH

Chúng ta cần nhận ra những cạm bẫy có thể gây cản trở trong suốt thời gian hiệp hành này. Phải tránh những cám dỗ sau đây để tiến trình hiệp hành thêm năng động và tăng hiệu quả.

Cám dỗ muốn tự mình dẫn dắt mình thay vì để Thiên Chúa dẫn dắt.

Hiệp hành không phải là một cuộc thao dượt của tập thể mang tính chiến lược, đúng hơn, đây là một tiến trình thiêng liêng do Chúa Thánh Thần dẫn dắt.

Cám dỗ tập trung vào mình và những mối quan tâm tức thời của chúng ta.

Tiến trình hiệp hành là cơ hội để mở ra, để nhìn chung quanh, để nhìn thấy từ những góc độ khác, và trong sứ vụ truyền giáo, là để đi ra, đi đến những vùng ngoại biên. Việc này đòi chúng ta phải nghĩ đến những mục tiêu dài hạn, đồng thời nới rộng viễn tượng của chúng ta tới những chiều kích của Giáo hội toàn thể.

Cám dỗ chỉ nhìn thấy “những vấn đề”.

Thế giới và Giáo Hội đang đương đầu với nhiều thách thức, khó khăn và thiếu thốn. Tuy nhiên, nếu chú ý thái quá đến những vấn đề đó, chúng ta sẽ kiệt sức, mất can đảm và bi quan. Chúng ta hãy biết nhận ra đâu là nơi Chúa Thánh Thần đang tác sinh sự sống và cách thức chúng ta có thể để cho Thiên Chúa hoạt động nhiều hơn.

Cám dỗ chỉ chú trọng đến cơ cấu.

Dĩ nhiên, tiến trình hiệp hành sẽ thực hiện ở mọi cơ cấu của Giáo hội ở mọi cấp độ, để thúc đẩy sự hiệp thông sâu xa hơn, tham gia trọn vẹn hơn và sứ vụ trổ sinh nhiều hoa trái hơn. Tuy nhiên, cũng cần quan tâm đến kinh nghiệm hiệp hành của mọi chi thể trong Thân thể Đức Kitô.

Cám dỗ không nhìn quá những ranh giới hữu hình của Giáo hội.

Tiến trình hiệp hành là thời gian để đối thoại với những người thuộc mọi tầng lớp xã hội, thuộc nhiều lãnh vực (khoa học, kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội v.v…) để suy tư về nhiều chủ đề, để đào sâu hành trình đại kết với các tông phái Kitô giáo khác và hiểu những truyền thống tôn giáo khác cách sâu sắc hơn.

Cám dỗ lơ là các mục tiêu của tiến trình hiệp hành.

Mục đích của tiến trình hiệp hành là phân định cách thức Thiên Chúa kêu gọi chúng ta cùng nhau tiến bước. Không có tiến trình hiệp hành nào giải quyết được mọi ưu tư và vấn đề của chúng ta. Tính hiệp hành là thái độ và cách tiếp cận của việc tiến bước theo cách thức đồng trách nhiệm vốn mở ra đón chào những hoa trái của Thiên Chúa được dần dần tỏ hiện.

+ Cám dỗ xung đột và chia rẽ.

“Để tất cả chúng nên một” (Ga 17,21). Đây là lời Chúa Giêsu thiết tha khẩn cầu Thiên Chúa Cha, để các môn đệ của Ngài được hiệp nhất với nhau. Chúa Thánh Thần dẫn đưa chúng ta đi sâu hơn vào mối hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau.

Cám dỗ coi Thượng hội đồng như một kiểu nghị trường.

Cám dỗ này nhầm lẫn giữa hiệp hành với “cuộc tranh luận chính trị”, bên này phải triệt hạ bên kia để dành quyền quyết định. Việc chống đối người khác hay cổ vũ các cuộc xung đột gây chia rẽ, đe dọa sự hiệp nhất và hiệp thông trong Hội thánh đều là những điều trái ngược với tinh thần hiệp hành.

Cám dỗ chỉ lắng nghe những thành phần hoạt động trong Giáo hội.

Làm như thế có thể giúp cho việc điều hành được dễ dàng hơn, nhưng rốt cuộc lại bỏ sót một số lượng dân Chúa đáng kể.
 
Bài 7: THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XVI DIỄN TIẾN THẾ NÀO?

Sau khi Tòa Thánh công bố chủ đề về tính Hiệp Hành của Hội Thánh, Văn phòng Tổng Thư Ký đã chuẩn bị nội dung, gồm các Tài Liệu và Cẩm Nang, và công bố ba giai đoạn tiến hành như sau:

1/ Giai đoạn cấp giáo phận (từ tháng 10/2021 đến tháng 8/2022)

Mục đích của giai đoạn này nhằm thúc đẩy các Giáo Hội địa phương tham gia vào tiến trình hiệp hành của Hội Thánh một cách sâu sắc hơn, đầy đủ hơn.   
Hoạt động chủ yếu của giai đoạn này là những buổi họp mang tên gọi là BUỔI THỈNH Ý HIỆP HÀNH được tổ chức rông khắp trong các giáo xứ, các dòng tu, các cộng đoàn, các hội đoàn, các phong trào giáo dân và phong trào đại kết và liên tôn, và các nhóm hoạt động khác.

Mục đích của những buổi thỉnh ý hiệp hành này là để những người tham dự lắng nghe và chia sẻ. Có thể đưa ra những câu hỏi gợi ý để người tham dự trả lời, phản hồi hoặc đề nghị những giải pháp.

Có thể là những gặp gỡ trực tiếp, hoặc trực tuyến do hoàn cảnh dịch bệnh, hoặc các hình thức truyền thông khác.

Các tài liệu, sách báo, các bài thánh ca, tác phẩm nghệ thuật cũng có thể tạo bầu khí thiêng liêng, giúp suy tư và đối thoại.

Giai đoạn cấp giáo phận này là cơ hội để các giáo xứ và giáo phận gặp gỡ, cảm nghiệm và cùng nhau thực hành những bước đường hiệp hành, nhờ thế khám phá hoặc phát triển các phương cách và con đường hiệp hành phù hợp nhất với bối cảnh địa phương, không chỉ ở hiên tại mà cả trong tương lai nữa.

Đặc biệt giáo phận Long Xuyên, theo đề xuất của Đức Giám Mục giáo phận, sẽ dành một khoảng thời gian đầu cho việc học hỏi, giúp mọi người thấm nhuần tinh thần của tính HIỆP HÀNH trước khi đi vào thực hành là tổ chức các BUỔI THỈNH Ý HIỆP HÀNH

2/ Vai trò của các Hội Đồng Giám Mục và các Công nghị Giáo Hôi Đông Phương

Sau khi nhận các bản đúc kết của các giáo phận, các Hội Đồng Giám Mục sẽ thu thập các thông tin và làm tổng hợp gởi về Văn phòng Tổng Thư ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục. Sau đó những tổng hợp này sẽ là cơ sở cho Tài liệu làm việc I, do Văn phòng Tổng Thư ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục xuất bản.

3/ Giai đoạn tại Châu lục

Dựa vào Tài liệu làm việc I, do Văn phòng Tổng Thư ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục, bảy cuộc họp tại các châu lục sẽ đưa ra 7 văn kiện cuối cùng làm cơ sở cho Tài liệu làm việc II được sử dụng tại Đại Hội Thượng Hội Đồng Giám Mục vào tháng 10 năm 2023.

4/  Đại Hội Thượng Hội Đồng Giám Mục

Các Giám mục và quan sát viên sẽ họp với Đức Thánh Cha Phanxicô trong Đại Hội Thượng Hội Đồng Giám Mục ở Rôma vào tháng 10 năm 2023.
 (Còn tiếp)
 

Tác giả bài viết: Nhóm Hiệp Hành Giáo Phận Long Xuyên

Nguồn tin: giaophanlongxuyen.org


 
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 262
  •   Máy chủ tìm kiếm 115
  •   Khách viếng thăm 147
 
  •   Hôm nay 9,338
  •   Tháng hiện tại 1,041,346
  •   Tổng lượt truy cập 79,790,030