Giáo Phận Hải Phòng

http://gphaiphong.org


Hiệp thông tháng 03/2021

Hiệp thông trong tâm tình cầu nguyện và chia sẻ những mối bận tâm trên hành trình đức tin như nối kết với Thiên Chúa và xây dựng tình hiệp nhất với nhau trong gia đình Giáo phận.
 
HIỆP THÔNG THÁNG BA: THÁNG KÍNH THÁNH GIUSE

1. Ý nguyện truyền giáo
- Ý cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng

Ý nguyện truyền giáo: Bí tích Hoà giải
Chúng ta hãy cầu nguyện để mọi tín hữu đón nhận Bí tích Hoà giải với sự canh tân sâu sắc, qua đó cảm nếm lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa.

- Ý cầu nguyện của Giáo phận

 Thánh Giuse là Bổn Mạng và gương mẫu của các người lao động và các gia trưởng. Ngài đã sống cuộc đời lao động để nuôi sống gia đình. Chính Chúa Giêsu, dù là Con Duy Nhất của Thiên Chúa, cũng được gọi là “con của bác thợ mộc”. Vì thế, noi gương thánh Giuse, các người lao động và các gia trưởng hãy học cho biết giá trị của lao động: nuôi sống bản thân và gia đình, liên kết với anh chị em và phục vụ họ, thực thi bác ái đích thực và góp công vào việc kiện toàn công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa.

- Làm việc tháng Kính Thánh Giuse: Ngắm Bảy Sự Thánh Giuse

2. Ngày lễ đặc biệt

- Ngày 10/03, thứ Tư: Ngày giỗ Đức Giám mục Giuse Maria Nguyễn Tùng Cương (1999). Chúng ta cùng dâng lên Thiên Chúa tâm tình mến yêu và biết ơn chân thành, để cầu nguyện cho ngài.

- Ngày 13/03, thứ Bảy: Kỷ niệm ngày Đức Phanxicô được chọn làm Giáo hoàng (2013).

- Ngày 19/03, thứ Sáu: Thánh Giuse, bạn trăm năm của Đức Maria, lễ trọng.
+ Bổn mạng Giáo Hội Hoàn Vũ và Giáo Hội Việt Nam.
+ Bổn mạng Đức Tổng Giám mục.
+ Cha xứ có bổn phận dâng lễ cầu cho giáo dân của mình.
+ Anh Chị Em đọc: 1 Kinh Lạy Cha, 1 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh để cầu nguyện cho ngài.
 
- Ngày 25/03, thứ Năm: Lễ Truyền tin Thiên Chúa nhập thể, lễ trọng. Trong thánh lễ hôm nay, khi đọc Kinh Tin Kính đến câu “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần… và đã làm người”, mọi người quỳ gối.
 
- Ngày 28/03, Chúa nhật Lễ Lá: Khai mạc Tuần Thánh, tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu.

3. Ngày Chầu Mình Thánh thay Giáo phận

- Ngày 07/03, Chúa Nhật III Mùa Chay: Xứ An Quý và xứ Kim Lai
- Ngày 14/03, Chúa Nhật IV Mùa Chay: Xứ Mạo Khê, xứ Nam Pháp và họ Quang Rực
- Ngày 21/03, Chúa Nhật V Mùa Chay: Xứ Bùi Xá và xứ Xâm Bồ
- Ngày 28/03, Chúa Nhật Lễ Lá: Khai mạc Tuần thánh

4. Cùng nhau học hỏi Giáo lý

- Chúa nhật tuần III Mùa Chay (07/03):

123. Hỏi: Tại sao Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ vác lấy thập giá của họ?
Thưa:  Khi kêu gọi các môn đệ vác thập giá mình mà theo Người, Chúa Giêsu muốn những người đầu tiên hưởng nhờ hy tế cứu độ của Người được kết hợp vào hy tế ấy.   

124. Hỏi: Thân xác của Chúa Giêsu ở trong tình trạng nào khi Người nằm trong mồ?
Thưa: Đức Kitô đã chết thật sự và đã được mai táng thật sự. Nhưng quyền năng Thiên Chúa đã gìn giữ thân xác Người khỏi bị hư nát.   

- Chúa nhật tuần IV Mùa Chay (14/03):

125. Hỏi: “Ngục tổ tông” mà Chúa Giêsu đi xuống là gì?
Thưa: “Ngục tổ tông” – khác với hỏa ngục của án phạt – là tình trạng của những người chết trước thời của Chúa Giêsu, dù họ lành thánh hay xấu xa. Với linh hồn được kết hợp với Ngôi vị thần linh, Chúa Giêsu xuống với những kẻ công chính trong ngục tổ tông, là những người đang mong chờ Đấng Cứu Chuộc họ, để cuối cùng họ có thể đạt được sự hưởng kiến Thiên Chúa. Sau khi nhờ cái chết của Người, Chúa Giêsu đã chiến thắng cả sự chết lẫn ma quỉ là “lãnh chúa của sự chết” (Dt 2,14), Người giải thoát những người công chính đang mong chờ Đấng Cứu Chuộc, và Người mở cửa trời cho họ.

126. Hỏi: Cuộc Phục sinh của Chúa Giêsu có vị trí nào trong đức tin của chúng ta?
Thưa: Cuộc Phục sinh là chân lý cao cả nhất của đức tin chúng ta vào Đức Kitô. Với thập giá, cuộc Phục sinh là phần thiết yếu của mầu nhiệm Vượt qua. 

- Chúa nhật tuần V Mùa Chay (21/03):

127. Hỏi: Những “dấu chỉ” nào làm chứng cho cuộc Phục sinh của Chúa Giêsu?
Thưa: Ngoài dấu chỉ chính yếu là mồ trống, cuộc Phục sinh của Chúa Giêsu được làm chứng bởi một số phụ nữ; họ là những người đầu tiên đã gặp gỡ Người và đã báo tin cho các Tông đồ. Tiếp đó, Chúa Giêsu đã “hiện ra với Kêpha” (tức là thánh Phêrô), rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra cùng một lúc với hơn năm trăm anh em (1 Cr 15,5-6) và còn nhiều người khác nữa. Các Tông đồ đã không thể bày đặt ra chuyện Phục sinh, vì Phục sinh đối với họ là chuyện không thể có được. Quả thật, Chúa Giêsu cũng đã trách cứ sự cứng lòng tin của họ. 

128. Hỏi: Tại sao Phục sinh cũng là một biến cố siêu việt?
Thưa: Tuy là một sự kiện mang tính lịch sử, có thể xác định và chứng thực qua các dấu chỉ và chứng cớ, nhưng vì là việc nhân tính của Đức Kitô bước vào vinh quang của Thiên Chúa, nên Phục sinh cũng siêu việt và vượt quá lịch sử, thực sự là Mầu nhiệm đức tin. Chính vì thế, Đức Kitô Phục sinh không tỏ mình ra cho thế gian, nhưng chỉ cho các môn đệ Người, làm cho họ trở thành những chứng nhân của Người trước mặt dân chúng. 

- Chúa nhật Lễ Lá (28/03):

129. Hỏi: Thân xác phục sinh của Chúa Giêsu ở trong tình trạng nào?
Thưa: Sự Phục sinh của Đức Kitô không phải là một cuộc trở lại đời sống trần thế. Thân xác phục sinh của Người, cũng chính là thân xác đã chịu đóng đinh, và vẫn mang vết tích của cuộc khổ nạn, nhưng từ lúc Phục sinh, thân xác này được tham dự vào đời sống thần linh với những đặc điểm của một thân xác vinh hiển. Vì thế, Đức Giêsu Kitô Phục sinh tuyệt đối tự do khi hiện ra với các môn đệ Người, theo cách thức và nơi chốn như Người muốn, dưới nhiều hình dạng khác nhau. 

130. Hỏi: Sự Phục sinh là công trình của Ba Ngôi Cực Thánh theo cách nào?
Thưa: Sự Phục sinh của Đức Kitô là một hành động siêu việt của Thiên Chúa. Cả Ba Ngôi cùng hoạt động chung theo tính cách riêng biệt của mỗi Ngôi: Chúa Cha bày tỏ quyền năng của mình; Chúa Con “lấy lại” sự sống mà Người đã tự do dâng hiến (Ga 10,17) bằng cách kết hợp linh hồn và thân xác mình, mà Chúa Thánh Thần làm cho sống động và tôn vinh. 
(Trích Bản Toát Yếu Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, bản dịch của HĐGM Việt Nam, 2011).
Trích Lịch Công Giáo Hải Phòng năm 2021