Sợi Chỉ Đỏ Chúa Nhật 24 TN B

Thứ ba - 07/09/2021 12:04      Số lượt xem: 1513

Chủ đề: Người Tôi Tớ đau khổ

“Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”
(Mc 8,33)

Sợi chỉ đỏ :

– Bài đọc I (Is 50,5-9a) : Hình ảnh Người Tôi Tớ Giavê bản thân vô tội nhưng phải chịu rất nhiều đau khổ vì tội loài người.

– Tin Mừng (Mc 8,27-35) : Đức Giêsu loan báo cho các môn đệ biết Ngài sắp chịu nạn chịu chết.

I. Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến,

Ai mà không thích sung sướng và sợ đau khổ. Tuy nhiên có những thứ khổ rất đáng kính trọng, chẳng hạn cha mẹ chịu cực chịu khổ để nuôi dạy con cái. Lời Chúa hôm nay sẽ cho chúng ta biết chính Đức Giêsu cũng chọn cách cứu chuộc loài người bằng con đường đau khổ của Thập Giá.

Trong Thánh lễ hôm nay, chúng ta hãy dâng lên Chúa những đau khổ của chúng ta và xin Ngài giúp chúng ta biết thánh hóa đau khổ, biến đau khổ thành nguồn ơn thánh cho chúng ta và cho mọi người.

II. Gợi ý sám hối

– Vì sợ khổ và muốn trốn tránh đau khổ bằng mọi giá, nhiều khi chúng ta không chu toàn bổn phận.

– Vì chưa ý thức giá trị của đau khổ nên khi gặp khổ, chúng ta chán nản thất vọng, thậm chí còn kêu trách Chúa.

– Chúng ta không vác thập giá mình hằng ngày mà đi theo Chúa.

III. Lời Chúa
1. Bài đọc I (Is 50,5-9a)

Trong phần II sách Isaia, còn gọi là Đệ nhị Isaia (Is 40-55), có 4 bài ca viết về một nhân vật rất đặc biệt được gọi là Người Tôi Tớ của Giavê (Is 42,1-4  49,1-6  50,4-9 và 52,13—53,12). Bài ca được trích đọc hôm nay là bài thứ ba.

Người Tôi Tớ Giavê này bản thân vô tội nhưng phải chịu rất nhiều đau khổ vì tội loài người.

Người Tôi Tớ này là ai ? Ý nghĩa đầu tiên của nó là nói về dân Israel, họ phải chịu bao đau khổ trong kiếp lưu đày để chuộc tội cho muôn dân. Về sau, hình ảnh này được hiểu về Đấng Messia. Đức Giêsu làm ứng nghiệm lời tiên tri này : Ngài chịu nạn, chịu chết trên Thập giá để cứu chuộc loài người.

2. Đáp ca (Tv 114)

Tâm tình của người tín hữu trung kiên : dù đang bị bủa vây giữa muôn vàn đau khổ nhưng vẫn một lòng tin tưởng Chúa và hy vọng Chúa sẽ giải thoát.

3. Tin Mừng (Mc 8,27-35)

Bài Tin Mừng hôm nay có hai phần :

a/ Đức Giêsu dò hỏi các môn đệ xem dư luận nghĩ sao về Ngài. Các môn đệ phản ảnh : có nhiều dư luận hơi khác nhau, nhưng tựu trung mọi người đều nghĩ Đức Giêsu là một ngôn sứ. Phần Phêrô thì lên tiếng nói thay cả Nhóm 12 : “Thầy là Đức Kitô”.

b/ Sau đó Đức Giêsu tiên báo về cuộc chịu nạn của mình. Phêrô ngăn cản liền bị Chúa trách nặng nề là Xatan. Rồi Ngài cho biết ai muốn làm môn đệ Ngài thì cũng phải đi theo con đường Ngài đi, đó là con đường thập giá.

– Các câu 33-35 “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”

. “Ai muốn theo tôi” nghĩa là ai muốn làm môn đệ Đức Giêsu (“đi theo” ai là làm môn đệ cho người đó)

. “Từ bỏ chính mình” : xem ra từ bỏ mình nghĩa là tha hoá, vong thân (aliénation), mình không còn phải là mình nữa. Xét theo tâm lý học thì điều này không tốt, vì mỗi người phải giữ cái độc đáo của mình. Nhưng xét theo thần học thì lại rất tốt : tuy ta không còn là mình nữa nhưng ta hóa nên giống Đức Giêsu thì thật tuyệt vời. Lý tưởng mà thánh Phaolô luôn nhắm tới là được trở nên “đồng hình đồng dạng” với Đức Giêsu. Hơn nữa đây thực sự không phải là “tha hóa” mà là tìm lại chính mình, bởi vì từ đầu Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người “giống hình ảnh” Ngài. Chỉ sau đó do tội lỗi nên con người bị “tha hóa”. Nay cố gắng trở nên giống Đức Giêsu chính là tìm lại hình ảnh ban đầu.

. “Vác thập giá mình” : Kiểu nói này có nhiều nghĩa : a/ Đón nhận những khổ cực của mình, cũng như Đức Giêsu đã đón nhận những khổ cực của Ngài ; b/ Theo luật hình sự Rôma, người bị kết án đóng đinh phải tự mình vác lấy thập giá của mình ra pháp trường. Như thế, “vác thập giá mình” nghĩa là coi như mình đã bị kết án tử ; c/ câu 35 giải thích câu 34 : “Quả thật ai liều mất mạng sống mình vì tôi…”. Như thế “vác thập giá” có nghĩa là “liều mất mạng sống”, hay nói nôm na là “liều mạng” vì Chúa.

4. Bài đọc II (Gc 2,14-18) (Chủ đề phụ)

Thánh Giacôbê bàn về đức tin và hành động. Cả hai đều cần thiết và phải đi đôi với nhau : “Đức tin mà không có hành động thì là đức tin chết”.

IV. Gợi ý giảng

* 1. Giêsu là ai ?

Đức Giêsu là ai ? Đó là một câu hỏi được đặt ra không phải chỉ trong thời Đức Giêsu còn ở dưới thế, mà còn được đặt ra ngay trong thời đại chúng ta ngày nay. Câu hỏi được đặt ra không phải chỉ vì tò mò muốn biết dư luận nghĩ sao về nhân vật Giêsu, nhưng nó được đặt ra để chờ đợi một câu trả lời có ảnh hưởng quyết định trên lối sống của người trả lời.

Ngày xưa, nhiều người Do Thái trả lời rằng Giêsu cũng chỉ là một người nào đó như các tiên tri, như Êlia, như Gioan hay như bất cứ một tiên tri nào khác. Mà theo họ nghĩ, tiên tri là những người tuy rao giảng một giáo thuyết hay, tuy làm được một số việc lạ lùng hơn người, nhưng nhiều khi cũng quấy rầy cuộc sống bình an của họ. Bởi thế khi không muốn bị quấy rầy nữa thì họ không ngại giết chết các tiên tri : họ đã lùng bắt Êlia, họ đã bỏ tù Giêrêmia, họ đã chém đầu Gioan Tẩy Giả và họ cũng đã đóng đinh Giêsu.

Riêng Phêrô thì trả lời rằng Giêsu chính là Đức Kitô, nghĩa là một người có thừa khả năng để cứu rỗi đời mình và đáng cho mình đi theo cho đến hơi thở cuối cùng. Chính vì thế mặc dù muốn theo Thầy thì phải bỏ mình vác Thập giá, nhưng Phêrô đã sẵn sàng trung thành với Thầy cho đến chết.

Giêsu là ai ? Câu hỏi này ngày nay cũng gặp được nhiều câu trả lời khác nhau, và mỗi câu trả lời kéo lôi theo một nếp sống khác nhau. Có hai câu trả lời tiêu biểu sau đây ở trong 2 quyển tiểu thuyết :

. Quyển “The last temptation” (Cơn cám dỗ cuối cùng) mô tả Giêsu như một chàng thanh niên khoẻ mạnh, đẹp trai, nhiều khả năng. Chàng có một người yêu tên là Mađalêna. Nhưng một ngày nào đó, Giêsu bỗng bị ám ảnh rằng mình không thể sống nếp sống tầm thường mà phải sống như siêu nhân. Vì thế chàng từ bỏ tình yêu của nàng Mađalêna và lên đường rao giảng một thứ giáo thuyết siêu nhiên. Mađalêna thất tình buông trôi cuộc đời trong nếp sống truỵ lạc, đĩ thoả. Còn Giêsu thì thu thập được một số đồ đệ và hăng say truyền bá lý tưởng siêu nhiên. Nhưng lý tưởng đó lại không phù hợp với những mục đích chính trị của các tư tế, biệt phái và luật sĩ. Cho nên cuối cùng, Giêsu bị họ bắt và kết án đóng đinh. Trong những giây phút hấp hối trên thập giá, Giêsu bị hôn mê, cơn hôn mê khiến Giêsu nhìn lại cuộc đời của mình. Chàng mơ thấy mình từ bỏ lý tưởng siêu nhiên, cưới Mađalêna làm vợ, sinh được một bầy con ngoan, đẹp, sống rất hạnh phúc với gia đình, nhưng bị các đồ đệ và các tín đồ nhiếc móc. Giêsu bừng tỉnh dậy lắc đầu xua đuổi cơn cám dỗ ấy. (Giêsu đã chiến thắng cơm cám dỗ cuối cùng). Nhưng sau đó gục đầu tắt thở.

Đó là một câu trả lời, rằng : Giêsu chỉ là một người phàm, tuy người phàm này theo đuổi một lý tưởng siêu nhiên và do đó cũng đáng được người khác kính trọng, nhưng cái lý tưởng đó không thể thực hiện được. Thành thử chúng ta dù kính trọng Ngài nhưng không thể sống theo Ngài được.

Có lẽ đó là câu trả lời của rất nhiều người thời nay. Họ nhìn nhận Giêsu là một vĩ nhân, họ nhìn nhận đạo Đức Giêsu là đạo tốt. Nhưng cái đạo đó chẳng giúp ích gì cho cuộc sống. Cuộc sống của họ cần có vật chất, cần có tiền bạc, cần có sự nghiệp, công danh, chứ không cần đến lý tưởng tôn giáo bao nhiêu. Vì thế họ lao mình vào cuộc sống vật chất, để sang một bên những vấn đề lý tưởng tôn giáo cho hạng đàn bà, trẻ nít, hay có cho mình thì cũng là tới khi về già, gần đất xa trời.

. Câu trả lời thứ hai chúng ta gặp trong quyển “Quo vadis” : quyển truyện này lấy khung cảnh thời Hoàng đế Neron của đế quốc La Mã đang thịnh trị. Tất cả các nước chư hầu đều phải gửi một con tin sang thủ đô Rôma. Đó là một cách để bảo đảm sự tùng phục của các chư hầu. Trong số các con tin ấy có một nàng con gái đẹp tuyệt vời làm cho người cháu của Hoàng đế Néron si mê. Chàng này vừa có địa vị, vừa có thế lực, vừa có bạc vàng. Chàng tin chắc mình sẽ chinh phục được con tim của người đẹp. Lúc đó bạo chúa Neron cũng đang thẳng tay bắt giết những người theo đạo Đức Giêsu. Phêrô đã phải sợ hãi bỏ thành Rôma chạy trốn. Nhưng đang khi đi trên đường thì Phêrô gặp Đức Giêsu từ ngoài thành vác thập giá đi vào. Phêrô hỏi “Quo vadis”, tiếng Latinh nghĩa là “Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy ?” Đức Giêsu trả lời : Ta vác thập giá vào Rôma để chịu đóng đinh một lần nữa, vì con đã không dám chịu đóng đinh. Phêrô nghe vậy vội trở vào Rôma và cùng với các tín hữu khác chịu đựng những cuộc bắt bớ, cho đến chết. Tấm gương anh dũng của các tín hữu Đức Giêsu đã làm cho nàng con gái đang làm con tin ấy cảm phục và tìm ra được lý tưởng cho đời mình.

Đó là câu trả lời : Thầy là Đức Kitô con Thiên Chúa hằng sống. Con xin theo Thầy cho dù phải vác thập giá và phải bỏ mình vì Thầy !

Đức Giêsu không phải chỉ là siêu nhân mà còn là Con Thiên Chúa. Và vì là Con Thiên Chúa cho nên lý tưởng Ngài đề ra cho ta không phải chỉ là một thứ lý tưởng viễn vong không thể thực hiện. Là Con Thiên Chúa, Ngài thừa sức giúp chúng ta thực hiện được lý tưởng của Ngài cho dù có phải trải qua muôn ngàn gian truân khổ sợ. Mà chính cái lý tưởng ấy mới khiến chúng ta sống xứng đáng là người. Con người nếu chỉ biết mê ăn uống, có tiền bạc, có vật chất, sinh ra để ăn, ăn rồi đói, đói rồi phải kiếm ăn, cứ như vậy cho đến lúc chết thì chẳng khác gì hơn con vật. Đức Giêsu muốn giúp chúng ta sống hơn con vật, cho nên Ngài đã chọn kiếp là người, sống cho chúng ta thấy và sống theo để chúng ta sống xứng đáng là người. Chẳng những là người mà còn là Con Thiên Chúa như Ngài. Mà muốn được như Ngài, chúng ta phải đi theo Ngài, phải bỏ mình đi, phải vác thập giá… Nghĩa là phải cố gắng vươn lên, vươn lên cao hơn những nhu cầu vật chất xác thịt tầm thường. CG đã tiên phong sống được như thế và Ngài sẽ giúp chúng ta sống được như thế, nếu chúng ta nhớ làm theo Lời Ngài : ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng thì sẽ được sống đời đời”.

Trên đây là hai câu trả lời tiêu biểu cho câu hỏi “Giêsu là ai ?” Còn câu trả lời của chúng ta là gì ? Nếu chúng ta trả lời như Phêrô “Thầy là Đức Kitô” thì chúng ta cũng hãy cam đảm bỏ mình và vác thập giá đi theo Thầy.

* 2. Từ bỏ chính mình

Wiliam Oscar Wilde kể một huyền thoại sâu sắc : “Họa mi và bông hồng đỏ”. Một sớm mùa hè, họa mi làm tổ trên cành dương đã nghe trọn lời than thở của một chàng trai bên cửa sổ : “Nếu anh không kiếm nổi bông hồng đỏ để em cài ngực áo trong buổi dạ hội đêm nay, em sẽ xa anh mãi mãi”. Họa mi dư hiểu chàng trai đã lang thang khắp các nương đồng. Nhưng tìm đâu ra một bông hồng đỏ dưới nắng cháy mùa hạ này ? Trời ơi, người tình sẽ chắp cánh bay xa. Họa mi không chịu nỗi dằn vật bi thương của chàng. Họa mi phải ra tay thôi. Nàng khép cánh trước cây hoa hồng bên giếng nước nài xin :

– Chị hồng ơi, chị có vui lòng tặng em một bông hồng đỏ thắm không ?

– Họa mi ơi ! em vô tâm như những chiếc gai trên thân chị. Mùa hạ nắng cháy sao em lại xin hoa hồng đỏ ?

Chị hồng rung rung cành lá giận dỗi. Họa mi tiếp tục tìm kiếm. Nàng nép mình đậu trên một cành hồng ngoài xa hàng giậu.

– Chị hồng ơi có phép mầu nào nở cho em một bông hồng đỏ ?

– Họa mi ơi ! đời cần hoa chi cho thương đau ?

– Sao cũng được, miễn em kết chặt một mối tình.

– Được, nhưng phép màu cần phải có màu đỏ.

– Bằng mọi giá chị ạ.

– Bằng giá sinh mạng ?

– Kể cả sinh mạng em.

– Họa mi ơi ! Hãy đặt cổ em trên gai nhọn của chị, hãy hót cho chị, cho cây cỏ, cho đất trời khúc tình ca thắm thiết nhất đời em. Hãy đổ máu cho bông hồng nở. Hãy nhuộm máu cho bông bồng đỏ. Mình sẽ có một bông hồng đỏ như máu đẹp nhất trần gian.

Họa mi đã hót đến giây phút cuối cuộc đời, đã đổ đến giọt máu cuối cùng, đã chết rũ trên cành hồng cạnh đoá hồng bí nhiệm đỏ thắm.

Chàng trai mừng vui tiếng cười mở hội. Bông hồng được hái về trau chuốt trước khi có mặt trong đêm dạ hội. Điều lạ lùng nhất mà cũng phi lý nhất, phi lý như chính cuộc đời phi lý, là người tình đã khước từ đoá hồng bí nhiệm, vì trên ngực áo một bông hồng giả đang ngự trị… Sáng hôm sau, dân làng bắt gặp một đoá hồng bị nghiền nát, nằm tả tơi dưới vết bánh xe bò.

*

Câu chuyện trên đây là một huyền thoại, nhưng huyền thoại chuyên chở một nội dung rất thực : Đó là nét thực của tình yêu, của tự do, của hy sinh. Tình yêu phải được nuôi dưỡng bằng hy sinh, bằng máu, bằng cả sinh mạng. “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình” (Mc.8,34). Đây là một lời mời gọi hoàn toàn tự do. Con người có toàn quyền lựa chọn. Chúa không bắt buộc nhưng mời gọi. Người mời gọi chúng ta từ bỏ mình, nghĩa là từ bỏ mọi sự, kể cả mạng sống.

Nói đến từ bỏ là đụng đến hy sinh, nói đến hy sinh là phải thiệt thòi mất mát. Cũng như nói đến tình yêu là đụng đến tự do, và đụng đến tự do là phải dấn thân mạo hiểm. Có thể được chấp nhận hay bị từ khước. Có thể “được cả” mà cũng có thể “ngã về không”. Chính cái bắp bênh trong tình yêu, trong chọn lựa, mới làm bừng sáng nét cao đẹp của hy sinh, từ bỏ.

Hy sinh bao giờ cũng có hương thơm của hạnh phúc. Từ bỏ bao giờ cũng cho tâm hồn nét thanh cao. Hy sinh và từ bỏ là chuẩn bị luống cày cho hạt giống mọc lên.

Nhưng “Từ bỏ chính mình” không phải là quyết định một lần để thay cho suốt cả đời mà là thái độ luôn sẵn sàng từ bỏ trong mọi giây phút của cuộc sống.

“Ai liều mạng sống vì Ta sẽ được sống” (Mc.8,35). Quả thật, bỏ mình vì Chúa, chúng ta chẳng lỗ lã chút nào. Chúng ta chối từ cái tương đối để được Đấng Tuyệt đối, khước từ cái mau qua để đón nhận cái vĩnh hằng, từ bỏ cuộc sống hay chết để được sự sống đời đời, vì “Ai biết chết thì sẽ biết sống”.

*

Lạy Chúa, ai trong chúng con cũng mang mầm ích kỷ ; thích hưởng thụ hơn là hy sinh, thích thu tích hơn là cho đi, thích cai trị hơn là phục vụ.

Xin dạy chúng con biết chiến đấu mà không sợ thương tích, làm việc cực nhọc mà không tìm nghỉ ngơi, biết hy sinh mà không đòi phần thưởng, nhưng chỉ biết rằng : chúng con đang thực thi thánh ý Chúa. Amen. (Ignatiô Loyola). (Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)

* 3. Hai loại đức tin

Có hai loại đức tin : Loại thứ nhất là tin theo niềm tin của ông bà, cha mẹ, thầy cô… Có thể gọi đây là đức tin thừa hưởng ; Loại thứ hai là tin vì mình đã suy nghĩ, cân nhắc rồi thấy đáng tin nên tin. Có thể gọi đây là đức tin cá nhân.

Người có đức tin thừa hưởng có được cái lợi này là không dễ bị cám dỗ làm lung lạc đức tin : cho dù gặp phải những lập luận ngược với điều anh vẫn tin thì anh cũng không nao núng, bởi vì anh được cả một truyền thống nhiều thế hệ nâng đỡ đức tin của anh. Tuy nhiên anh cũng có cái bất lợi là đức tin ấy không đủ vững để làm nền tảng cho cuộc sống của anh, và cũng không đủ mạnh để thôi thúc anh loan truyền đức tin cho người khác.

Người có đức tin cá nhân cũng có cái lợi là bởi vì đức tin ấy do chính anh nghiền ngẫm suy nghĩ mà tìm ra cho nên nó rất vững mạnh. Tuy nhiên cái bất lợi là nó khiến anh phải tiếp tục tra vấn và suy nghĩ. Có thể một lúc nào đó anh lại hồ nghi và cũng có thể anh sẽ bỏ đức tin. Bởi vì đức tin thực chất là một ơn ban miễn phí chứ không phải là kết quả tìm tòi của con người.

Người hạnh phúc nhất là người có đức tin thuộc cả hai loại : vừa do thừa hưởng từ những thế hệ trước, vừa được củng cố bởi những xác tín cá nhân.

Bởi thế, trong bài Tin Mừng này, trước hết Đức Giêsu hỏi các môn đệ : “Người ta nghĩ Thầy là ai ?” Câu hỏi nhằm kiểm tra những gì các ông thu nhận được từ người khác. Nhưng Đức Giêsu còn hỏi tiếp “Phần chúng con, chúng con nghĩ Thầy là ai ?” Câu hỏi này nhằm khuyến khích các ông suy nghĩ và có lập trường cá nhân, để đạt tới một xác tín cá nhân.

Chúng ta cám ơn Chúa vì cho chúng ta thừa hưởng đức tin từ các thế hệ cha ông. Nhưng chúng ta cũng phải cố gắng suy nghĩ và đào sâu đức tin ấy để nó trở thành một niềm xác tín cá nhân. Và luôn luôn chúng ta hãy xin Chúa gìn giữ và củng cố ơn ban đức tin của chúng ta. (Viết theo Flor McCarthy)

* 4. Đức tin và việc làm

Một chiếc đồng hồ bằng vàng mà không chỉ đúng giờ thì vô ích.

Một cây xum xuê cành lá mà không có trái thì cũng vô ích.

Một chiếc đèn cẩn đầy kim cương mà không cháy sáng được thì cũng vô ích.

Cho nên Thánh Giacôbê nói : “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”.

Hoa trái của cầu nguyện là đức tin

Hoa trái của đức tin là tình yêu

Hoa trái của tình yêu là phục vụ

Và hoa trái của phục vụ là bình an. (Viết theo Flor McCarthy)

* 5. Nhận ra Đức Giêsu

Nhận ra Đức Giêsu là Kitô

Trước khi Đức Giêsu đặt câu hỏi : “Anh em bảo Thầy là ai ?”, Ngài đã từng làm nhiều dấu lạ trước mặt các môn đệ. Tại Galilê, Ngài đã hai lần làm cho bánh hoá nhiều để nuôi đám đông dân chúng (Mc 6,30-44 ; 8,1-10). Ngài đã từng đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ (6,45-52). Ngài cũng đã trừ quỷ cho một bé gái (7,24-30), chữa một người câm điếc (7,31-37), và một người mù (8,22-26). Tất cả những việc Ngài làm và những lời Ngài dậy đã từ từ vén mở cho họ thấy Ngài là ai, mặc dù họ thường bị Ngài chê là đần độn và chậm hiểu (7,18 ; 8,17.21). Đức Giêsu không trực tiếp nói cho các môn đệ biết căn tính của mình. Ngài dẫn họ đi trên con đường để họ tự khám phá ra Ngài. Xê-da-rê Phi-lip-phê là nơi mà Đức Giêsu thấy có thể đặt cho các môn đệ câu hỏi quan trọng này : “Anh em bảo Thầy là ai ?” Người ngoài chỉ có một cái nhìn mơ hồ và thiếu sót về Đức Giêsu. Họ coi Ngài là Gioan Tẩy Giả, là ngôn sứ Êlia hay một ngôn sứ nào đó. Đức Giêsu chờ đợi một câu trả lời rõ ràng và đầy đủ hơn từ phía các môn đệ thân tín. Phêrô, đại diện cho cả nhóm, nói lên niềm xác tín của mình : “Thầy là Đức Kitô.” Phêrô đã nói đúng, nhưng hình ảnh của Phêrô về Đức Kitô vẫn không khác với quan niệm thông thường của đám đông dân chúng : một Đức Kitô oai phong lẫm liệt, không hề biết đến thất bại. Đức Kitô đó không phải là Đức Kitô Giêsu.

Đức Kitô : Con Người chịu đau khổ

Dù sao nhờ câu tuyên xưng của Phêrô mà Đức Giêsu bắt đầu nói đến cuộc khổ nạn của Ngài và nói một cách không úp mở. Đây là điều mới mẻ cả về nội dung lẫn hình thức trình bày. Ngài không dùng dụ ngôn nữa, nhưng nói thẳng về định mệnh đang chờ đợi mình. Có người cho rằng lời tiên báo của Đức Giêsu về cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh chỉ là lời được viết dựa trên các biến cố đã xảy ra. Thật ra, Đức Giêsu đã thấy những phản ứng chống đối lời giảng dạy của Ngài, Ngài biết mình phải đương đầu với các nhà lãnh đạo Do Thái giáo, và Ngài thấy bóng dáng của cái chết đang rình rập mình. Nhưng Đức Giêsu không thối lui, dù Ngài có thể thối lui. Ngài không đi tìm cái chết, nhưng Ngài muốn tiếp tục trung tín với Cha và phục vụ loài người, dù phải trả giá bằng mạng sống. Đó là sự lựa chọn của Giêsu, lựa chọn của một người có lòng tin. Đức Giêsu tin rằng dù kẻ thù có cướp được sinh mạng của Ngài ở đời này thì Cha cũng chẳng bao giờ bỏ rơi Ngài, chẳng “để cho Ngài phải thấy sự hư nát” (Tv 16,10 bản LXX). Đức Giêsu mang tâm tình của một chứng nhân hiên ngang ra pháp trường. Cái chết là giá phải trả để trung tín về một tình yêu.

Lời tiên báo về cuộc Khổ Nạn và Tử Nạn của Đức Giêsu làm cho Phêrô choáng váng. Ông không sao hiểu được những điều khủng khiếp như vậy, bởi ông còn mải mê với một Đức Kitô vinh quang. Ông phản ứng ngay, ông kéo Đức Giêsu lại mà trách Ngài. Chẳng rõ ông đã nói gì với Ngài, nhưng chắc chắn đó là những lời can ngăn đầy tình yêu thương chân thành. Một lời can ngăn như thế thật nguy hiểm. Đức Giêsu nhận thấy đây là một cơn cám dỗ của Satan qua môn đệ Phêrô. Ngài bảo ông : “Satan, hãy lui lại sau Ta”. Ngay từ khi gọi Phêrô ở ven hồ Galilê, Đức Giêsu đã cho ông thấy chỗ của ông : “Hãy đi sau Ta”. Chỗ đứng của môn đệ là ở sau Thầy. Đức Giêsu muốn đưa Phêrô về đúng chỗ của ông, bởi ông muốn dẫn đường cho Ngài, muốn đi trước Ngài. “Vì anh không nghĩ những điều của Thiên Chúa, mà chỉ nghĩ những điều của loài người.” Đức Giêsu thấy rõ đâu là con đường Thiên Chúa muốn mình đi, và đâu là con đường thế gian chờ đợi. Con đường của Thiên Chúa thì vượt trên những tính toán khôn ngoan nhân loại. “Bởi vì sự điên rồ của Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn loài người.” (1C 1,25)

Thân phận của người môn đệ

Những câu cuối cùng của đoạn Tin Mừng trên đây nhắm vào cả dân chúng lẫn môn đệ. Nói cách khác, nhắm đến mọi Kitô hữu, không phân biệt bậc sống. “Nếu ai muốn đi sau Ta”. Đi sau Đức Giêsu là mẫu số chung của mọi Kitô hữu. Từ Đức Giáo Hoàng đến các giáo dân, tất cả đều là môn đệ đi sau Thầy Giêsu, với một lòng tự nguyện. Bất cứ ai muốn thì đều được mời gọi đi theo, mà theo là phải từ bỏ. Các môn đệ đầu tiên đã bỏ chài lưới, bỏ cả thân phụ cùng những người làm công để theo Đức Giêsu. Còn bây giờ, điều Đức Giêsu đòi hỏi thì tận căn hơn nhiều. Không phải chỉ bỏ một vật nào đó, mà là từ bỏ chính mình. Từ bỏ này là gốc rễ của mọi từ bỏ khác.

Từ bỏ chính mình là không còn sống cho chính mình nữa, là vác lấy thập giá của mình mà theo Đức Giêsu. Như thế Đức Giêsu cho chúng ta một hình ảnh về người Kitô hữu. Kitô hữu là người vác thập giá mình đi sau Đức Giêsu vác thập giá. Vác thập giá là công việc dành cho chính tử tội trên đường đến nơi chịu đóng đinh. Có thể chúng ta không được phúc tử đạo, nhưng chắc chắn mỗi Kitô hữu đều được chịu cái chết thiêng liêng, chết cho chính mình để rồi sống cho Thiên Chúa. Con đường Khổ Nạn – Phục Sinh của Đức Giêsu là con đường Phêrô không thể hiểu được và cũng không chấp nhận, nhưng rồi đó cũng sẽ là con đường của ông, và của tất cả chúng ta. “Khi đã về già, anh sẽ giang tay ra và người khác sẽ thắt lưng cho anh và lôi anh đến nơi anh không muốn.” (Ga 21,18). Đức Giêsu đã vác thập giá, cái dụng cụ giết người mà cả người Do Thái lẫn Hy Lạp đều coi là nhơ nhuốc. Thập giá của Đức Giêsu là do Ngài gánh lấy tội lỗi của nhân loại. Còn thập giá của chúng ta là do chúng ta lãnh lấy sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu và muốn làm chứng cho Ngài. Chúng ta chấp nhận liều mất mạng sống mình vì Đức Kitô và vì Tin Mừng (c.35).

Từ bỏ chính mình là điều kiện tiên quyết, nếu không thì việc gánh vác sứ mạng của Đức Giêsu sẽ chỉ là một ảo tưởng chẳng đi tới đâu. Ngay cả người đã theo Chúa cũng bị cám dỗ vì chính lòng tận tụy trung tín của mình. Điều này đã xảy ra nơi các môn đệ. Sau khi họ đã bỏ cha mẹ, vợ con, nghề nghiệp, tài sản… để theo Chúa, họ chợt thấy mình trở nên quan trọng. Cái tôi có nguy cơ lớn lên song song với lòng quảng đại hiến thân của họ. Nhóm Mười Hai bắt đầu tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất trong Nhóm (Mc 9,33). Vậy trở ngại đầu tiên và cuối cùng vẫn là cái tôi. Từ bỏ cái tôi là nỗ lực liên tục của mọi Kitô hữu, dù là tu sĩ hay giáo dân, già hay trẻ, trí thức hay ít học.

Thanh tẩy tội lỗi của mình nhờ ơn Chúa giúp, là điều không khó lắm. Nhưng thật là khó khi phải thanh tẩy mình khỏi những nhân đức và biết bao công trạng mình đã lập được. Với ơn Chúa, chúng ta có thể làm được điều khó khăn này. (Lm Augustine sj, Vietcatholic 2001)

V. Lời nguyện cho mọi người

Chủ tế : Anh chị em thân mến, Đức Giêsu Kitô đã cứu độ mọi người bằng đi qua đường thập giá để đem họ vào vinh quang Nước Trời ; đó cũng là đường mà mọi người phải đi qua để có thể vào Nước Trời. Chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện :

1. Xin cho các vị chủ chăn và mọi con chiên trong Hội thánh không lùi bước trước khó khăn gian khổ / nhưng luôn trung thành bước đi theo Đức Giêsu trên đường thập giá.

2. Xin cho các nhà cầm quyền và dân chúng trong các nước chậm tiến, kém phát triển / biết sẵn sàng chấp nhận mọi gian nan thử thách / để xây dựng đất nước theo công lý và hòa bình.

3. Xin cho mọi người đang gặp khổ nạn / biết liên kết với cuộc khổ nạn của Đức Giêsu Kitô / để tìm thấy ý nghĩa và niềm hy vọng cho cuộc sống.

4. Xin cho mọi người trong họ đạo chúng ta là môn đệ Chúa / biết trung thành đi theo Chúa / và sẵn sàng liều mạng sống vì Chúa và vì Tin mừng của Người.

Chủ tế : Lạy Đức Giêsu, xin cho Lời Chúa và Thánh Thể Chúa bồi dưỡng chúng con, để chúng con luôn sẵn sàng chia sẻ với cuộc khổ nạn của Chúa, và cũng được chia sẻ vinh quang thiên quốc với Chúa. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

VI. Trong Thánh lễ

– Trước kinh Lạy Cha : Thánh Kinh nói “Chúa luôn gần gũi những tấm lòng tan nát khiêm cung”. Mỗi người chúng ta đều mang cõi lòng tan nát vì bao nỗi khổ đau. Chúng ta hãy dâng hết lên Chúa cùng với Lời kinh Lạy Cha.

– Trước lúc rước lễ : Đức Giêsu mà chúng ta sắp rước vào lòng chính là Con Chiên Thiên Chúa gánh lấy mọi đau khổ và mọi tội lỗi của loài người.

VII. Giải tán

Thánh lễ đã xong. Khi về nhà, anh chị em hãy ghi nhớ Lời Chúa dạy hôm nay : “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình, vác Thập giá mình mà theo”.

(Nguồn: GP Cần Thơ)


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 268
  •   Máy chủ tìm kiếm 6
  •   Khách viếng thăm 262
 
  •   Hôm nay 34,046
  •   Tháng hiện tại 1,066,054
  •   Tổng lượt truy cập 79,814,738