Lược sử Giáo xứ Đồng Xá

Thứ bảy - 12/06/2021 20:38      Số lượt xem: 3621

Theo sử sách để lại, đầu thế kỷ XVII, triều đình cổ võ thành lập các làng xã hành chính, người dân nơi đây chọn tên Đồng Xá để đặt tên cho ngôi làng này. Theo nghĩa chữ Hán, Đồng Xá là “nhà họ Đồng".

LƯỢC SỬ GIÁO XỨ ĐỒNG XÁ
 
z2532482394889 91fc2c10247f4c34d488718bda317c6e

I. TÊN GỌI VÀ VỊ TRÍ

Tên gọi Đồng Xá được khởi nguồn từ dòng họ Đồng. Theo sử sách để lại, đầu thế kỷ XVII, triều đình cổ võ thành lập các làng xã hành chính, người dân nơi đây chọn tên Đồng Xá để đặt tên cho ngôi làng này. Theo nghĩa chữ Hán, Đồng Xá là “nhà họ Đồng".

Giáo xứ Đồng Xá cách Tòa giám mục Hải Phòng khoảng 25km về hướng Đông; phía Đông giáp xã Tam Kỳ; phía Tây giáp xã Liên Hòa; phía Nam giáp xã Đại Đức; phía Bắc giáp xã Kim Tân.

Năm thành lập: 1840
Số giáo dân: 520 nhân danh
Quan Thầy: Đức Mẹ Mân Côi
Linh mục chính xứ: Giuse Hoàng Văn Thiều
Giáo họ trực thuộc: Lộng Khê
Địa chỉ: thôn Đồng Xá, xã Đồng Cẩm, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.

II. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

1. Khai sinh Đồng Xá

Từ ngàn năm trước, các nhánh của sông Văn Úc chảy qua, bồi đắp nên một vùng  phù sa với địa hình tương đối bằng phẳng, đất đai màu mỡ. Thấy vùng đất phù hợp với việc cày cấy, phát triển nông nghiệp, lại có bến sông (nay là bến Thuyền Điếm) thuận lợi thông thương nên từ xa xưa, nhiều nhóm cư dân để ý tới vùng đất này, đến khai phá tạo dựng cuộc sống trong khi những vùng đất xung quanh còn hoang vắng.

Năm 1615, có người họ Đồng đến nơi đây lập nghiệp, hòa đời sống cùng với những cư dân dòng họ khác đã đến trước hoặc đến sau đó. Những người họ Đồng phát triển ngày một đông đúc. Đầu thế kỷ thứ XVII, triều đình cổ võ thành lập các làng xã hành chính. Theo sử sách, dòng họ Đồng rất có uy tín trong vùng đất này là huyện Kim Thành, nên tên dòng họ được lựa chọn đặt cho làng này. Tên gọi Đồng Xá nghĩa chữ Hán là “nhà họ Đồng", giống như nhiều làng khác cũng lấy tên dòng họ đặt cho làng như: Bùi Xá (nhà họ Bùi), Hoàng Xá (nhà họ Hoàng), Lê Xá (nhà họ Lê)…

Khoảng một trăm năm sau, cùng với làng Liễu Dinh (nay là xứ Liễu Dinh, huyện An Lão, Hải Phòng), Đồng Xá được đón nhận Tin Mừng từ các nhà truyền giáo dòng thánh Đaminh, nhánh Manila, Phi Luật Tân. Người theo Đạo Chúa sớm nhất mà hiện nay còn tìm lại được trong sử sách là cụ Đồng Quang Thiêm. Cụ là em trai của cụ Đồng Công Từ Thái Hanh, Trung Tổ họ Đồng làng Đồng Xá. Cụ cư ngụ ở thôn Đoài và theo Đạo năm 1750 (Gia phả họ Đồng làng Đồng Xá).

Cụ Thiêm là người vai vế, nên lòng tin Đạo của cụ thêm phần khuyến khích cho nhiều người trong gia đình và dòng họ. Dần hồi, ngày càng có nhiều người tin vào Chúa và cộng đoàn Đức Tin ở nơi đây được thành lập. Theo tập tục thường, cộng đoàn này lấy địa danh làng Đồng Xá làm tên gọi cho mình, như vừa gắn bó tên làng, tên nước, lại như vừa gợi lên một phần liên đới gốc của dòng họ Đồng tách ra. Nói chỉ một phần liên đới, do bên cạnh họ Đồng, còn có nhiều họ khác vì đoàn kết mà làm nên làng Đồng Xá; vì hiệp thông Đức Tin mà làm nên giáo xứ Đồng Xá vậy.

2. Cha xtiên khởi và ngôi thánh đường đầu tiên

Cộng đoàn Đức tin làng Đồng Xá được hình thành vào giai đoạn đầu của Địa phận Đông Đàng Ngoài, lại trong bối cảnh còn đang cấm Đạo. Những Kitô hữu đầu tiên này, tựa như các giáo hữu thời Giáo hội sơ khai, kiên trung, vững vàng coi nhẹ thử thách để bảo vệ Đạo Chúa. Một ngôi nhà thờ gỗ nhỏ lợp lá được bà con dựng nên làm chỗ cầu nguyện thờ phượng Chúa và đón tiếp vị Thừa sai lui tới giảng dạy cùng ban các Bí tích. Dầu vậy các sinh hoạt Đạo không được hoạt động công khai, nhất là đối với các Thừa sai ngoại quốc.

Ít lâu sau, sang thời vua Gia Long, Đạo Công giáo khắp nơi được mở mang. Thời kỳ này nhiều nhà thờ, nhà xứ được tu sửa. Các cộng đoàn được tự do mời đón các cha thừa sai chăm lo mục vụ và tổ chức các dịp lễ, mùa kính, tuần Chầu trọng thể. Trong điều kiện thuận lợi ấy, cộng đoàn Đồng Xá dần ổn định, nền nếp, đạo đức, số người theo Đạo cũng tăng lên nhanh. Đồng Xá trở thành cộng đoàn Đức Tin sầm uất trong khu vực, chỉ sau Liễu Dinh.

Trước sự trưởng thành của cộng đoàn, năm 1840, cha Tôma Án người xã Hội Khê, huyện Vũ Tiên, Nam Định (nay là họ Hội Khê, xứ Cồ Việt, giáo phận Thái Bình) được Bề Trên sai về về coi sóc Đồng Xá (x.“Biographiae Martyrum Vicariatum Tonkini Orientalis el Septemtrionalis Anno Domini 1857-1862 pro fide Occisorum ex manuscriptis 1873 transcriptae). Cha là người nhiệt thành chăm lo công việc mục vụ, hòa nhã với mọi người, đưa được nhiều người ngoại về với Chúa. Năm 1850, do số giáo dân gia tăng nhanh, cha Tôma làm nhà thờ mới, tường xây, khung gỗ, rộng rãi thay cho nhà thờ cũ. Cha tổ chức hành chính phân chia Giáo xứ thành các khu, các giáp giúp cho việc Đạo, việc đời dễ dàng, nề nếp (x. “Các chứng nhân tử đạo xứ Cồ Việt”).

Đời sống đạo đức đang phấn chấn, rạng rỡ thì biến cố 01/9/1858 tại Đà Nẵng nổ ra. Vua Napoleon III của Pháp ra lệnh cho trung tướng Rigault de Genouilly chỉ huy liên quân Pháp và Tây Ban Nha đem 120 quân chiếm đóng Đà Nẵng, rồi sau đó là Gia Định và ba tỉnh Nam kỳ: Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long. Tức giận nước Pháp, vua Tự Đức đổ lên đầu người Công giáo trong nước bằng các chỉ dụ cấm Đạo khắc nghiệt nhằm bình địa các nhà thờ, giết chóc các thừa sai và bắt buộc xuất giáo tất cả các tín hữu. Cũng như các nơi khác, nhà thờ, nhà xứ Đồng Xá bị triệt hạ. Cha xứ phải lẩn trốn nay đây mai đó, tá túc ở nhà các giáo dân. Ngày 11/10/1859, cha xứ Tôma Án bị bắt tại nhà ông Viên khi đang ăn cơm cùng cha Gioan Nhượng. Ngày 6/12/1859, cha bị giải ra pháp trường và chịu tử vì Đạo năm 64 tuổi với 29 năm linh mục và nhiều năm coi xứ Đồng Xá. Khi trảm quyết, giáo dân xô vào thấm máu tử Đạo của cha. Các quan kính nể cha nên cho tín hữu Đồng Xá đưa xác cha về an táng. Sau này, khi xây nhà thờ mới, cha được cải táng và chôn trong lòng nhà thờ mới.

Cũng giai đoạn này, mặc dù luật cấm Đạo của triều đình được quan quân thực thi gay gắt, nhưng do lòng Đạo đã được hun đúc lâu ngày nên giáo dân Đồng Xá vẫn kiên trung, giữ vững Đức Tin. Nhiều tìn hữu nơi đây đã được lưu danh nhờ phúc tử đạo như: ông vệ Chiêu, ông Phêrô Số, ông Đaminh Đàm.

Qua các dữ kiện lịch sử được chép trong các văn bản đáng tin cậy của Giáo hội có trích dẫn trên, chúng ta có thể kết luận chắc chắn rằng ít nhất từ năm 1840, Đồng Xá đã được lên hàng giáo xứ vì đã có cha xứ là cha Tôma Án. Đến bây giờ, tại Đồng Xá vẫn chưa tìm được tài liệu nào ghi nhận sự kiện năm thành lập giáo xứ và cha xứ nào sớm hơn cha xứ Tôma, nên chúng ta có thể tạm lấy mốc năm 1840 cho năm giáo xứ Đồng Xá được thành lập (đến năm 2021 là được 181 năm) và cha Tôma Án tử Đạo, là cha xứ tiên khởi của giáo xứ. Còn năm Đồng Xá được đón nhận Tin Mừng, như đã trình bày, ít nhất là năm 1750 (đến năm 2021 là được 271 năm).

3. Cha già Nhã: Vị ân nhân làng Đồng Xá sống mãi với ngôi thánh đường trăm tuổi
02

Sau các hòa ước Nhâm Tuất (5/6/1862), Giáp Tuất (15/3/1874) và Quý Mùi (25/8/1883), việc cấm Đạo cùng theo đó mà dần được nới lỏng.

Năm 1883, Tòa Thánh chấp nhận chia tách địa phận Đông một lần nữa để phù hợp với sự phát triển và nhu cầu truyền giáo. Đức Cha Colomer Lễ làm giám mục địa phận mới gọi là Bắc Đàng Ngoài (nay là hai địa phận Bắc Ninh và Lạng Sơn); Đức cha phó Tèrres Hiến lên làm giám mục chính của địa phận Đông cũ với Tòa giám mục đặt ở Hải Dương. Ngày 23/4/1906, Đức cha Hiến dời Tòa giám mục về Hải Phòng. Giai đoạn này, các phong trào trong giáo phận phát triển mạnh mẽ. Đồng Xá thành một xứ lớn quy củ với sáu khu giáo: Khu Nam, khu Bắc, khu Đông, khu Tây, khu Trại, khu Chợ, do cha xứ là cha Giuse Trần Duy Nhã và các cha phó coi sóc.
Cha Giuse Trần Duy Nhã sinh năm 1848 tại họ Liêm Khê, xứ Nam Am, trạm Ninh Giang, Hải Dương (nay là huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Ngài chịu chức năm 1889 thời Đức Cha Tèrres Hiến. Năm 1890, cha được sai về làm chính xứ Đồng Xá.

Về Đồng Xá được ít năm, cha Giuse muốn thay nhà thờ gỗ do cha Tôma Án xây cách đây hơn 50 năm bằng nhà thờ sắt. Để tạo khuôn viên nhà thờ vuông vắn, đẹp đẽ, cha xứ bỏ tiền mua đất các gia đình liền kề gấp đôi giá thông thường. Nhà thờ gỗ cũ thì được bán về xứ Yên Trì, hiện nay là nhà thờ xóm 3 xứ Yên Trì. Lễ khánh thành nhà thờ đúng vào ngày mồng 1 tết năm 1914 trong niềm hoan hỉ lớn lao của dân làng vì đã thực hiện được một công việc tưởng chừng không thể. Sau khi khánh thành nhà thờ, cha tiếp tục cho xây hai tháp chuông từ năm 1920 đến năm 1931 mới xong. Cả hai tháp đều cao 25m

Không chỉ chăm lo phần linh hồn cho bổn đạo, cha Giuse còn giúp người dân nơi đây cải thiện đời sống kinh tế. Cha cho lập chợ Đình bên hồ nhà thờ, chợ Đồng mỗi tháng sáu phiên họp rất đông vui, trở thành chợ chung của một phần huyện Kim Thành và có cả người bên Thanh Hà sang buôn bán. Nhờ tất cả những sáng kiến cả về Đạo và đời như vậy mà đời sống kinh tế người dân Đồng Xá dần khấm khá hơn, phong hóa thanh quang hơn, và việc Đạo cũng sốt sắng, rạng rỡ. Cha ngã bệnh và qua đời tại Đồng Xá năm 1934, thọ 86 tuổi.
Thời cha xứ Giuse Trần Duy Nhã, Đồng Xá có các cha phó: cha Phêrô Thịnh, cha Đôminicô Uy, cha Đôminicô Mỹ, cha Đôminicô Tiến, cha Micae Trác, cha Đôminicô Lương, cha Gioakim Vượng. Có cha ở thời gian dài, có cha ở thời gian ngắn rồi đi nhận xứ khác, như cha Phêrô Thịnh sau đi làm cha xứ Kẻ Cốc (nay  là xứ Trung Nghĩa), cha Đôminicô Tiến đi xứ Bùi Hòa, cha Đominicô Lương làm cha xứ Hội Am, cha Đôminicô Uy làm cha xứ Hào Xá, cha Micae Trác đi làm cha xứ Trịnh Xá (giáo xứ Đồng Giá hiện nay).

z2532537397954 750d3351214a1da022f1d084be29128a

4. Vững vàng vượt khó

Sau khi cha Tôma Án nghỉ hưu, năm 1933, Bề Trên giáo phận đã sai cha Giuse Chất về làm cha xứ mới của Đồng Xá. Cha nới thêm hai gian cung thánh cho nhà thờ thành 11 gian với các kích thước hoàn thiện như hiện nay: dài 48m30, rộng 18m06, cao 8m40, đồng thời cho xây nhà xứ mới mà nay vẫn còn sử dụng.

Tiếp sau cha Giuse Chất là cha Đôminicô Phan Năng An được cử về làm chính xứ Đồng Xá cùng các cha phó Giuse Linh, Đôminicô Lương và Gioakim Vượng. Đến đầu năm 1938 thì có thêm cha Phêrô Độ. cha Đôminicô Phan Năng An về coi sóc xứ Đồng Xá được 3 năm. Trong những năm tháng này, cha chuyên tâm lo việc mục vụ, chăm sóc đời sống linh hồn cho đoàn chiên mình. Thời gian này giáo xứ Đồng Xá có 5 giáo họ là:  Đồng Xá, Quan Cao (nay là Quảng Đạt), Hải Ninh, Viên Chử và Lộng Khê với 3.436 giáo dân (xem Les missions Catholicques en Indochine , tr.38.)

Cuối năm 1938, Đức Giám mục đưa cha Giuse Trung chịu chức năm 1914, đang là cha xứ Đông Xuyên, quản hạt Đông Xuyên về làm cha xứ Đồng Xá thay cha Đôminicô An. Sau cha Giuse Trung là các cha Gioan Baotixita Hinh và cha Giuse Nguyễn Đức Nguyên về làm chính xứ Đồng Xá cùng nhiều cha phụ tá.

5. Biến cố di cư 1954

Giai đoạn 1945-1954 là giai đoạn khốn khó của người dân Việt. Giặc xâm lược gây nên nạn đói lịch sử năm 1945, khiến hàng triệu người chết. Quê hương đất Việt ngập chìm trong đau thương. Năm 1954, hòa cùng dòng người đông đảo di cư từ Bắc vào Nam, giáo xứ Đồng Xá cũng không ngoại lệ. Theo con số thống kê có được thì non nửa số giáo dân giáo phận, 80 cha đã cùng với Đức Giám mục Đaminh lên đường di cư. Số giáo dân Đồng Xá, riêng họ nhà xứ chỉ còn ở lại 280 người, số ra đi khoảng hơn 90%.

Sau biến cố lịch sử ấy, không còn cha xứ, lác đác giáo dân, Đồng Xá tựa như cảnh điêu tàn sau chiến tranh. Ngày 14 tháng 6 năm 1955, nhà nước ra sắc lệnh tôn giáo gây bất lợi cho các sinh hoạt đức tin cho Giáo hội miền Bắc. Có thể nhận thấy, đây là những năm tháng Chúa dùng để thử thách Đức Tin kiên trung của người Đồng Xá, vượt qua được đã là một thành công, nên hầu như không có phát triển hay xây dựng gì nổi bật.

Năm 1988, cha Giuse Vũ Văn Thiên được bổ nhiệm làm cha xứ Mỹ Động và quản nhiệm xứ Đồng Xá. Tháng 3/1993, cha rời xứ Mỹ Động và chính thức làm cha chính xứ Đồng Xá. Dưới sự dẫn dắt khôn ngoan và nhiệt thành của cha Giuse, Giáo xứ Đồng Xá hồi sinh mạnh mẽ. Các hội đoạn được thành lập. Đời sống Đạo rõ nét trở lại sau nhiều năm như bị đánh mất nét văn hóa Đạo. Coi Đồng xá được 3 năm thì ngày 22/8/1996, cha xứ Giuse được Đức Giám mục tuyển chọn đi du học tại Pháp. Ngày 28/12/2001, sau 5 năm du học, cha trở về và tiếp tục coi sóc xứ Đồng Xá cho đến khi được tuyển chọn là Giám mục Hải Phòng, ngày 02/01/2003.

Sau cha Giuse Vũ Văn Thiên (nay là Đức Tổng Giám mục Giuse), Đồng Xá được coi sóc bởi các cha chính xứ và quản nhiệm. Và hiện nay, cha Giuse Hoàng Văn Thiều đang là chính xứ.

Đồng xá tự hào là một trong ba giáo xứ có số linh mục đông nhất đang phục vụ tại Giáo phận Mẹ, gồm: Cha Giuse Nguyễn Xuân Đài, cha Giuse Nguyễn Mạnh Kỳ, cha Giuse Nguyễn Văn Sáng, cha Giuse Vũ Văn Khương, cùng với số các Cha gốc Đồng Xá 1954 đang phục vụ tại hải ngoại và miền Nam là 23 cha, như : Cha Giuse Nguyễn Văn Thành (Sài Gòn), cha Giuse Đồng Minh Quang (Hoa Kỳ), cha Toàn (Ban Mê Thuật), cha Đô (Phú Cường)… và các nữ tu thuộc các hội dòng trong và ngoài Giáo phận.

III. TÌNH HÌNH HIỆN NAY
 
z2532537373784 a4450d0005f5dca9cf5eb3d641b53311

Giáo xứ Đồng Xá là một cộng đoàn đức tin được hình thành khá sớm và có nhiều bước tiến mạnh mẽ, được nhiều người gần xa biết đến. Tuy nhiên, do nhiều biến cố thăng trầm, đặc biệt là biến cố di cư 1954, đến nay Giáo xứ chỉ có khoảng 520 nhân danh, gồm 150 hộ gia đình, và có một giáo họ Lộng Khê trực thuộc (trước đó, ngày 2/6/2021, giáo họ Quảng Đạt đã được thiết lập thành Giáo xứ Quảng Đạt).

Giáo xứ Đồng Xá cũng như bao giáo xứ khác đang trên đà phát triển. Giáo xứ hiện nay có các hội đoàn đạo đức: Hội Thánh Giuse, Hội con Đức Mẹ, Hội Tràng, Đội Nam nhạc, Đội Kim nhạc, Ca đoàn tử đạo, ca đoàn Maria Goretti. Phát huy truyền thống đạo đức của các bậc tiền nhân cùng sự nỗ lực của các vị mục tử, Giáo xứ Đồng Xá đang mỗi ngày được đổi mới, cả về cơ sở vật chất lẫn đời sống đức tin.

Phụ lục
TRUYỆN ANH HÙNG TỬ ĐẠO
1. Ông Giuse Chiêu, lính vệ

Ông Giuse Chiêu là lính vệ, tức cựu chiến binh, nên được gọi là Vệ Chiêu. Đời Minh Mạng, ông được lệnh đăng lính. Lúc đó có lệnh cấm Đạo, còn trẻ nên ông sợ mà quá khóa (bước qua Thánh giá). Về nhà ông ăn năn tội lắm. Ông lần hạt hằng ngày và giữ Đạo hẳn hoi để đền tội, sau được bầu chọn làm thứ mục (trùm phó). Năm XII triều vua Tự Đức, tức năm 1860, ông lại bị bắt vì đang làm trùm phó xứ Đồng Xá. Quan tra hỏi và bắt ông đạp tượng chịu nạn, ông thưa: “Con không dám” nên bị  bỏ ngục. Vì trong tù cực khổ, ba tháng sau ông bị cảm sốt nặng, rồi bị  bệnh lị. Vợ ông xin đem về gia đình trị thuốc. Nhưng về nhà bệnh nặng thêm, được ít ngày thì ông qua đời sau khi được chịu các phép sau hết, trong khi miệng lúc nào cũng lẩm bẩm tên cực trọng Chúa Giêsu.

2. Ông Phêrô Số, binh sĩ, lang y, hội viên Hội Mân Côi

Ông Phêrô Số từ bé đã giữ Đạo sốt sắng và vào hội Mân Côi. Lớn lên, ông lập gia đình được tám người con, nhưng đói bệnh mà chỉ còn sống sáu người. Ông làm nghề thuốc nên có nhiều cơ hội chữa bệnh cứu người và qua việc ơn phúc ấy ông đã khuyên nhủ được nhiều người theo Đạo. Ông cũng còn đi lính để làm nghĩa vụ công dân với quốc gia nữa. Là một người nhân ái nên khi lệnh bắt các đầu mục (trùm trưởng) ngày 4.12.1859 diễn ra, ông không  phải là đầu mục nhưng xin nộp mình thay cho em trai là đầu mục xứ Đồng Xá. Vợ ông buồn vì biết ông sẽ bị giết nên cản không cho ông đi, nhưng ông trả lời: “Việc này là việc tôi, mẹ mày không thể ngăn cản.” Ông bị giải lên tỉnh, mang gông cùm đêm ngày. Mây lần ra trước quan, quan khuyên bỏ Đạo nhưng ông từ chối. Quan khuyên: “Nếu vâng lời vua, tao sẽ thương bay.” Ông Số trả lời: “Chúng tôi thờ Chúa Trời, bây giờ quan lớn khuyên chúng tôi bỏ Đạo. Nếu các quan cho chúng tôi sống, thì chúng tôi sống thuộc về các quan, nhưng nếu các quan cất sự sống chúng tôi thì chúng tôi cũng vui lòng chịu chết. Chúng tôi không đạp Thánh Giá.” Thế là ông bị đánh 10 roi rồi tống ngục. Trong ngục, hằng ngày ông đọc kinh lần hạt, ăn chay các ngày thứ Sáu và xưng tội mỗi khi có dịp gặp được các cha ở chung tù hoặc các cha hóa trang vào thăm. Tất thảy thời gian này ông xưng tội được 2-3 lần. Ông giúp đỡ chia phần ăn cho anh em tù khác và cho cả lính gác trong 15 ngày nhà tù cắt lương thực, cứu được nhiều bạn tù khỏi chết đói. Ngày 9.5.1862 ông bị đưa ra pháp trường Năm Mẫu, Hải Dương chịu xử tử, lúc đó ông 60 tuổi.

3. Ông Đaminh Đàm, binh sĩ, hội viên Hội Mân Côi

Ông Đaminh Đàm có Đạo từ nhỏ. Lớn lên ông lập gia đình và có bảy người con nhưng đều chết hết vì bệnh và đói. Ông làm ruộng, rồi đi lính và gia nhập hội Mân Côi cùng làm đầu mục xứ Đồng Xá. Ngày 4.12.1859 khi có lệnh bắt các đầu mục, ông tự nguyện nộp mình. Vì là đầu mục nên ông phải mang gông cùm lên huyện. Bị bỏ đói nên phải cho lính tiền mới được ăn cơm. Lúc ra tòa ông bị đánh 10 roi và quan dụ bỏ Đạo. Ông đáp lại: “Tôi không dám bước qua Chúa tôi là Chúa Trời. Nếu quan phạt tôi, tôi xin chịu mọi sự.” Quan lại bảo: “Nếu bay không chịu đạp Thánh Giá như vua truyền, ta không thể thương bay.” Trong ngục, ông Đaminh Đàm đọc kinh to tiếng với các bạn tù như ở nhà vậy. Ông đọc sách thiêng liêng cho mình và cho các bạn tù nghe để gia tăng thêm lòng yêu mến Chúa. Trong thời gian này ông cũng xưng tội được 2-3 lần và nhịn đói chay những ngày thứ sáu. Vợ ông là người đạo đức nên đến thăm ông cũng khuyên ông giữ Đạo vững vàng, đừng ngã lòng sợ chết hay quá lo lắng việc gia đình. Ngày 9.5.1862, ông Đàm cùng bạn tù kiên trung giữ Đạo tiến ra pháp trường Năm Mẫu và chịu chết anh dũng vì Đức Tin. Ông được 54 tuổi
 
Ghi chú: Tài liệu lịch sử Đồng Xá đang được hoàn thiện. Ban biên tập mong nhận được sự quan tâm và những góp ý quý báu của quý Đấng bậc cùng quý Độc giả, để Lược sử Giáo xứ sớm hoàn thành. Email liên hệ: [email protected]. Xin trân trọng cám ơn!

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Vũ Văn Khương


 
Tổng số điểm của bài viết là: 25 trong 5 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 137
  •   Máy chủ tìm kiếm 8
  •   Khách viếng thăm 129
 
  •   Hôm nay 2,212
  •   Tháng hiện tại 1,034,220
  •   Tổng lượt truy cập 79,782,904