Lược sử Giáo xứ An Quý

Thứ năm - 27/05/2021 21:39      Số lượt xem: 3957

Xưa kia, An Quý thuộc tổng Hạ Am, phủ Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương. Vùng đất An Quý nằm giáp ranh với các xã như: Vĩnh Phong; Tiền Phong; Thanh Lương, Cao Minh; cách Tòa Giám mục khoảng 40 km về phía Nam.

LƯỢC SỬ GIÁO XỨ AN QUÝ
aq

I. VỊ TRÍ VÀ TÊN GỌI

Theo sử liệu của Sở Văn hóa thành phố Hải Phòng, làng An Quý được thành lập vào khoảng cuối thế kỷ thứ XI đầu thế kỷ thứ XII, thời nhà Lý. Xưa kia, An Quý thuộc tổng Hạ Am, phủ Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương. Vùng đất An Quý nằm giáp ranh với các xã như: Vĩnh Phong; Tiền Phong; Thanh Lương, Cao Minh; cách Tòa Giám mục khoảng 40 km về phía Nam.

Thành lập: Đầu thế kỷ XVII
Nhân danh: 1.329
Quan thầy: Thánh Gioan Tông đồ và Thánh Rôsa Lima
Linh mục chính xứ: Antôn Nguyễn Văn Thăng
Giáo họ trực thuộc: Hạ Đồng và Thanh Giáo
Địa chỉ: Thôn An Quý, xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng

II. HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Xưa kia nơi đây là vùng sình lầy, nhờ sự cố công gắng sức khai hoang phục hóa của các dòng họ Đoàn, họ Bùi, họ Phạm, họ Vũ, họ Đặng, họ Nguyễn, An Quý đã trở thành mảnh đất trù phú màu mỡ.

Đầu thế kỷ XVII, hạt giống Tin Mừng được gieo vãi nơi miền đất Vĩnh Bảo. Các vị thừa sai đã vào Lôi Trạch, Nam Am, Trại Đồng, Hội Am, Trung Nghĩa, và quê hương An Quý để rao giảng đạo Chúa. Với bản chất đơn sơ, chất phác, người An Quý đã mau mắn đón nhận hạt giống Lời Chúa và làm cho lớn lên, sinh nhiều hoa trái.

Trong các thời kỳ bị cấm cách bách hại gắt gao (1820-1883), cộng đoàn đức tin An Quý phải chịu nhiều đau thương thử thách, nhiều người bị tù đày, trù dập và chịu những cực hình man rợ. Nhưng nhờ ơn Chúa và với phẩm chất can trường, người An Quý vẫn kiên trung trong đức tin, dám sống và làm chứng cho Đạo thật, điển hình là tấm gương của ông Phêrô Đoàn Văn Bao.

Ngày 27/7/1880, nhận thấy cộng đoàn lớn mạnh, Đức Giám mục Colomer Lễ ban sắc thành lập họ đạo An Quý và nhận thánh Rosa Lima làm quan thầy, cùng đặt tên cho nhà thờ với tước hiệu Rosa. Cũng trong thời kỳ này, giới đồng nam nhận thánh Gioan Baorixita làm quan thầy và giới đồng nữ nhận thánh Rosa làm Đấng bảo trợ.

AnQuy 08042015 (7)
 
Từ 1890 đến 1906, cha Tràng Sỹ (Jose Massip) - người Tây Ban Nha, coi sóc xứ Nam Am (An Quý là giáo họ thuộc xứ Nam Am). Cha là một linh mục danh tiếng không những về tài giảng đạo, mà còn giỏi về nông nghiệp, thương mại và kiến trúc, có công lớn với người dân khu vực Vĩnh Bảo, như lập chợ Nam Am, chợ An Quý, mua đất Thanh Lương cho người nghèo cư ngụ (giờ là họ Thanh Giáo), giúp giáo dân làm ăn khấm khá và xây nhà thờ An Quý.

Năm 1933, Đức Giám mục Fancico Gomez De Santiago Lễ tách An Quý ra khỏi xứ Hội Am và nâng lên hàng giáo xứ với hai giáo họ trực thuộc là Hạ Đồng và Thanh Giáo (Ấp Giáo) và sai cha Gioan Baotixita Lợi về làm cha xứ tiên khởi (1933-1937). Cha luôn chú trọng đến sứ vụ truyền giáo cho lương dân, nhờ vậy đã thành lập hai giáo họ mới là Từ Lâm và Thâm Động. Cha vận động giáo dân hiến ruộng mở mang đất cho nhà thờ; rửa tội cho 176 con trẻ và tân tòng, đặt mua chuông tại Pháp (nặng 175kg).

Từ 1937 - 1945, cha Đôminicô Thi về coi sóc xứ An Quý. Ngài đã phục vụ hết mình và trung thành ban phát các Bí tích như: Rửa tội cho con trẻ và tân tòng là 340 người; hàng trăm đôi hôn phối được ban Bí tích; Cha xin Đức cha Gomez Lễ về cho chịu phép Thêm sức vào tháng 10 năm 1938 và làm phép nhà thờ lần thứ  hai.

Từ 1945 - 1954, cha xứ Giuse Phạm Đức Quán về nhận chính xứ An Quý. Thời ấy xảy ra nạn đói lịch sử năm 1945 làm nhiều người chết đói, nhiều người lâm vào cảnh lao đao. Hai giáo họ Từ Lâm và Thâm Động bị ảnh hưởng nặng nề, không thể duy trì các sinh hoạt tôn giáo, nên dẫn đến bị xóa sổ.

Từ 1954 - 1992, giáo xứ An Quý được đặt dưới sự quản nhiệm của các cha Giuse Nguyễn Khắc Cẩn; cha Gioan Baotixita Nguyễn Duy Nhật; cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Trường Triều, cha Giuse Phạm Văn Dương. Việc lãnh nhận bí tích Thêm sức phải đưa ra Tòa Giám mục. Vào năm 1991, Đức cha Giuse Maria Nguyễn Tùng Cương về ban bí tích Thêm sức và làm phép khánh thành trùng tu nhà thờ.

Từ 1992 - 2004, cha quản nhiệm Antôn Nguyễn Văn Ninh đã cố gắng duy trì và phát triển các phong trào của giáo xứ, nhất là việc học hỏi giáo lý; đồng thời ngài cũng xin Bề trên cho cha Gioan Baotixita Đoàn Như Phú về giúp tại quê nhà (1996 - 2001).

Ngày 12/5/2004, giáo xứ An Quý bước sang trang sử mới khi đón cha Gioan Baotixita Nguyễn Quang Sách về làm chính xứ, sau hơn 50 năm vắng bóng chủ chăn. Cha chú trọng đến việc giáo dục đức tin, qua các lớp giáo lý và chăm lo cử hành các Bí tích, tu bổ thành đường, xây dựng mới hai tháp chuông và quan tâm ươm trồng ơn gọi.

Ngày 10/7/2014, giáo xứ An Quý do cha Gioakim Nguyễn Văn Thăng coi sóc.

Ngày 04/8/2015, cha Antôn Nguyễn Văn Thăng được sai về làm chính xứ An Quý. Thừa hưởng di sản quý giá của các đấng tiền nhiệm, cha Antôn đã nỗ lực đưa đức tin nơi đây ngày một sống động và làm cho cơ sở vật chất không ngừng đổi mới.

An Quý là giáo xứ truyền thống và đạo đức nên vùng đất này cống hiến cho cánh đồng truyền giáo nhiều thợ gặt, như: Cha Gioan Baotixita Bùi Văn Nhượng; cha Gioan Baotixita Đoàn Văn Phú; cha Gioan Baotixita Bùi Văn Hoan; cha Gioan Baotixita Bùi Văn Hân; cha Gioakim Đặng Văn Hoàng; Gioan Baotixita Bùi Tuấn Kiên; cha Gioan Baotixita Bùi Quang Sáng; cha Gioan Baotixita Bùi Văn Thịnh; cha Gioan Baotixita Bùi Văn Thái, cùng quý thầy chủng sinh, các chú ứng sinh, và quý nam nữ tu sĩ.

          III. TÌNH HÌNH HIỆN NAY

Giáo xứ An Quý được tổ chức quy củ theo lề luật họ đạo của Giáo phận, có Ban Chánh trương, Ban Hành giáo các giáo họ. Mọi thành phần dân Chúa dường như đều tích cực tham gia vào các hội đoàn đạo đức như: Ca đoàn Cecilia, Thiếu nhi Thánh Thể, Giới trẻ; Kim Nhạc, Nam Nhạc, Hội Rosa, Dòng Ba Đaminh, Hội thánh Giuse, Hội Legio Mariae, Hội Khấn, Giáo lý Viên – Huynh trưởng… Tất cả các hội đoàn đều hoạt động nhiệt thành và đang góp phần để đưa Giáo xứ ngày càng phát triển.
 
AnQuy 11112020 (9)

Hiện nay, giống như nhiều giáo xứ ở vùng thôn quê, nhiều tín hữu, đặc biệt là giới trẻ di chuyển đến các đô thị để kiếm kế mưu sinh. Việc sinh hoạt sinh hoạt tôn giáo nơi giáo xứ cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Tuy nhiên, điều tuyệt vời là, dù ở phương trời nào, thì người con An Quý vẫn luôn hướng về quê hương; và ở bất cứ nơi đâu, thì người tín hữu An Quý vẫn luôn thể hiện đời sống đức tin xứng với truyền thống đạo đức của các bậc tiền nhân quê hương thân yêu.
 
Phụ lục
Truyện Anh hùng tử đạo:
ÔNG PHÊRÔ BAO, CAI ĐỘI
(dịch từ bản Latin)

Phêrô Bao là người có đạo, sinh ra từ cha mẹ có đạo ở thôn An Quý, huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương. Ngài rất hiền từ đến độ trong suốt thời gian làm cai đội không bao giờ đánh đập binh lính. Từ trước cho đến lập gia đình và khi có 4 người con, ngài đã phục vụ trong quân ngũ suốt 6 năm. Hết hạn, sau khi lĩnh lương, ngài đăng ký tái ngũ và được lên chức cai đội. Ngài hài lòng với đời sống quân ngũ, nên sau 6 năm phục vụ, ngài lại đăng ký thêm 2 năm nữa. Thế nhưng việc đạo nghĩa ngày thêm khó khăn, để khỏi bị ép chà đạp thập giá, ngài rời bỏ quân ngũ và trở về quê sống bình lặng để lo việc đạo và được đặt làm trùm họ. Tuy nhiên, không lâu sau, tỉnh ra quyết định bắt giữ đầu mục. Vì thế, đầu mục bị bắt giải lên phủ đường của quan đầu tỉnh. “Ở đó, tôi đã thấy ngài đạp lên Thập tự và rồi Phêrô trở về nhà. Ít tháng sau, ngài lại bị tố cáo và bị giải đến quan phủ. Quan phủ cầm giữ ngài rồi chuyển lên tỉnh”. Ngài Cham đã làm chứng như thế.

Còn ông Tín quả quyết: Trước khi gia nhập quân đội, ngài Bao đã sống đạo đức, song về sau vì phục vụ trong quân đội ngài không thể giữ đạo. Khi việc đạo rơi vào hoàn cảnh bấn loạn, vì có đạo, ngài truất bỏ chức cai đội và bị thải hồi khỏi binh nghiệp, trở về với ruộng vườn. Ngài bị một giới chức cấp thấp tố cáo với quan trên là trước đây đã là Kitô hữu, nên bị bắt và lập tức bị giải lên tỉnh. Trước kia đầu mục đã bị bắt, nhưng đã chà đạp Thánh giá, nên được trở về nhà. Sau ít tháng do bị tố cáo bởi một viên chức thấp hơn đã nói trên, ngày 17 tháng 10 năm 1861, ngài bị bắt, song lần này, ngài không bao giờ chà đạp Thánh giá, và khi bị giam trong ngục, ngài đã xưng tội với cha Lượng.

Đoạn ngài Cham là người đã thấy ngài đạp lên Thánh giá ở phủ đường và cùng bị giam với ngài trong ngục quả quyết: khi Phêrô bị bắt lần thứ hai, bị quan lớn hỏi cung cho biết ai trong các anh tuyên nhận mình theo Datô (Đạo Chúa Kitô) thì phải bước qua Thập tự. Lúc đó trong hàng ngũ biên đội Công giáo nổ ra một cuộc tranh luận rất sôi nổi, vì ngài Bao đã không bước qua Thập tự như trước đây, nên bị giam ở một ngục khác, bị tách ra khỏi những người đã chà đạp Thập giá, rồi, dù về sau bị giam chung trong cùng một ngục ấy cho đến ngày thứ ba, trước khi chết. Quan cố dùng lời phỉnh gạt và đặt ra trước mặt họ quà tặng và nghĩ rằng các ngài sẽ chối đạo, song vì có nhiều vị không chịu khuất phục trước những lời đường mật của quan lớn nên bị đánh đập, nhưng vị cai đội không bao giờ bị đánh. Ở trong ngục, sáng sáng ngài đọc kinh, còn ban chiều ngài lần hạt mân côi kính Đức Mẹ và thống hối tội lỗi, ngài chu toàn các việc thiêng liêng. Đôi khi ngài mệt mỏi chút ít vì mang gông và cùm chân, song ngài không bao giờ phàn nàn về các cực hình này, trái lại tôi thấy ngài kiên tâm chịu tất cả những thứ đó. Đoạn ngài còn khuyên các bạn khác đừng noi theo các việc của ngài trước đây là đã chà đạp lên Thập tự ở phủ đường. Ngài nói: “Hãy can đảm chịu đựng, đừng chà đạp lên Thập giá”.

Trong ngục, ngài Bao đã một lần xưng thú các tội mình. Khi có thì giờ rảnh rỗi, tôi thấy ngài chơi bài với cha Lượng, có khi đến 3 hoặc 4 giờ.

Ngày 7 tháng 5 năm 1862, quan triệu ngài đến phủ và cố ép ngài đạp lên Thập giá hay chối bỏ đức tin. Họ cố gắng, song không thành công trong việc làm cho ngài chà đạp lên Thập giá. Họ giam ngài vào ngục đặc biệt cùng với nhiều người khác. Rồi ngày mùng 9, ngài bị chém đầu, chết vào tuổi 47. Sau này người ta đưa xác ngài về quê của ngài và được an táng trong nhà thờ họ. Ngài Cham làm chứng.
 
Ban TTGP biên soạn
Ghi chú: Tài liệu lịch sử An Quý đang được hoàn thiện. Ban biên tập mong nhận được sự quan tâm và những góp ý quý báu của quý Đấng bậc cùng quý Độc giả, để Lược sử Giáo xứ sớm hoàn thành. Email liên hệ: [email protected]. Xin trân trọng cám ơn!

 
Tổng số điểm của bài viết là: 80 trong 16 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 16 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 310
  •   Máy chủ tìm kiếm 8
  •   Khách viếng thăm 302
 
  •   Hôm nay 28,088
  •   Tháng hiện tại 823,400
  •   Tổng lượt truy cập 80,756,300