Sau hơn một thế kỷ mới tìm thấy thi hài Đấng đáng kính cha Phêrô Giản tử vì đạo

Thứ năm - 31/01/2019 21:07      Số lượt xem: 7653

Sau khi tìm được thi hài Đấng Đáng Kính - cha Phêrô Giản, chúng tôi mới hiểu thi hài của ngài đã được âm thầm đưa về an táng tại nhà thờ Tân Kim. Lý do tại sao thì chưa ai biết, nhưng việc an táng tại đây là điều đã rõ ràng.

Tan kim 1
Đầu năm Dương lịch 2019, trong khi tháo dỡ nền cung thánh của nhà thờ cũ (nhà thờ mới bên cạnh đang được xây dựng), cha Phêrô Nguyễn Văn Đảo và giáo dân giáo xứ Tân Kim đã vô cùng phấn khởi vì tìm thấy mộ Đấng Đáng Kính là cha Phêrô Giản, tử vì đạo tại khu pháp trường Năm mẫu Hải Dương năm 1859. Ngay khi tìm thấy mộ Đấng Đáng Kính, cha xứ Phêrô liền mời cha Giuse Dương Hữu Tình, chính xứ Hải Dương và là quản hạt Hải Dương trực tiếp tham gia việc khai quật phần mộ Đấng Đáng Kính và rước Ngài vào tầng hầm của ngôi thánh đường mới. Nhân dịp chúc Tết Đức Tổng Giám mục Giuse, Giám quản Tông tòa giáo phận Hải Phòng, cha xứ Hải Dương thay mặt cha Phêrô, chính xứ Tân Kim (đồng hiện diện cùng với đại diện giáo xứ), chính thức trình lên Đức Tổng Giám mục sự kiện đặc biệt này.

Nhận được tin đặc biệt này, chúng tôi đã gặp cha Giuse Dương Hữu Tình, chính xứ Hải Dương và xin ngài cho cộng đoàn dân Chúa giáo phận biết rõ hơn về biến cố này.

- Kính thưa cha, chúng con được biết vừa qua giáo xứ Tân Kim đã tìm được hài cốt Đấng Đáng Kính là cha Phêrô Giản tử vì đạo, tại nền đất của cung thánh nhà thờ. Cha cũng là người đồng hành trong việc khai quật và đưa Đấng Đáng Kính vào ngôi thánh đường mới. Xin cha cho chúng con biết rõ hơn về sự kiện này.
 
Tan kim 3

Cuối năm 2018 Dương lịch, nhà thờ giáo xứ Tân Kim được tháo dỡ và để phục vụ cho công trình xây dựng nhà thờ mới, nền nhà thờ cũ cũng phải được san bằng. Trong khi san bằng nền nhà thờ, nhiều cụ cao niên đã lưu ý cha xứ và Ban kiến thiết để ý vì nghe các bậc tiền bối trối lại, trong nhà thờ Tân Kim có thi hài Đấng Tử Đạo là Phêrô Giản. Chính vì thế, ngày 01 tháng 01 năm 2019, khi máy ủi san lấp nền cung thánh, cha xứ và Ban kiến thiết đều giám sát và theo dõi cẩn thận. Đến khi máy ủi đang cào sâu phần bên phải cung thánh thì tự dưng dừng lại. Mọi người đổ xô ra xem thì thấy hiện lên dấu hiệu của mộ người quá cố. Quá vui mừng phấn khởi, cha xứ và Ban hành giáo lấy cuốc xẻng bới đất ra, không phải một mộ mà hiện lên một lúc ba mộ, đúng ra là ba tiểu sành. Trên ba tiểu sành có ba viên gạch úp mặt xuống. Cha xứ và Ban hành giáo cẩn thận lật ba viên gạch lên thì thấy rõ những hàng chữ Latinh. Cha xứ Phêrô cho người mang nước tới rửa sạch từng viên gạch, khơi rộng từng tiểu sành và đặt các viên gạch lên. Giáo dân nghe tin đổ xô tới mỗi lúc một đông.

Buổi chiều khi tôi tới thì giáo dân đã đông lắm, nhiều cụ cao tuổi cảm động sụt sịt khóc. Tôi được cha xứ dẫn tới phần mộ. Nhìn các chữ khắc sâu trên ba viên gạch, tôi nhận thấy rõ cả ba tiểu sành này chỉ đựng những gì liên quan tới một người đã khuất tên là Phêrô Giản. Nhờ những chữ Latinh ghi lại, tôi khẳng định tiểu sành ở giữa là thi hài của người quá cố vì trên đó ghi như sau: Corpus V. Petri Giản, 26 Jun 09. Tiểu ở bên trái đựng những mảnh gỗ liên quan tới người quá cố vì trên đó ghi: Frusta lignea Feretri V.P. Giản, 26 Jun 09. Còn tiểu sành bên phải đựng những mảnh vải liên quan tới người quá cố vì trên đó ghi: Frusta Feretri V. Petri Giản, 26 Jun 09.

Tan kim 2

Với những thông tin ít ỏi, chúng tôi chỉ biết người quá cố tên là Phêrô Giản. Và dựa vào những lời truyền khẩu do các cụ kể lại thì đây là thi hài của một đấng tử vì đạo. Ngay sau đó tôi trở về giáo xứ Hải Dương, xem lại danh sách các đấng lãnh phúc tử vì đạo của giáo phận Hải Phòng được ghi lại trong cuốn “Tiểu sử các vị anh hùng tử đạo giáo phận Hải Phòng dưới thời Tự Đức (1847-1883)” do Tòa Giám mục Hải Phòng xuất bản năm 2015. Thật vô cùng phẩn khởi, ngay ở trang 18 ghi rõ “Linh mục Phêrô Giảng”. Cha là người thuộc giáo họ Đầu Lâm (nay là giáo xứ Đầu Lâm), dâng mình cho Chúa làm linh mục dòng Đaminh, khấn dòng năm 1840, được bề trên sai về làm cha xứ ở huyện Tiên Lãng, bị bắt, giải về Hải Dương và bị giam chung với cha Emmanuel Trang và cùng lãnh phúc tử vì đạo tại pháp trường Năm Mẫu Hải Dương ngày 01 tháng 8 năm 1859. Lúc này, cha Phêrô chính xứ Tân Kim cũng vội điện báo cho tôi về tư liệu được ghi trong cuốn sách này. Chúng tôi chỉ băn khoăn một điều, trong tư liệu ghi là Phêrô Giảng, nhưng thực tế chúng tôi lại thấy khắc trên viên gạch là Phêrô Giản. Cha Phêrô liền liên lạc với cha Phanxicô Đào Trung Hiệu là giáo sư giáo sử để xin thông tin. Tôi cũng điện hỏi cha Vicente Bùi Đức Sinh, một giáo sư giáo sử có tiếng tại Việt Nam. Cha Phanxicô Đào Trung Hiệu đã trả lời ngay bằng cách gửi cho cha Phêrô danh sách “Các Hiền Phúc Gia Đình Đaminh”. Ngay số thứ ba của bảng danh sách ghi như sau: “Phêrô Giản, linh mục, quê Đầu Lâm, tỉnh Hải Dương, Tử Đạo tại Hải Dương”. Cha Vicentê Bùi Đức Sinh cũng bảo tôi xem cuốn “Dòng Đaminh trên đất Việt” quyển một, trang 132 và trang 283. Tôi liền tìm sách và mở ra xem. Quả thực trong đấy ghi lại như sau: “Từ năm 1837 đến 1840, thêm sáu linh mục khấn dòng: bốn được phúc tử đạo dưới triều Tự Đức: Các cha đáng kính Phêrô (Cương), Quảng (khấn năm 1837), Giuse Trữ (1838), Gioan Thao (1839), Phêrô Giảng (1840)”.

Thế là sự kiện càng lúc càng sáng tỏ. Sau khi trao đổi, dựa vào những thông tin có được, chúng tôi kết luận cha Phêrô Giản là tên đúng (theo như danh sách của cha Phanxicô Đào Trung Hiệu). Cha Vicente Bùi Đức Sinh ghi là Phêrô Giảng có lẽ không chính xác. Chính ở trang sách trên, cha Vicente cũng đã đính chính ở dưới như sau: “Danh sách các cha dòng Đaminh Việt Nam ở trong M. Gispert: Historia… có nhiều điểm sai sót. Chúng tôi đã căn cứ vào M. Gispert: Brevis Synopsis… và H. Ocio: Compendio… để đối chiếu và chỉnh lại, nhưng vẫn e sợ có sự thiếu sót”. Cuốn “Tiểu sử các vị anh hùng tử đạo giáo phận Hải Phòng dưới thời Tự Đức (1847-1883)” được biên soạn dựa vào cuốn “ Lịch sử địa phận Đông Đàng Ngoài hay Giáo phận Hải Phòng” của linh mục Đaminh Nguyễn Thanh Thảo, mà cha Đaminh Nguyễn Thanh Thảo lại dựa vào cuốn “Dòng Đaminh trên đất Việt” của cha Vicente Bùi Đức Sinh. Đó là lý do những sách này đều ghi là linh mục Phêrô Giảng.

Sau khi đã xác minh đây đúng là phần mộ của Đấng Đáng Kính- cha Phêrô Giản, và biết rõ Ngài lãnh phúc tử đạo cùng với cha Emmauel Trang vào ngày 01 tháng 8 năm 1859, chúng tôi đặt vấn đề tiếp theo, tại sao trên ba viên gạch đặt trên phần mộ lại ghi “26 Jun 09”, tức là ngày 26 tháng 6 năm 1909?

Tôi đã từng phụ trách giáo xứ Tân Kim từ năm 2006 đến năm 2010, nên tôi nhớ rõ mỗi khi dâng lễ nhìn lên mái nhà thờ đều thấy rõ chữ ghi biến cố xây dựng và khánh thành nhà thờ vào ngày 15 tháng 9 năm 1909. Vì thế năm 2009, chúng tôi đã tổ chức mừng kỷ niệm 100 năm xây dựng thánh đường.

Vậy nghĩa là Cha Phêrô Giản và cha Emmanuel đều coi sóc các giáo xứ ở huyện Tiên Lãng (khi đó thuộc tỉnh Hải Dương). Cha Emmanuel bị bắt trước, bốn ngày sau thì cha Phêrô Giản cũng bị bắt. Các ngài đều bị giam chung với nhau tại nhà giam ở Hải Dương. Ngày 01 tháng 8 năm 1859, hai ngài bị dẫn ra pháp trường Năm Mẫu Hải Dương để trảm quyết. Lúc bấy giờ Đức cha Hermosilla Liêm đang ẩn trốn tại Kẻ Mốt (nay thuộc giáo phận Bắc Ninh) nghe tin các ngài đã được lãnh phúc tử vì đạo thì liền sai người tìm cách đưa thi hài các ngài về an táng tại Kẻ Mốt. Cha Vicente Bùi Đức Sinh ghi lại rằng: Thi hài của cha Emmanuel Trang được đưa về an táng tại Kẻ Mốt, ngay nơi Đức cha Hermosilla Liêm ẩn trốn. Đến ngày 12 tháng 8 năm 1861, khi cha Đaminh Độ, quê ở Phủ Cừ, Hưng Yên, làm cha xứ Nam Am bị bắt và bị trảm quyết tại pháp trường Năm Mẫu Hải Dương thì Đức cha Liêm lại sai người tìm cách đưa thi hài Đấng Tử Đạo về an táng ngay cạnh mộ cha Emmanuel Trang. Và mỗi khi nghe tin giáo dân đây đó bị bắt, Đức cha lại tới mộ hai Đấng để cầu nguyện. Đây là lời của cha Vicente Bùi Đức Sinh: “Mỗi khi được tin giáo dân gặp tai biến, Đức cha lại chạy tới mộ đấng tử đạo: cha Emmanuel Trang và cha Đaminh Độ, ngay trước cửa nhà, quỳ cầu nguyện xin vì công nghiệp hai đấng tử đạo, Chúa ban hòa bình trở lại”.

Các sách sử kể cha Phêrô Giản lãnh phúc tử vì đạo tại pháp trường Năm Mẫu Hải Dương cùng với cha Emmanuel Trang, và cũng chỉ kể thi hài của cha Emmanuel Trang được đưa về an táng tại Kẻ Mốt, nhưng không thấy nói gì tới thi hài của cha Phêrô Giản. Thi hài của cha Phêrô Giản được an táng tại đâu, sử sách không ghi lại, không ai biết.

Sau khi tìm được thi hài Đấng Đáng Kính - cha Phêrô Giản, chúng tôi mới hiểu thi hài của ngài đã được âm thầm đưa về an táng tại nhà thờ Tân Kim. Lý do tại sao thì chưa ai biết, nhưng việc an táng tại đây là điều đã rõ ràng. Đến năm 1909, khi nhà thờ mới được xây dựng thì cha xứ (bấy giờ Tân Kim chỉ là một họ đạo thuộc giáo xứ Hải Dương) đã bốc ngài lên để đưa vào nhà thờ. Xem lại lịch sử giáo xứ Hải Dương thì năm 1909, giáo họ Tân Kim thuộc giáo xứ Hải Dương do cha Francisco Ruiz De Azua (tên Việt gọi là Minh) làm cha xứ. Giáo dân Hải Dương quen gọi ngài là cha Tràng Minh vì ngài vừa coi xứ vừa dạy học. Chính cha Minh đã đứng ra xây dựng nhà thờ Tân Kim và có lẽ cũng chính ngài quyết định bốc mộ Đấng Đáng Kính là cha Phêrô Giản để đưa vào cung thánh nhà thờ ngày 26 tháng 6 năm 1909 để ngày 15 tháng 9 năm 1909 khánh thành nhà thờ. Cha xứ Minh đã cẩn thận cho mua ba tiểu sành. Một tiểu sành để hài cốt Đấng Đáng Kính, một tiểu sành để những mảnh gỗ còn sót lại và một tiểu sành để những mảnh vải còn lại của Đấng Đáng Kính. Tính thời gian Đấng Đáng Kính là cha Phêrô Giản lãnh phúc tử vì đạo năm 1859 đến khi được đưa vào cung thánh nhà thờ năm 1909 là tròn 50 năm. Tính từ năm được đưa vào nhà thờ năm 1909 đến năm lại được bốc lên đưa vào nhà thờ mới năm 2019 là 110 năm. Tính từ năm Đấng Đáng Kính lãnh phúc tử vì đạo cho đến năm nay là 160 năm.

- Thưa cha, nghe cha kể lại, chúng con cũng cảm thấy như đang chứng kiến tất cả các biến cố đã từng xảy ra trong suốt thời gian cách đây 160 năm liên quan đến cha Phêrô Giản vậy. Sau khi đã xác minh rõ ràng như vậy rồi, các cha đã làm gì tiếp theo?

Tan kim 4

Sau khi đã xác minh khá đầy đủ và tin một cách chắc chắn đây chính là hài cốt của Đấng Đáng Kính- cha Phêrô Giản, tối Chúa nhật lễ Chúa Hiển Linh ngày 06 tháng 1 năm 2019, chúng tôi đã tổ chức rước Ngài vào trong nhà thờ và cử hành Thánh lễ. Quả thực đó là một Thánh lễ hết sức cảm động và rất đông giáo dân tham dự. Nhiều người đến để tạ ơn Thiên Chúa vì Đấng Đáng Kính sau đúng 110 năm mới tìm thấy thi hài. Nhiều người đến để xin ơn và để nghe kể lại cuộc tử đạo oanh liệt của Đấng Đáng Kính. Kể từ hôm đó đến nay, đoàn người từ khắp nơi vẫn đổ về giáo xứ Tân Kim để tạ ơn Thiên Chúa, nhất là để xin ơn Ngài. Tôi tin chắc sẽ có rất nhiều người nhận được ơn lạ từ Đấng Đáng Kính này, vì Ngài là một linh mục thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa, nhất là đã sẵn sàng lấy máu mình làm chứng cho Chúa trước mặt mọi người.

Chúng con xin cám ơn cha. Chính chúng con cũng tin như thế thưa Cha.
BTT Gx. Tân Kim
 
 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 21 trong 5 đánh giá
Xếp hạng: 4.2 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 165
  •   Máy chủ tìm kiếm 8
  •   Khách viếng thăm 157
 
  •   Hôm nay 45,091
  •   Tháng hiện tại 1,050,578
  •   Tổng lượt truy cập 79,799,262