Trung Quốc: Nhà cầm quyền muốn Giáo hội Công giáo “độc lập” với Roma

Thứ ba - 03/01/2017 23:23      Số lượt xem: 2184

Người Công giáo phải “hoà nhập hơn nữa vào xã hội”, phải “kết hợp tinh thần ái quốc với lòng nhiệt thành đối với Giáo hội”, và “đoàn kết nhằm góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc trưng Trung Quốc”, là những nội dung được ... nêu lên trong Đại hội này.

 
Trung Quốc: Nhà cầm quyền muốn Giáo hội Công giáo “độc lập” với Roma


WHĐ (03.01.2017) – TRUNG QUỐC: Từ 27 đến 29 tháng Mười Hai vừa qua, hơn 350 đại biểu đã quy tụ tại Bắc Kinh, tham dự Đại hội toàn quốc của Giáo hội được chính quyền công nhận, dưới sự chỉ đạo của các quan chức chính quyền.

Nội dung Đại hội tại Bắc Kinh

“Đại hội toàn quốc lần IX các đại biểu Công giáo” diễn ra từ ngày 27 đến 29 tháng Mười Hai, trong đó có 59 giám mục, theo yêu cầu của “Mặt trận thống nhất”, cơ quan thuộc chính quyền có nhiệm vụ giám sát các tôn giáo được công nhận tại Trung Quốc. Các đại biểu có nhiệm vụ chỉ định những người đứng đầu Hội Công giáo Yêu nước và hàng giám mục “chính thức”, quy tụ thành “Hội đồng Giám mục Trung Quốc” vốn không được Vatican thừa nhận.
Đại hội này rõ ràng là “một tổ chức được chính quyền Trung Quốc lập ra và điều khiển theo ý muốn của mình”, theo phân tích của Églises d’Asie, cơ quan thông tấn của Hội Thừa sai Paris. Trong số tám giám mục được tấn phong không được Roma chấp thuận, có sáu người tham gia ban lãnh đạo Hội đồng Giám mục và Hội Công giáo Yêu nước.

Qua Đại hội, Bắc Kinh muốn nhắn nhủ gì?

Người Công giáo phải “hoà nhập hơn nữa vào xã hội”, phải “kết hợp tinh thần ái quốc với lòng nhiệt thành đối với Giáo hội”, và “đoàn kết nhằm góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc trưng Trung Quốc”, là những nội dung được ông Du Chính Thanh, một quan chức cao cấp trong chế độ cộng sản, Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, nêu lên trong Đại hội này, và được cơ quan thông tin chính thức của Trung Quốc dẫn lại. Giáo hội Trung Quốc “phải tuân thủ nguyên tắc tự quản, tự mình lo liệu các việc đạo một cách độc lập và thúc đẩy các tín hữu hưởng ứng tiến trình ‘Trung Quốc hoá’ tôn giáo”, quan chức này nói thêm.

“Đằng sau hai ý niệm độc lập và Trung Quốc hoá này, chính là chính sách tôn giáo xuyên suốt của Đảng Cộng sản: các tôn giáo tại Trung Quốc chỉ được thừa nhận nếu không có bất kỳ mối liên hệ nào với mọi thế lực bên ngoài”, Églises d’Asie giải thích. Trung Quốc “hy vọng Vatican sẽ có cách tiếp cận mềm dẻo và thực tế hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải thiện các quan hệ với chúng tôi, qua những hành động cụ thể”, ông Vương Tác An, Tổng cục trưởng Tổng cục Tôn giáo quốc gia, nhấn mạnh trong tuần này, và kêu gọi “một cuộc đối thoại xây dựng” với Roma. 

Phản ứng của Vatican

Hôm Chúa nhật 01-01-2017, Vatican đã không có những phản ứng chính thức trước những tuyên bố này. Nhưng trong một tuyên bố được đưa ra 10 ngày trước đó về tình trạng Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc, Toà Thánh nhấn mạnh rằng: “tất cả tín hữu Công giáo tại Trung Quốc đang nôn nóng chờ đợi các dấu hiệu tích cực”.
Ông Greg Burke, Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, cho biết Toà Thánh còn chờ những tuyên bố của Đại hội Công giáo toàn quốc lần IX của Trung Quốc, và như thế Toà Thánh đang chứng tỏ thiện chí của mình. “Toà Thánh chờ đợi xem xét những gì đã được chứng minh trong thực tế”, ông nhấn mạnh.

Bang giao giữa Bắc Kinh và Vatican đang đi về đâu?

Những tuyên bố mới đây của Bắc Kinh rõ ràng gây cản trở những nỗ lực của Vatican nhằm tăng cường việc xích lại gần nhau trong những tháng gần đây.

Vatican và Bắc Kinh chính thức không còn quan hệ ngoại giao với nhau từ năm 1951. Từ lúc được bầu làm giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có nhiều động thái đối với Trung Hoa, coi đây là một trong những mối quan hệ ngoại giao được ưu tiên trong triều đại giáo hoàng của ngài. Từ tháng Giêng 2016, các phái viên của Bắc Kinh và Vatican đã gặp nhau ít nhất bốn lần nhằm tìm sự đồng thuận về vấn đề gai góc là việc bổ nhiệm giám mục. Theo tờ Wall Street Journal, một bản dự thảo hiệp định đã từng được đệ trình Đức Thánh Cha vào đầu tháng Mười Một, khi ngài từ Thụy Điển trở về, dự kiến Roma chấp nhận tám giám mục của Giáo hội chính thức vốn đến nay chưa được Roma thừa nhận.

Đầu tháng Mười Hai, lại xuất hiện những căng thẳng sau khi giám mục Lôi Thế Ngân, do chế độ cộng sản đặt lên, tham dự lễ tấn phong của hai giám mục được Toà Thánh bổ nhiệm. Được biết, Lôi Thế Ngân là giám mục thuộc Giáo hội “chính thức” (của nhà nước), năm 2011 đã được truyền chức bất hợp pháp, không nhận được sự cho phép của Đức giáo hoàng, và vì thế đương nhiên bị vạ tuyệt thông.

(Nguồn: La Croix)
 Thành Thi chuyển ngữ

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 195
  •   Máy chủ tìm kiếm 24
  •   Khách viếng thăm 171
 
  •   Hôm nay 24,613
  •   Tháng hiện tại 1,011,530
  •   Tổng lượt truy cập 79,760,214