Đức Thánh Cha Phanxicô tông du Bangladesh: Gặp giới chức chính quyền, tổ chức dân sự và ngoại giao đoàn; gặp HĐGM; gặp gỡ đại kết và liên tôn vì hoà bình

Chủ nhật - 03/12/2017 21:17      Số lượt xem: 2070

Trong khuôn khổ chuyến tông du Bangladesh, trong các ngày thứ Năm 30-11 và thứ Sáu 1-12-2017, ĐTC đã gặp giới chức chính quyền, tổ chức dân sự và ngoại giao đoàn tại thủ đô Dhaka; gặp Hội đồng Giám mục Bangladesh; gặp gỡ đại kết và liên tôn vì hoà bình



Gặp giới chức chính quyền, tổ chức dân sự và ngoại giao đoàn
tại thủ đô Dhaka (Bangladesh)

Ngày 30-11-2017, Đức Thánh Cha bắt đầu tông du Bangladesh. Trong lịch trình dày đặc sự kiện của ngày 30-11, lúc 17g30, Đức Thánh Cha đã đến Dinh Tổng thống tại thủ đô Dhaka của Bangladesh. Tại đây, sau khi chào thăm chính thức Tổng thống Abdul Hamid của Bangladesh, Đức Thánh Cha gặp giới chức chính quyền, tổ chức dân sự và ngoại giao đoàn.
Trong buổi gặp, Đức Thánh Cha đã phát biểu với giới hoạt động chính trị tại Bangladesh.
Đây là một trong những bài phát biểu của Đức Thánh Cha được cả thế giới chờ đợi, trong bối cảnh vùng Nam Á này đang diễn ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về chính trị, ngoại giao và nhân đạo.
Sau đây là toàn văn bài phát biểu của Đức Thánh Cha.
* * *
Kính thưa Tổng thống,
Quý Giới chức Chính phủ và Tổ chức dân sự,
Kính thưa Đức hồng y, Quý anh em Giám mục của tôi,
Quý vị trong Ngoại giao đoàn,
Quý bà và quý ông,
Mở đầu chuyến viếng thăm Bangladesh, tôi muốn cảm ơn Tổng thống đã thịnh tình mời tôi đến thăm đất nước này, đồng thời cảm ơn Tổng thống đã dành cho tôi những lời chào mừng ý nhị. Tôi đến đây, nối gót hai vị tiền nhiệm của mình là Đức Phaolô VI và Đức Gioan Phaolô II, để cầu nguyện với anh em, chị em tín hữu Công giáo của mình, và gửi đến những anh chị em này sứ điệp quý mến và khích lệ. Bangladesh là một quốc gia non trẻ nhưng luôn có một vị trí đặc biệt nơi trái tim các vị Giáo hoàng, ngay từ đầu đã bày tỏ sự liên đới với người dân Bangladesh, để giúp họ vượt qua khó khăn ban đầu và nâng đỡ họ thực hiện nhiệm vụ khẩn thiết xây dựng và phát triển đất nước. Cảm ơn quý vị đã dành cho tôi cơ hội được phát biểu tại đại hội này, nơi quy tụ quý ông bà đang đảm đương trọng trách định hình tương lai xã hội Bangladesh.
Trong chuyến bay đến đây, tôi nhắc mình nhớ rằng Bangladesh – “Bengal Vàng”– là một đất nước được cả một hệ thống thủy lộ, gồm sông ngòi và kênh đào lớn nhỏ kết nối với nhau. Vẻ đẹp tự nhiên này, theo tôi, gợi lên như một biểu tượng về bản sắc riêng của nhân dân đất nước quý vị. Bangladesh là một quốc gia đang nỗ lực đạt tới sự thống nhất về ngôn ngữ và văn hóa với sự tôn trọng những truyền thống và những cộng đồng khác nhau, tuôn chảy như biết bao dòng suối và tuôn đến làm giàu dòng chảy lớn của đời sống chính trị và xã hội của đất nước.
Trong thế giới ngày nay, không một cộng đồng cá biệt nào, một quốc gia hay Nhà nước nào, lại có thể tồn tại và phát triển trong sự cô lập. Là thành viên của gia đình nhân loại duy nhất, chúng ta cần đến nhau và lệ thuộc vào nhau. Tổng thống Bangaldesh - Sheikh Mujibur Rahman - thấu hiểu và đưa nguyên lý này vào Hiến pháp quốc gia. Tổng thống nhằm đến một xã hội hiện đại, đa nguyên và hòa nhập, trong đó, mỗi người và mỗi cộng đồng được sống trong tự do, hòa bình và an ninh, với sự tôn trọng phẩm giá vốn thuộc về con người và những quyền bình đẳng mọi người đều được hưởng như nhau. Tương lai của nền dân chủ non trẻ này và sức khỏe của đời sống chính trị chủ yếu gắn liền với quan điểm nền tảng này. Quả thật, chỉ qua đối thoại chân thành và tôn trọng sự đa dạng đích thực, một dân tộc mới có thể hòa giải mọi chia rẽ, vượt qua những cái nhìn một chiều và nhìn nhận giá trị của những quan điểm khác nhau. Bởi vì sự đối thoại đích thực thì hướng đến tương lai, xây dựng sự đoàn kết trong việc phục vụ lợi ích chung và lưu tâm đến những nhu cầu của tất cả công dân, nhất là người nghèo, người bất hạnh và những người không có tiếng nói.

 
Những tháng vừa qua, tinh thần quảng đại và liên đới, những dấu chỉ đặc thù của đời sống xã hội Bangladesh, đã được nhìn thấy một cách rõ rệt nhất qua những nỗ lực nhân đạo trước cả một dòng người tị nạn khổng lồ đến từ bang Rakhine, cung cấp cho họ nơi tạm trú và những nhu cầu tối thiểu để sống. Thực hiện được điều này cần đến không ít hy sinh. Cả thế giới đều nhìn thấy điều này. Không ai trong chúng ta lại không biết tình hình thật là nghiêm trọng, những đau khổ của con người và điều kiện sống bấp bênh của biết bao anh chị em chúng ta, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, chen chúc trong các trại tị nạn, đang là cái giá vô tận phải trả. Cộng đồng quốc tế cần phải có những biện pháp dứt khoát để giải quyết cuộc khủng hoảng này, không những bằng việc giải quyết những vấn đề chính trị đã dẫn đến cuộc di tản khổng lồ của người dân, mà còn bằng việc trợ giúp tức thời về vật chất cho Bangladesh đang cố gắng đáp ứng một cách hữu hiệu những nhu cầu cấp bách của con người.
Dù cuộc viếng thăm của tôi chủ yếu nhắm đến cộng đồng Công giáo Bangladesh, nhưng cuộc gặp gỡ liên tôn và đại kết của tôi vào ngày mai tại Ramma với các giới chức tôn giáo sẽ là một thời điểm đặc biệt. Chúng tôi sẽ cùng nhau cầu nguyện cho hòa bình và cùng khẳng định lại quyết tâm của mình nhằm kiến tạo hòa bình. Bangladesh nổi tiếng là một một quốc gia có truyền thống tín đồ các tôn giáo sống hòa hợp với nhau. Bầu khí sống tôn trọng nhau này và xu thế đối thoại liên tôn ngày càng phát triển cho phép các tín hữu được tự do diễn tả niềm tin của mình về ý nghĩa và mục đích cuộc sống. Như vậy, họ có thể góp phần cổ võ những giá trị tinh thần vốn là nền tảng vững chắc cho một xã hội công bình và an vui. Trong một thế giới mà tôn giáo thường bị – thật bi đát – lạm dụng để gây chia rẽ, thì chứng từ về khả năng mang lại hòa giải và đoàn kết thì cần thiết hơn bao giờ hết. Điều này được thể hiện một cách hùng hồn qua việc cùng nhau phản ứng bày tỏ sự phẫn nộ ngay sau cuộc tấn công khủng bố tại Dhaka vào năm ngoái, và trong thông điệp được các nhà lãnh đạo tôn giáo gửi đi, nói rõ không thể viện Danh Cực Thánh của Thiên Chúa để biện minh cho hận thù và bạo lực chống lại anh em đồng loại chúng ta.
Các tín hữu Công giáo, dù con số tương đối ít, nhưng luôn tìm cách thể hiện vai trò trong việc phát triển đất nước, nhất là qua các trường học, bệnh viện và các trạm y tế của mình. Giáo hội trân trọng việc được tự do hành đạo và hoạt động từ thiện bác ái, mang lại lợi ích cho đất nước, nhất là qua việc mang lại cho giới trẻ, hiện thân của tương lai xã hội, một nền giáo dục chất lượng, đào luyện những giá trị đạo đức và nhân bản. Trong các trường học của mình, Giáo hội cổ võ nền văn hóa gặp gỡ, giúp học sinh biết gánh vác trách nhiệm trong đời sống xã hội. Quả thật, đại đa số học sinh và nhiều thầy cô trong các trường học này không phải là người Công giáo, mà là tín đồ các tôn giáo khác. Tôi tin tưởng rằng, theo những gì đã viết trong Hiến pháp và tinh thần của văn kiện này, cộng đồng Công giáo sẽ tiếp tục đựơc hưởng tự do để xúc tiến những công việc tốt đẹp, như một cách nói lên quyết tâm của mình đóng góp cho lợi ích chung.
Thưa Tổng thống, thưa quý vị,
Cảm ơn quý vị đã chăm chú lắng nghe. Tôi hứa cầu nguyện cho quý vị, để khi quý vị thực thi trách nhiệm cao đẹp, thì những lý tưởng cao cả là công bình và phục vụ đồng bào mà quý vị theo đuổi, sẽ luôn khơi nguồn cảm hứng cho quý vị. Tôi thiết tha nài xin Chúa ban cho quý vị và mọi người dân Bangladesh hồng ân được sống trong hòa hợp và bình an.

 
* * *

Gặp Hội đồng Giám mục: “Xin anh em bền bỉ theo đuổi sứ vụ hiện diện”

Trong khuôn khổ chuyến tông du Bangladesh, vào chiều thứ Sáu 1-12-2017, sau khi viếng Nhà thờ Chính toà Dhaka, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Nhà hưu dưỡng Linh mục gặp Hội đồng Giám mục Bangladesh.
Hội đồng Giám mục Bangladesh gồm 1 Hồng y và 11 Tổng giám mục, giám mục, coi sóc 8 giáo phận.
Đức Thánh Cha đã phát biểu với hàng giáo phẩm Bangladesh:
* * *
“Thưa Đức Hồng y,
Thưa anh em Giám mục,
Chúng ta đang được ở bên nhau, thật tốt đẹp biết bao! Xin cảm ơn Đức Hồng y Patrick [D’Rozario] đã nói lời mở đầu buổi họp mặt này, qua đó ngài giới thiệu những những hoạt động tinh thần và mục vụ thật đa dạng của Giáo hội tại Bangladesh. Tôi đặc biệt đánh giá cao những đối chiếu của ngài với Kế hoạch Mục vụ 1985, một văn kiện mang tầm nhìn xa, đề ra những nguyên tắc Phúc âm và những việc cần được ưu tiên, hướng dẫn cuộc sống và sứ vụ của cộng đoàn Hội Thánh tại quốc gia non trẻ này. Những cảm nghiệm của tôi tại Aparecida, một hội nghị đề ra sứ vụ mang tầm châu lục tại Nam Mỹ, giúp tôi xác tín những kế hoạch như thế sẽ mang lại kết quả dồi dào, thúc đẩy toàn thể dân Chúa không ngừng suy xét và bắt tay vào hành động.
Tôi vui mừng thấy kế hoạch mục vụ này có sức sống lâu bền, vì các kế hoạch mục vụ thường mắc phải thứ “bệnh” chết yểu. Kế hoạch này từ 1985 đến nay vẫn sống: xin chúc mừng! Rõ ràng, kế hoạch được thực hiện rất tốt, phản ánh hiện thực của đất nước và những nhu cầu mục vụ ở đây. Ngoài ra còn toát lên sự kiên trì của các giám mục.
Vấn đề hiệp thông được đặt ở tâm điểm của Kế hoạch Mục vụ, và nhờ sự hiệp thông này, lòng nhiệt thành truyền giáo vẫn được nung nấu, tạo nên bản sắc của Giáo hội tại Bangladesh. Nét truyền thống nơi vai trò lãnh đạo của anh em, các giám mục Bangladesh, là tinh thần hiệp đoàn và tương trợ. Đây là điều rất quan trọng! Tinh thần hiệp đoàn trong yêu thương này đã được các linh mục của anh em chia sẻ, và qua các linh mục, lan tỏa đến các giáo xứ, các cộng đoàn và các đoàn thể hoạt động tông đồ tại Giáo hội địa phương của anh em. Điều đó nói lên tinh thần nghiêm cẩn của anh em tại các giáo phận, qua những cuộc thăm viếng mục vụ, qua việc thể hiện mối quan tâm cụ thể đối với cuộc sống người dân trong giáo phận của anh em. Tôi xin anh em bền bỉ theo đuổi sứ vụ hiện diện này. Tôi muốn nhấn mạnh ý nghĩa của hiện diện: hiện diện không chỉ là xuất hiện cho người ta thấy – chẳng hạn xuất hiện qua phương tiện truyền hình – mà còn là hiện diện như cách Thiên Chúa đến với chúng ta. Người đến ở giữa chúng ta, Người xích lại gần chúng ta trong việc Nhập thể của Ngôi Lời, trong việc Người “cúi xuống”, Chúa Cha đã cúi xuống khi sai Chúa Con làm người như chúng ta. Tôi thích dùng cách nói “sứ vụ hiện diện”. Giám mục là người hiện diện, luôn luôn đến gần và ở bên. Luôn luôn! Tôi xin nhắc lại: hãy bền bỉ thực thi sứ vụ hiện diện này, chỉ như vậy mới thắt chặt mối dây hiệp thông giữa anh em với các linh mục. Các linh mục là những người anh em, người con và người cộng sự của anh em trong vườn nho của Chúa. Hiệp thông với các tu sĩ nam nữ, vốn đang đóng góp rất căn bản cho sự sống của Hội Thánh Công giáo tại đất nước này.
Tôi muốn nhấn mạnh một điều về các tu sĩ. Chúng ta thường nói trong Giáo hội có hai con đường nên thánh: làm linh mục và sống ơn gọi giáo dân. Còn các nữ tu thì con đường nên thánh nào? Đường giáo dân ư? Không. Vậy, xin anh em hãy cổ võ con đường nên thánh thứ ba: cuộc sống thánh hiến. Thánh hiến không phải là tính từ làm rõ nghĩa danh từ, như trong cách nói: “Anh ấy hay chị ấy là giáo dân được thánh hiến”. Mà là danh từ có một nghĩa riêng: “Anh ấy là tu sĩ – người được thánh hiến; Chị ấy là tu sĩ – người được thánh hiến”. Giống như chúng ta nói: “Anh ấy hoặc chị ấy là giáo dân”, hoặc: “Vị ấy là linh mục”. Điều đó có ý nghĩa quan trọng.
Đồng thời, tôi cũng xin anh em thể hiện sự gần gũi ngày một nhiều hơn với giáo dân. Anh chị em giáo dân cần được thăng tiến. Cần cổ võ sự tham gia hữu hiệu của giáo dân vào đời sống tại các giáo phận của anh em, ít nhất là tham gia các cơ cấu tổ chức trong giáo phận, để tiếng nói của họ được lắng nghe và kinh nghiệm của họ được nhìn nhận. Hãy nhận ra và trân trọng những đặc sủng của giáo dân nam nữ, và khuyến khích họ đem khả năng được Chúa ban mà phục vụ Giáo hội và toàn xã hội. Đến đây tôi nghĩ đến nhiều giáo lý viên nhiệt thành tại đất nước này; họ là những cột trụ của công cuộc Phúc âm hoá và hoạt động tông đồ của những anh chị em này đã góp phần chủ yếu vào việc thăng tiến đời sống đức Tin và việc đào luyện Kitô hữu cho thế hệ sau. Những anh chị em này thực sự là các thừa sai và người hướng dẫn cầu nguyện, nhất là tại các vùng sâu vùng xa. Anh em hãy quan tâm đến những nhu cầu tinh thần và việc thường huấn về đức Tin dành cho họ.
Là giáo lý viên, nhưng đồng thời những anh chị em giáo dân này còn rất gần gũi anh em trong vai trò tư vấn: tư vấn mục vụ, tư vấn các vấn đề tài chính. Trong một cuộc gặp gỡ sáu tháng trước, tôi nghe nói có lẽ trên dưới một nửa số các giáo phận có hai ban tư vấn vốn được trù liệu trong giáo luật: hội đồng mục vụ và hội đồng tài chính. Còn một nửa số giáo phận kia? Các hội đồng này không chỉ do luật định, không chỉ là sự trợ giúp, mà còn là chỗ dành cho người giáo dân.
Trong những tháng chuẩn bị cho Thượng hội đồng Giám mục sắp tới, tất cả chúng ta đang được mời gọi suy tư về việc làm thế nào chia sẻ với giới trẻ của mình về niềm vui, sự thật và vẻ đẹp đức Tin của chúng ta. Bangladesh được Chúa ban có nhiều ơn gọi linh mục – hôm nay anh em đã chứng kiến điều đó! – và tu sĩ; anh em cần bảo đảm sao cho các ứng viên được chuẩn bị kỹ lưỡng để thông truyền cho mọi người, nhất là con người ngày nay, kho tàng giàu có của đức Tin. Trong tinh thần hiệp thông nối kết các thế hệ, anh em hãy giúp họ vui mừng và hăng hái gánh vác công việc đã được những người khác khởi sự, đồng thời nhớ rằng, một ngày kia, đến lượt mình trao lại cho người khác.
Ý nghĩa sâu xa của việc tiếp nhận, phát triển và chuyển giao di sản, chính là tinh thần tông đồ của người linh mục. Người trẻ cần biết rằng thế giới không khởi sự cùng với họ, họ phải đi tìm kiếm cội rễ lịch sử, tôn giáo đã sinh ra mình… và hãy làm cho cội rễ này phát triển và sinh hoa trái. Anh em hãy dạy cho giới trẻ đừng sống mất gốc; hãy dạy họ biết nói chuyện với người già. Khi tôi đến đây [Toà Tổng Giám mục Dhaka] hôm nay, các tiểu chủng sinh đã đến chào mừng tôi. Tôi thấy mình nên đặt cho họ hai câu hỏi nhanh, nhưng chỉ hỏi được một câu, câu đầu tiên, câu tự nhiên nhất: “Các con có chơi bóng đá không?” Tất cả đáp: “Thưa có!” Lẽ ra sẽ hỏi câu thứ hai: “Các con có đến thăm ‘ông bà nội ngoại’, thăm các cha già của các con không?” Những nhà đào tạo chủng viện cần huấn luyện chủng sinh biết lắng nghe các linh mục cao niên: cội rễ của họ là ở đó; và chính từ nơi đó, Giáo hội tìm thấy sự khôn ngoan của mình.
Một hoạt động xã hội rất ấn tượng của Giáo hội tại Bangladesh là hướng đến việc giúp đỡ các gia đình, và nhất là, thăng tiến phụ nữ. Người dân đất nước này nổi tiếng về lòng yêu gia đình, hiếu khách, tôn kính cha mẹ, ông bà và chăm sóc người già cả, đau ốm và người dễ bị tổn thương. Những giá trị này được Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô củng cố và nâng cao. Xin đặc biệt cảm ơn tất cả những người đang âm thầm làm việc để nâng đỡ các gia đình Kitô hữu trong sứ vụ hằng ngày của mình là làm chứng cho tình yêu hoà giải của Chúa và cho mọi người được biết quyền năng cứu độ của Chúa. Như Tông huấn Ecclesia in Asia (Giáo hội tại châu Á) đã chỉ ra rằng: “gia đình không chỉ là đối tượng của chăm sóc mục vụ, mà còn là nhân tố tham gia hiệu quả nhất vào công cuộc Phúc âm hoá” (số 46).
Một mục tiêu quan trọng được đề ra trong văn kiện Kế hoạch Mục vụ 1985 –cho thấy có tính chất tiên tri thực sự – là chọn lựa người nghèo. Cộng đoàn Giáo hội tại Bangladesh có thể hãnh diện về lịch sử phục vụ người nghèo của mình, nhất là người nghèo tại vùng sâu vùng xa và trong các cộng đồng bộ tộc. Việc phục vụ này vẫn tiếp diễn hằng ngày qua các hoạt động tông đồ về giáo dục, các bệnh viện, phòng khám, trung tâm y tế, và những hoạt động từ thiện được tổ chức rất đa dạng. Và nhất là, trong bối cảnh cụôc khủng hoảng hiện nay về những người tị nạn, chúng ta thấy còn biết bao nhu cầu khẩn thiết phải đáp ứng! Sự thúc đẩy những hoạt động của anh em đối với những người đang gặp khó khăn luôn luôn phải xuất phát từ đức ái mục tử, nghĩa là mau mắn nhận ra những thương tích của con người và đích thân đem lòng quảng đại mà giúp đỡ từng người. Khi xây dựng nền “văn hoá của lòng thương xót” (x. Tông thư Misericordia et Misera, 20), Giáo hội địa phương của anh em cho thấy mình đã chọn người nghèo, làm tăng thêm hiệu lực của việc loan báo Chúa Cha giàu lòng thương xót và góp phần rộng khắp vào việc phát triển toàn diện quê hương mình.
Một sự kiện quan trọng trong chuyến viếng thăm mục vụ Bangladesh của tôi là cuộc gặp gỡ liên tôn và đại kết sẽ diễn ra ngay sau buổi họp mặt của chúng ta. Đất nước của anh em vốn đa dạng về sắc tộc, được thể hiện qua sự đa dạng các truyền thống tôn giáo. Việc Giáo hội nhiệt tâm khuyến khích sự hiểu biết về liên tôn nơi các chủng sinh và các chương trình giáo dục, cũng như các cuộc tiếp xúc và mời gọi cá nhân, đã góp phần nói lên thiện chí và quảng bá về sự hoà hợp. Anh em hãy không ngừng bắc những nhịp cầu, thúc đẩy đối thoại, không chỉ vì những cố gắng này tạo thuận lợi cho việc liên lạc giữa các nhóm tôn giáo, mà còn vì chúng khơi dậy bầu nhiệt huyết cần thiết cho công cuộc xây dựng đất nước trong sự đoàn kết, công lý và hoà bình.
Khi đồng thanh lên tiếng chống lại thứ bạo lực khoác áo tôn giáo, và cùng tìm cách thay thế loại văn hoá xung đột bằng văn hoá gặp gỡ, thì các vị lãnh đạo tôn giáo đang tiếp lấy tinh hoa từ cội rễ truyền thống đa dạng của mình. Các vị còn mang lại một đóng góp vô giá cho tương lai các quốc gia của mình và tương lai thế giới qua việc giáo dục thế hệ trẻ về lẽ công bình: “giúp người trẻ biết sống trưởng thành, và dạy họ biết phản ứng trước lô-gích gây hiềm thù của sự ác và kiên nhẫn vun trồng cho sự thiện lớn lên” (Diễn văn tại Hội nghị quốc tế về Hoà bình, Al-Azhar, Cairo, 28 tháng Tư 2017).
Anh em giám mục thân mến,
Xin cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta những giây phút trò chuyện và chia sẻ huynh đệ này. Tôi rất vui mừng vì cuộc tông du này đưa tôi đến với đất nước Bangladesh, cho tôi được chứng kiến sức sống và lòng nhiệt thành truyền giáo của Hội Thánh tại đất nước này. Khi dâng lên Chúa mọi niềm vui và những khó khăn Giáo hội của anh em đang trải qua, chúng ta cùng nài xin Chúa tuôn đổ Thần Khí tươi mới để chúng ta được “can đảm cất cao tiếng nói, mọi lúc, mọi nơi, ngay cả trong nghịch cảnh, để loan báo sự tươi mới của Tin Mừng một cách mạnh dạn – parresia” (Tông huấn Evangelii gaudium, số 259).
Xin cho các linh mục, tu sĩ, những người được thánh hiến, anh chị em tín hữu giáo dân đã được trao cho anh em coi sóc, luôn tìm thấy sức mạnh được canh tân qua những nỗ lực trở nên “những thừa sai loan báo Tin Mừng, không chỉ bằng lời nói, mà trên hết, bằng đời sống đã được sự hiện diện của Chúa làm cho biến đổi” (đd.) Tôi đem hết lòng quý mến ban phúc lành cho anh em. Và xin anh em nhớ cầu nguyện cho tôi”.

 
* * *
 
Gặp gỡ đại kết và liên tôn vì hoà bình

Trong khuôn khổ chuyến tông du Bangladesh, vào lúc 17g00 thứ Sáu 1-12-2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham dự buổi gặp gỡ đại kết và liên tôn vì hoà bình diễn ra tại khuôn viên Toà Tổng giám mục Dhaka.
Sau đây là toàn văn bài diễn văn của Đức Thánh Cha tại buổi gặp gỡ này:
***
Thưa các vị khách quý,
các Bạn thân mến,
Cuộc gặp gỡ của chúng ta, quy tụ các đại diện của các cộng đồng tôn giáo khác nhau hiện diện trên đất nước này, là khoảnh khắc rất quan trọng trong chuyến viếng thăm của tôi tới Bangladesh. Vì chúng ta gặp nhau là để tô đậm tình bằng hữu của chúng ta và bày tỏ mong ước chung của chúng ta về ân phúc hoà bình đích thực và lâu dài.
Tôi xin cảm ơn Đức hồng y D’Rozario về những lời chào mừng quý hoá, và cảm ơn những người đã nhiệt tình chào đón tôi nhân danh các cộng đồng Hồi giáo, Hindu, Phật giáo và Kitô giáo cũng như nhân danh xã hội dân sự. Tôi cảm ơn Đức giám mục Anh giáo tại Dhaka về sự hiện diện của ngài, cảm ơn nhiều cộng đồng Kitô hữu, và tất cả những người đã cộng tác trong việc tổ chức cuộc gặp gỡ này.
Những lời chúng ta đã nghe, và cả các bài hát và vũ điệu tạo bầu khí cho cuộc gặp gỡ này, đã nói với chúng ta một cách hùng hồn về niềm khao khát sự hoà hợp, tình huynh đệ và hoà bình được thể hiện trong các giáo huấn của các tôn giáo trên thế giới. Mong sao cuộc gặp gỡ chiều nay là một dấu chỉ rõ ràng về những nỗ lực của các nhà lãnh đạo và các tín hữu của các tôn giáo hiện diện nơi đất nước này để chung sống trong sự tương kính và thiện ý. Ở Bangladesh, nơi quyền tự do tôn giáo là một nguyên tắc căn bản, cuộc gặp gỡ này sẽ như một lời trách cứ tế nhị nhưng vẫn cứng rắn đối với những ai muốn tìm cách kích động chia rẽ, hận thù và bạo lực nhân danh tôn giáo.
Thật là một dấu chỉ đẹp của thời đại chúng ta khi các tín hữu và mọi người thiện chí ngày càng cảm nhận lời mời gọi hợp tác với nhau để kiến tạo một nền văn hoá gặp gỡ, đối thoại và hợp tác để phục vụ gia đình nhân loại. Điều này đòi hỏi nhiều hơn là chỉ khoan dung mà thôi. Nó thách đố chúng ta đến với những người khác trong sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau, nhằm xây dựng một sự hiệp nhất không xem đa dạng là một mối đe dọa, mà là một nguồn tiềm năng làm phong phú hoá và tăng trưởng. Nó thách đố chúng ta vun trồng một con tim rộng mở nhìn những người khác như một con đường, chứ không phải rào cản.
Xin cho phép tôi cùng với quý vị xem xét một cách ngắn gọn vài tính chất thiết yếu của “một con tim rộng mở” – là điều kiện của nền văn hoá gặp gỡ.
Trước hết, đó là một cánh cửa. Đây không phải là một lý thuyết trừu tượng mà là một kinh nghiệm sống. Nó giúp chúng ta đi vào cuộc đối thoại của cuộc sống, chứ không chỉ là trao đổi ý kiến. Nó đòi hỏi phải có thiện chí và đón nhận, nhưng đừng nhầm lẫn với sự thờ ơ hoặc dè dặt trong việc biểu lộ những xác tín sâu sắc nhất của chúng ta. Dấn thân cùng với người khác một cách hiệu quả nghĩa là chia sẻ bản sắc tôn giáo và văn hoá riêng của mình, nhưng luôn luôn với tâm tình khiêm tốn, trung thực và tôn trọng.
Sự rộng mở của con tim còn giống như một cái thang dẫn đến Tuyệt đối. Khi nhắc lại chiều kích siêu việt này của hoạt động của chúng ta, chúng ta nhận ra rằng cần phải thanh tẩy cõi lòng, để có thể nhìn mọi thứ trong nhãn quan chân thực nhất của chúng. Khi cái nhìn của chúng ta từng bước trở nên rõ ràng hơn, chúng ta có được sức mạnh để kiên trì trong nỗ lực hiểu biết và đánh giá người khác cũng như quan điểm của họ. Như thế, chúng ta sẽ tìm được khôn ngoan và sức mạnh cần thiết để mở rộng bàn tay bằng hữu cho tất cả mọi người.
Sự rộng mở của con tim giống như một con đường dẫn tới việc theo đuổi điều thiện hảo, công lý và tình liên đới. Nó dẫn đến việc tìm kiếm điều thiện hảo cho người thân cận của chúng ta. Trong thư gửi tín hữu Roma, thánh Phaolô đã thúc giục họ: “Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy điều thiện mà thắng sự ác” (Rm 12,21). Đây là tâm tình mà tất cả chúng ta có thể bắt chước. Sự ân cần quan tâm đến hạnh phúc của người thân cận chúng ta bắt nguồn từ một trái tim rộng mở, tràn ra bên ngoài như một dòng sông rộng lớn, để tưới mát những miền đất hoang khô cằn nứt nẻ của hận thù, thối nát, đói nghèo và bạo lực huỷ hoại đời sống con người, làm tan nát gia đình, hay làm méo mó món quà của thiên nhiên.
Những cộng đồng tôn giáo khác nhau của Bangladesh đã chấp nhận con đường này một cách cụ thể qua sự dấn thân chăm sóc trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta, và qua việc ứng phó với những thảm hoạ thiên nhiên ập đến đất nước mình trong những năm gần đây. Tôi cũng nghĩ đến rất nhiều nỗi buồn thương, lời cầu nguyện và tình liên đới chia sẻ trong tai nạn thảm khốc của vụ toà nhà Rana Plaza sụp đổ, mà mọi người vẫn chưa quên. Bằng nhiều cách khác nhau ấy, chúng ta thấy con đường của thiện hảo đã dẫn đến sự hợp tác trong việc phục vụ người khác như thế nào.
Một tinh thần cởi mở, chấp nhận và hợp tác giữa các tín hữu không chỉ đơn thuần là đóng góp vào một nền văn hoá hài hoà và bình an; đó là nhịp đập trái tim của nó. Thế giới chúng ta cần trái tim này đập mạnh mẽ biết bao, để chống lại virus tham nhũng chính trị, chống lại những hệ tư tưởng tôn giáo huỷ hoại, và cơn cám dỗ nhắm mắt làm ngơ trước nhu cầu của người nghèo, người tị nạn, của các nhóm thiểu số bị áp bức, và của những người dễ bị tổn thương nhất. Tinh thần cởi mở ấy cũng cần biết bao để đến với nhiều người trong thế giới của chúng ta, nhất là những người trẻ, là những người đôi khi cảm thấy cô đơn và bối rối khi đi tìm ý nghĩa của cuộc sống!
Các bạn thân mến, tôi cảm ơn các bạn đã nỗ lực thúc đẩy nền văn hoá gặp gỡ, và tôi cầu nguyện cho, một khi các tín hữu cùng nhau dấn thân để nhận ra và thực hành những điều tốt, họ sẽ giúp tất cả các tín hữu tăng triển trong sự khôn ngoan và thánh thiện, đồng thời hợp tác trong việc xây dựng một thế giới nhân đạo, hợp nhất và hoà bình hơn bao giờ hết.
Tôi xin mở rộng tấm lòng mình cho tất cả các bạn, và một lần nữa cảm ơn các bạn đã đón tiếp tôi. Chúng ta hãy nhớ nhau trong lời cầu nguyện.
***
Kết thúc buổi Gặp gỡ đại kết và liên tôn trên đây, Đức Thánh Cha đã gặp 18 người tị nạn Rohingya, trong đó có 2 trẻ em, đến từ một trại tị nạn ở gần Cox’s Bazar thuộc Đông Nam Bangladesh. Đức Thánh Cha đã khóc khi nghe họ kể lại cho ngài tấn thảm kịch của họ ở Myanmar, nơi họ bị trục xuất.
Ngỏ lời với người tị nạn và những người tham dự, Đức Thánh Cha nói:
***
Anh chị em thân mến, tất cả chúng tôi gần gũi với anh chị em. Những gì chúng tôi có thể làm được thật ít ỏi vì thảm trạng của anh chị em quá bi đát. Nhưng chúng tôi có chỗ trong trái tim mình. Thay mặt cho mọi người, thay mặt những người bức hại anh chị em, những người làm tổn thương anh chị em, nhất là vì sự thờ ơ của thế giới, tôi xin anh chị em tha thứ. Xin hãy tha thứ. Rất nhiều người trong anh chị em đã nói với tôi về tấm lòng hào hiệp của người Bangladesh đã đón tiếp anh chị em. Giờ đây tôi cũng kêu gọi tấm lòng quảng đại của anh chị em, hãy tha thứ cho chúng tôi.
Anh chị em thân mến, câu chuyện về sáng tạo của Kitô giáo - Do Thái giáo nói rằng Chúa là Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh giống Thiên Chúa. Mọi người chúng ta là hình ảnh ấy. Những người anh chị em của chúng ta đây cũng vậy. Họ cũng là hình ảnh của Thiên Chúa hằng sống. Một trong những truyền thống tôn giáo của anh chị em nói rằng thuở ban đầu Thiên Chúa đã lấy một ít muối, bỏ vào trong nước là linh hồn của tất cả mọi người nam và nữ. Mỗi người chúng ta mang trong mình một chút muối thần linh. Những người anh chị em của chúng ta đây mang trong mình muối của Thiên Chúa.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy làm cho thế giới thấy được thói ích kỷ của thế giới đang làm gì đối với hình ảnh của Thiên Chúa. Chúng ta hãy tiếp tục làm điều tốt cho họ, giúp đỡ họ. Chúng ta hãy tiếp tục tích cực làm việc  để nhìn nhận các quyền của họ. Chúng ta đừng đóng cửa lòng mình, hay nhìn một cách khác. Ngày nay, sự hiện diện của Thiên Chúa còn có tên gọi là “Rohingya”. Mong sao mỗi người trong chúng ta biết đáp lại theo cách riêng của mình.

 
(Nguồn: Libreria Editrice Vaticana)
Thành Thi và Minh Đức chuyển ngữ

Nguồn tin: WHĐ


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 276
  •   Máy chủ tìm kiếm 8
  •   Khách viếng thăm 268
 
  •   Hôm nay 23,264
  •   Tháng hiện tại 818,576
  •   Tổng lượt truy cập 80,751,476