5 phút mỗi ngày cho Lời Chúa (ngày 01-10/12/2017)

Thứ năm - 30/11/2017 08:19      Số lượt xem: 3280

Kính mời Quý vị độc giả hãy dành mỗi ngày, ít là 5 phút, để lắng nghe và suy niệm Lời Chúa.

01/12/2017                        THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 34 TN
                                                                                          Lc 21,29-33
 
ĐỂ NƯỚC CHÚA MAU TRỊ ĐẾN
“Khi thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.” (Lc 21,31)
Suy niệm: Như cây vả mùa đông trụi lá chết khô để rồi sống dậy, đâm chồi nẩy lộc khi “mùa hè gần đến,” cũng thế khi “những sự ấy xảy ra” thì Nước Thiên Chúa cũng đến gần. Trong những đoạn trước đó (cc. 9-11.25-28), Phúc Âm Lu-ca mô tả “những sự ấy” là chiến tranh loạn lạc và những xáo trộn kinh hoàng chấn động cả vũ trụ. Rồi trước đó nữa là những bách hại ngược đãi mà các môn đệ Chúa phải chịu (c. 12). Qua những lời đó, Chúa nhắc ta một chân lý rất quen thuộc: Nước Thiên Chúa mà Đức Ki-tô loan báo là “đã đến gần,” chỉ đến qua con đường thập giá, con đường chính Ngài đã đi qua: chịu khổ hình, chịu chết rồi mới sống lại vinh quang.
Mời Bạn: Chúng ta có xu hướng muốn Nước Chúa trị đến mà không muốn “những sự ấy xảy ra.” Hoặc có khi chúng ta có thái độ chờ đợi thụ động theo kiểu ‘qua cơn mưa trời lại sáng’. Một mặt Nước Chúa sẽ đến khi “mãn thời của dân ngoại” (c. 24). Nhưng mặt khác chúng ta có thể góp phần làm cho Nước Chúa đến bằng cách tham dự cách tích cực vào mầu nhiệm thập giá của Đức Ki-tô, một cách cụ thể: dám hy sinh chịu thiệt để thực thi công bằng và trung thực trong công việc nghề nghiệp hằng ngày của mình, dấn thân vào các hoạt động bảo vệ sự sống dù có phải chấp nhận những khó khăn nguy hiểm…
Chia sẻ: Mời bạn nêu một sáng kiến để tham dự cách cụ thể và tích cực vào mầu nhiệm thập giá Chúa Kitô.
Sống Lời Chúa: Làm một hy sinh để cầu cho các đẳng linh hồn sớm được hưởng hạnh phúc trong Nước Chúa.
Cầu nguyện: Hát kinh Hoà Bình.

02/12/2017                       THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 34 TN
                                                                                          Lc 21,34-36
 
CHIẾC LƯỚI TỬ THẦN
“Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em.” (Lc 21,34)
Suy niệm: Trong những ngày cuối cùng của năm phụng vụ, Lời Chúa mời gọi ta tỉnh thức và cầu nguyện để không bị hụt hẫng khi Ngày của Chúa đến. Tin Mừng hôm nay với hình ảnh chiếc lưới bất thần chụp xuống không phải là lời đe dọa kiểu “ngáo ộp” đối với con nít, mà là những lời cảnh tỉnh, bởi ngày của Chúa là có thật, sẽ đến “vào lúc không ai ngờ, vào giờ không ai biết.” Thay vì gieo rắc nỗi sợ hãi thì những Lời Chúa về ngày thế mạt ươm trong ta niềm hy vọng, không thất đảm, cũng chẳng để các nỗi ưu tư đè bẹp mình. Nếu có một điều chắc chắn nhất sẽ xảy ra cho ta, thì đó chính là cái chết, sẽ đến vào lúc chính ta không ngờ.
Mời Bạn: Chúa Giê-su dạy ta để sẵn sàng trong ngày Chúa đến thì phải “tỉnh thức và cầu nguyện.” Tỉnh thức ở đây không có nghĩa là không ngủ, mà là biết sáng suốt để nhận định đâu là thánh ý Chúa và đâu là những mưu ma chước quỷ cám dỗ ta. Việc tỉnh thức như thế phải thực hiện trong bầu khí cầu nguyện, kết hiệp thân tình với Chúa.
Chia sẻ: Trình thuật Chúa Giê-su trong vườn Cây Dầu trước khi chịu nạn dạy ta điều gì về việc tỉnh thức và cầu nguyện?
Sống Lời Chúa: Nhớ rằng các linh hồn trong luyện ngục đang cần lời cầu nguyện của bạn mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con hiểu được rằng cuộc đời chúng con mong manh lắm, như hoa sớm nở chiều tàn để chúng con không cố bám víu vào cuộc sống đời này, nhưng luôn ngóng đợi ngày Chúa đến. Để chúng con luôn sẵn sàng cho ngày đó, xin giúp chúng con luôn tỉnh thức và cầu nguyện. Amen.

03/12/2017                                      CHÚA NHẬT TUẦN 1 MV - B
                                                                                         Mc 13,33-37
 
CANH THỨC
“Người giữ cửa phải canh thức.” (Mc 13,34)
Suy niệm: Truyện cổ Hy Lạp có kể chuyện người Hy Lạp, để chiếm thành Troa, dùng kế dâng cho vua thành ấy một con ngựa gỗ khổng lồ. Nào ngờ trong bụng con ngựa gỗ ấy chứa đầy quân lính. Nửa đêm toán lính chui ra, mở cửa thành cho đại quân tiến vào chiếm thành. Ngày nay người ta dùng điển tích ấy - gọi là “trojan” (trô-dân) - để đặt tên một thứ phần mềm máy tính nguỵ trang có vẻ vô hại, nhưng một khi đột nhập vào hệ thống máy tính rồi, nó sẽ phá hoại dữ liệu, đánh cắp thông tin máy chủ, tác hại khôn lường. Chúa Giê-su dùng hình ảnh “người giữ cửa phải canh thức” có ý nhắc ta phải sẵn sàng đón Chúa đến bất cứ lúc nào, và cũng để đề phòng kẻ trộm nhằm lúc bất ngờ nhất đào ngạch khoét vách, lẻn vào căn nhà tâm hồn tác hại từ bên trong.
Mời Bạn: Thực trạng xã hội cho thấy người ta đã mở “cổng sau” cho những “trojan” đột nhập và ngấm ngầm tác hại lên nếp sống của cá nhân, cộng đoàn. Các công ty dám xả nước thải ra sông ra biển mà không áy náy vì đã từ lâu, người ta vẫn “vô tư” quét rác rưởi ra đường phố hay xuống cống rãnh. Báo đài dám đưa thông tin dối trá, nhà trường dám gian lận bài thi, giả bằng cấp, vì đã từ lâu người ta cầu an hưởng thụ, không dám chấp nhận thách đố để sống chân thật, công bằng. Lương tâm là người giữ cửa tâm hồn bạn phải canh thức, để không lẫn lộn coi điều xấu thành điều tốt. Để người giữ cửa tâm hồn của bạn tỉnh thức cần có một nếp sống tiết độ và chuyên cần cầu nguyện.
Sống Lời Chúa: Lấy “Trung thực và Công bằng” làm châm ngôn sống.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho Danh Chúa vinh hiển, cho Nước Chúa trị đến.

04/12/2017                                                   THỨ HAI TUẦN 1 MV
Thánh Gio-an Đa-ma-xê-nô                                               Mt 8,5-11
 
TIỆC LỚN VÀ VUI
“Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-sa-ac và Gia-cóp trong Nước Trời.” (Mt 8,11)
Suy niệm: Người bị tê bại, nằm liệt đau đớn được chữa lành vui mừng biết chừng nào! Qua việc chữa lành cho người bại liệt, Đức Giê-su tỏ mình ra là Đấng Cứu Thế chữa lành tất cả nhân loại tội lỗi và đưa họ vào Nước Trời. Tin Mừng mô tả Nước Trời như một bữa tiệc lớn và vui, không hề có ở trần gian. Người tham dự đến từ phương đông cho tới phương tây, nghĩa là gồm tất cả mọi dân nước trên thế gian này, trong đó có chúng ta. Chính thánh Phaolô ghi lại cho chúng ta ý muốn ấy của Chúa: “Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được ơn cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tm 2,4).
Mời Bạn: Thiên Chúa sinh chúng ta ra trong đời tạm này và Người hứa ban cho chúng ta được chung hưởng hạnh phúc với Người trong đời sống vĩnh cửu mai sau. Nay chúng ta đang sống ở trần gian là đang trên đường tiến về Nước Trời, nơi diễn ra tiệc lớn và vui. Như người đi đường mong tới đích, người Ki-tô hữu chúng ta, đặc biệt là trong Mùa Vọng, càng cần thể hiện rõ ràng hơn lòng mong ước này.
Sống Lời Chúa: Nghiền ngẫm lời của thánh Phao-lô: “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta”  (Pl 3,20).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin khơi dậy và củng cố chúng con niềm mong ước được vào Nước Trời, để đang khi chúng con sống ở trần gian, lòng chúng con luôn hướng về Nước Trời, nơi hạnh phúc viên mãn mà Chúa hứa ban cho chúng con.

05/12/2017                                                     THỨ BA TUẦN 1 MV
                                                                                          Lc 10,21-24
 
NGÔN NGỮ CỦA CHÚA
“Lạy Cha, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mặc khải cho những người bé mọn.” (Lc 10,21)
Suy niệm: Tháng 6/2000, Francis S. Collins công bố khám phá quan trọng của ông về hệ gen, giải mã bí mật liên quan đến sự hình thành của con người. Điều đáng nói là ngay trong những lời phát biểu đầu tiên của mình, Collins, khoa học gia hàng đầu của thế giới và là người vô thần, khẳng định mình đã bị Thiên Chúa chinh phục vì vẻ đẹp kỳ diệu của hệ gen mà ông gọi đó là “ngôn ngữ riêng của Thiên Chúa.” Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su ngợi khen Chúa Cha về ngôn ngữ độc đáo của Người, vốn được giấu kín trước những “bậc khôn ngoan thông thái”, mà chỉ mạc khải cho “những người bé mọn”. Hay nói cách khác, chỉ những ai có cặp mắt trẻ thơ mới có thể đọc hiểu được ngôn ngữ ấy, ngôn ngữ của tình yêu quan phòng. Đó là cặp mắt biết ngạc nhiên trước kỳ công của  Chúa, và đặt mình trong bàn tay của Chúa. Không chỉ có thế, Chúa Giê-su còn khẳng định họ sẽ “được thấy” những điều cao cả lớn lao mà bao người hằng mong ước.
Mời Bạn: Chuẩn bị tâm hồn đón mừng mầu nhiệm Chúa Giáng sinh, bạn được mời gọi “dừng lại tại ‘những nơi’ của sự kinh ngạc là tha nhân, lịch sử, và Giáo Hội, bằng cách nhìn các thực tại này với đôi mắt đức tin, và khám phá ra trong đó sự hiện diện của Thiên Chúa” (Huấn dụ của ĐTC Phanxicô, 20/12/2015).
Sống Lời Chúa: Tâm niệm: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1,52).
Cầu nguyện: Maranatha, Chúa ơi xin hãy đến! Xin đến đổi mới đôi mắt và con tim con, để con nhận ra những kỳ công của Chúa nơi máng cỏ Bê-lem và trong suốt đời con. Amen.

06/12/2017                           THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN I MV
Thánh Ni-cô-la, giám mục                                              Mt 15,29-37
 
ĐỂ SỐNG DỒI DÀO HƠN
“Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường.” (Mt 15,32)
Suy niệm: Trong một xã hội theo chủ nghĩa tiêu thụ như hiện nay, người ta đua nhau tiêu sài, coi như đó là một tiêu chí để thể hiện đẳng cấp, sự thành đạt của mình. Tiêu sài càng nhiều thì càng phải sản xuất nhiều hơn. Và ngược lại, để sản xuất không bị ngừng trệ, phải thúc đẩy tiêu sài mua sắm. Cứ thế, trên thương trường, kẻ nào không biết đua tranh, chiếm lĩnh, sẽ lập tức bị loại ra khỏi cuộc chơi. Chính vì thế, tương quan giữa con người với nhau ngày càng trở nên ích kỷ vì lợi ích của mình và vô cảm với tha nhân. Chúa Giê-su dạy chúng ta sống ngược lại xu thế đó. Ngài đến và ở lại với chúng ta là để chữa lành, cứu sống. Khi nuôi sống đám đông bằng năm chiếc bánh và hai con cá, Chúa Giê-su muốn chúng ta là đoàn chiên của Chúa “được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Hơn nữa, Ngài và dạy các môn đệ thực hành theo tinh thần của Ngài: Ngài giao cho họ nhiệm vụ phân phát lương thực cho mọi người.
Mời Bạn: Chúa Giê-su đến để chiên được sống và sống dồi dào. Sự nối kết, hiện diện của bạn trên phương tiện truyền thông, lên “phây” chẳng hạn, có làm giàu những mối tương quan, có giúp ích cho chính bạn và bạn bè không?
Sống Lời Chúa: Bão lũ tàn phá miền Trung, tôi trích một số tiền để tiếp tục chia sẻ cho nạn nhân vùng bão.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, sự hiện diện của Chúa là cứu chữa, là chữa lành, là an ủi, là khích lệ, là nuôi sống. Xin cho con học cung cách sống của Chúa, để sự hiện diện của con làm cho gia đình con được hạnh phúc, rộn rã và hân hoan. Amen.

07/12/2017                       THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 1 MV
Thánh Am-rô-xi-ô, giám mục, TSHT                        Mt 7,21.24-27
 
THỰC THI LỜI CHÚA
“Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào Nước Trời.” (Mt 7,21)
Suy niệm: Giữ đạo theo cung cách đọc những mẫu kinh có sẵn, nghe Lời Chúa mà không ghi nhớ và suy niệm, cũng chẳng thay đổi đời sống theo Lời Chúa đòi hỏi, có thể là thói quen hiện nay của nhiều tín hữu Việt Nam. Ta dễ tự mãn cho rằng mình đã là Ki-tô hữu chân chính trăm phần trăm. Đức Giê-su cảnh báo ta rằng lời nói không thể thay thế cho việc làm, tuyên xưng đức tin trên môi miệng chưa đủ, còn phải bày tỏ đức tin ấy qua hành động cụ thể. Xây nhà trên đá nghĩa là sống đạo dựa trên nền tảng vững chắc là Lời Chúa không dễ dàng chút nào, bởi vì đòi ta phải từ bỏ cái khó bỏ nhất là ý riêng, cùng với những đam mê và tập quán xấu. Vì thế, ta dễ bằng lòng với lối sống đạo quen thuộc, không đòi hỏi mình nhiều quá!
Mời Bạn: Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về Lời Chúa đề nghị bạn đọc Kinh Thánh không như một bản văn chết, nhưng như đọc bức thư tình của người yêu (S. Kierkegaard). Nhờ vậy, Lời Chúa thật sự trở thành sự sống, chi phối trọn vẹn con người bạn, đến độ bạn có thể nói như thánh Phao-lô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Chia sẻ: Đâu là những khó khăn trong nỗ lực phổ biến việc đọc, suy niệm, và sống Lời Chúa hiện nay ở giáo xứ của bạn?
Sống Lời Chúa: Tổ chức việc đọc Lời Chúa trong giờ kinh tối gia đình, như một cách giúp mọi thành viên trong gia đình nhấm nhuần Lời Chúa hơn.
Cầu nguyện: Hát: “Xin cho con biết lắng nghe, Lời Ngài dạy con trong đêm tối. Xin cho con biết lắng nghe, Lời Ngài dạy con lúc lẻ loi…”

08/12/2017                                                  THỨ SÁU TUẦN 1 MV
Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội                                       Lc 1,26-38
 
ĐẤNG ĐẦY ƠN PHÚC
“Kính chào trinh nữ đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ.” (Lc 1,38)
Suy niệm: Hôm nay Giáo Hội mừng kính trọng thể lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm. Cùng với sứ thần Gáp-ri-en, Giáo Hội đồng thanh cất tiếng ca: “Kính chào trinh nữ đầy ơn phúc.” Lời chào trang trọng của vị sứ thần là khúc nhạc dạo đầu cho những sự kiện vĩ đại chưa từng có trong lịch sử nhân loại: Thiên Chúa làm người và Đức Ma-ri-a được diễm phúc là người mẹ của Thiên-Chúa-làm-người ấy. Mẹ “đầy ơn phúc” luôn được Thiên Chúa ở cùng, yêu mến. Mẹ “đầy ơn phúc” vì Mẹ hoàn toàn trong sạch thanh khiết từ lúc đầu thai trong lòng bà thánh An-na, cũng như suốt đời không vương mắc tội lỗi. Niềm tin này của Dân Chúa được Đức Pi-ô IX định tín ngày 8 tháng 12 năm 1854 qua tín điều Đức Ma-ri-a Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Mời Bạn: Trên đời này, làm sao tìm được một người mẹ tuyệt vời như Mẹ Ma-ri-a. Mẹ tuyệt vời kiều diễm giữa nhân loại, vì Mẹ không mắc tội nguyên tổ, cũng chẳng phạm tội nhơ nào. Thánh nữ Bê-na-đét đã thốt lên: “Mẹ đẹp lắm, đẹp đến nỗi nếu ai thấy Mẹ một lần, thì sẵn sàng chết để được thấy Mẹ mãi mãi.
Chia sẻ: Việc tôn sùng Đức Ma-ri-a đích thật đòi hỏi phải noi gương các nhân đức của ngài. Những nhân đức nào của ngài hợp với thời đại hôm nay ?
Sống Lời Chúa: Noi gương Mẹ Ma-ri-a, tôi cố gắng sống đẹp lòng Chúa, qua việc nỗ lực tránh các dịp tội (bạn hữu xấu, sách báo, phim ảnh xấu) có thể làm tôi sa ngã.
Cầu nguyện: Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà, bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giê-su con lòng bà gồm phúc lạ. Thánh Ma-ri-a Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.

09/12/2017                                                  THỨ BẢY TUẦN 1 MV
Thánh Gio-an Đi-đa-cô                                           Mt 9,35-10,1.6-8
 
THỂ LÝ VÀ THIÊNG LIÊNG
“…Vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn.” (Mt 9,35)
Suy niệm: Ngày này năm xưa, tình cảnh đói nghèo, bệnh hoạn tật nguyền của đám đông làm cho Chúa Giê-su động lòng thương; Ngài còn nhìn ra một sự thiếu thốn khác: họ tất tưởi bơ vơ như chiên không người chăn. Những thiếu thốn trăm bề về phương diện vật chất, ai cũng dễ dàng thấy, nhưng chỉ có tình yêu của Con Thiên Chúa Nhập Thể mới giúp ta nhìn thấy sự bơ vơ thiếu thốn về tinh thần. Chính trong bối cảnh đó và cũng vì động lòng thương trước tình cảnh đó mà Chúa Giê-su đã chọn gọi 12 tông đồ để rao giảng Tin Mừng cho dân chúng trong khi vẫn không quên việc cho họ ăn, chữa lành người đau yếu, phục sinh kẻ chết.
Mời Bạn: Nhiều khi chúng ta sống quá “thiêng liêng” đến mức vô cảm với những đau khổ của anh em; khi khác chúng ta lại chỉ nhìn Giáo Hội như một tổ chức từ thiện xã hội. Nhưng Con Thiên Chúa không đến để chỉ chữa lành hay miễn trừ mọi bệnh tật, càng không đến để lập một tổ chức cứu trợ. Ngài đến để quy tụ nhân loại tản mát vào một mối, một gia đình có Thiên Chúa là Cha. Đừng để những công việc bác ái chúng ta làm trở thành vật cản tầm nhìn của mình hướng về một sứ mạng cao trọng hơn.
Chia sẻ: Bạn nghĩ thế nào khi có người nói: điều cần thiết nhất là cho kẻ nghèo đói được no cơm ấm áo, còn những nhu cầu thiêng liêng khác thì không cần bận tâm vì không mấy ai cần?
Sống Lời Chúa: Đọc một lời nguyện ngắn trước khi làm một việc bác ái.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, là Đấng tạo dựng chúng con đủ cả xác hồn, xin cho chúng con đừng vì hồn mà coi nhẹ  xác, và nhất là đừng chiều theo phần xác mà bỏ quên phần hồn.

10/12/2017                                      CHÚA NHẬT TUẦN 2 MV - B
                                                                                               Mc 1,1-8
 
SỐNG TÂM TÌNH CHỜ ĐỢI
“Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Chúa.” (Mc 1,3)
Suy niệm: Một tờ báo tại Paris vào thế kỷ 19 quảng cáo tìm người truyền giáo hải ngoại như sau: “Không lương bổng, không bảo hiểm, không tiền hưu trí, nhưng rất nhiều việc cực nhọc, một chỗ ở tồi tàn, rất ít an ủi, rất nhiều phũ phàng, đau ốm triền miên, một cái chết do bạo hành hay cô đơn và một ngôi mộ vô danh.” Cũng như các vị truyền giáo, Gio-an đã sống tất cả những khó khăn thử thách của người dọn đường cho Chúa. Ông sống đời chay tịnh, cô độc trong hoang địa đá vôi khô khốc, với cái nóng khắc nghiệt, giữa Giu-đê và Biển Chết. Ông sống khó nghèo, áo bằng da lạc đà, thức ăn đạm bạc (châu chấu và mật ong rừng). Kêu gọi người khác dọn đường, chính Gio-an đã là con đường đưa con người đến với Đức Giê-su. Mời gọi người khác sám hối, Gio-an đã sống tâm tình sám hối ấy trước.
Mời Bạn: Mỗi mùa Vọng, Gio-an Tẩy Giả đến hẹn lại lên. Mùa Vọng là mùa đợi chờ Đức Giê-su đến lần thứ hai. Gio-an chính là người giúp ta sống tâm tình chờ đợi tuyệt vời hơn cả, vì nơi ông, lối sống đi đôi với lời loan báo, hành động sánh vai với ý hướng. Đặc biệt hơn, ông không hướng người ta về với mình, nhưng chỉ dẫn họ đến với Chúa. Để là người giới thiệu Chúa cho người lân cận, bạn hãy sống như Gio-an.
Chia sẻ: Tại sao ông Gio-an Tẩy Giả có sức lôi cuốn với người đương thời?
Sống Lời Chúa: Xét xem trong lối sống của tôi lãnh vực nào lời nói và việc làm, hành động và ý hướng đang đối chọi nhau, và tìm cách sửa đổi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con nỗ lực để dọn đường cho Chúa đến trong tâm hồn, gia đình, đoàn thể chúng con trong mùa Vọng.
 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 1.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 305
  •   Máy chủ tìm kiếm 12
  •   Khách viếng thăm 293
 
  •   Hôm nay 53,311
  •   Tháng hiện tại 1,085,319
  •   Tổng lượt truy cập 79,834,003