5 phút mỗi ngày cho Lời Chúa (ngày 22-28/01/2018)

Chủ nhật - 21/01/2018 17:39      Số lượt xem: 3177

Kính mời Quý vị độc giả hãy dành mỗi ngày, ít là 5 phút, để lắng nghe và suy niệm Lời Chúa.

22/01/2018                                                                              THỨ HAI TUẦN 3 TN
Thánh Vincent, phó tế, tử đạo                                                                 Mc 3,22-30
 
BƯỚC ĐI TRONG THÁNH THẦN
“Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.” (Mc 3,29)
Suy niệm: “Ta trở thành kẻ tự kiêu, ngạo mạn và bất khoan dung, xấu xa hay lười biếng hoặc nhát sợ khi không nhạy cảm với sự hướng dẫn của Thánh Thần trong ta” (C. Stanley). Thánh Thần là Đấng soi sáng, hướng dẫn ta nhận biết sự thật về Chúa, về mình để nhờ đó, ta có thể nhận lãnh ơn cứu độ, sự tha thứ của Chúa. Khi không nhạy bén với sự soi sáng, hướng dẫn ấy là ta khép lòng, từ chối sự tha thứ của Ngài, là liều mình sống trong tình trạng tội lỗi. Khoa luân lý có đề cập đến lương tâm phóng túng là loại lương tâm phán đoán lệch lạc: coi một tội là hợp pháp, hay tội nặng thành tội nhẹ; hoặc lương tâm chai lỳ khi ta quá quen phạm tội nên không nhận thức được tội của mình nữa, hoặc coi thường tội, dù là tội nặng.
Mời Bạn: Nhận ra sự soi sáng, thúc đẩy của Thánh Thần để nhận biết sự thật về Chúa và về mình. Chúa là Cha nhân lành yêu thương bạn; còn bạn là con cái, là thụ tạo do Ngài dựng nên, được bao phủ bằng tình yêu thương của Ngài, nhưng bạn thường xúc phạm đến Ngài qua tội lỗi. Nhận thức được sự thật ấy sẽ giúp bạn sống bình tâm trong thân phận thụ tạo và con cái của mình.
Sống Lời Chúa: Tôi tập cảm thức về sự hiện diện thánh thiêng của Thánh Thần nơi mình, để nghe theo sự soi sáng và thúc đẩy của Ngài mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, con xin lỗi Chúa vì con thường quên sự hiện diện gần gũi của Ngài trong cuộc sống đời thường. Xin cho con mau mắn vâng theo lời dạy bảo của Ngài; xin cho con đừng khép lòng trước những gợi ý dấn thân tích cực hơn trong việc sống niềm tin trong đời sống. Amen.
 -------------------------------------
 
23/01/2018                                                                                THỨ BA TUẦN 3 TN
                                                                                                                 Mc 3,31-35
 
THI HÀNH Ý CHÚA
“Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mc 3,35)
Suy niệm: Ở đời người ta thường vịn vào mối họ hàng “dây mơ rễ má” với những người nổi tiếng, thành đạt hoặc có địa vị trong xã hội, nếu không để cậy nhờ vụ lợi, thì cũng để hãnh diện, tự hào. Những người bà con với Chúa Giêsu hẳn cũng mang tâm trạng ấy khi có một người trong họ hàng của mình đang được quần chúng hâm mộ, tung hô. Thế nhưng, Chúa Giêsu chỉ cho họ, và cho cả chúng ta, thấy ngoài mối quan hệ huyết thống tự nhiên, ta còn có một mối quan hệ siêu nhiên sâu đậm hơn trong đại gia đình của Thiên Chúa. Đó là mối quan hệ giữa những người thi hành thánh ý Chúa với Ngài và với nhau. Chúa Giêsu là người con hiếu thảo với Chúa Cha, là người luôn thi hành vuông tròn thánh ý Chúa Cha. Vì thế, ai làm theo ý muốn Chúa Cha, người ấy là anh em, chị em với Ngài, là thành viên trong gia đình Thiên Chúa.
Mời Bạn: Là Kitô hữu, bạn hãnh diện là người thuộc về Chúa Kitô, là bà con họ hàng với Ngài. Nhưng danh hiệu ấy sẽ chỉ là hữu danh vô thực, nếu bạn thờ phượng Chúa chỉ “bằng môi miệng” còn tấm lòng xa Chúa (Mt 15,8). Vậy, để xứng danh là người thân của Chúa, bạn phải luôn thực thi ý Ngài, thi hành Lời Ngài dạy trong mọi hoàn cảnh, qua các biến cố của cuộc đời, bằng lòng khiêm nhường, bác ái, phục vụ, tha thứ và hy sinh theo mẫu gương Chúa Kitô.
Sống Lời Chúa: Tôi cố gắng trở nên người thân của Chúa bằng việc đọc và cầu nguyện Lời Chúa mỗi ngày, và nỗ lực áp dụng Lời Ngài trong cuộc sống.
Cầu nguyện: Sốt sắng hát “Xin cho con biết lắng nghe…”

 
-------------------------------------
 
 
24/01/2018                                                                                   THỨ TƯ TUẦN 3 TN
Thánh Phanxicô Salêsiô, giám mục, TSHT                                                    Mc 4,1-20
 
HÃY GIEO CÁCH HÀO PHÓNG
“Người gieo giống đi ra gieo giống. Có hạt rơi xuống vệ đường,... sỏi đá,... bụi gai,... đất tốt...” (Mc 4,3-8)
Suy niệm: Hoàn cảnh địa lý vùng Palestines hiếm có những khu đất tốt bằng phẳng, thuận lợi. Người gieo phải có đôi chút mạo hiểm và hào phóng, tận dụng mọi ngóc ngách để gieo giống mới mong có mùa gặt mai sau. Thế giới ngày nay theo xu hướng vật chất hưởng thụ, chuộng cuộc sống tiện nghi dễ dãi, chẳng khác nào những bụi gai, cỏ rậm hay vệ đường sỏi đá; làm cho Lời Chúa được nghe lọt tai đã là khó, phương chi tìm ra được mảnh “đất tốt” để hạt giống Lời Chúa bám rễ nảy mầm! Chúa dạy các môn đệ của Ngài không được bó tay, nhưng phải gieo, gieo mãi, bất chấp lòng người là sỏi đá, vệ đường hay bụi gai. Điều này đòi hỏi nhà thừa sai có một tinh thần dấn thân và phó thác cao. Bởi gieo trồng vun tưới là việc của Phaolô, của Apollo, của bạn, của tôi, của chúng ta; còn kết quả là do Thiên Chúa (x. 1Cr 3,6).
Mời Bạn: Lòng người dù có là sỏi đá, vệ đường, bụi gai nhưng vẫn có thể được cày xới chăm bón để biến đổi thành đất tốt. Hạt giống Lời Chúa được gieo xuống không nằm yên thụ động mà còn có sức cải tạo đất. Chẳng hạn các thánh Phaolô, Augustinô, Phanxicô Xaviê đã được biến đổi thành “đất tốt” nhờ đã được đón nhận Lời Chúa gieo vào tâm hồn cách nhẫn nại và hào phóng. Thiên Chúa đang cần chúng ta có sự nhẫn nại và hào phóng đó để Nước Trời được mùa gặt bội thu!
Sống Lời Chúa: Việt Nam đã hơn 400 năm đón nhận Tin Mừng, nhưng còn khá nhiều ‘đất hoang’. Đừng trì hoãn nữa, nhưng hãy gieo Lời Chúa cách hào phóng trong mọi sinh hoạt thường ngày.
Cầu nguyện: Hát kinh Hoà Bình.

 
 -------------------------------------
 
25/01/2018                                                                                 THỨ NĂM TUẦN 3 TN
Thánh Phaolô tông đồ trở lại                                                                     Mc 16,15-18
 
CUỘC GẶP GỠ ĐỔI ĐỜI
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15)
Suy niệm: Biến cố trên đường Damascus được thuật lại đến ba lần trong sách Công vụ Tông đồ (9,1-22; 22,3-16; 26,9-18). Ta không lạ gì vì đó là khúc Khải hoàn ca của Giáo hội tiên khởi, là cuộc gặp gỡ tạo sự “xoay chiều” ngoạn mục giữa chàng trai trẻ Saolô và Đức Giêsu. Cuộc trở lại (hay đúng hơn, cuộc hoán cải) của thánh Phaolô là hoa thơm trái ngọt của cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh, Người mà anh đang “bắt bớ.” Anh đã đụng chạm đến ân sủng của Ánh sáng thần linh (9,3; 22,6; 26,13) và “tin vào Tin Mừng.” Từ một người đi bắt bớ Đạo, anh bị chính Đấng là Con Đường ấy “bắt lấy”, dùng anh như khí cụ và là chứng nhân cho Mầu nhiệm Tử nạn - Phục sinh của Ngài (x. Cv 9,15; 22,15; 26,15-18), để anh “ra đi và loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).
Mời Bạn: Dù Bạn là ai, đang làm gì hay ở bậc sống nào, hãy buông mình để gặp gỡ Thầy Giêsu, để Ngài “bắt lấy.” Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng sự thật là Bạn đang được yêu. Vì, “đối với những ai yêu mến, Thiên Chúa biến đổi tất cả thành tốt; ngay cả những sai lầm và tội lỗi của họ, Thiên Chúa cũng biến đổi chúng thành tốt” (Thánh Augustinô).
Sống Lời Chúa: Xác tín như thánh Phaolô: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi” (Pl 1,21).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, có biết bao cuộc gặp gỡ trong ngày sống của con: trong đời thực cũng như qua mạng internet. Thế nhưng, xin cho con biết dành những giây phút thinh lặng gặp Chúa, tâm hồn được lắng đọng, an bình. Con biết con thật sự cần Chúa và ước mong được Chúa biến đổi. Amen.

 
 -------------------------------------
 
26/01/2018                                                                                 THỨ SÁU TUẦN 3 TN
Thánh Timôthê và Titô, giám mục                                                                 Lc 10,1-9
 
LÀM CHỨNG CHO TIN MỪNG
“Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.” (Lc 10,3)
Suy niệm: Ai được mời gọi gặt lúa? Không phải chỉ là nhóm Mười Hai tông đồ hay 72 môn đệ, mà là mọi người thuộc mọi dân nước. Hôm nay Hội Thánh có hai mẫu gương là thánh Timôthê và Titô. Các ngài được Chúa sai đi rao giảng Tin Mừng; và các ngài đã như “chiên con giữa bầy sói” chịu nhiều đau khổ vì Tin Mừng ấy. Timôthê được thánh Phaolô gửi đi truyền giáo và bị bắt tại Rôma. Cũng là môn đệ thánh Phaolô, thánh Titô rất hăng say trong việc tông đồ, kết hợp mật thiết với Đức Kitô, sống bác ái và kiên nhẫn trong mọi hoàn cảnh dù gặp nhiều đau khổ. Cuộc đời và công cuộc truyền giáo của hai ngài đã minh chứng sứ điệp Lời Chúa hôm nay: Nước Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta, Nước của tình yêu và bình an, Nước của công lý và sự thật.
Mời Bạn: Chúa cũng sai bạn làm chứng nhân giữa đời. Bằng đời sống của bạn, một đời sống luôn bao dung tha thứ, biết chia sẻ và cảm thông, tin tưởng và đạo đức, bạn hãy làm cho Tin Mừng mà bạn rao giảng thực sự đáp ứng những khát khao sâu thẳm của con người hôm nay, đó là an bình, niềm tin, hạnh phúc và yêu thương noi gương hai thánh Timôthê và Titô.
Sống Lời Chúa: Hãy can đảm làm chứng cho Chúa hằng ngày dù có đau khổ trăm bề: “Vì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ” (2 Tm 1,7).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, thế giới hôm nay đầy bạo lực, vô cảm giữa người với người. Xin ban cho con ơn can đảm để con dám loan báo về tình yêu Chúa trong môi trường sinh sống, làm việc của mình. Amen.

 
-------------------------------------
 
27/01/2018                                                                                 THỨ BẢY TUẦN 3 TN
Thánh Angela Merici, trinh nữ                                                                     Mc 4,35-41
 
BIẾT SỢ CÁI ĐÁNG SỢ
“Thầy ơi chúng con chết mất, Thầy chẳng lo gì sao?” Chúa Giêsu thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi, câm đi!” (Mc 4,38-39)
Suy niệm: Từ bao đời nay, con người vẫn bị ám ảnh bởi nhiều nỗi lo sợ. Sợ bệnh tật, tai nạn, thất nghiệp, chết chóc, sợ không biết ngày mai ăn gì, mặc gì… Lo sợ chiếm phần lớn thời gian cuộc đời. Niềm vui có đó rồi qua đi chứ nỗi lo, nỗi sợ rình rập quanh ta hằng ngày hằng giờ. Thực ra có nhiều khi người ta lo sợ hão huyền, sợ cái không đáng sợ. Tuy nhiên cũng có những cái sợ hữu lý, vì nếu không biết sợ sẽ làm hỏng công việc và mạng sống ta. Chiếc thuyền của thầy trò Chúa Giêsu và các môn đệ thật là nhỏ bé, mong manh trong cơn sóng dữ giữa biển hồ Galilê. Tình cảnh đó thực là đáng sợ. Nhưng Chúa Giêsu nói với họ “đừng sợ” bởi vì có “Thầy ở đây.” Chúa cho các ông và chúng ta ý thức cần phải tựa vào Ngài luôn luôn, vì Ngài là khiên che thuẫn đỡ cho đời ta. Biết sợ là biết mình bất lực, cần một nơi, một người để tựa nương. Đấng đó, không ai bằng Chúa.
Mời Bạn: Bạn sợ nhất cái gì? Phải chăng là cái chết? Chúa Giêsu dạy điều đáng sợ nhất không phải là những thế lực chỉ giết được thân xác, mà là tội lỗi vì nó sẽ khiến chúng ta phải trầm luân cả xác với hồn trong hoả ngục (x. Mt 10,28). Vậy khi đối diện với những nỗi lo sợ ở đời này, bạn chạy đến với Chúa là nguồn trợ lực vô song và luôn tránh xa mọi tội lỗi. Như thế, bạn không còn phải sợ hãi điều gì.
Sống Lời Chúa: Mỗi khi gặp cơn lo sợ, bạn lặp lại lời Chúa Giêsu: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này.” (Ga 12,27).
Cầu nguyện:  Đọc kinh Lạy Cha với tâm tình con thơ phó thác mọi sự trong tay Cha.

 
-------------------------------------

28/01/2018                                                                        CHÚA NHẬT TUẦN 4 TN - B
                                                                                                           Mc 1,21-28
 
LỜI SỨC MẠNH VÀ SỰ SỐNG
Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền. (Mc 1,22)
Suy niệm: Trong khi các kinh sư, là các chuyên viên về luật, chỉ dựa vào lời các bậc thầy để giải thích sách Luật, Đức Giêsu giảng dạy như không có một thẩm quyền nào cao hơn. Ngài giải thích Kinh Thánh như đó là lời thốt ra từ chính bản thân Ngài, rõ ràng và dứt khoát, với thẩm quyền tối thượng của Thiên Chúa. Chính cung cách đặc biệt này đã thuyết phục cử tọa, khiến họ sửng sốt. Lời uy quyền ấy không chỉ đánh động tâm hồn người nghe, nhưng còn có sức xua trừ ma quỷ. Đang khi các thầy trừ quỷ của Do Thái và dân ngoại phải dùng nhiều nghi lễ và thần chú rườm rà, Đức Giêsu chỉ cần phán một lời, quỷ dữ phải gào thét và xuất khỏi người bị ám.
Mời Bạn: Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới năm 2008 mời gọi: “Hãy để Lời Chúa vang lên lúc khởi đầu ngày sống, ngõ hầu Chúa là người nói đầu hết. Hãy để Lời Chúa vang vọng trong anh chị em vào buổi tối, để Chúa là người nói cuối cùng.” Bạn hãy ghi nhận và thực hiện lời mời gọi trên, để bạn, gia đình, và cộng đoàn bạn được Lời Chúa hướng dẫn 24/24 giờ mỗi ngày.
Chia sẻ: Lý tưởng bạn đang theo đuổi có hợp với người môn đệ Chúa Kitô không? Lời Ngài có là ánh sáng soi lối cho bạn trong cuộc sống không?
Sống Lời Chúa: Tôi tâm niệm lời Thánh Vịnh: “Hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa. Người phán: Anh em đừng cứng lòng nữa.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã ban cho con ơn gọi làm người và làm con Chúa. Xin cho con sống tốt đẹp ơn gọi này, để thuộc trọn về Chúa và xứng đáng với tình yêu Chúa. Amen.

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 266
  •   Máy chủ tìm kiếm 13
  •   Khách viếng thăm 253
 
  •   Hôm nay 55,917
  •   Tháng hiện tại 1,087,925
  •   Tổng lượt truy cập 79,836,609